Chương I: Khái quát chung về Luật Phá sản 2014
1.2 Khái quát về phá sản theo Luật Phá sản 2014
1.2.1. Khái niệm phá sản
Doanh nghiệp nào cũng sẽ phải gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt, sự khan hiếm nguồn vốn hay sự quản lý tài chính lỏng lẻo. Khi đó, khái niệm “phá sản” hay
“vỡ nợ” là tình trạng mà doanh nghiệp phải đối mặt nếu như không tìm ra hướng giải quyết. Theo góc độ kinh tế học, phá sản là tình trạng mất cân bằng giữa thu và chi tại một doanh nghiệp hay một công ty mà biểu hiện rõ rệt nhất ở sự mất cân bằng ấy là tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ vay đã đến hạn thanh toán. Về nguồn gốc, thuật ngữ phá sản được diễn đạt bằng từ "bankruptcy" (theo tiếng Anh) hoặc "banqueroute" (theo tiếng Pháp) mà nhiều người cho rằng từ này
bắt nguồn từ chữ "Banca Rotta" trong tiếng La Mã cổ đại, trong đó banca có nghĩa là chiếc ghế dài, còn rotta có nghĩa là bị gãy. Banca rotta có nghĩa là "băng ghế bị gãy"12.
Từ xưa, các thương nhân La Mã thường họp với nhau để xem xét các khía cạnh kinh doanh của từng cá nhân, trong một diễn đàn gọi là “đại hội thương gia”;
người nào không trả được các khoản nợ thường bị bắt làm nô lệ, đồng thời mất luôn quyền tham gia đại hội. Chiếc ghế của người “vỡ nợ”, theo đó, sẽ bị đem ra khỏi hội trường. Vì vậy, người La Mã khi xưa mới dùng thuật ngữ bóng bẩy “chiếc ghế bị gãy” để ám chỉ người “phá sản” và không còn quyền lợi gì, hay người mất vị thế trong các đại hội thương gia. Về sau, để quản lý các tình trạng “phá sản” của các thương nhân đồng thời ngăn ngừa những “con nợ” bỏ trốn nhằm trốn các hình phạt hay trách nhiệm, các chế định về quản lý và xử lý tài sản của các “con nợ” ra đời rồi dần dần được cải thiện và nâng cấp thành Luật phá sản của nhà nước La Mã cổ đại.
Cũng ở thời kì này, thuật ngữ “phá sản” được sử dụng phổ biến, rất nhiều chuyên gia cho rằng nó bắt nguồn từ chữ “ruin” trong tiếng La-Tinh, có nghĩa là “sự khánh tận”13.
Ở Việt Nam, có nhiều thuật ngữ được sử dụng như: phá sản, vỡ nợ, khánh tận, khánh kiệt. Từ điển tiếng Việt định nghĩa từ “phá sản” là lâm vào tình trạng tài sản chẳng còn gì và thường là vỡ nợ do kinh doanh bị thua lỗ, thất bại; “vỡ nợ”,
“khánh tận” là lâm vào tình trạng bị thua lỗ, thất bại liên tiếp trong kinh doanh, phải bán hết tài sản mà vẫn không đủ để trả nợ. Như vậy, trong cách hiểu thông thường, khái niệm phá sản thường chỉ ra sự việc “phải bán hết tài sản mà vẫn không đủ trả nợ”.
Trong tiếng Anh, khái niệm phá sản và mất khả năng thanh toán được diễn đạt dưới những thuật ngữ bankruptcy14, insolvency15. Hai thuật ngữ này có khi được
12 Nguồn gôc của khái niệm phá sản, http://phasan.com.vn/san-pham/nguon-goc-cua-khai-niem-pha-san- 158.html.
13 Nguồn gôc của khái niệm phá sản, http://phasan.com.vn/san-pham/nguon-goc-cua-khai-niem-pha-san- 158.html.
14 https://en.wikipedia.org/wiki/Bankruptcy.
sử dụng như là những từ đồng nghĩa. Tuy vậy, có tác giả cho rằng, insolvency là khái niệm liên quan đến tình trạng tài chính, trong khi đó bankruptcy lại là khái niệm thuần tuý pháp lý.
Cụ thể, từ insolvency (được dịch sát nghĩa tương đương trong tiếng Việt là mất khả năng thanh toán) là để chỉ một tình trạng tài chính của doanh nghiệp.
Tình trạng này có thể xác định theo phương thức dựa trên cân đối tài sản – nợ cho thấy tài sản còn lại không đủ để thanh toán nợ (được gọi là “balance-sheet”
insolvency) hoặc dựa vào việc doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán nợ đã đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu (được gọi là “cash-flow” insolvency16). Khi một doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán (insolvency) thì nó có thể được thực hiện các thủ tục phục hồi kinh doanh (reorganazation) hoặc bị thanh lý (liquidation, winding-up).
Từ bankruptcy thì được hiểu như là thủ tục pháp lý để giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán.
Ở Hoa Kỳ, thuật ngữ bankruptcy được sử dụng cho cả thủ tục phá sản áp dụng cho cá nhân hoặc doanh nghiệp. Như vậy, từ các phân tích trên đây có thể thấy về mặt pháp lý, khái niệm “phá sản” có thể được hiểu theo hai khía cạnh sau đây:
Một là, phá sản là tình trạng một tổ chức kinh doanh bị mất khả năng thanh toán và bị cơ quan nhà nước (thông thường là Tòa án) ra quyết định tuyên bố phá sản. Hậu quả của quyết định này là sự chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp.
Hai là, phá sản là thủ tục pháp lý liên quan đến một tổ chức kinh doanh để giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán của tổ chức đó. Thủ tục pháp lý này được quy định bởi Luật phá sản và các bộ luật có liên quan, được tiến hành từ khi có dấu hiệu tổ chức kinh doanh đó lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán (insolvency) và quá trình giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán được thực hiện có thể đưa đến những hệ quả khác nhau là phục hồi tổ chức kinh
15 https://en.wikipedia.org/wiki/Insolvency.
16 https://en.wikipedia.org/wiki/Insolvency.
doanh (reorganization) hoặc thanh lý tài sản và chấm dứt hoạt động của tổ chức kinh doanh (liquidation hoặc winding-up).
Khác với các văn bản luật phá sản trước đây của Việt Nam đều không đưa ra định nghĩa cho khái niệm phá sản, cụ thể là Luật Phá sản 2004 chỉ đưa ra khái niệm doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”17. Luật Phá sản 2014 đã đưa ra định nghĩa pháp lý về phá sản, theo đó “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán (là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán)18 và bị tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”19. Khái niệm này đã tiếp cận phá sản dưới góc độ là một quyết định của Tòa án chứ không phải là quá trình ban hành ra quyết định đó (thủ tục phá sản).
Như vậy, Luật Phá sản 2014 không còn dùng khái niệm "lâm vào tình trạng phá sản” mà dùng khái niệm “mất khả năng thanh toán”, và nội hàm của khái niệm mất khả năng thanh toán được xác định cụ thể, rõ ràng hơn, có nhiều điểm khác biệt so với Luật Phá sản năm 2004, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiêu chí xác định mất khả năng thanh toán là “không thực hiện nghĩa vụ thanh toán” mà không phải là “không có khả năng thanh toán”.
Thứ hai, thời điểm được xác định là trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán mà không phải là “khi chủ nợ có yêu cầu”.
Nhìn chung, việc định lượng ở đây chỉ dừng lại thời gian trễ hạn thanh toán mà không quan tâm đến giá trị của các khoản nợ bao nhiêu. Điều này cho thấy Luật Phá sản 2014 đã quan tâm đến bản chất của tình trạng mất khả năng thanh toán, phân biệt rạch ròi giữa hai khái niệm là “mất khả năng thanh toán” và “phá sản”.
Luật Phá sản 2014 quy định thời gian rõ ràng, không căn cứ vào việc chủ nợ có yêu
17 Điều 3 Luật Phá sản 2004.
18 Khái niệm mất khả năng thanh toán quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014.
19 Khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014.
cầu đòi nợ hay không. Nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, đảm bảo trách nhiệm trả nợ đúng hạn của con nợ. Đối với chủ nợ, để yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ nợ không cần phải chứng minh đã có yêu cầu thanh toán, nhưng không được doanh nghiêp, hợp tác xã thanh toán (như văn bản đòi nợ của chủ nợ, vản bản khất nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã). Tuy nhiên Luật Phá sản 2014 vẫn dành một khoảng thời gian 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn chưa trả, để doanh nghiệp, hợp tác xã, con nợ tự giải quyết những khó khăn về tài chính tạm thời, khó khăn về dòng tiền, qua đó tạo thêm cơ hội để doanh nghiệp, hợp tác xã thanh toán nợ và giảm áp lực
“đe dọa” nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản từ phía chủ nợ.