Chương 2. PHẢN ÁNH NGHỆ THUẬT VÀ SỰ VẬN ĐỘNG CỦA TƯ DUY TIỂU THUYẾT VIỆT NAM SAU 1986
3.1. Những khám phá về thực tại đời sống trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986
3.1.3. Thực tại như là quá trình
Khi bàn về “thực tại” trong tác phẩm của Kafka, như chúng tôi đã một lần nhắc tới, Garaudy cho rằng “nó luôn gợi ra sự chưa toàn vẹn của thế giới và kêu gọi sự vượt qua”. Điều này cũng được Ernst Fischer nhấn mạnh khi bàn về Kafka:
“Hiện thực không bao giờ là cái đã xong xuôi. Hiện thực là cái dang dở và mở. Nó không phải là trạng thái cố định mà là quá trình. Trong cái mất đi đã hình thành hiện thức mới còn xa lạ, nó vẫy gọi tất cả các nhà văn trên trung bình khám phá” [51, tr.271]. Tiểu thuyết với đặc trưng riêng biệt là nòng cốt thể loại chưa bao giờ rắn lại đã có khả năng thích nghi với một thực tại dang dở, thực tại của vô vàn khả thể. Hay giải thích ngược lại theo cách lí giải của M. Bakhtin: “...tiểu thuyết tiếp xúc với môi trường cái hiện tại chưa hoàn thành, chính đặc điểm này không cho phép thể loại ấy bị đông cứng lại. Người viết tiểu thuyết thiên về tất cả những gì còn chưa xong xuôi. Anh ta có thể xuất hiện trong trường miêu tả ở bất cứ tư thế tác giả nào, có thể mô tả những sự việc có thật trong đời mình hoặc nói ám chỉ đến chúng, có thể can thiệp vào cuộc trò chuyện giữa các nhân vật, có thể bút chiến công khai với các địch thủ văn học của mình, v.v... [20, tr.56]. Cùng quan điểm trên, Milan Kundera có một cách diễn đạt khác: “Tiểu thuyết khảo sát không phải hiện thực mà là khảo sát cuộc sống. Và cuộc sống không phải là những gì diễn ra, cuộc sống là vùng khả năng của con người, tất cả những gì con người có thể trở nên, tất cả những gì nó có thể. Các nhà tiểu thuyết vẽ nên tấm bản đồ cuộc sống bằng cách khám phá ra khả năng này hay khả năng khác của con người. Nhưng phải nói lại một lần nữa: sống, điều đó có nghĩa là: tồn tại - trong - thế giới. Do đó, cần hiểu cả nhân vật lẫn thế giới của nó như là những khả năng” [87, tr.49]. Ở một chỗ khác, ông cũng khẳng định: “Tất cả những tác phẩm lớn (và vì chúng lớn) đều có một phần không hoàn chỉnh” [87, tr.71]. Như vậy, đa số các nhà nghiên cứu đều khẳng định ưu thế vượt trội của tiểu thuyết trong khả năng khám phá, phản ánh thực tại - một thực tại luôn biến đổi, không có điểm dừng, một thực tại có khi không khởi đầu và cũng chẳng có kết thúc, tất cả đều dang dở như nó vốn có và như một quá trình.
Trở lại với tiểu thuyết Việt Nam trước năm 1975, ta thấy hiện thực trong các tác phẩm viết theo khuynh hướng chủ đạo - khuynh hướng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng có tính chất quá trình. Tuy nhiên, đó là một quá trình định sẵn, biết trước. Diễn biến số phận của nhân vật, sự vận động của hiện thực đời sống trong tác phẩm bao giờ cũng đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ “thung lũng đau thương”
ra “cánh đồng vui”. Quá trình đó là trở thành một mô thức chung cho sự vận động được coi là tất yếu của hiện thực. Nhà văn khi cầm bút, dù có cách biểu hiện đời sống có khác nhau thì cũng đều xuôi theo quá trình định sẵn ấy.
