CHƯƠNG 3: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.4. Phương pháp nghiên cứu
3.4.2. Nghiên cứu định tính
3.4.2.2. Nghiên cứu định tính – Điều chỉnh thang đo
Mô hình nghiên cứu gồm 11 khái niệm, trong đó có 09 khái niệm tiềm ẩn (gồm minh bạch TTKT, sự hỗ trợ của nhà lãnh đạo, sự am hiểu của kế toán trưởng, sự am hiểu của kế toán viên, mức độ đáp ứng của thiết bị phần cứng, mức độ đáp ứng của thiết bị phần mềm, mức độ đáp ứng của công nghệ truyền thông, đặc điểm văn hóa tổ chức của đơn vị, đặc điểm cơ cấu tổ chức của đơn vị) và 2 khái niệm có thể quan sát được. Thang đo của 09 khái niệm tiềm ẩn trong mô hình nghiên cứu đều kế thừa từ các nghiên cứu nước ngoài nhưng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm đặc thù của đơn vị SNCL cũng như phù hợp với văn hóa của Việt Nam.
v Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp điều chỉnh thang đo dựa trên cơ sở kết hợp của hai phương pháp xây dựng và đánh giá thang đo: (1) Phương pháp truyền thống của Churchill (1979) và mô hình C-OAR-SE (Rossiter, 2002) (Nguyễn Đình Thọ, 2007). Trong đó:
- Phương pháp xây dựng và kiểm định thang đo truyền thống do Churchill đưa ra và được Steenkamp và van Trijp (1991) điều chỉnh cho phù hợp với phân tích cấu trúc bậc hai gồm 08 bước: xác định nội dung của khái niệm nghiên cứu dựa trên lý thuyết đã có; xây dựng các tập biến quan sát để đo lường nội dung khái niệm nghiên cứu dựa trên lý thuyết, kinh nghiệm...; thu thập dữ liệu; điều chỉnh thang đo dựa vào kết quả của hệ số tin cậy alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA; thu thập dữ liệu; đánh giá hệ số tin cậy Cronbach alpha; đánh giá giá trị qua phân tích CFA; và phát triển chuẩn cho thang đo. Phương pháp này sử dụng rất phổ biến để phát triển thang đo trong nhiều ngành khoa học hành vi (Finn và Kayande, 2005). Tuy nhiên, một trong các nhược điểm cơ bản của quy trình này là phụ thuộc quá nhiều vào phương pháp xử lý thống kê với những tiêu chuẩn loại bỏ biến rất máy móc dẫn đến việc vi phạm giá trị nội dung (Rossiter, 2002).
- Phương pháp C-OAR-SE (construct definition-object classification, attribute classification, rater identification- scale formation, enumeration) của Rossiter (2002) bao gồm 6 bước chính: định nghĩa khái niệm nghiên cứu; xếp loại sự vật (sản phẩm, dịch vụ…) nghiên cứu;
xếp loại thuộc tính của sự vật; nhận dạng đối tượng nghiên cứu (người đánh giá); xây dựng các biến quan sát; xây dựng chuẩn. Quy trình C-OAR-SE có ưu điểm là nhấn mạnh vào quy trình tạo nên giá trị nội dung của thang đo với phần trung tâm OAR. Phương pháp truyền thống mặc dù nội dung khái niệm vẫn là khâu đầu tiên quan trọng trong quá trình xây dựng và đánh giá thang đo nhưng hệ thống liên kết “sự vật-thuộc tính-đối tượng nghiên cứu” chưa được xem xét một cách cụ thể và toàn diện, đặc biệt là chưa làm rõ đối tượng nghiên cứu.
Thep phương pháp C-OAR-SE, đối tượng nghiên cứu là một thành phần của quá trình xây dựng nội dung của khái niệm nghiên cứu (Nguyễn Đình Thọ, 2007). Tuy nhiên, C-OAR-SE thiếu hẳn đánh giá thực tiễn của thang đo (Finn và Kayande, 2005).
Từ phân tích ưu và nhược điểm của hai phương pháp, nghiên cứu này sẽ kết hợp ưu điểm cả hai phương pháp để điều chỉnh thang đo. Nghĩa là áp dụng quy trình C-OAR-SE nhưng vẫn đánh giá độ tin cậy và giá trị của chúng dựa theo hệ số Cronbach alpha và phân tích nhân tố khẳng định CFA trên cơ sở đảm bảo giá trị nội dung của khái niệm nghiên cứu.
v Quy trình điều chỉnh thang đo
Dựa trên sự kết hợp phương pháp xây dựng thang đo của Churchill (1979) và C-OAR-SE của Rossiter (2002), quy trình điều chỉnh thang trong nghiên cứu này như sau:
Bước 1: Xác định nội dung và thang đo các khái niệm nghiên cứu
Dựa trên các nghiên cứu trước để xác định các khái niệm nghiên cứu và thang đo cho các khái niệm trong mô hình nghiên cứu. Hai nội dung của bước này đã được trình bày lần lượt ở mục 3.3.1 và 3.3.3.2. Như đã trình bày trong các phần trước, tất cả các thang đo trong nghiên cứu này đều được kế thừa từ các thang đo đã có trên thế giới. Nghiên cứu này chỉ điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với đặc điểm đơn vị SNCL của Việt Nam.
Bước 2: Dịch tập thang đo của các khái niệm nghiên cứu Mục tiêu
Do thang đo kế thừa từ các nghiên cứu nước ngoài nên để đảm bảo các biến quan sát được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt được đúng nghĩa, không bị sai lệch và phù hợp với văn hóa Việt Nam thì trước hết cần sự hỗ trợ của chuyên gia (Brislin, 1970). Nghiên cứu này đã áp dụng quy trình dịch thuật của Brislin (1970) gồm 03 bước: (1) dịch bảng câu hỏi gốc từ tiếng Anh sang tiếng Việt, (2) dịch phiên bản tiếng Việt đã dịch sang tiếng Anh, và (3) so sánh phiên bản ngược với bản câu hỏi gốc. Mục đích của quá trình này là đảm bảo sự nhất quán về ý nghĩa giữa bản câu hỏi gốc và bản dịch tiếng Việt.
Đối tượng nghiên cứu và mẫu nghiên cứu
Mẫu nghiên cứu gồm 06 chuyên gia, trong đó 03 chuyên gia trong lĩnh vực kế toán có trình độ ngoại ngữ cao (cả 03 chuyên gia tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành kế toán nước ngoài). Lý do của việc lựa chọn các chuyên gia này vì họ sẽ hiểu rõ được nghĩa của ngôn ngữ tiếng Anh nói chung và sử dụng trong lĩnh vực kế toán nói riêng. Ngoài ra, tác giả còn thảo luận thêm với 03 chuyên gia khác cũng có trình độ ngoại ngữ cao và có sự am hiểu về kế toán để điều chỉnh một số thuật ngữ còn đang tranh cãi cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Các chuyên gia đều
là giảng viên của trường Đại học và có kinh nghiệm từ 7 năm trở lên. Nguyên tắc lựa chọn số lượng chuyên gia dựa trên điểm bão hòa (Nguyễn Đình Thọ, 2012). Xác định mẫu nghiên cứu theo phương pháp thuận tiện dựa trên sự quen biết và sự đồng ý hợp tác của các chuyên gia.
