Vấn đề đặc trưng phản ánh nghệ thuật ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam thời kì đổi mới nhìn từ đặc trưng phản ánh nghệ thuật (Trang 20 - 28)

Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.1. Về đặc trưng của phản ánh nghệ thuật

1.1.2. Vấn đề đặc trưng phản ánh nghệ thuật ở Việt Nam

Ở Việt Nam, vấn đề đặc trưng phản ánh nghệ thuật cũng đã được đặt ra dưới những hình thức khác nhau. Thành tựu của mỹ học nước nhà có sự khởi điểm chủ yếu từ khi bước sang thế kỷ XX. Tuy những quan điểm về mỹ học, cụ thể là những ý kiến bàn về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực đã được manh nha từ thời trung đại.

Nửa đầu thế kỷ XX, khi văn hóa phương Tây bắt đầu ảnh hưởng sâu rộng đối với văn hóa Việt Nam, nền văn học dân tộc bắt đầu chuyển mình theo hướng hiện đại hóa, đâu đó ta cũng bắt gặp những ý kiến của các học giả bàn về nghệ thuật nói chung, trong đó, ít nhiều có đề cập đến vấn đề đặc trưng của phản ánh nghệ thuật.

Trong tác phẩm Việt Hán văn khảo, Phan Kế Bính khi lí giải nguồn gốc các thể văn đã viết: “Cảnh tượng của tạo hóa biểu hiện ra trước mắt ta, nghìn hình muôn trạng làm cho ta phải nhìn phải ngắm, phải nghĩ ngợi ngẩn ngơ. Ta cứ theo cảnh tượng ấy mà tả ra thì gọi là văn chương tả cảnh. Công việc của cuộc đời, xảy đến mắt ta, chạm đến tai ta, việc gần việc xa, việc lớn việc nhỏ, có việc ta ghét, có việc ta ưa, làm cho ta phải khen phải chê, phải cười, phải khóc. Ta cứ theo công việc đó mà ghi chép lại thì gọi là văn chương tự sự hay là nghị luận. Cảnh ngộ của một mình, khi gặp được cảnh sung sướng, khi gặp phải cảnh chua cay. Ta nhân cái cảnh ngộ đó, ta muốn giải tỏ cái tình của ta thì gọi là văn chương tình tự hay là thuật hoài” [29, tr.170]. Với quan điểm trên, tác giả đã nhận ra một hiện thực đời sống vô cùng phong phú, đa dạng và đứng trước hiện thực ấy nhà văn có quyền lựa chọn đối tượng phản ánh thích hợp theo nhu cầu thẩm mỹ của mình.

Đến giai đoạn 1932 - 1945, khi quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam bước vào giai đoạn hoàn tất cũng là thời điểm nở rộ những khuynh hướng phê bình khác nhau và nhiều chủ đề được các nhà nghiên cứu quan tâm. Bên cạnh sự tranh

