Không – thời gian mang tính biểu tượng

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam thời kì đổi mới nhìn từ đặc trưng phản ánh nghệ thuật (Trang 143 - 147)

Chương 4. Ý THỨC KIẾN TẠO BIỂU TƯỢNG TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM SAU 1986

4.2. Các lớp biểu tượng trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986

4.2.3. Không – thời gian mang tính biểu tượng

Nói đến không gian - thời gian trong tác phẩm văn học là nói đến hình thức quyết định sự tồn tại của hình tượng, đồng thời cũng cho thấy quan điểm của nhà văn về thế giới. Trong điêu khắc cũng như hội hoạ, không gian được người nghệ sĩ miêu tả là không gian tĩnh. Nhà họa sĩ chỉ có thể chọn cho mình một không gian nhất định để hoàn thành bức tranh của mình, không thể cùng lúc di chuyển nhiều không gian. Còn không gian trong văn học là một không - thời gian luôn có sự vận động, biến đổi. Con mắt của nhà văn có thể dễ dàng đưa người đọc di chuyển từ không gian này sang không gian khác, từ thời gian này sang thời gian khác. Điểm nhìn trần thuật của tác giả luôn bị chi phối bởi việc tổ chức không gian - thời gian, hay nói ngược lại nghệ thuật trần thuật khác nhau của mỗi nhà văn sẽ kiến tạo nên những không - thời gian khác nhau trong tác phẩm. Đối với tác phẩm văn xuôi, đặc biệt là tiểu thuyết, không - thời gian đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Có thể khẳng định, không một tiểu thuyết nào lại phi không gian và thời gian. Không - thời gian trong tác phẩm nghệ thuật khác với không - thời gian mang tính vật lí ngoài đời, bởi đó là yếu tố đã được nhà văn cảm nhận và lựa chọn để tạo nên một thế giới nghệ thuật, nhằm triển khai cốt truyện, tạo môi trường hoạt động cho nhân vật và là nơi để nhà văn thi triển bút pháp.

Nhìn lại tiểu thuyết cách mạng giai đoạn 1945 - 1975, chúng ta nhận thấy, không gian chủ đạo được nhà văn đề cập đến trong các tác phẩm phần lớn là không gian chiến trường hoặc mang tính chất chiến trường. Tác giả sử thi có trường nhìn rộng nên tạo ra được một không gian hoành tráng và đa dạng dung chứa được hiện thực lớn lao của dân tộc. Bên cạnh đó, các nhà văn thường hướng điểm nhìn về bên ngoài hơn không gian bên trong nhân vật. Nghĩa là không gian địa lí, vật lí chiếm dung lượng nhiều hơn không gian tâm lí, còn thời gian thì thường được trình bày theo lối lịch sử - sự kiện. Trục chính của câu chuyện diễn tiến theo các biến cố lịch sử. Tác giả dõi mắt nhìn theo các sự kiện chính trị, nhìn con người từ góc độ xã hội.

Nếu nói đến thời gian cá nhân thì cũng lồng ghép vào thời gian xã hội.

Sau 1986, không - thời gian trong tiểu thuyết không chỉ là bối cảnh, phông nền cho câu chuyện diễn ra, cho nhân vật xuất hiện mà còn mang tính ký hiệu - biểu tượng. Trong nhiều tác phẩm không gian có khi trở nên hư ảo.

Trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Thiên thần sám hối, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, Thoạt kỳ thủy hay Trí nhớ suy tàn của Nguyễn Bình Phương ta đều thấy không - thời gian nghệ thuật ta được các nhà văn dụng công sáng tạo bằng nhiều phương thức, thủ pháp khác nhau, có khi là thủ pháp cắt ghép, phân mảnh; có khi là thủ pháp huyền thoại hóa, không gian, thời gian.

Không - thời gian trong Nỗi buồn chiến tranh được phân định bằng một ranh giới hết sức mong manh, đó chính là thời điểm kết thúc cuộc chiến. Sở dĩ chúng tôi gọi đó là một ranh giới mong manh là bởi, với những người bình thường, ngày kết thúc cuộc chiến tranh chống Mĩ, giải phóng đất nước, sẽ là ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày cả nước rợp cờ hoa và ca khúc khải hoàn. Nhưng, với Kiên, thì dường như không hề có ranh giới ấy, hay nói đúng hơn là ranh giới ấy ngay lập tức bị xóa mờ khi anh chạm chân vào cửa ngõ hòa bình: “Về sau, mỗi khi được nghe người ta kể hoặc được xem phim, được thấy cảnh ngày Ba mươi tháng Tư ở Sài Gòn trên màn ảnh: cười reo, cờ hoa, bộ đội, nhân dân, nườm nượp, bừng bừng, hân hoan, hạnh phúc... tự nhiên trong Kiên cứ nhói lên nỗi buồn pha cả niềm ghen tỵ. Cũng như họ, cũng trải qua những cảnh tượng không thể nào quên của chiến thắng, mà đám lính chiến tụi anh lại không có được tâm trạng sáng choang, bay bổng, ào ào sướng vui như họ là cớ làm sao? Tại sao cảm giác ngột ngạt lại đến với bọn anh quá sớm như thế, hầu như là chưa kịp nhấc chân ra khỏi chiến hào nữa kìa?” [tr. 132].

Khi ranh giới thời gian vật lí không còn có ý nghĩa phân định, thì toàn bộ cấu trúc không gian và thời gian nghệ thuật trong Nỗi buồn chiến tranh bỗng trở nên mơ hồ, mang sắc thái biểu tượng cho một điều gì đó lớn hơn ý nghĩa vốn có của nó. Đời lính của Kiên, những năm tháng chiến tranh mà Kiên trải qua, những địa danh mà

Kiên đã từng sống và chiến đấu cùng đồng đội, như đồi Xáo Thịt, Gọi Hồn, hồ Cá Sấu, sông Sa Thầy,... không còn là những định danh cụ thể. Tất cả dường như trở thành biểu tượng cho sự mất mát, tang thương, sự diệt vong, tàn lụi. Những ngày tháng trở về sau cuộc chiến, với căn phòng nơi lưu dấu những kỉ niệm về cha mẹ, về Phương, với Kiên dường như thời gian chỉ thực sự có ý nghĩa khi màn đêm buông xuống: “Trong bóng đêm khi vạn vật xung quanh chỉ còn là những cái bóng. Kiên thấy mình gần gũi hơn với cuộc đời. Dường như bóng tối của trời đất khẳng định bóng tối trong tâm hồn anh” [tr. 146].

Từ Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, bước sang thế giới nghệ thuật của Tạ Duy Anh đã bắt đầu có một khoảng cách nhất định trong quan niệm về không gian, thời gian nghệ thuật. Thiên thần sám hối là câu chuyện được trần thuật qua lời của một bào thai đang nằm trong bụng mẹ ba ngày trước khi ra đời. Hạt nhân của không gian nghệ thuật trong tác phẩm chính là bụng người mẹ, bởi đó là nơi nhân vật cảm nhận và phát biểu về thế giới. Thời gian ba ngày trước khi ra đời cũng là thời gian chi phối cảm quan của nhân vật về đời sống. Rõ ràng tính chất phi lý của câu chuyện xét từ góc độ người trần thuật đã cho thấy ý đồ tạo dựng không - thời gian của tác phẩm. Nếu coi nhân vật bào thai là biểu tượng cho sự sống khôi nguyên thì không gian bụng mẹ là biểu tượng cho một thế giới đối lập hoàn toàn với sự hỗn độn, dối trá, tàn ác, lọc lừa bên ngoài. Còn quãng thời gian ba ngày trước khi quyết định rời thử thách phải chăng chính là thời gian cho sự lựa chọn, hoặc là mãi mãi làm một thiên thần và phán xét cuộc sống qua sự gián cách, hoặc là chấp nhận làm người, để đối mặt với sự phi lý của cuộc đời. Nếu như không - thời gian trong Thiên thần sám hối ít nhiều còn có thể được miêu tả, định hình, thì không gian và thời gian trong Đi tìm nhân vật thực sự là một mê cung với đầy những điều kì quặc phi lý. Phố G của Tạ Duy Anh cũng chẳng khác gì tòa lâu đài của KafKa, đó dường như không phải là một không gian có thật. Nếu đã coi hành trình đi tìm nhân vật của

“tôi” trong phố G, ở một khía cạnh nào đó, là hành trình đi tìm cái tôi bản thể của chính mình thì phố G và thời gian của hành trình tìm kiếm đó chỉ là không gian - thời gian của bản thể tồn tại chứ không còn là không gian vật lí có thể đo đếm, mô tả.

Trong số các tác giả tiêu biểu mà chúng tôi chọn làm đối tượng khảo sát chính, có thể nói Nguyễn Bình Phương không chỉ là người đi xa nhất trong hành trình thăm dò thế giới vô thức mà còn là người có nhiều nỗ lực trong việc kiến tạo thế giới thông qua hệ thống biểu tượng. Khác với nhiều cây bút đương thời, Nguyễn Bình Phương đã và đang chứng tỏ sự kiên trì trên hành trình làm mới cách thức biểu

đạt trong các tác phẩm của mình. Không gian trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương thường gắn với những địa danh có thật ở mảnh đất Thái Nguyên quê hương nhà văn, đó là: Linh Sơn, Linh Nham, Bãi Nghiền Sàng, núi Rùng... Với việc lấy những địa danh có thực ngoài đời đưa vào tác phẩm, ta có cảm giác nhà văn đang muốn kể một câu chuyện thực. Thế nhưng khi đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, người đọc ngay lập tức nhận ra những yếu tố thực ấy hoàn toàn mất tính xác định. Bởi không gian thực ấy lại là bối cảnh cho những câu chuyện dường như không có thật. Với một thế giới nhân vật đầy tính biểu tượng, không gian và thời gian trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương dường như cũng không phải là định danh cho một cái gì cụ thể. Theo Nguyễn Đức Toàn, tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương gây ấn tượng với người đọc không phải ở sự phát triển cốt truyện hay tính cách nhân vật mà dẫn dụ độc giả bằng những mộng mị, ảo huyền của phương thức huyền thoại, trong đó có việc sử dụng những biểu tượng nghệ thuật đã tạo nên thành công cho những trang viết [152]. Cùng bàn về những sáng tạo của Nguyễn Bình Phương trong Thoạt kỳ thủy, Đoàn Cầm Thi, trong bài viết Sáng tạo văn học: giữa mơ và điên. Đọc Thoạt kì thủy của Nguyễn Bình Phương, cũng đã có những phát hiện độc đáo về tính biểu tượng của không gian và thời gian trong tác phẩm. Theo nhà nghiên cứu: “Thoạt kỳ thủy, riêng cái tên, thoáng nghe lạ lẫm, cũng đủ làm người ta dừng lại mơ màng. Gốc Hán Việt hiếm dùng, “thoạt kỳ thủy” gợi một thời gian và một không gian. Một buổi ban đầu và một cõi hỗn mang.

