Thực tại phi lý, bất định

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam thời kì đổi mới nhìn từ đặc trưng phản ánh nghệ thuật (Trang 76 - 84)

Chương 2. PHẢN ÁNH NGHỆ THUẬT VÀ SỰ VẬN ĐỘNG CỦA TƯ DUY TIỂU THUYẾT VIỆT NAM SAU 1986

3.1. Những khám phá về thực tại đời sống trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986

3.1.1. Thực tại phi lý, bất định

Khái niệm về cái phi lý vốn là một khái niệm triết học, được dùng để chỉ những gì tồn tại trái với các quy tắc lôgic. Ở bình diện lý luận nhận thức, cái phi lý còn được hiểu với nghĩa khái quát hơn để chỉ tất cả những gì chống lại năng lực nhận thức, chống lại lý trí, không thể lý giải được bằng tư duy, thì đều được coi là phi lý. Như vậy, cái phi lý được hiểu là cái đi ngược lại với lí tính, phản lí tính. Đây chính là những tiền đề nhận thức hình thành nên chủ nghĩa phi lý tính trong triết học phương Tây cuối thế kỉ XVIII và là cơ sở cho văn học phi lý ra đời và kéo dài đến tận thế kỉ XX.

Như đã nói ở trên, khái niệm về cái phi lý tuy đã xuất hiện từ thời cổ đại, nhưng khái niệm phi lý hiện đại thì chỉ mới xuất hiện từ nửa đầu thế kỷ XIX với chủ nghĩa phi lý tính và sau đó là với chủ nghĩa hiện sinh, và nó chỉ được thể hiện thành một loại hình văn học rõ rệt từ đầu thế kỷ XX. Vậy, quan niệm về cái phi lý trong triết học và trong văn học có gì khác nhau? Theo Nguyễn Văn Dân “cái phi lý trong văn học không phải là một sự sao chép máy móc cái phi lý trong triết học. Trong khi trong triết học có một quan niệm cho rằng cái phi lý là con đẻ của tính bất khả tri của lý tính, thì qua thực tiễn sáng tác của mình, các nhà văn vẫn cố gắng nhận thức cái phi lý. Nỗ lực đi đến tận cùng của cái phi lý có khi lại chính là biểu hiện cho tính hợp lí của sự tồn tại con người.

Tức là lý trí vẫn có khả năng nhận thức chứ không phải là nó “bất khả tri”, nhưng kết quả nhận thức của nó là một cái phi lý phản lý tính.” Ông cho rằng, khái niệm phi lý trong văn học chủ yếu được dùng để chỉ loại hình văn học phi lý có nhiệm vụ nhận thức và mô tả cái hiện thực vô nghĩa, phi lôgic, phi lý tính, trái với năng lực nhận thức của con người. Tuy nhiên ông cũng không loại trừ cách hiểu “phi lý là những gì trái với các quy tắc lôgic”. Và với cách hiểu này, thì theo nhà nghiên cứu, chỉ “những sáng tác nào có khung cảnh cốt truyện trái với tư duy lý trí thông thường là sáng tác phi lý khi tác giả đặt các sáng tác của mình trong hệ lôgic thông thường. Còn khi các sáng tác được đặt trong một hệ phi lôgic hay nói đúng hơn

là khi chúng được đặt trong một hệ lôgic khác một cách có ý thức thì đó không phải là sáng tác phi lý mà là sáng tác huyền thoại hoặc huyễn tưởng” [42].

Từ những phân tích và so sánh nêu trên, Nguyễn Văn Dân đi đến khái quát về đặc điểm của văn học phi lý. Theo ông văn học phi lý là văn học phản ánh những hiện tượng và sự việc trái với sự phát triển của tư duy lôgic thông thường, hoặc nói đúng hơn là trái với lôgic nhân văn tiến bộ của loài người. Và theo lôgic này thì chỉ bắt đầu từ Franz Kafka văn học phi lý mới thật sự ra đời. Tuy nhiên, dù với tư cách là người đi tiên phong, mở đường cho văn học phi lý, thì cái phi lý trong quan niệm của Kafka mới chỉ là một thực thể tồn tại khách quan mà nhà văn tuyệt vọng tìm hiểu suốt cả cuộc đời.

Tiếp sau Kafka, Camus chính là người đã bổ sung cho khái niệm phi lý một bình diện khác, đó là bình diện chủ quan của cái phi lý. Hai bình diện của cái phi lý từ Kafka đến Camus đã “bổ sung cho nhau như là một sự thống nhất của hai mặt đối lập và làm cho văn xuôi phi lý trở nên gần như trọn vẹn. Không có Camus, cái phi lý của Kafka sẽ tỏ ra đơn độc, mất cân đối, thiếu chiều sâu nội tâm”

[42]. Theo quan điểm của Camus: “Cuộc đời vốn vô nghĩa lí là như vậy. Nhưng tự thân nó không phi lý, cũng như tự thân con người không phi lý. Tính chất phi lý nằm ở chỗ một bên là cuộc đời đầy rẫy bao nhiêu chuyện nghịch lí và trái lẽ, bên khác là con người sáng suốt đòi hỏi mọi sự phải rành rọt rõ ràng, hai bên đối lập nhau như vậy mà lại hiện hữu bên nhau, và đối diện nhau hàng ngày. Tính chất phi lý này là sự thật chủ yếu của cuộc đời chúng ta” [33, tr.15]. Trong khuôn khổ luận án này, chúng tôi muốn khám phá tính phi lý trong tác phẩm của các nhà văn ở cả hai phương diện khách quan và chủ quan, đồng thời chúng tôi cũng mở rộng phạm vi khảo sát cái phi lý trên cả phương diện những thủ pháp nghệ thuật mà các tác giả đã sử dụng.

Nhìn lại lịch sử nhân loại nói chung và các nước phương Tây nói riêng trong một giai đoạn ngắn từ thế kỉ XIX đến thế kỉ XX, chúng ta nhận thấy, có nhiều sự kiện quan trọng đã đồng thời gián tiếp hoặc trực tiếp tác động tới văn học. Ở phương diện tinh thần, nhiều nhà nghiên cứu đã tổng kết, chỉ riêng năm 1900 - năm bản lề của hai thiên niên kỉ đã đánh dấu sự ra đời của nhiều sự kiện văn hóa, có tác động sâu sắc đến tư tưởng nhân loại. Trước hết, đây là mốc thời gian mà Edmund Huserl hoàn thành một trong những tác phẩm triết học có tầm ảnh hưởng bậc nhất thế kỉ, đó là cuốn Những điều nghiên cứu logich học (Logical Investigations). Đây cũng là năm mà nhà phân tâm học người Áo - Sigmund Freud, cho ra mắt công trình Diễn giải các giấc mộng (The Interpretation of Dreams) - tác phẩm được coi là “đã làm rung chuyển nền văn hóa của chúng ta và làm thay đổi bức tranh của chúng ta về con người” (Hermann Beland). Còn ở phương diện khoa học kĩ thuật, đặc biệt là vật lý, năm 1900 cũng là năm Max Panck đề xuất lý thuyết về lượng tử, nhận biết

về tính gián đoạn của bức xạ điện từ phát ra từ các vật. Phát hiện này đã làm đổ vỡ niềm tin có tính duy lý về vạn vật và đời sống lịch sử. Năm 1905, Albert Einstein công bố Thuyết tương đối miêu tả cấu trúc của không gian và thời gian trong một thực thể thống nhất là không - thời gian, giải thích bản chất của lực hấp dẫn là do sự uốn cong của không thời gian bởi vật chất và năng lượng. Những phát hiện này đồng thời đã mở ra một kỉ nguyên mới mang tính cách mạng trong ý thức, đồng thời làm thay đổi sâu sắc cảm quan về thực tại - một thực tại mang tính tương đối và đầy biến động. Thế kỉ XX, nhân loại không chỉ được khai sáng, thức tỉnh bởi những luồng tư tưởng vĩ đại mà còn bị nhấn chìm, rơi vào khủng hoảng niềm tin bởi hai cuộc thế chiến tàn khốc gây ra. Với những thành quả của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật lần thứ hai, con người từng có ảo tưởng về năng lực khả tri thế giới, vũ trụ.

Nhưng đến thời điểm này mọi niềm tin đều đỗ vỡ, tri thức khoa học cũng trở nên bất lực trước những biến cố bất thường của nhân loại, sự hỗn độn của thực tại đời sống. Càng tin vào lí trí con người càng có nguy cơ bị lí trí “phản bội”. Tất cả những yếu tố nói trên đã góp phần hình thành nên một cảm quan mới về hiện thực đời sống, đó là cảm quan về một thực tại đầy những hỗn độn, phi lý và bấn loạn.

Nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam đã gọi đây là “cảm quan hậu hiện đại”. Trong bài viết Quan niệm thực tại và con người trong văn học hậu hiện đại, Đào Tuấn Ảnh cho rằng: “Không tin vào cái mô hình thực tại hài hoà, bất biến của các nhà hiện đại chủ nghĩa, nghệ thuật hậu hiện đại xây dựng cho mình một “chiến lược” dựa trên sự chấp nhận thực tại hỗn độn, thậm chí gia tăng sự hỗn độn bằng cách “giải cấu trúc mọi trung tâm văn hoá. Nó đập vỡ không thương tiếc mô hình nghệ thuật cao cả của chủ nghĩa hiện đại cùng các mô hình văn hoá nghệ thuật trước đó, và từ những mảnh vỡ lắp ghép một thực tại giống như tấm kính vạn hoa mang đầy tính trích dẫn, chắp vá. Đối với các nhà hậu hiện đại chỉ có tính mảnh đoạn, tính chiết trung là xác thực, còn bất kỳ luận chứng lý tính nào về lịch sử, thần thoại, tâm lý, đều là võ đoán và nguỵ tạo [9].

Vậy, có phải từ sau 1986, cái phi lý mới xuất hiện trong văn học Việt Nam. Trên thực tế, trước 1945, cái phi lý đã manh nha ở tác phẩm của các nhà văn lãng mạn Tự lực văn đoàn, tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Tuy nhiên, tinh thần chung của các tiểu thuyết này mới chỉ là những trăn trở, ưu tư với những phi lý, trái ngang của cuộc đời, những bất công của kiếp người gắn với một hoàn cảnh cụ thể. Đó là cái phi lý của một xã hội khiếm khuyết cần phải thay đổi và có thể thay đổi. Từ 1945 - 1975, cái phi lý ít nhiều hiện diện trong văn học miền Nam với các tác phẩm của Thế Vũ, Mai Thảo, Nguyễn Thị Hoàng... Các tác phẩm này chủ yếu phản ứng với cái phi lý có liên quan đến những tai họa, bất trắc bủa vây con người. Từ sau 1975, đặc biệt là sau

1986, với tinh thần đổi mới trên nhiều phương diện, văn học Việt Nam mới thực sự chạm đến nhiều mảng khuất lấp, trong đó có cái phi lý, “bất tín nhận thức” của cuộc sống, của xã hội, của đời người. Nhìn lại tiểu thuyết Việt Nam sau 1986, đặc biệt là các sáng tác của những cây bút tiêu biểu Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Thuận, Đoàn Minh Phượng... chúng tôi nhận thấy, các tác giả không hề có ý thức kể một câu chuyện theo trình tự tuyến tính, có đầu có cuối, có diễn biến, có kết thúc như trước đây. Hiện thực được nói đến trong tác phẩm không chỉ là cái nhìn thấy, cảm thấy, có thể lí giải, mà còn có cả hiện thực phi lý, ngẫu nhiên, mơ hồ, không thể lí giải, cắt nghĩa. Hay nói đúng hơn là tác giả đã cố ý xáo trộn bức tranh hiện thực, tạo ra vô vàn những miếng ghép, lát cắt, mảnh vỡ hỗn độn, và rồi từ đó bằng tài năng độc sáng của mình, nhà văn sẽ sắp xếp, kiến tạo lại để cho ra đời một “hiện thực thứ hai”. Cái phi lý, bất định xuất hiện trong văn học Việt Nam sau 1975 có lẽ bắt đầu từ những tác phẩm viết về chiến tranh của Chu Lai, Bảo Ninh, Lê Lựu.... Ở những tác phẩm đó, người đọc đồng cảm, day dứt với những

hiện thực phi lý mà người lính phải đối diện khi trở về cuộc sống đời thường. Sau đó cái phi lý từng bước len dần vào các sáng tác thời kì Đổi mới, đặc biệt là ở thể loại tiểu thuyết, với những tên tuổi quen thuộc như Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Đoàn Minh Phượng, Thuận, Vũ Đình Giang... Trong tiểu thuyết của các nhà văn này, ta thấy cái phí lý đã xâm lấn đến mọi tầng bậc, từ hiện thực đến kiếp người, từ ý nghĩ đến lời nói, từ bên trong đến bên ngoài văn bản.

Đọc Nỗi buồn chiến tranh ta thấy cảm quan phi lý thể hiện rõ trong cách nhìn, cách miêu tả của nhà văn về cuộc chiến. Có lẽ đây cũng là điểm mấu chốt gây nên những tranh cãi xung quanh tính chân thực và „„phải đạo” của tác phẩm. Trước hết, với tư cách là người trực tiếp tham gia cuộc chiến, thông qua phát biểu của nhân vật Kiên, tác giả đã nhìn chiến tranh như một điều phi lí, một bi kịch khủng khiếp nhất mà con người đã tạo ra: „„Chiến tranh là cõi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người” [tr. 32]. Không chỉ có Kiên nhận ra tính chất phi lí của chiến tranh mà cả những người thân, đồng đội của anh cũng nhận thấy điều đó. Những tiếng nói „„phản chiến” của Phương, lời rao giảng về nghĩa vụ của con người khi sinh ra trong trời đất mà người cha dượng dành cho Kiên, hay sự „„đầu hàng nhục nhã” của Cán, ít nhiều đều là hành động nhằm chống lại sự phi lí do chiến tranh gây ra. Tuy nhiên, theo chúng tôi, một vài dẫn chứng nói trên không đủ để kết luận Nỗi buồn chiến tranh là tác phẩm phủ nhận chiến tranh, cụ thể là phủ nhận hai cuộc kháng chiến hào hùng và bi tráng của dân tộc. Đành rằng đọc tác phẩm ai cũng thấy nó buồn, day dứt, ám ảnh. Nhưng đó không phải là cái

buồn của sự bi lụy, hèn yếu; không phải là biểu hiện của sự bi quan, chán chường.

Sẽ là khắt khe, thiên kiến khi cho rằng nỗi buồn trong tác phẩm là một thứ „„nọc độc” tư tưởng, là biểu hiện của thái độ „„xét lại”, là bài ca lạc điệu giữa bản hòa ca - hoan ca - khải hoàn ca của dân tộc. Kết thúc cuộc chiến, Kiên luôn ngược dòng về quá khứ, sống với những ám ảnh, day dứt. Bên cạnh những ám ảnh về sự tàn khốc, hủy diệt của chiến tranh, anh còn có cả những hồi ức bi tráng của cuộc đời lính chiến. Kiên cảm nhận được sự phi lí của cuộc chiến, cảm nhận được bi kịch của đời mình nhưng anh không hối hận vì đã lựa chọn dấn thân vào khói lửa, cầm súng chiến đấu. Trở về với đời thường, anh vẫn nâng niu, trân trọng tình bạn, tình đồng chí, những tình cảm đẹp đã giúp anh vượt qua muôn ngàn đau khổ của chiến tranh.

Với Kiên những năm tháng chiến tranh mãi là „„những ngày tháng đau thương nhưng huy hoàng, những ngày bất hạnh nhưng chan chứa tình người, những ngày mà chúng ta biết rõ vì sao chúng ta cần phải bước vào chiến tranh, chúng ta cần chịu đựng tất cả và hy sinh tất cả” [tr. 320]. Như vậy, việc Kiên tham gia chiến tranh không chỉ là ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân với đất nước, mà dưới cái nhìn hiện sinh, nó như một cuộc chiến chống lại sự phi lí. Điều đó cho phép người đọc có cái nhìn bao dung hơn với những cảm nhận riêng của tác giả về cuộc chiến. Nên chăng, ta hãy coi đây như một góc nhìn khác nhìn khác về chiến tranh - một góc nhìn mang đầy tính trải nghiệm cá nhân. Xét ở phương diện phản ánh nghệ thuật, tiểu thuyết khuyến khích những trải nghiệm cá nhân đó. Và như thế, tác phẩm sẽ mặc nhiên tồn tại và vượt lên những định kiến, bảo thủ.

Nhìn nhận tính chất phi lý ở khía cạnh hẹp hơn đó là sự hiện thân của kiếp người, ta cũng sẽ nhận thấy cuộc đời Kiên và Phương chứa đầy những nghịch lí.

Nếu như trước khi bước vào chiến trường, Kiên ấp ủ biết bao hoài bão, lí tưởng thì sau cuộc chiến anh lại sống âm thầm, day dứt, sống mà như ngược dòng quá khứ, tìm lại những kí ức vừa tươi đẹp vừa đau thương, sống như để chiến đấu lại với hậu quả của cuộc chiến đang dai dẳng, âm thầm xé nát tâm hồn anh. Còn Phương, trước chiến tranh cô hồn nhiên, thuần khiết, thánh thiện nhường nào trong mắt Kiên, trong mắt cha Kiên và trong cả suy nghĩ của mẹ Phương, thì sau chiến tranh cô đã là một người hoàn toàn khác. Phương đã trở thành một người phụ nữ sống “buông thả”, thiếu sự đoan chính dưới góc nhìn đạo đức.

Khi nói đến tính phi lý trong tác phẩm văn học, ta cũng chú ý đến những biểu hiện khác nhau của nó ở từng thể loại. Theo Nguyễn Văn Dân, nếu như cái phi lý trong truyện ngắn và tiểu thuyết của KafKa và Camus được thể hiện chủ yếu trong nội dung tác phẩm thì cái phi lý trong kịch của Beckett hay Ionesco lại được thể hiện

ở cả nội dung và hình thức. Nhìn lại tiểu thuyết Việt Nam sau 1986, chúng tôi cũng

nhận thấy tính chất phi lý đã hòa trộn vào cả nội dung và hình thức thể hiện. Một trong những thủ pháp quen thuộc được các nhà tiểu thuyết, trong đó có Bảo Ninh chú

ý sử dụng đó chính là thủ pháp huyền thoại. Có thể nói, trong Nỗi buồn chiến tranh thủ pháp huyền thoại, kì ảo đã bước đầu được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện những „„cái vô hình” như cảm giác kinh sợ, nỗi ám chết chóc của người lính giữa chốn núi rừng hoang vui, sâu thẳm. Đó là tiếng chim khóc than như người, là những cây măng nhuộm máu, là những con đom đóm với kích thước khác thường và là những bản nhạc ma của cây cối hòa giọng với gió. Tất cả tạo nên một không gian phi thực, gây một cảm giác âm u, rùng rợn, báo trước những tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Nếu như ở tác phẩm của Bảo Ninh, cái phi lý còn chủ yếu bộc lộ ở nội dung thì đến Tạ Duy Anh và Nguyễn Bình Phương, tính chất phi lý đã hòa quyện trong cả nội dung và hình thức nghệ thuật. Trong Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh chọn nhân vật trần thuật là một thai nhi và điểm nhìn trần thuật không có thật là bụng người mẹ. Thời gian trần thuật là ba ngày trước khi đứa bé chào đời. Lựa chọn một hình thức trần thuật như vậy, tác giả đã chủ ý mượn một hình thức phi lý để diễn tả chính những điều phi lý đang diễn ra trong cuộc sống. Đó là chuyện những người đàn ông đầy dục vọng và sống dối trá. Chuyện những cô gái bị thất thân, những người đàn bà nhàm chán chăn gối nhưng phải chấp nhận cuộc sống vợ chồng nghiệt ngã. Những phụ nữ mang thai không biết rõ cha đứa bé mình sắp sinh là ai, vì đã chung đụng với nhiều "người chồng" cùng lúc.

Đọc đi Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, liên tục vấp phải sự phi lý không chỉ trong logic tự sự thường, trong hành trình của nhân vật “tôi” và những biến thể của

“hắn”, mà còn cả trong ngôn ngữ trần thuật của tác giả, ngôn ngữ độc thoại, đối thoại của các nhân vật. Câu chuyện được khơi ra từ một mở đầu đầy tính chất phi lý.

“Tôi” tình cờ vớ được một mẩu báo với một đoạn tin ngắn cụt đầu về cái chết. “Nạn nhân là thằng bé đánh giày khoảng 10 - 12 tuổi, bị một gã đàn ông đâm chết ngay tại chỗ...” [tr. 9]. Theo sự “nhớ lại rất ít căn cứ của ai đó”, “tôi” quyết định đi tìm thủ phạm. Mục đích đi tìm thủ phạm của tôi không rõ là gì, “không phải vì các báo săn lùng loại tin bài như săn lùng phao cứu tinh, không phải với mục đích sưu tập các kiểu chết - vốn là công việc tôi theo đuổi một cách nghiêm túc - mà vì một thôi thúc nhuốm màu sắc bi kịch mà tôi không thể diễn tả được” [tr.11]. Sự phi lý được tiếp diễn khi người đọc nhận ra trong hành trình đi tìm hung thủ, chính tôi lại trở thành hung thủ trong quan sát của những người xung quanh, “tôi” trở thành kẻ bị đồng loại nghi ngờ, né tránh, săn đuổi: “Những lời đồn thổi về tôi nhanh chóng lan truyền khắp phố G, như bất cứ câu chuyện vỉa hè nào, đến nỗi tôi đi từ đầu phố đến cuối phố, đã kịp có một tôi khác. Ngay lập tức môt gã điên điên nào đó trở

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam thời kì đổi mới nhìn từ đặc trưng phản ánh nghệ thuật (Trang 76 - 84)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(173 trang)
w