luận về thơ mới - thơ cũ, về vấn đề Vũ Trọng Phụng, về Truyện Kiều thì vấn đề tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” (1935 - 1939) đã phần nào thể hiện chủ kiến của các nhà nghiên cứu về phản ánh nghệ thuật. Thiếu Sơn - người châm ngòi cho cuộc tranh luận, cũng là người hăng hái nhất trong số những người đề cao quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật”, trong bài viết Hai cái quan niệm văn học, đã phê phán quan điểm của Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Học, đề cao văn chương giáo huấn, tải đạo, coi đó là văn có ích, còn xem thơ, tiểu thuyết chỉ là thứ văn chơi, không có giá trị gì: “Theo ông Phạm thì văn chương phải chia ra làm hai: “văn chương chơi” và “văn chương có ích”. Cụ Nguyễn thì chỉ công nhận những sách có kinh luân trong xã hội, có quan hệ đến nước nhà, còn nhất thiết những thứ văn chương khác đều cho là phù phiếm vô bổ không đáng một đồng tiền kẽm! Nói như hai ngài thì văn sĩ tất phải là một nhà giáo dục và những công trình văn nghiệp đều cần là những sách giáo khoa nếu không là những sách giáo khoa cho các trường thì cũng là sách dạy đời giữa công chúng” [168, tr.531]. Thể hiện quan điểm trái ngược với Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Học, Thiếu Sơn khẳng định thơ văn cũng như tiểu thuyết có lắm “tình tứ tân kỳ, lắm tinh thần mới mẻ, diễn xuất ra bằng những cái nghệ thuật rất đẹp đẽ, gọn gàng” [168, tr.531]. Theo quan điểm của Thiếu Sơn, đây mới chính là thứ văn chương đích thực có khả năng tồn tại cùng với thời gian: “... rồi đây, theo luật tiến hóa, ở văn học sử Việt Nam cũng sẽ như văn học sử các nước, những công trình sáng tạo thì còn mà những công trình khảo cứu sẽ chết” [168, tr.531]. Theo Trần Đình Sử, quan điểm của Thiếu Sơn là rất quan trọng, nó nêu lên tính chất thẩm mĩ của nền văn học mới, mà hai ông Quỳnh, Học, vì quan điểm thủ cựu trong vấn đề này nên đã hạ thấp vai trò và giá trị của văn học nghệ thuật. Ở thời điểm đó, Hoài Thanh và Lê Tràng Kiều cũng đồng thuận với quan điểm của Thiếu Sơn. Họ luôn khẳng định bản chất thẩm mĩ của văn chương phải được đề cao trước nhất. Trong bài viết Văn chương là văn chương (Đáp lại bài Phê bình văn nghệ của Hải Triều) Hoài Thanh cho rằng: “Người ta vẫn có thể đứng về phương diện xã hội phê bình một văn phẩm cũng như người ta có thể phê bình về phương diện triết lý, tôn giáo, đạo đức,v.v.. Nhưng có một điều không nên quên là bao nhiêu phương diện ấy đều là phương diện phụ. Văn chương muốn gì thì trước hết cũng phải là văn chương đã” [168, tr. 576-577]. Ý kiến của Hoài Thanh cho thấy khi nhìn nhận đánh giá một tác phẩm văn học, ông luôn đề cao và quan tâm trước hết đến vẻ đẹp đích thực của nghệ thuật ngôn từ qua quá trình sáng tạo của chủ thể rồi sau đó mới xét đến khía cạnh phục vụ xã hội của tác phẩm văn học.

Ở bên kia “chiến tuyến”, Hải Triều, Bùi Công Trừng, Lâm Mộng Quang… là những người bảo vệ đến cùng quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh”, khẳng định phải gắn nghệ thuật với đời sống xã hội, văn chương phải biến thành vũ khí để đấu tranh tư tưởng. Họ nhất loạt đề cao “văn chương tả thực” và luôn coi vai trò, tác dụng của văn chương với thực tiễn xã hội, nguồn gốc của văn chương xuất phát từ nhu cầu xã hội, cứu cánh của văn chương là phục vụ cho nhân sinh. Trong bài viết Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh (Đáp lại Thiếu Sơn), Hải Triều nhấn mạnh: “Trái với phái nghệ sĩ duy tâm, chúng tôi bao giờ cũng chủ trương nghệ thuật là một cái sản vật của sự sinh hoạt xã hội (L‟art est un produit de la vie sociale): những trạng thái sinh hoạt giữa xã hội phản chiếu và trong tâm trí người ta, sinh vui, sinh buồn, sinh giận, sinh tiếc, sinh chán, sinh tham... Nghệ thuật sắp đặt những tình cảm ấy cho có hệ thống rồi diễn ra thành những hình ảnh thiết thực, hoặc bằng lời nói, bằng câu văn, bằng âm điệu, bằng vận động (như nhảy múa) hoặc nhiều cách kiểu khách có hình thức rõ ràng như kiến trúc, đắp tượng... [168, tr. 554]. Ý kiến trên của Hải Triều đã bộc lộ rõ quan niệm văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội. Tính chân thực của sự phản ánh trong tương quan so sánh với những trạng thái sinh hoạt xã hội chính là thước đo giá trị của tác phẩm. Đây cũng chính là quan niệm thống trị trong lý luận văn học marxit về đặc trưng phản ánh của văn học.

