Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.2. Về tiểu thuyết Việt Nam sau 1986
Có sáng tác thì sẽ có phê bình, đánh giá. Đó là quy luật tất yếu, nhất là trong bối cảnh đời sống văn học mang tính đối thoại rộng mở như hiện nay. Ở Việt Nam, tạm lấy dấu mốc từ năm 1986, có thể nói đã có một sự “chấn hưng” về phương diện tinh thần và không khí sáng tác. Song song với đó, đời sống phê bình văn học cũng phát triển và có những thành tựu mới để vừa tồn tại một cách độc lập vừa đồng hành với thực tiễn sáng tác, định hướng độc giả và đáp ứng nhu cầu tinh thần của xã hội.
Mặc dù tính từ sau 1986 đến nay, không phải lúc nào tiểu thuyết cũng đóng vai trò
“thống soái” trên văn đàn. Thực tế, từ giữa những năm 90 đến năm 2000, sáng tác tiểu thuyết có phần chững lại, hầu như không có tác phẩm nào được coi là hiện tượng. Tuy nhiên, bước chững lại đó không làm cho giới phê bình lạnh nhạt với tiểu thuyết. Bởi, trong công cuộc đổi mới và cách tân văn học, tiểu thuyết vẫn là thể loại được kì vọng nhiều nhất. Từ năm 2000 đến nay, tiểu thuyết bắt đầu lấy lại khí thế và tiếp tục chinh phục độc giả, thu hút sự quan tâm của giới phê bình trong và ngoài nước.
Thực tế chứng minh, bất cứ giai đoạn văn học nào, nếu cái mới xuất hiện đồng loạt với những biểu hiện phong phú và đa dạng, thì ngay lập tức nó sẽ thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và các nhà nghiên cứu phê bình. Vấn đề tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 cũng như vậy, dù có nỗ lực khái quát hóa đến đâu, cũng khó bao quát hết những ý kiến bàn luận xoay quanh chủ đề này. Bởi câu chuyện của tiểu thuyết đương đại là “câu chuyện chưa kể hết”, chặng đường đổi mới, cách tân còn dài. Có những thành tựu đã được ghi nhận nhưng cũng còn nhiều giá trị đòi hỏi phải được sàng lọc. Mọi ý kiến khen - chê, bàn luận theo đó cũng không phải là kết luận cuối cùng để chúng ta hình dung một cách cụ thể, cứng nhắc về diện mạo tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, với hơn 30 mươi năm vận động và phát triển (kể từ năm 1986 đến nay), thực tiễn sáng tác tiểu thuyết cũng như ý kiến đánh giá, phê bình, ít nhiều cũng đủ cho chúng ta có một hình dung sơ bộ.
Để hình dung về lịch sử vấn đề, theo chúng tôi, trước hết phải kể đến những công trình có tính chất dự báo về những khuynh hướng phát triển của văn học Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có tiểu thuyết, như: Lý luận và phê bình văn học (Trần Đình Sử, 1996), Đi tìm chân lý nghệ thuật (Hà Minh Đức, 1998), Văn học Việt Nam thế kỷ XX (Nhiều tác giả, 2004),... Trong Lý luận văn phê bình văn học, trên cơ sở nghiên cứu một số hiện tượng văn chương thời kỳ Đổi mới, Trần Đình Sử cho rằng văn học Việt Nam luôn phát triển trong tính liên tục và kế thừa, nhưng mỗi thời kỳ lại có những đặc điểm riêng. Ông cho rằng: “Thực tiễn sáng tác văn học thập kỷ qua cho thấy tư duy nghệ thuật đang trở về với con người cá nhân nhưng ở trên một trình độ mới với một điểm xuất phát mới cao hơn, chất lượng hơn.
Tư duy nghệ thuật dường như đã đi giáp một vòng trôn ốc trên con đường nhận thức thể hiện con người” [147, tr. 251]. Cùng mối bận tâm đến những vấn đề lý luận có tính chất “nền móng” của sự cách tân văn học giống như Trần Đình Sử, trong công trình Đi tìm chân lý nghệ thuật, Hà Minh Đức cho rằng: “Mỗi nhà văn đều sống và sáng tác trong những điều kiện thuận lợi và giới hạn của một thời đại” [56, tr.103].
Như vậy có thể thấy, những công trình nói trên không chỉ lí
giải những tiền đề cho sự cách tân đổi mới, mà còn đặt ra những yêu cầu đối với những người cầm bút hôm nay.
Tiếp theo đó, cần phải nhắc đến các bài viết tiêu biểu ra đời trong khoảng mười năm đầu Đổi mới (1986 - 1995), như: Thử nhìn lại văn xuôi mười năm qua của Lại Nguyên Ân (Tạp chí Văn học, số 1, 2 - 1986); Văn học Việt Nam trong bước ngoặt chuyển mình của Lã Nguyên (báo Văn nghệ, ngày 5 – 11 - 1988); Văn xuôi những năm 80 và vấn đề dân chủ hóa nền văn học của Huỳnh Như Phương (Tạp chí Văn học, số 4 - 1991); Bước đi không thể đảo ngược của Vương Trí Nhàn (báo Văn nghệ, ngày 1 – 12 - 1988); Văn xuôi sau 1975 - thử thăm dò đôi nét về quy luật phát triển của Nguyên Ngọc (Tạp chí Văn học, số 4 - 7,8 - 1991);... Phần lớn, những bài viết này đều bàn đến sự vận động của tiểu thuyết trong mối quan hệ không tách rời với sự vận động, đổi mới của văn xuôi nói chung từ đầu thập kỷ tám mươi. Sở dĩ sự quan tâm mới chỉ dừng lại ở quy mô các bài viết và chưa có sự tách rời với văn xuôi, bởi đây có thể coi là giai đoạn “khởi động”. Về phía người sáng tác, đặc biệt là thế hệ mới trưởng thành sau chiến tranh, họ chưa có đủ thành tựu để định hình phong cách. Còn về phía người làm nghiên cứu, phê bình, thì việc phân tích đánh giá những tác phẩm vừa mới ráo mực, còn thơm mùi giấy, chẳng khác nào tình thế của người “vừa ăn vừa thổi”. Các nhà nghiên cứu, phê bình chưa có đủ độ lùi cần thiết về mặt thời gian để suy nghiệm, tổng kết, đánh giá. Cũng trong khoảng thời gian mười năm đầu Đổi mới, tiểu thuyết còn được quan tâm, bàn đến ở nhiều phương diện trong các cuộc hội thảo về văn xuôi đương đại. Trong hai năm (1989 - 1990), Hội đồng văn xuôi liên tiếp tổ chức hai cuộc hội thảo: Về một chặng đường văn xuôi (ngày 22/2/1989) và Về tình hình văn xuôi hiện nay (ngày 20/2/1990). Nội dung hai cuộc hội thảo này đều đã được tường thuật chi tiết trên báo Văn nghệ.
Nhìn chung, dù còn nhiều ý kiến tranh luận, thậm chí có những ý kiến trái chiều, nhưng đa số những người tham gia đều ghi nhận những chuyển biến mới của văn xuôi nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Song song với việc thừa nhận những hạn chế của văn học giai đoạn 1945 - 1975, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý văn học giai đoạn mới phải có nhiệm vụ “bù đắp” những hạn chế của gia đoạn đi trước nhưng tránh “lật ngược mọi thứ” (Bùi Hiển).
Sau chặng đường mười năm, tiểu thuyết đã từng bước khẳng định được vị trí trên văn đàn bằng những tác phẩm gây tiếng vang, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận như: Thời xa vắng (Lê Lựu), Bên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường mù (Dương Thu Hương), Đám cưới không có giấy giá thú (Ma Văn Kháng), Những mảnh đời đen trắng (Nguyễn Quang Lập), Li thân (Trần Mạnh Hảo), Thiên sứ
(Phạm Thị Hoài), Miền hoang tưởng (Nguyễn Xuân Khánh), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai)... Kể từ đây, tiểu thuyết trở thành đối tượng quan tâm chính của bạn đọc nói chung và giới phê bình nói riêng. Như chúng tôi đã nói ở trên, sự đổi mới bao giờ cũng mở ra nhiều hướng đi của tiểu thuyết, trên cơ sở đó, việc tiếp cận tiểu thuyết giai đoạn này cũng hết sức phong phú và đa dạng.
Khảo sát các hướng nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1986, ngoài những nghiên cứu trường hơp cụ thể (tác giả, tác phẩm cụ thể), chúng tôi nhận thấy có một số hướng chính sau: nghiên cứu các khuynh hướng vận động, phát triển của thể loại;
nghiên cứu những đổi mới, cách tân ở phương diện thi pháp thể loại; nghiên cứu sự vận động, đổi mới của tiểu thuyết ở phương diện phản ánh hiện thực gắn với các đề tài cụ thể.
Ở hướng nghiên cứu các khuynh hướng vận động, phát triển của thể loại tiểu thuyết Việt Nam sau 1986, tính phức tạp của vấn đề được thể hiện khá rõ. Bởi lẽ, do xuất phát từ những tiêu chí khác nhau, mỗi tác giả lại có một cách phân chia riêng.
Trong bài viết Từ sự nghiệp đổi mới nhìn lại lịch sử các mối giao lưu với văn học phương Tây hiện đại (Tạp chí Nghiên cứu Văn học, 2007), nhà nghiên cứu Phong Lê đã chia tiểu thuyết Việt Nam đương đại thành ba nhóm cơ bản, gồm: nhóm “tiểu thuyết lịch sử”; nhóm “tiểu thuyết gần như tự truyện”; và nhóm “ảnh hưởng của văn học hiện đại phương Tây” [90, tr. 52-77]. Căn cứ vào “cách thức xử lý chất liệu hiện thực trong tác phẩm”, với báo cáo tổng kết đề tài khoa học cấp Bộ mang tên Một số khuynh hướng tiểu thuyết ở nước ta từ thời điểm đổi mới đến nay (2001), tác giả Nguyễn Thị Bình chia tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến nay thành năm khuynh hướng: tiểu thuyết theo phong cách “lịch sử hóa”; tiểu thuyết theo phong cách “tự thuật”; tiểu thuyết tư liệu - báo chí; tiểu thuyết hiện thực kiểu truyền thống; tiểu thuyết theo phong cách hậu hiện đại. Và với mục đích “chỉ ra được những đặc điểm bản chất nhất của tiến trình tiểu thuyết”, tác giả đã đi sâu khảo sát hai khuynh hướng chính là khuynh hướng tiểu thuyết theo phong cách lịch sử hóa và khuynh hướng tiểu thuyết theo phong cách hậu hiện đại [24]. Tác giả Mai Hải Oanh trong bài viết Sự đa dạng về bút pháp nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới, dựa trên căn cứ về bút pháp nghệ thuật lại chia tiểu thuyết Việt Nam đương đại thành bốn dạng: bút pháp tả thực; bút pháp phúng dụ; bút pháp huyền thoại; bút pháp trào lộng, giễu nhại; bút pháp tượng trưng [194].
Bên cạnh những bài viết, công trình có xu hướng nhận diện, phân chia tiểu thuyết thành các khuynh hướng khác nhau, còn có những bài viết chỉ tập trung làm
rõ đặc điểm của một khuynh hướng. Chẳng hạn, nhiều tác giả đã định danh và sử dụng khái niệm “tiểu thuyết ngắn” để mô tả một dòng chủ lưu của tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Trong bài viết Thử nhận diện loại tiểu thuyết ngắn ở Việt Nam trong những năm gần đây, trên cơ sở những gợi ý từ bài viết Về những tiểu thuyết ngắn (On writing short books) của tác giả Kristjana Gunnars (in trên tạp chí World Literature Today, số tháng 5- tháng 8/2004) do Hải Ngọc dịch, kết hợp với những hiểu biết về tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Ngô Văn Giá nhận định: “Có một khuynh hướng tiểu thuyết ngắn đã hình thành ở Việt Nam” [62].
Cùng quan điểm với Ngô Văn Giá, Bùi Việt Thắng với bài viết Dòng tiểu thuyết ngắn trong văn học Việt Nam thời kì đổi mới (Tạp chí Nhà văn số 10/2000) cũng cho rằng “tiểu thuyết ngắn” đã thực sự trở thành một khuynh hướng chính, một dấu hiệu nổi bật thể hiện sự đổi mới cách tân về phương diện cấu trúc của tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
Ngoài khuynh hướng “tiểu thuyết ngắn”, nhiều khuynh hướng khác cũng được các nhà nghiên cứu phê bình quan tâm, lí giải như: tiểu thuyết mang dấu ấn
“hậu hiện đại”, tiểu thuyết theo khuynh hướng “tiểu thuyết lịch sử”, và tiểu thuyết có khuynh hướng “tự truyện”. Khuynh hướng tiểu thuyết mang dấu ấn “hậu hiện đại” là chủ đề của nhiều bài viết như: Dấu ấn hậu hiện đại trong văn học Việt Nam sau 1986 (Báo Văn nghệ, 2007) của Phùng Gia Thế; Những dấu hiệu của chủ nghĩa hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài (Tạp chí Nghiên cứu văn học, 2007), Văn xuôi hậu hiện đại Việt Nam: Quốc tế và bản địa, cách tân và truyền thống của Lã Nguyên; Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI, từ góc nhìn hậu hiện đại (Tạp chí Văn nghệ quân đội, 2010) của Thái Phan Vàng Anh... Điểm chung của các bài viết này là đều khẳng định văn xuôi Việt Nam sau 1986 đã có nhiều dấu hiệu hậu hiện đại. Tuy nhiên, nó chưa phát triển thành một trào lưu rộng lớn như ở các nước phương Tây. Bên cạnh đó, Lã Nguyên cũng lưu ý:
“Không nên hiểu hậu - hiện đại chỉ đơn giản là sau - hiện đại. Từ trong bản chất, chủ nghĩa hậu hiện đại là sự phản ứng và phê phán đối với chủ nghĩa hiện đại. Mà sự phê phán đối với chủ nghĩa hiện đại thì có thể xuất phát từ hai phía: hậu - hiện đại, hoặc tiền - hiện đại” [124, tr.127]. Quan tâm đến khuynh hướng tiểu thuyết lịch sử, có thể nhắc đến các bài viết: Về tiểu thuyết lịch sử của Trần Đình Sử; Tiểu thuyết lịch sử của Lại Nguyên Ân; Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam: tiểu thuyết hay truyện kể của Hoài Nam; Tiểu thuyết Việt Nam đương đại, suy nghĩ từ những tác phẩm mang chủ đề lịch sử của Phạm Xuân Thạch... Hầu hết các bài viết đều chú ý phân biệt giữa tiểu thuyết lịch sử với truyện sử, kí sự lịch sử và chỉ ra những đổi
mới, cách tân trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại. Theo Trần Đình Sử:
“Về nội dung lịch sử cũng cần nhìn thấy có nhiều cấp độ, có thể có sự kiện và nhân vật lịch sử nổi tiếng, mà cũng có thể chỉ có sự kiện lịch sử, có thể tái hiện như bức tranh hiện thực, mà cũng có thể chỉ là ngụ ngôn” [151]. Bàn về tiểu thuyết có khuynh hướng tự truyện, luận án Tiểu thuyết có khuynh hướng tự truyện trong văn học Việt Nam đương đại của tác giả Đỗ Hải Ninh là một công trình đáng chú ý. Ở công trình này, Đỗ Hải Ninh đã coi sự xuất hiện của khuynh hướng tiểu thuyết tự truyện trong ba mươi năm Đổi mới như một minh chứng cho sự thay đổi hệ hình tư duy trong văn học nước nhà. Mặc dù đây là công trình giàu tính lí luận và thực tiễn, tuy nhiên, cũng giống như nhiều công trình khác có xu hướng “khoan sâu” vào một khuynh hướng nên nó chưa giúp người đọc hình dung hết được diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 [142].
Nhìn bao quát, hướng nghiên cứu các khuynh hướng vận động, phát triển của thể loại đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu, đồng thời cũng có những đóng góp tích cực trong việc nắm bắt các xu hướng phát triển của thể loại, cổ vũ tinh thần lực lượng sáng tác. Tuy nhiên, do xuất phát từ nhiều tiêu chí khác nhau, việc phân chia các khuynh hướng cho đến thời điểm này chưa có tiếng nói thống nhất.