Quy trình thực hiện phân tích dữ liệu
Thu thập dữ liệu cho giai đoạn này được thực hiện bằng cách gửi bảng câu hỏi cấu trúc chi tiết đã được thiết kế sẵn đến các chuyên gia có liên quan và được thực hiện qua email (Bảng câu hỏi chuyên gia dịch nghĩa ở phụ lục 06 trang 27PL). Trước hết tác giả sẽ tự dịch bảng câu hỏi này, sau đó sẽ gửi bảng câu hỏi đến 02 chuyên gia để thực hiện dịch xuôi (dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt). Sau khi nhận phản hồi từ các chuyên gia dịch nghĩa sẽ so sánh với bản dịch gốc của chính tác giả, từ đó điều chỉnh các khác biệt. Nếu có sự khác biệt quá lớn về ý nghĩa dịch giữa các chuyên gia, tác giả sẽ gặp riêng các chuyên gia để thảo luận về các nội dung đó. Thực hiện thu thập ý kiến chuyên gia trong giai đoạn này theo trình tự là phải hoàn tất điều chỉnh bảng câu hỏi theo ý kiến của từng chuyên gia dịch thuật trước khi thu thập ý kiến chuyên gia tiếp theo để điều chỉnh bảng câu hỏi về mặt từ ngữ, cấu trúc. Tiếp theo, sau khi hoàn tất việc dịch xuôi, bản dịch này sẽ được gửi đến 01 chuyên gia dịch ngược (từ tiếng Việt sang tiếng Anh). Cuối cùng, một số thuật ngữ còn gây tranh cãi giữa các chuyên gia được tác giả đem ra thảo luận nhóm và thảo luận tay đôi với các chuyên gia ban đầu kết hợp với một số chuyên gia khác để thống nhất. Tổng hợp phân tích ý kiến chuyên gia dịch nghĩa được trình bày ở phụ lục 7 trang 32PL.
Bước 3: Điều chỉnh thang đo của các khái niệm nghiên cứu Mục tiêu
Để có một bảng câu hỏi đạt chất lượng cao thì sau khi thiết kế xong sẽ qua nhiều lần thử và sửa chữa để hoàn chỉnh trước khi được dùng để khảo sát. Do đó, bảng câu hỏi đã được dịch này sẽ được gửi đến một số chuyên gia để điều chỉnh lại từ ngữ dễ gây nhầm lẫn, không rõ ràng, trình bày không thống nhất để hoàn thiện bảng câu hỏi cho phù hợp với thực tiễn và giảm sự sai lệch trong khâu thu thập dữ liệu ở bước nghiên cứu định lượng kế tiếp (Nguyễn Đình Thọ, 2012).
Đối tượng nghiên cứu và mẫu nghiên cứu
Mẫu nghiên cứu trong bước thực hiện này gồm 04 chuyên gia: 01 chuyên gia học thuật – là người có am hiểu về kế toán và phương pháp nghiên cứu nhằm thu thập được những góp ý làm cho bảng câu hỏi có thể đạt hiệu quả nhất khi thực hiện khảo sát; và 03 chuyên gia là những người làm thực tế và có kinh nghiệm lâu năm (từ 5 năm trở lên) - đối tượng sẽ tham gia vào khảo sát chính thức. Mục đích khảo sát đối tượng làm thực tế nhằm đảm bảo đối tượng khảo
sát chính thức có thể hiểu được đầy đủ ý nghĩa của bảng câu hỏi. Số lượng chuyên gia cũng được xác định dựa trên điểm bão hòa. Xác định mẫu nghiên cứu theo phương pháp thuận tiện dựa trên sự quen biết và sự đồng ý hợp tác của các chuyên gia.
Quy trình thực hiện phân tích dữ liệu
Thu thập dữ liệu cho giai đoạn này được thực hiện bằng cách gửi bản dịch sau khi điều chỉnh ở bước trên đến các chuyên gia có liên quan và được thực hiện qua email lẫn phỏng vấn trực tiếp. Bảng câu hỏi trước hết gửi đến chuyên gia học thuật, sau đó hoàn thiện theo các góp ý của chuyên gia học thuật và gửi đến chuyên gia thực tế. Các điều chỉnh ở bước này không làm thay đổi ý nghĩa của câu hỏi.
Kết quả thu thập ý kiến chuyên gia điều chỉnh thang đo trình bày trong chương 4 (mục 4.2.2).
Bước 4
Đánh giá giá trị của thang đo qua phân tích nhân tố khẳng định CFA. Sau khi hoàn tất phân tích dữ liệu ở bước 03 sẽ điều chỉnh lại bảng câu hỏi và bảng này được dùng để khảo sát để đánh giá giá trị thang đo. Để giảm tính trùng lắp, bước thực hiện này được trình bày chung ở phần phương pháp nghiên cứu định lượng ở mục 3.4.3 và kết quả đánh giá giá trị thang đo được trình bày ở chương 4 (mục 4.3).