Cả hai cùng mờ mịt, hoang sơ, bí ẩn như những câu đố, những ẩn số. Cũng không bao giờ tác giả làm sáng tỏ: “thoạt kỳ thủy” chỉ tồn tại trong tựa đề, không một lần được nhắc đến trong truyện” [167, tr.75]. Từ cảm nhận độc đáo về tính biểu tượng của nhan đề tác phẩm, nhà nghiên cứu đã chỉ rõ tính chất biểu tượng - “thoạt kỳ thủy”, trong kết cấu không gian và thời gian của thiên truyện. Về phương diện thời gian, tiểu thuyết “Thoạt kỳ thủy” gồm hai chuyện chạy song song và lồng khớp với nhau. Một bên có nhân vật duy nhất là con cú còn bên kia có Tính - một người bị coi là điên, sống cùng cha mẹ và xóm giềng. Nếu thời gian của con vật là đơn chiều, mang tính vật lí - “Lông hoa mơ, sải cánh dài 40 phân. Mỏ khoằm, sắc. Bị bắn rụng lúc 11 giờ 15. Bay lên lúc 12 giờ. Không rõ bay tới đâu”, thì thời gian của con người còn mang cả yếu tố tâm lí - Tính lớn lên cùng năm tháng nhưng quá khứ luôn được nhớ lại qua hình ảnh mặt trăng lạnh không ngừng ám ảnh tâm trí. Hơn nữa thời gian của Tính có mở và kết liên quan chặt chẽ với nhau: chính nỗi đau sơ khai - cha đá vào bụng mẹ khi mang thai Tính, là cội nguồn của mọi bất hạnh và tội ác sau này. Câu chuyện cuộc đời Tính được lồng trong bối cảnh của chiến tranh, bạo lực,

điên loạn và mộng mị, khoảng thời gian đó càng tạo cảm giác xa xôi vì bị đóng khung giữa hai thời hiện tại: chuyện của Tính chỉ được kể lại sau khi tất cả các nhân vật hầu như đã chết hoặc biến mất. Và đó chính là thoạt kỳ thủy - thời gian. Về phương diện không gian, mặc dù Thoạt kỳ thủy được xây dựng trên một không gian cụ thể là làng Linh Sơn, không xa Linh Nham (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) và hầu như tất cả các địa danh đều có trong thực tế, nhưng cũng như thời gian, không gian trong tác phẩm nhanh chóng trở nên trừu tượng, mờ ảo. Cảm giác bất ổn xuất hiện khi người đọc nhận thấy con sông hay được nhắc đến, sông Cái, chỉ là một cái tên không có thật. Xóm của Tính, nơi diễn ra phần lớn các sự kiện, lại không có tên và chỉ được tả một cách sơ sài. Nhà cửa và đồ vật cũng không được nhắc đến, hoặc nếu có thì cũng trong một không khí u ám. Con người ở đây cũng không kém phần lạ lùng, bí ẩn. Đặc biệt, trong tác phẩm có nhắc đến một địa danh là “Xóm Soi” - một xóm làng nằm bên kia sông luôn hiện ra đầy kì dị, quái đản: “ Khi về, trời đã khuya, ông Phùng thấy bên kia sông, dân xóm Soi đi thành vòng tròn trắng đục, ma quái”

[tr. 26], “Bên kia sông, bóng người gánh nước chập chờn” [tr. 65]. Rõ ràng, nếu coi đây là một hình ảnh xóm làng có thực ngoài đời thì người đọc có quyền hoài nghi.

Nhưng cũng chẳng thể nói đây là sự “hoang tưởng” của tác giả. Nói như Đoàn Cầm Thi, “sự mô tả này chỉ nhằm mục đích gợi lên những phong cảnh nội tâm, nhưng vùng tối trong tâm hồn các nhân vật” [tr. 78]. Và phải chăng cuộc thám hiểm này là điểm mới nhất trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương.

Như vậy, nhìn dưới góc độ nghệ thuật trần thuật, chúng ta nhận thấy sau 1986, những tác phẩm tiểu thuyết theo khuynh hướng cách tân đã thay đổi cơ bản quan niệm về vai trò của không gian và thời gian nghệ thuật, phá vỡ quan niệm về thời gian tuyến tính và không gian xác thực, để từ đó tự do đảo chiều, lắp ghép, dồn nén, thậm chí làm mờ hóa thời gian và không gian trong tác phẩm để tạo nên một bối cảnh đặc thù phục vụ ý đồ nghệ thuật riêng. Và trong xu hướng thoát khỏi những quy ước định sẵn đó, không ít tác phẩm đã kiến tạo nên một bối cảnh không gian và thời gian giàu tính biểu tượng.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết việt nam thời kì đổi mới nhìn từ đặc trưng phản ánh nghệ thuật (Trang 143 - 147)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(173 trang)
w