Bên cạnh hướng nghiên cứu các khuynh hướng vận động, phát triển của thể loại, thì hướng nghiên cứu về những cách tân thi pháp thể loại cũng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Ở hướng tiếp cận này, hầu hết các nhà nghiên cứu đều chú ý đến những thay đổi có tính chất đột phá, mang ý nghĩa cách tân mạnh mẽ về các phương diện khác nhau thuộc về thi pháp thể loại của tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 như: kết cấu, nhân vật, ngôn ngữ, bút pháp, giọng điệu... Có thể điểm qua một số bài viết, chuyên luận và một số luận án tiến sĩ tiêu biểu như: bài viết Nhìn lại những vước đi - lắng nghe những tiếng nói (Lã Nguyên); Một cách tiếp cận tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới; Ý thức cách tân trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975; Bước đầu nhận diện tiểu thuyết Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI; Ngôn ngữ tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Bích Thu); Đôi nét về một hướng thử nghiệm của tiểu thuyết Việt Nam từ cuối thập kỷ 80 đến nay (Nguyễn Thị Bình); Bàn về tiểu thuyết;
Tiểu thuyết đương đại (Bùi Việt Thắng); Những cách tân tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Mai Hải Oanh);... Luận án tiến sĩ Con người trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới (Nguyễn Thị Kim Tiến); Ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Đinh Thị Thu Hà); Người kể chuyện trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Thái Phan Vàng Anh);…
Trong bài viết Nhìn lại những vước đi - lắng nghe những tiếng nói, nhà nghiên cứu Lã Nguyên đã khẳng định: “Bức tranh văn học Việt Nam sau 1975 phong phú, đa dạng với nhiều bè bối tương đối phức tạp. Nó là sản phẩm của nhiều thế hệ cầm bút có quan điểm nghệ thuật rất khác, thậm chí đối lập, trái ngược nhau”
[124, tr.93]. Từ việc theo dõi kĩ từng bước đi của đời sống văn học đương đại, tác giả đã chia cuộc vận động đổi mới của văn học Việt Nam thành 3 giai đoạn: 1975 - 1985; 1986 - 1991 và 1992 đến nay. Xuất phát từ quan niệm: “Văn học là diễn đàn để từ đó xã hội cất lên tiếng nói thể hiện ước mơ, khát vọng về con người và cuộc sống. Ở mỗi thời đại, văn học bao giờ cũng có tiếng nói riêng, với một điệu giọng rất riêng”, Lã Nguyên đã đi đến nhận định: “Tiếng nói chủ đạo, mang tính chất bao trùm, chi phối khuynh hướng vận động của văn học Việt Nam từ 1945 cho đến nay vẫn là tiếng nói cộng đồng. Trước 1975, nó là tiếng nói giữ trật tự ở bên trên. Sau 1975, nó lại là tiếng nói có phần hỗn loạn ở bên dưới” [124, tr. 93-94].
Nguyễn Thị Bình, trong bài viết Đôi nét về một hướng thử nghiệm của tiểu thuyết Việt Nam từ cuối thập kỷ 80 đến nay (bài viết tham gia hội thảo Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đế nghiên cứu và giảng dạy, tổ chức tại khoa Ngữ Văn trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội, tháng 4 năm 2005), đã khẳng định: “Đa số tiểu thuyết của ta cho đến nay vẫn chủ yếu “cựa quậy” trong cái khung thể loại truyền thống: coi trọng việc khám phá nội dung hiện thực qua các tính cách, số phận nhân vật, các mối quan hệ giữa con người với hoàn cảnh”. Tuy nhiên, tác giả cũng cho rằng, trên cái “phông chung đó”, đã xuất hiện một số tiểu thuyết mà những nỗ lực thể nghiệm có khi còn dang dở, hoặc lạ lẫm, khó đọc… nhưng ít nhất chúng đang báo hiệu một ý thức mới về thể loại. Những tiểu thuyết được nhà nghiên cứu nhắc tới như một khuynh hướng thử nghiệm là: Thiên sứ (Phạm Thị Hoài - 1989), Cõi người rung chuông tận thế (Hồ Anh Thái - 2002), Trong sương hồng hiện ra (Hồ Anh Thái - 2003), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo - 2003), Thoạt kỳ thuỷ (Nguyễn Bình Phương - 2004), Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh - 2004), Người sông Mê (Châu Diên - 2004)… [27]. Theo Nguyễn Thị Bình: “Đọc các tiểu thuyết này, ấn tượng mạnh nhất là sự khác lạ. Dường như nhà văn không phải đang tái hiện bức tranh hiện thực mà đang trình bày cách thức họ làm ra các “kết cấu nghệ thuật” như thế nào. Đây là các kết cấu mang rõ tinh thần “khước từ truyền thống”, nghĩa là vượt khỏi mô hình tiểu thuyết quen thuộc, xác lập mối quan hệ mới giữa văn chương với hiện thực, giữa nhà văn với bạn đọc để tạo ra những kinh nghiệm đọc mới” [27].
Từ năm 2001 cho đến nay, Bích Thu là một trong số những nhà nghiên cứu phê bình dành nhiều sự quan tâm cho tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết Việt