Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ NGÂN HÀNG BÁN LẺ TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.1. Cơ sở lý luận về phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ của NHTM
1.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển ngân hàng bán lẻ tại các NH thương mại
1.1.5.1. Nhân tố khách quan - Cơ sở pháp lý
Luật pháp là nền tảng cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động NHBL nói riêng được thực hiện một cách an toàn và bền vững. Phát triển dịch NHBL cần thiết phải có môi trường pháp lý đồng bộ, rõ ràng và hoàn thiện để
tránh xảy ra tranh chấp, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng. Một khi các ngân hàng đưa ra các sản phẩm dịch vụ mới đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế và khách hàng nhưng luật pháp chưa cho phép thì dịch vụ bán lẻ đó cũng không thể triển khai thực hiện, làm lãng phí vốn và nguồn nhân lực. Do đó, luật pháp phải bám chặt với thực tiễn, tạo điều kiện cho việc phát triển các sản phẩm dịch vụ mới nhằm đáp ứng được yêu cầu của khách hàng mà vẫn đảm bảo tính an toàn cho cả khách hàng và ngân hàng.
- Môi trường kinh tế xã hội, chính trị
Môi trường kinh tế xã hội có tác động không nhỏ đến phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Sự phát triển mạnh mẽ của môi trường kinh tế đã tạo ra nhiều biến chuyển về chất lượng tiêu dùng và khả năng tích lũy của dân chúng, rất thuận lợi cho sự phát triển thị trường dịch vụ tài chính và là những yếu tố tiềm năng về nhu cầu đối với các DVBL trong thời gian tới. Thay vì chỉ đơn thuần sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng giản đơn, truyền thống như séc, tài khoản tiết kiệm, người dân sẽ sử dụng thêm các sản phẩm dịch vụ phức tạp hơn như tín dụng tiêu dùng, thẻ tín dụng để đáp ứng các nhu cầu cao cấp như tài khoản vãng lai, mua sắm tiêu dùng... Đối với các mức thu nhập khác nhau, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng cũng khác nhau. Người có thu nhập càng cao thì nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là DVBL của họ càng cao, đa dạng và ưa thích sử dụng các sản phẩm dịch vụ tiện lợi ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, người có thu nhập thấp thì có ít có nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
- Nhu cầu của khách hàng
Mọi sản phẩm dịch vụ được tạo ra nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
Nhu cầu của khách hàng khác nhau ở mỗi phân khúc, phân khúc khách hàng có thu nhập cao (VIP), khách hàng trung niên, khách hàng thế hệ trẻ, khách hàng DNVVN,... Mỗi phân khúc khác nhau được đánh giá xu hướng
triển vọng khác nhau về lợi nhuận sẽ đạt được. Nhu cầu của mỗi phân khúc này sẽ tác động đến việc thiết kế sản phẩm dịch vụ, chiến lược quảng bá hình ảnh marketing cũng như chiến lược phục vụ và chăm sóc. Mỗi ngân hàng phải xác định được nhu cầu khách hàng của mình để có chiến lược phù hợp cho hoạt động kinh doanh ở mỗi chu kỳ.
- Đối thủ cạnh tranh
Mức độ cạnh tranh cao sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển dịch vụ NHBL theo hướng đe dọa thị phần của các ngân hàng. Tuy vậy, quan sát hành động của đối thủ cạnh tranh sẽ giúp các ngân hàng hiểu được các sản phẩm hiện tại trên thị trường, phát hiện ra các xu hướng quan trọng hoặc học hỏi các cách thức phát triển hiệu quả.
1.1.5.2. Yếu tố chủ quan
- Chiến lược kinh doanh và chính sách đối với phát triển dịch vụ bán lẻ Chiến lược giúp cho ngân hàng thấy rõ hướng đi trong tương lai để các nhà quản trị ngân hàng xem xét và quyết định tổ chức đi theo hướng nào và khi nào đạt được các mục tiêu cụ thể nhất định. Chiến lược giúp các nhà quản trị thấy rõ cơ hội và thách thức trong nền kinh tế và đồng thời giúp phân tích đánh giá dự báo các điều kiện môi trường trong tương lai và tận dụng cơ hội, giảm thiểu nguy cơ và đưa ngân hàng vượt qua cạnh tranh giành thắng lợi. Do đó để phát triển DVBL cần có một chiến lược kinh doanh và chính sách phù hợp để thông qua đó đề ra được các mục tiêu cụ thể, cách thức thực hiện chi tiết đối với DVBL thì mới có thể phát triển được DVBL một cách thành công. Cụ thể hơn trong tình hình hiện nay của ngành Ngân hàng nói chung và tại NHCT nói riêng, để phát triển DVBL đòi hỏi những người đứng đầu phải hiểu được tầm quan trọng, xu thế và có tư duy bán lẻ do tư duy bán buôn đã hình thành từ quá lâu.
- Năng lực tài chính, Khả năng quản trị rủi ro, khả năng điều hành
Năng lực tài chính đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của một ngân hàng, chỉ khi năng lực tài chính đủ mạnh thì ngân hàng mới có đủ vốn để trang bị các tài sản cần thiết cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng như đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, thực hiện các chiến dịch nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, thực hiện chiến lược marketing sản phẩm, xây dựng chính sách lương và chế độ đãi ngộ cho cán bộ nhân viên…Và điều đặc biệt nhất đối với các hoạt động kinh doanh đó là một ngân hàng có quy mô vốn lớn sẽ dễ dàng tạo được sự tin cậy từ phía khách hàng và các đối tác. Nếu vốn của ngân hàng nhỏ sẽ không đủ tiềm lực để thực hiện những công việc trên thì để có được nguồn lực mạnh về vốn, các ngân hàng cần phải chủ động xây dựng chiến lược tăng vốn dài hạn theo những lộ trình thích hợp với nhu cầu phát triển trong từng thời kỳ.
- Trình độ kỹ thuật công nghệ của ngân hàng
Trong thời đại ngày nay, với tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ nói chung, công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng thì những ngân hàng có chính sách áp dụng trình độ công nghệ thông tin hiện đại, khả năng thích ứng công nghệ mới cao và có thể kết hợp với công nghệ của các ngân hàng khác trong khu vực và trên thế giới sẽ tạo ra cho khách hàng nhiều tiện ích, phục vụ khách hàng tốt hơn, chính là đã tạo ra sức hấp dẫn đối với khách hàng.
- Chất lượng nguồn nhân lực
Dù trong lĩnh vực kinh doanh nào thì con người cũng luôn được coi là yếu tố quyết định của mọi thành công. Để tiếp cận được với công nghệ mới, hiện đại các ngân hàng phải có nguồn nhân lực có kiến thức được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, hiểu biết về nghiệp vụ và đáp ứng được yêu cầu công việc. Điều này đòi hỏi các ngân hàng cần có chính sách tuyển dụng phù hợp, chính sách đào tạo bài bản, chuẩn bị lực lượng nhân lực có chuyên môn, am hiểu sản phẩm dịch vụ trước khi triển khai dịch vụ mới. Đồng thời nguồn nhân
lực chất lượng tốt, am hiểu sản phẩm DVBL cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh lâu dài trong lĩnh vực bán lẻ. Nguồn nhân lực trẻ, có tri thức, ham học hỏi và tiếp cận nhanh nhậy với những ứng dụng mới là một lợi thế không nhỏ để ngân hàng phát triển, đẩy mạnh bán được các sản phẩm DVBL.