Trong nhiều năm gần đây, tình hình tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai có xu hướng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng và mức độ phức tạp, có lúc vấn đề này đã trở thành điểm nóng của cả một địa phương, một vùng và ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại các địa phương này. Nguyên nhân của tình trạng này là công tác giải
quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai nói riêng và công tác quản lý Nhà nước về đất đai nói chung còn lỏng lẻo và yếu kém và chưa triệt để. Trong khi đó vai trò của công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai là một trong những nội dung quan trọng nhằm bảo đảm sự ổn định của các quan hệ pháp luật đất đai, ổn định đời sống xã hội. Để khắc phục tình trạng trên, Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định đầy đủ, chi tiết theo hướng đơn giản nhưng hiệu quả việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Từ đó, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đối với đất đai, đồng thời giúp từng bước hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Tuy nhiên do tính chất của môn học, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản sau :
a. Giải quyết tranh chấp đất đai
* Giới thiệu
Tranh chấp đất đai là hiện tượng xã hội, xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi. Song ở các địa phương khác nhau, ở từng thời gian khác nhau thì tranh chấp đất đai lại có những đặc thù và nội dung khác nhau. Sở dĩ có đặc thù này ngoài yếu tố lịch sử để lại, còn do phong tục, tập quán của các địa phương và do trình độ dân trí của người dân; thêm vào đó là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa tốt, quá trình thực hiện chưa đúng, chưa chính xác….Điều này, đã dẫn đến các tranh chấp là điều tất yếu. Do đó có thể hiểu:
Tranh chấp đất đai là tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật đất đai về quyền và nghĩa vụ trong quá trình quản lý và sử dụng đất.
Như vậy, tranh chấp đất đai thực chất là sự tranh giành về quyền quản lý và quyền sử dụng đối với một diện tích đất nhất định mà các bên đều cho rằng mình phải được quyền đó là đúng pháp luật. Vì thế họ không thể cùng nhau tự giải quyết được tranh chấp phát sinh mà phải yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Giải quyết tranh chấp đất đai với ý nghĩa là một trong mười ba nội dung của chế độ quản lý Nhà nước đối với đất đai, do đó chúng ta có thể hiểu: giải quyết tranh chấp đất đai là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm nhằm giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên trong quan hệ tranh chấp để tìm ra các giải pháp đúng đắn trên cơ sở pháp luật, qua đó khôi phục lại các quyền và lợi ích đã bị xâm phạm, đồng thời truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tranh chấp đất đai gồm:
* Tranh chấp về quyền sử dụng đất Trường hợp 1. Hoà giải tranh chấp
Tranh chấp xảy ra các bên tự thương lượng giải quyết, nếu các bên tranh chấp không hoà giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất.
Trong thời hạn 30 ngày, UBND cấp xã nơi có đất có trách nhiệm phối hợp với ủy ban mặt trận tổ quốc để hoà giải tranh chấp, kết quả hoà giải được lập thành
biên bản có chữ ký và xác nhận của UBND cấp xã nơi có đất. Nếu kết quả hoà giải mà khác với hiện trạng sử dụng đất thì UBND cấp xã nơi có đất phải gửi kết quả đến UBND cấp Huyện nếu tranh chấp đó giữa hộ gia đinh, cá nhân, cộng đồng dân cư; đến UBND cấp Tỉnh nếu tranh chấp của người sử dụng đất khác để các cơ quan này ra quyết định giải quyết.
Trường hợp 2. Hoà giải tranh chấp không thành
Tranh chấp đất đai đã được hoà giải tại UBND cấp xã mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì được giải quyết như sau:
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất hợp lệ và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Toà án nhân dân giải quyết;
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất hợp lệ được giải quyết như sau:
+ Trường hợp Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết; quyết định của chủ tịch UBND cấp tỉnh là quyết định giải quyết cuối cùng.
+ Trường hợp Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; quyết định của Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường là quyết định giải quyết cuối cùng.