Sau 1986, hiện thực trong văn học không còn là cái rõ nét, biết trước, mà là thứ hiện thực phải đi tìm. Ngay cả những cái đã trải qua, tức quá khứ cũng phải đi tìm, không chỉ để phản ánh lại và để nhận thực lại. Về vấn đề này, chúng tôi tâm đắc với ý kiến của Nguyễn Đức Toàn khi nói về Hành trình “Tôi đi tìm tôi”trong một vài tác phẩm văn xuôi Việt Nam đương đại: “Những cuộc kiếm tìm trong vô thức khiến nhân vật không xác định được nội dung, mục đích, hành động của mình. Trong văn xuôi đương đại, quá khứ là những gì con người không thể quên, không thể để mất đi. Dù quá khứ có đau đớn đến thế nào thì nó vẫn kết dính từng cá thể với cuộc đời. Khi người ta thay đổi nó để thỏa hiệp với hoàn cảnh, nghĩa là đã đánh mất bản thân. Cuối cùng, họ vẫn phải tìm lại chính mình như là cách duy nhất để tồn tại. Kết thúc quá trình đi tìm bản thể, nhân vật thường nhận thức được sự mất mát và ngộ ra một chân lí về cuộc sống. Hành trình kiếm tìm, như vậy, đồng nghĩa với phá hủy niềm tin, kiến tạo chân lí mới trên cơ sở kinh nghiệm cá nhân” [152, tr.34].
Trong Đi tìm nhân vật, Tạ Duy Anh đã tạo cho mình một sự phân tách độc đáo về mặt cấu trúc tác phẩm. Đi tìm nhân vật được viết theo lối nhiều tiểu thuyết trong một tiểu thuyết, thêm những hàm ngôn đầy ẩn dụ và những đoạn độc thoại đầy lê thê và ở phần phụ lục tác phẩm là những truyện cổ tích đặc sắc dùng làm vĩ thanh (Rùa chạy thi với Thỏ, Trí khôn của tao đây, Tấm Cám ) gợi mở liên tục các vấn đề của xã hội. Thời gian của Đi tìm nhân vật gắn liền với tâm trạng, với những mảnh hồi ức, những mảng ý nghĩ chợt đến, chợt đi không hề có một sự sắp đặt nào cả, nhưng tất cả lại diễn ra trên hành trình đi tìm của nhân vật. Những sự kiện rời nối đuôi theo chiều kim đồng hồ, những sự kiện có liên quan cùng tập trung vào một đối tượng, một vấn đề thì móc vào nhau theo quãng cách.
Trên con đường đi tìm thủ phạm, “tôi” gặp nhiều sự kiện, nhiều nhân vật và mỗi nhân vật, mỗi sự kiện lại khiến cho anh ta quay ngược trở về hồi tưởng lần tìm trong quá khứ. Lối viết này tạo cho cuốn tiểu thuyết một văn bản đa thanh, một cấu trúc lai ghép, phân mảnh, trong đó các phần liên kết với nhau ở bề sâu tưởng theo bút pháp hiện thực mới, phù hợp với hiện thực đương đại phân mảnh, rời rã và sự
diễn đạt liên tưởng tự do các chi tiết, các thành tố còn thiếu đưa tới một kết thúc bỏ lửng cho tác phẩm. Vụ án một kẻ hung đồ đã vô cớ dùng dao nhọn đâm vào cổ thằng bé đánh dày, gây án mạng ở phố G cách đây vài năm vẫn chưa tìm ra được thủ phạm. Đi tìm nhân vật của nhân vật “Tôi” vẫn là một quá trình bỏ ngỏ, chưa tới được cái đích cuối cùng và anh ta vẫn đợi “một ngày nào đó, vẫn bước chân rất nhẹ nhàng nhưng sau đó là tiếng gõ cửa”. Cái kết của tác phẩm chưa hẳn là cái kết của hành trình. Độc giả cũng phải lần từng trang để miên man trong cảm giác một người đi tìm nhân vật…
Nỗi buồn chiến tranh khép lại với sự dở dang của bản thảo cuốn tiểu thuyết của Kiên. Cuộc tình với Phương tan vỡ với bao trớ trêu: Trong chiến tranh, xa cách ngàn dặm nhưng họ vẫn gần nhau trong suy nghĩ; ngày hoà bình trở lại, chỉ cách nhau một bức tường mà như là hai thế giới biệt lập, không thể hài hòa. Người đàn bà câm, cả đời sống như một thứ dây leo, lại là người giữ cuốn bản thảo khi Kiên bỏ đi. Bản thảo còn dang dở như chính sự dang dở, chưa hoàn kết của cuộc sống thực tại. Người đàn bà câm sẽ ôm giữ cái “dở dang” ấy suốt cả cuộc đời như một mệnh đề về bản chất cuộc sống. Đối mặt và trốn chạy, tình yêu và thù hận,… luôn đặt ra như những vấn đề nóng bỏng về nhân tính.
