Theo Roberts (2001) ruộng trồng ớt đã nhiễm bệnh thán thư từ vụ trước tránh trồng cây họ cà ít nhất là 2 năm. Thực hành vệ sinh đồng ruộng bao gồm kiểm soát cỏ dại và các cây ớt dại. Lựa chọn các giống ớt chín nhanh để tránh sự xâm nhiễm bởi các loài nấm. Hạn chế vết thương tổn trên quả do côn trùng hoặc các loài khác để giảm nguy cơ lây nhiễm của các loài nấm Colletotrichum spp. và các vi khuẩn gây thối rữa khác. Đến cuối vụ các tàn dư cây trồng bị nhiễm bệnh trên đồng ruộng cần mang khỏi đồng ruộng bị chôn vùi kết hợp với bón cân đối Đạm - Lân - Kali và bổ sung các chất hỗ trợ.
2.3.2. Biện pháp sử dụng giống chống chịu bệnh
Sử dụng giống kháng là biện pháp hiệu quả nhất nhằm phòng chống bệnh cây. Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu về tính kháng nấm Colletotrichum trên ớt nhưng cho tới nay (2019) vẫn chưa có một giống ớt kháng bệnh thán thư nào được đưa ra thị trường. Lý do chủ yếu là do có nhiều loài/ kiểu gây bệnh của nấm Colletotrichum gây bệnh thán thư trên ớt và chúng có mối quan hệ không giống nhau đối với cây ớt.
Các nghiên cứu đầu tiên đã đưa ra các kết quả khác nhau về tính kháng nấm Colletotrichum trên ớt. Cheema et al. (1984) phát hiện rằng tính kháng đối với C. capsici là tính kháng gen lặn. Park et al. (1990) công bố tính kháng C. dematium là trội không hoàn toàn. Ahmed et al. (1991) báo cáo tính kháng đối với C. capsici là tính kháng đa gen, trong khi theo Qing-Lin et al. (2002), tính kháng đối với C. capsici là đơn gen trội.
Các nghiên cứu đánh giá tính kháng nấm Colletotrichum cho tới nay đã khẳng định gen kháng nấm này không có ở các dòng ớt thuộc loài C. annuum mà chỉ có ở C. baccatum và C. chinense (Mongkolporn, 2019).
Các nghiên cứu đã phát hiện nhiều dòng ớt vật liệu khởi đầu mang các gen kháng khác nhau đối với nấm Colletotrichum. Dòng PRI95030 (C. chinense) biểu hiện tính kháng cao đối với C. gloeosporioides và C. capsici là tính kháng QTL (Voorrips et al., 2004). Dòng PB80 (C. baccatum) chứa 2 gen kháng, co4 và co5, kháng được cả 2 loài C. capsici và C. acutatum (Mahasuk et al., 2009b).
Dòng PBC932 (C. chinense) chứa 3 gen kháng lặn, co1, co1 và co3, qui định tính kháng cao đối với C. capsici. Đáng chú ý, các gen kháng này điều khiển tính
kháng ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau, lần lượt là quả xanh, quả chín đỏ và cây con (Mahasuk et al., 2009a).
Đáng chú ý, dòng IPB C15 (C. annuum) chứa một tỷ lệ cao gen kháng lặn kháng được loài C. acutatum (Syukur et al., 2013). Gần đây, kết quả đánh giá tính chống chịu bệnh đồng ruộng trên 20 giống ớt C. annuum của AVRDC và Indonesia đã xác định được 5 giống AVPP1102-B, AVPP0513, AVPP0719, AVPP0207, AVPP1004-B có khả năng chống chịu bệnh thán thư và cho năng suất cao. Giống AVPP0207 ngoài khả năng chống chịu bệnh thán thư còn có sức đề kháng cao với các geminivirus, tuy nhiên quả của giống này không được thị trường ưa chuộng (Hasyim et al., 2014).
2.3.3. Biện pháp hóa học
Do không có giống ớt kháng bệnh thán thư nên cho tới nay, biện pháp phòng chống chủ yếu vẫn là dùng thuốc hóa học.
Các loài nấm Colletotrichum khác nhau có có phản ứng khác đối với thuốc. Ví dụ loài C. acutatum ít mẫn cảm với các thuốc trừ nấm nhóm benzimidazole, trong khi loài C. gloeosporioides mẫn cảm cao với hoạt chất này (Kim et al., 2007). Vì vậy, việc xác định đúng loài nấm sẽ giúp cho việc quản lý bệnh hiệu quả hơn.
Thuốc trừ nấm truyền thống được khuyến cáo để quản lý bệnh thán thư trên ớt là Manganese ethylenebisdithiocarbamate (Maneb), mặc dù nó không thích hợp với phòng chống vào giai đoạn bệnh thán thư gây hại nặng trên ớt.
Các thuốc trừ nấm azoxystrobin (Quadris), trifloxystrobin (Flint), và pyraclostrobin (Cabrio) gần đây đã được đưa ra để phòng trừ bệnh thán thư ớt, các loại thuốc này có hiệu quả chống bệnh thán thư ngay cả khi bệnh thán thư đã gây hại nặng (Than et al., 2008a).
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, Propiconazole, Carbendazim và Difenoconazole là các hoạt chất có hiệu lực cao đối với loài nấm C. capsici gây bệnh thán thư trên cây ớt. Trong 3 loại hoạt chất trên Propiconazole được xem là có hiệu quả nhất trong ức chế sự phát triển tản nấm trong phòng thí nghiệm và giảm tỷ lệ gây hại của C. capsici gây bệnh thán thư trên đồng ruộng (Gopinath et al., 2006; Naik et al., 2008; Ranasingh et al., 2010; Yadav et al., 2014).
Một số loại thuốc hóa học được kết hợp các hoạt chất cũng có hiệu lực cao trong phòng trừ bệnh thán thư. Các loại thuốc UPF-509 75WG (Azoxystrobin 8,3% + Mancozeb 66,7%) ở liều lượng 1.800g/ ha; Orion 72WP và Ridomil Gold
68WP (Mancozeb + Metalaxyl) ở nồng độ 0,2% có tác dụng tốt trong việc khống chế bệnh thán thư, nâng cao năng suất rõ rệt cho cây ớt tại Bangladesh và Ấn Độ.
Đặc biệt UPF-509 75% WG được xem là rất an toàn cho cây ớt khi không gây ngộ độc cho cây khi sử dụng ở liều lượng 3.000 g/ha (Ajithkumar et al., 2014;
Muthukumar et al., 2016; Naznin et al., 2014).
Sử dụng thuốc liên tục, không đúng cách có thể dẫn tới tính kháng thuốc của Colletotrichum (Staub, 1991). Chẳng hạn sử dụng liên tục benomyl, carbendazim và thiram đã dẫn tới tính kháng 3 loại thuốc này của C. capsici (Khilare et al., 2010). Tương tự, việc dùng thuốc nhóm benzamidazole (benomyl, thiabendazole, carbendazim) liên tục có thể làm tăng khả năng kháng thuốc của nấm C. gloeosporioides do làm tăng áp lực chọn lọc lên các đột biến điểm của gen beta-tubulin - vị trí tác động của thuốc (Chung et al., 2010).
Bệnh thán thư hại ớt có thể được kiểm soát trong điều kiện thời tiết bình thường với một chương trình phun hợp lý. Tuy nhiên, việc sử dụng hóa chất không kiểm soát, đặc biệt là ở các nước đang phát triển đã gây ra các tác động tiêu cực đến chất lượng sản phẩm, sức khỏe con người và ô nhiễm đối với môi trường (Voorrips et al., 2004).
2.3.4. Biện pháp sinh học
Việc phòng trừ bệnh thán thư gây thối quả ớt dựa vào hóa chất trong nhiều năm đã dẫn đến nhiều vấn đề không mong muốn. Đã có nhiều nghiên cứu nhằm phòng chống bệnh thán thư bằng dịch chiết thực vật và vi sinh vật đối kháng.
Dịch chiết xuất từ thân, rễ, lá, cành của cây thủy xương bồ (Acorus calamus L.), sả hoa hồng (Cymbopogon martinii), từ lá của cây hương nhu tía (Ocinum sanctum), cây Neem (Azadirachia indica) có thể hạn chế sự phát triển của nấm gây bệnh thán thư (Jeyalakshmi et al., 1998; Korpraditskul et al., 1999). Đặc biệt, dịch chiết của cây thủy xương bồ đã cho thấy rất hiệu quả khi phun 2 lần trên cây ởgiai đoạn ra hoa (Charigkapakorn, 2000).