Cuộc tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” có khai mạc và bế mạc nhưng kết quả cuối cùng không ngã ngũ về bên nào. Tất cả những ý kiến rất hùng hồn và sôi nổi ấy đã chứng tỏ mối quan hệ giữa văn học và hiện thực đã thực sự được quan tâm một cách nghiêm túc ở nước ta. Đây có thể coi là dấu mốc quan trọng cho sự khởi nguyên của lý luận về phản ánh nghệ thuật tại Việt Nam.

Nhìn lại tổng thể các quan điểm và ý kiến tranh luận nói trên, tuy chúng ta chưa có cơ sở để khẳng định truyền thống lý luận nước nhà có ý thức sớm về đặc trưng phản ánh nghệ thuật, nhưng vẫn có thể vui mừng vì vấn đề mang tính chất nòng cốt của mỹ học và lý luận văn học này cũng đã ít nhiều được quan tâm.

Ởmột số công trình lý luận văn học tiêu biểu trong những năm bảy mươi vẫn luôn lấy tinh thần triết học marxist làm cơ sở nền tảng cho vấn đề phản ánh nghệ thuật của mình. Với công trình Mấy vấn đề lý luận văn học (1976) các tác giả Hà Minh Đức, Hoàng Xuân Nhị, Trần Văn Bính… đã chỉ rõ đối tượng của văn học không gì khác chính là hiện thực khách quan, con người và cuộc sống xã hội. Tiêu chí để đánh giá tác phẩm chính là khả năng phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan cũng như tác động tới quá trình nhận thức của con người. Cũng trong giai đoạn này, một số cây bút còn thể hiện sự kì vọng vào một nền văn học Đổi mới

đồng thời chỉ rõ mặt hạn chế của những tác phẩm đương thời. Bài Viết về chiến tranh của Nguyễn Minh Châu trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 11 năm 1978 là bài viết đầy trăn trở và chứa sức nặng của sự ám ảnh. Nhìn chung, ông rất băn khoăn về phản ánh nghệ thuật của những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh lúc bấy giờ. Ông bày tỏ: “Hình như trong ý niệm sâu xa của người Việt Nam chúng ta, hiện thực của văn học có khi không phải là cái hiện thực đang tồn tại mà là cái hiện thực mọi người đang hi vọng, đang mơ ước” [37, tr. 35-49]. Đồng thuận với ý kiến của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến trong bài viết Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật nước ta trong giai đoạn vừa qua đăng trên Báo Văn nghệ số 23-1979 cũng đã phát biểu: “Nhìn chung, trong sáng tác hiện nay, sự miêu tả cái phải tồn tại lấn át sự miêu tả cái đang tồn tại” [72, tr. 2-3].

Như vậy, có thể thấy từ việc nhìn lại văn học viết về chiến tranh đến đánh giá lại văn học cách mạng, các ý kiến tranh luận đã đề cập đến vấn đề có ý nghĩa khái quát hơn, đó là mối quan hệ giữa văn học và hiện thực. Sau những ý kiến bàn luận sôi nổi và có giá trị của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến, Ngô Thảo, Nguyên Ngọc… về vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực và cả những ý kiến phê phán quan điểm của họ, phải mất gần mười năm sau chủ đề văn học và hiện thực mới được “hâm nóng” trở lại và lần này nó được thảo luận ở một mức độ cao hơn.

Người “nổ phát súng lệnh” cho cuộc tranh luận giai đoạn này là nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà với bài viết Về vấn đề văn học phản ánh hiện thực trên báo Văn nghệ số 20 - 1988 và cuộc hội thảo với chủ đề Văn học và hiện thực được tổ chức tại Viện văn học vào đầu năm 1989. Mở đầu bài viết của mình, Lê Ngọc Trà đã không ngần ngại chỉ ra nguyên nhân khiến nền văn học cách mạng trở nên “nghèo nàn”. Theo ông: “Tình trạng nghèo nàn của văn học cách mạng trong mấy chục năm vừa rồi có nhiều nguyên nhân: sự lãnh đạo đối với văn nghệ, mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, trình độ tư tưởng và nghề nghiệp của người sáng tác… Các bài viết và các cuộc hội thảo trong thời gian gần đây đã nói khá nhiều về những vấn đề này. Song theo chúng tôi, còn một mặt quan trọng nữa có ý nghĩa lý luận và thực tiễn lớn cần “tháo gỡ” trong nhận thức của giới lãnh đạo, sáng tác và cả lý luận phê bình, đó là vấn đề văn học và hiện thực” [178, tr.34].

