CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NỢ THUẾ
1.5. Các nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý nợ thuế
Các nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý nợ thuế có thể chia thành 02 nhóm: nhóm nhân tố bên trong và nhóm nhân tố bên ngoài.
1.5.1. Nhân tố bên trong
Cơ quan thuế là chủ thể quan trọng trong công tác Quản lý nợ thuế. Do đó, những nhân tố bên trong từ xuất phát từ phía cơ quan thuế cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến công tác Quản lý nợ thuế. Những nhân tố này bao gồm:
Thứ nhất, công tác tổ chức:
Cam kết của lãnh đạo: Lãnh đạo cơ quan thuế căn cứ vào mục tiêu chất lượng của cơ quan để đưa ra các chính sách đảm bảo nguồn lực, nâng cao hiệu quả cho công tác quản lý nợ thuế.
Bộ máy quản lý: Bộ máy quản lý phù hợp hay không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý.
Quy trình, thủ tục quản lý: Quy trình quản lý nợ hợp lý hay không hợp lý sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác quản lý nợ thuế vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến thao tác nghiệp vụ của cán bộ thuế. Quy trình quản lý càng chi tiết, cụ thể, rõ ràng thì càng thuận lợi cho công chức thực hiện. Việc áp dụng quy trình quản lý nợ thuế của công chức quản lý, nếu không thực hiện nghiêm túc đúng theo quy trình quản lý nợ thuế thì hiệu quả sẽ thấp. Công chức quản lý chưa quyết liệt áp dụng các biện pháp quản lý nợ thuế cũng như cưỡng chế hiệu quả đối với người nộp thuế sẽ dẫn đến tình trạng nợ thuế kéo dài.
Các thủ tục hành chính có rườm rà, phiền hà hay không cũng ảnh hưởng đến công tác quản lý nợ thuế.
Thứ hai, nhân sự của bộ máy quản lý nợ thuế:
Công tác tuyển dụng cán bộ công chức quản lý nợ thuế có đảm bảo đủ số lượng và chất lượng về bằng cấp, chuyên môn, trình độ để thực hiện công việc hay không.
Công tác đào tạo cán bộ, công chức cũng ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý nợ thuế. Đội ngũ cán bộ công chức được đào tạo có chất lượng cao (có trình độ, nắm chắc, tinh thông quy trình nghiệp vụ, các văn bản pháp luật, kỹ năng khai thác và sử dụng các phần mềm ứng dụng quản lý nợ,...) sẽ đảm bảo thực hiện công tác quản lý nợ có hiệu quả hơn. Với nguồn nhân lực có chất lượng phù hợp vừa tiết kiệm được chi phí, vừa đảm bảo có thể thu đủ thuế cho Ngân sách Nhà nước.
Thứ ba, công nghệ và cơ sở vật chất:
Về ứng dụng công nghệ thông tin: Cơ sở dữ liệu có đầy đủ hay không, mạng máy tính, hệ thống các ứng dụng, phần mềm hỗ trợ công tác quản lý nợ thuế có đủ đáp ứng yêu cầu hay không là yếu tố quan trọng tác động đến công tác quản lý nợ nhất là trong bối cảnh số đối tượng nợ thuế ngày càng nhiều, số thuế nợ đọng ngày càng cao và phức tạp, nhiều loại khoản, rất khó để có thể quản lý hiệu quả. Cơ sở dữ liệu đầy đủ, mạng máy tính đáp ứng và hệ thống các phần mềm ứng dụng cho dữ liệu chính xác, kịp thời, hỗ trợ nhiều chức năng sẽ phục vụ cho công chức thuế quản
lý nợ tốt hơn trong việc tra cứu, đối chiếu số liệu nợ thuế, ngược lại nếu phần mềm, ứng dụng không chính xác sẽ gây khó khăn cho việc đối chiếu, xác định số liệu nợ sai, gây phiền hà cho người nộp thuế...
1.5.2. Nhân tố bên ngoài
Công tác quản lý nợ thuế chịu ảnh hưởng không hề nhỏ của các nhân tố bên ngoài. Đó là những nhân tố sau:
Thứ nhất,về chính trị pháp lý:
Chính trị pháp lý có ổn định hay không sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế nói chung và công tác quản lý nợ thuế nói riêng. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nếu không có hoặc không phát huy hiệu quả các chính sách pháp luật nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, sẽ làm cho số nợ đọng tăng lên, dẫn đến việc quản lý thu nợ gặp nhiều khó khăn. Hệ thống văn bản chính sách pháp luật thuế nếu ổn định và hợp lý sẽ giúp công tác quản lý nợ thuế hiệu quả hơn, nếu thường xuyên thay đổi sẽ làm cho cán bộ thuế khó nắm bắt và áp dụng kịp thời.
Thứ hai, là tình hình kinh tế - xã hội:
Tình hình kinh tế - xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Khi kinh tế khó khăn, lạm phát, chi phí đầu vào tăng cao làm cho việc sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thua lỗ, đình trệ, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn vì ngân hàng thắt chặt cho vay, lại không thu hồi được công nợ, do vậy không có khả năng nộp thuế đúng hạn, gây ra tình trạng nợ đọng thuế ngày càng nhiều, và dẫn đến khối lượng công việc trong công tác quản lý nợ thuế ngày càng nặng nề.
Thứ ba, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan với cơ quan thuế trong công tác quản lý nợ thuế rất quan trọng. Nếu như các cơ quan chức năng như cơ quan công an, ngân hàng, kho bạc, Ủy ban nhân dân các cấp… không phối hợp hoặc phối hợp kém hiệu quả với cơ quan thuế để đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế sẽ làm cho công tác thu nợ gặp nhiều khó khăn.
Thứ tư về đối tượng nộp thuế: Trình độ nhận thức và thái độ ý thức của người nộp thuế ảnh hưởng quan trọng đến công tác quản lý nợ thuế. Người nộp thuế
có nhận thức được tầm quan trọng của việc nộp thuế hay không để thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế. Đặc điểm của thuế là không mang tính hoàn trả trực tiếp cho người nộp mà được sử dụng cho mục đích chi tiêu chung cho toàn xã hội, nhiều người nộp thuế lại chưa thật hiểu rõ tầm quan trọng của tiền thuế đối với nhà nước và nhân dân, dẫn đến nợ tiền thuế.
Bên cạnh đó thái độ ý thức của nhiều người nộp thuế chưa cao, chưa tự giác chấp hành nghĩa vụ thuế, sử dụng nguồn vốn để mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh, cố tình dây dưa, chây ỳ không nộp thuế. Do đó cơ quan thuế cần phải theo dõi sát sao, thực hiện các biện pháp quản lý đôn đốc thu nợ hoặc cưỡng chế nợ phù hợp, khiến cho khối lượng công việc quản lý nợ thuế cũng nhiều và phức tạp hơn.