Chiết xuất lá từ cây Polygala elata và Datura metel chứa các hợp chất Alkanoid, Steroids và Tannins có khả năng ức chế sinh trưởng của nấm C. capsici. Trong điều kiện phòng thí nghiệm dịch chiết của các loại lá có hiệu lực ức chế 68,5 - 72,7% đến sự sinh trưởng của tản nấm trên môi trường PDA và 68,4 - 76,4% bào tử nảy mầm (Rajamanickam et al., 2012).
Dịch chiết từ tỏi (Allium sativum), cây cẩm quỳ (Malva sp.) và củ gừng
(Zingiber officinale) có tác dụng làm giảm tới 97% mức độ gây hại của bệnh thán thư do nấm C. accutatum gây hại trên giống ớt chuông tại Brazil (Alves et al., 2015). Hỗn hợp dịch chiết neem (Azadirachta indica) + gỗ gụ (Swietenia mahagoni) + tỏi (Allium sativum) có tác dụng tốt trong việc ngăn chặn bệnh thán thư trên cây ớt khi phun chúng ở giai đoạn bệnh mới xuất hiện (Rashid et al., 2015).
Sản phẩm chiết bằng acetonee từ 3 loài địa y, Evernia prunastri, Hypogymnia physodes và Cladoniaportentosa đã chứng tỏ có hoạt tính đối kháng đối với 8 loài nấm và vi sinh vật giống nấm gây bệnh cây gồm Pythium ultimum, Phytophthora infestans, Rhizoctonia solani, Botrytis cinerea, Colletotrichum lindemuthianum, Fusarium solani, Stagonospora nodorum và Ustilago maydis. Đặc biệt, sản phẩm chiết từ E. prunastriand và H. physodes đã ức chế hoàn toàn hoặc ức chế mạnh sinh trưởng của P. ultimum, U. maydis và P. infestans. Các sản phẩm chuyển hóa thứ cấp, đặc biệt là các lichenic acid như evernic acid và (−) usnic acid là tác nhân chính có hoạt tính kháng nấm (Halama & Van Haluwin, 2004).
Sản phẩm chiết bằng các dung môi gồm ethyl acetate, acetonee và methanol từ 10 loài địa y gồm Flavoparmelia caperata, Parmotrema austrosinensis, Roccella montagnei, Teloschistes flavicans, Physcia aipolia, Parmotrema grayanum, Parmotrema tinctorum, Parmotrema reticulatum, Usnea sp. và Sticta sp. đã được đánh giá hoạt tính ức chế sinh trưởng nấm Fusarium oxysporum f.sp.
capsici gây bệnh héo Fusarium cây ớt. Trong số 10 loài này, ngoại trừ Sticta sp.
và Parmotrema reticulatum, cả 8 loài còn lại đều có chứa các hợp chất ức chế nấm F. oxysporum ở các mức độ khác nhau (Shivanna & Garampalli, 2014).
Các nhà khoa học Ấn Độđã chứng tỏ dịch chiết từ3 loài địa y Parmotrema tinctorum , Pa. grayanum và Pa. praesorediosum có thể ức chế nấm C. capsici gây bệnh thán thư ớt với hiệu lực > 50% (Kekuda et al., 2014).
Jeger & Jeffries (1988) cho rằng sử dụng vi khuẩn Pseudomonas fluorescens có thể ngăn chặn bệnh thán thư trên quả ớt ở giai đoạn sau thu hoạch.
Xử lý vi khuẩn đối kháng P. fluorescens có thể khởi động các gen phòng thủ của cấy ớt chống sự gây bệnh của C. capsici (Ramamoorthy & Samiyappan, 2001).
Itanoo & Chamswarng (2007) đã tìm thấy các chủng vi khuẩn đối kháng P. fluorescens (DGg13 và BB133) có khảnăng kiểm soát nấm C. capsici, đây là tác nhân gây bệnh thán thư lớn ở Thái Lan.
Nấm đối kháng Tricoderma cũng được biết có khả năng cạnh tranh diện
tích bề mặt dẫn tới làm giảm sự xâm nhập của nấm Colletotrichum (Jeffries et al., 1992). Chủng Pm9 của nấm T. harzianum có thể ức chế tốt bệnh thán thư trên ớt do nấm C. gloeosporioides (Boonratkwang et al., 2007).