Bao quát toàn bộ bài viết của Lê Ngọc Trà, người đọc nhận thấy, ông chủ yếu tập trung trả lời ba câu hỏi: Một là - Phản ánh là thuộc tính hay nhiệm vụ của văn học? Hai là - chủ thể có vai trò, vị thế ra sao trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Ba là - chúng ta đã hiểu đúng quan điểm của các nhà kinh điển về vấn đề

phản ánh nghệ thuật hay chưa? Mỗi câu hỏi đã trở thành một luận điểm lớn, giúp người viết thể hiện quan điểm khoa học của mình xuyên suốt bài viết.

Trả lời cho câu hỏi thứ nhất, Lê Ngọc Trà đã khẳng định “Phản ánh hiện thực là thuộc tính chứ không phải nhiệm vụ của văn học”. Theo ông, văn học trước hết không phản ánh hiện thực mà là “nghiền ngẫm về hiện thực”: “Trên bình diện lý luận nghệ thuật (khác với bình diện lý luận phản ánh), văn học trước hết không phản ánh hiện thực mà nghiền ngẫm hiện thực” [178, tr.30].

Bài viết của Lê Ngọc Trà đã trở thành tâm điểm thu hút nhiều các nhà nghiên cứu tham gia gia tranh luận, đối thoại. Trong số rất nhiều những ý kiến bàn luận trực tiếp hoặc gián tiếp vấn đề này, ta nhận thấy có không ít những nhà nghiên cứu đã công khai hoặc âm thầm ủng hộ quan điểm Lê Ngọc Trà như Nguyên Ngọc, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Đăng Mạnh, Đỗ Lai Thuý, Trương Đăng Dung,… Bên cạnh đó, vẫn có những tiếng nói khác với Lê Ngọc Trà như Phong Lê, Phan Cự Đệ, Lê Xuân Vũ,… Quan điểm, lập trường riêng của các nhà nghiên cứu không những không làm cho cuộc tranh luận rơi vào bế tắc mà nó còn thể hiện được mối quan tâm thích đáng mà các nhà nghiên cứu dành cho một vấn đề có ý nghĩa then chốt trong sáng tạo nghệ thuật, đồng thời làm cho cuộc tranh luận ngày càng diễn ra sôi nổi và gay cấn.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, trong bài viết Thêm một vài ý kiến về cuộc thảo luận đăng trên trang cá nhân, khi dừng lại ở bài viết Vấn đề văn học phản ánh hiện thực, bài viết gây nhiều tranh cãi hơn cả của Lê Ngọc Trà, ông phát biểu:

“Theo tôi hiểu thì ở đây, tác giả tự đặt mình trước những nhiệm vụ rất dễ thành ngược chiều nhau: vừa phải biện luận cho giới cầm bút đang có nhu cầu chính đáng là thoát khỏi quan niệm "văn học phản ánh hiện thực" đã bị thô thiển hóa (theo đó cái gọi là "hiện thực" thì bị tuyệt đối hóa thành một số dấu hiệu nhất định, còn chủ thể nhà văn thì trở nên bị động, hầu như không còn vai trò gì lớn), đồng thời lại phải lên tiếng yêu cầu văn học nói lên đậm nét sự thật về đời sống, nói lên nhu cầu đổi mới nảy sinh từ chính đời sống” [14].

Ở bài viết Văn học và hiện thực trong tầm nhìn hiện tại in trong cuốn Trên đường biên của lý luận văn học, Trần Đình Sử đã bàn sâu sắc hơn cơ sở hợp lý của mệnh đề văn học phản ánh hiện thực khi ông cho rằng: “bởi đó là mệnh đề xác định một cách tổng quát nhất mối quan hệ giữa văn học với hiện thực và thời đại, không có cách biểu đạt khác. Thuật ngữ “mô phỏng” có từ thời cổ đại. Xưa nhất, Platon hiểu “mô phỏng” (mimesis) chỉ là mô phỏng bề ngoài, chưa phải chân lí, đến Aristote đã hiểu đó là mô phỏng con người, hành động, tự nhiên. Đối với Aristote

nghệ thuật không mô phỏng cái dĩ nhiên, mà mô phỏng cái khả nhiên của thế giới để tạo ra thế giới có giá trị triết lí và thẩm mĩ. Theo ông thơ ca (tức văn học) mang đậm chất triết lí hơn lịch sử. Từ thời Phục hưng cho đến thời Cận đại, tư tưởng mô phỏng hiện thực vẫn là tư tưởng chủ yếu của phê bình. Tuy nhiên, cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác, Trần Đình Sử cũng nhấn mạnh rằng nếu coi phản ánh luận là lý thuyết duy nhất để giải thích văn học nghệ thuật là chưa đủ, vì với tư cách là nhận thức luận, phản ánh luận chưa thể đi vào các quy luật sáng tạo của văn học nghệ thuật cũng như quy luật tiếp nhận của người đọc. Để hiểu nghệ thuật người ta phải nghiên cứu quy luật sáng tạo, tâm lí học sáng tạo, ký hiệu học, tiếp nhận nghệ thuật... nhưng không vì thế mà phủ nhận văn học phản ánh hiện thực, tức là phản ánh sự kiện, kinh nghiệm, tư tưởng, tình cảm của con người trong văn học [148, tr.80-81]. Như vậy, theo Trần Đình Sử, phương diện chủ quan của phản ánh nghệ thuật là điều cần được quan tâm trong xây dựng mô hình hiện thực, nếu chỉ tập trung chú ý và đề cao quá mức vấn đề văn học phản ánh hiện thực thì sẽ dẫn đến tình trạng coi nhẹ tính năng động chủ thể sáng tạo, triệt tiêu cá tính, phong cách của nhà văn. Trần Đình Sử phát triển thêm quan điểm của Aristote, cho rằng, nghệ thuật không mô phỏng cái dĩ nhiên mà mô phỏng cái “khả nhiên” của thế giới để tạo ra thế giới có giá trị triết lí và thẩm mĩ. Ông cho rằng, chính vì là cái khả năng, nghĩa là cái chưa trở thành hiện thực, cho nên nhà văn mới có thể dùng hư cấu sáng tạo để làm cho cái khả năng tiềm tàng hiện hình lên mặt giấy cho mọi người quan sát, thể nghiệm, thực hiện chức năng dự báo của văn học. Ông viết: “Cái khả năng cho phép người ta tự do lựa chọn những yếu tố phù hợp với lí tưởng và thị hiếu thẩm mĩ nhằm thể hiện quan niệm sống của mình” [148, tr.134]. Từ đó, nhà nghiên cứu cho rằng, cái khả nhiên còn là hiện thực độc nhất vô nhị của văn học, bởi vì nó là những khả năng, cho nên thích hợp cho nghệ sĩ lựa chọn về mặt lý tưởng, tinh thần, nhận thức, tình cảm, thích hợp với trí tưởng tượng, với hư cấu sáng tạo. Phản ánh cái khả nhiên ngoài chức năng dự báo còn có chức năng giải phóng tư duy con người khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc, bất di dịch. Qua những bài viết về sau của Trần Đình Sử, chúng ta thấy, càng ngày ông càng có cái nhìn bổ sung, sâu sắc, nhất quán về phản ánh nghệ thuật.

Trong công trình Lý luận - phê bình văn học Việt Nam thời kì Đổi mới (1986 - 2005), Nguyễn Đăng Điệp đã thể hiện một cái nhìn bao quát về vấn đề văn học và hiện thực trong lý luận phê bình văn học nước ta từ trước 1986 cho đến thời kì Đổi mới, trong đó ông có nhấn mạnh: “Mặc dù những ý kiến của Lê Ngọc Trà về văn học phản ánh hiện thực có nhiều điều đáng để suy nghĩ, nhưng trong lập luận, nhiều

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam thời kì đổi mới nhìn từ đặc trưng phản ánh nghệ thuật (Trang 20 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(173 trang)
w