Mình và họ được triển khai theo lối sắp đặt các mạch truyện song song với nhau nhưng là sự song song của ba tuyến truyện. Một tuyến truyện kể về chuyến xe lên tham quan, khám phá vùng biên ải hoang sơ, đầy bí hiểm của nhân vât Hiếu để trải nghiêm lại những bước chân của anh trai mình trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Qua mạch truyện này, thiên nhiên và cuộc sống của người dân vùng biên giới hiện lên vô cùng chân thực và sinh động. Mạch truyện thứ hai viết về chuyến xe xuống của những người bị áp giải vì bị nghi có liên can đến một vụ án giết người. Vẫn là cuộc hành trình trên ô tô, vẫn những vách núi hiểm trở, những con đường đất cheo leo, nhưng chuyến xe xuống lại mang một bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt giữa những người áp giải và bị áp giải. Mạch truyện thứ ba dưới hình thức của một cuốn nhật kí kể lại những sự việc mà người anh đã trải qua trong cuộc chiến đấu ác liệt với quân Tàu. Kết cấu đa tuyến như vậy đã cho thấy cái nhìn đa chiều về cuộc sống và con người. Mỗi tuyến truyện là một cách nhìn, cách kiến giải về cuộc sống, và trên hết, cách tổ chức tác phẩm như vậy đã làm cho câu chuyện vẫn như đang diễn ra và cuộc sống còn tiếp tục hành trình của nó.
Tóm lại, mô tả đời sống như là một quá trình không hoàn kết, không có điểm mở đầu và kết thúc, tiểu thuyết sau 1986 đã phá vỡ hoàn toàn quan niệm truyền thống về một cốt truyện “đóng kín”. Cũng có ý kiến sẽ phản bác nhận định nói trên khi đưa ra dẫn chứng về những “kết thúc mở” trong cốt truyện truyền thống. Tuy
nhiên, theo chúng tôi, cái gọi là “kết thúc mở” trong cốt truyện thống không thể đồng nhất với tư duy tiểu thuyết hiện đại về một cốt truyện phi tuyến tính, bởi vì
“cái mở” của cốt truyện truyền thống, thực chất chỉ là sự “mờ hóa” một diễn tiến của những diễn biến tất yếu tiếp theo xảy đến trong một cốt truyện đã được kết nối rất logic từ đầu đến cuối chương truyện. Ở phương diện phản ánh, quan niện thực tại như một quá trình sẽ giúp các nhà tiểu thuyết giải thoát mình bởi áp lực nội dung tác phẩm phải là sự quy chiếu hiện thực, từ đó họ có thể tự do triển khai lối viết và thể nghiệm những suy tư khác nhau về đời sống. Ý thức hiện thực như một quá trình, sẽ ngăn người đọc đòi hỏi một tiếng nói cuối cùng, đòi hỏi những bài học, những sự lựa chọn trong tác phẩm. Thay vào đó, người tiếp nhận chỉ còn lại những ám ảnh đầy kích thích khi đối thoại với văn bản.