* Tranh chấp về quyền quản lý
Riêng tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính thì cấp có thẩm quyền giải quyết được quy định như sau:
Tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới giữa các đơn vị hành chính do UBND của các đơn vị đó cùng phối hợp giải quyết. Trường hợp không đạt được sự nhất trí hoặc việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính thì:
- Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính cấp tỉnh do Quốc hội quyết định;
- Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do Chính phủ quyết định.
Để phục vụ cho việc giải quyết các tranh chấp đất đai được nhanh chóng, chính xác thì Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý đất đai các cấp có trách nhiệm cung cấp các tài liệu cần thiết và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết các tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính.
b. Khiếu nại và tố cáo về đất đai
- Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quá trình quản lý và sử dụng đất khi có căn cứ cho rằng
quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình.
- Tố cáo là việc công dân báo cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trong quá trình quản lý và sử dụng đất, gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
* Chủ thể, đối tượng khiếu nại, tố cáo - Đối với khiếu nại
+ Chủ thể được quyền khiếu nại bao gồm: các cơ quan nhà nước, các tổ chức và mọi công dân.
+ Đối tượng của khiếu nại là:
Quyết định hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu nại như: quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất.
Hành vi hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu nại là hành vi của cán bộ, công chức Nhà nước khi giải quyết công việc thuộc phạm vi liên quan đến các quyết định hành chính trong quản lý đất đai.
- Đối với tố cáo
+ Chủ thể tố cáo: mọi công dân khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình quản lý và sử dụng đất của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức thì đều được quyền tố cáo.
+ Đối tượng của tố cáo: Là hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, công dân hoặc tổ chức.
* Trình tự và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai - Đối với khiếu nại
+ Trường hợp khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện:
Trong thời hạn không quá chín mươi ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai mà người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không đồng ý với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó thì có quyền nộp đơn khiếu nại đến Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo thời hạn quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.
Quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải được công bố công khai và gửi cho người khiếu nại, người khác có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Trong thời hạn không quá bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì có quyền khởi kiện ra Toà án nhân dân hoặc khiếu nại đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trường họp khiếu nại đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo thời hạn quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là quyết định giải quyết lần hai, phải được công bố công khai và gửi cho người khiếu nại, người khác có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Cơ quan nhận đơn khiếu nại có trách nhiệm ghi vào sổ theo dõi giải quyết khiếu nại.
+ Trường hợp khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp tỉnh:
Trong thời hạn không quá ba mươi ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai mà người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không đồng ý với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó thì có quyền nộp đơn khiếu nại đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo thời hạn quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.
Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được công bố công khai và gửi cho người khiếu nại, người khác có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Trong thời hạn không quá bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì có quyền khởi kiện tại Toà án nhân dân.
Cơ quan nhận đơn khiếu nại có trách nhiệm ghi vào sổ theo dõi giải quyết khiếu nại.
+ Thời hạn giải quyết đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND được quy định như sau:
Tại khoản 1 Điều 36 Luật Khiếu nại, t
ố cáo năm 2005 sửa đổi, bổ sung Luật khiếu nại tố cáo năm 2004 thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 45 ngày, kể từ
ngày thụ lý để giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý để giải quyết.
Theo quy định tại Điều 39 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2005 quy định: trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Khoản 1 Điều 36 mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn nói trên có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày. Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án nhân dân cấp tỉnh.
- Đối với tố cáo
Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai.
Việc giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Các tố cáo đối với nhân viên và nội dung tố cáo liên quan đến trách nhiệm quản lý của cơ quan nào thì thủ trưởng của cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.
Tố cáo đối với quyết định hoặc việc làm của thủ trưởng của cơ quan nào thì thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp cơ quan đó giải quyết.
Như vậy, việc giải quyết các tranh chấp, khiếu nại về đất đai đã được Luật đất đai quy định rõ ràng và theo nguyên tắc giải quyết hai cấp, đồng thời xác định căn cứ pháp lý của các tranh chấp nhằm tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa tòa án nhân dân và cơ quan hành chính, gây khó khăn cho người sử dụng đất; qua đó sẽ tách bạch rõ ràng giữa giải quyết khiếu nại về đất đai với tranh chấp đất đai trong trong thời gian khá dài trước khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực.