CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NỢ THUẾ
1.6. Kinh nghiệm trong công tác quản lý nợ thuế trên thế giới
1.6.2. Kinh nghiệm công tác quản lý nợ tại Australia
Được chia thành nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm đảm nhận những nhiệm vụ, vai trò khác nhau. Trong đó có nhóm:
- Nhóm theo dõi nộp tờ khai đúng hạn: ban hành thông báo nhắc nhở, thông báo các khoản phạt nếu không nộp đúng hạn, gọi điện cho đối tượng nợ thuế và chuyển các trường hợp sang khởi tố nếu cần.
- Nhóm quản lý nộp thuế: tìm ra các người nộp thuế không nộp thuế đúng hạn, liên hệ với người nợ thuế để tìm hiểu nguyên nhân qua đó để xác định cách thức quản lý nợ: Thỏa thuận lại số thuế phải nộp hoặc yêu cầu nộp toàn bộ số thuế vì rủi ro cho số thuế. Hoặc áp dụng các biện pháp truy thu: thông báo đưa ra tòa án, yêu cầu nộp thuế.
- Nhóm hỗ trợ người nộp thuế: trả lời các vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế liên quan đến nợ thuế và nộp tờ khai.
- Nhóm thu nợ: chịu trách nhiệm thu các khoản nợ mới hoặc nợ cũ năm trước chuyển qua. Công việc cụ thể: gọi điện trực tiếp cho đối tượng nợ thuế không thực hiện theo yêu cầu tại thông báo nhắc nhở hoặc theo yêu cầu về thời hạn nộp thuế đã được cơ quan thuế điều chỉnh hoặc không liên hệ với cơ quan thuế để thỏa thuận các giải pháp.
- Nhóm giải quyết các khoản nợ tranh chấp: quản lý và thu các khoản nợ đang tranh chấp trừ các khoản nợ của các đối tượng nợ thuế lớn.
- Nhóm xử lý các khoản nợ khó đòi.
- Bộ phận đối tượng nợ thuế lớn: thực hiện thu nợ các đối tượng nợ thuế lớn.
- Nhóm quản lý các trường hợp phức tạp.
- Nhóm quản lý các đối tượng thường xuyên nợ thuế.
- Nhóm thực hiện xóa nợ thuế: xét các đơn xin xóa nợ thuế.
- Nhóm xử lý các vụ việc nghiêm trọng.
- Về biện pháp quản lý nợ
+ Nếu số nợ dưới 1.000$, cơ quan thuế thông báo nhắc nhở đối tượng nợ thuế bằng văn bản 28 ngày sau thời hạn nộp thuế.
+ Nếu số nợ trên 1.000$ và dưới 50.000$: thì cơ quan thuế sẽ gửi thông báo nhắc nhở đối tượng nợ thuế trong vòng 21 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế. Nếu đối tượng nợ thuế không trả lời trong vòng 21 ngày thì cơ quan thuế gửi thông báo
lần 2. Nếu sau 21 ngày, đối tượng nợ thuế không trả lời, cơ quan thuế gửi thông báo lần 3 ghi rõ cơ quan thuế sẽ tiến hành các biện pháp pháp lý nếu không nộp số thuế nợ đọng.
+ Nếu số thuế nợ trên 50.000$ và dưới 100.000$: Cơ quan thuế sẽ liên hệ bằng điện thoại trong vòng 7 ngày để nhắc nhở. Sau 14 ngày, cơ quan thuế gửi văn bản đôn đốc.
+ Nếu số nợ trên 100.000$: Cơ quan thuế sẽ liên hệ bằng điện thoại trong vòng 24 tiếng để nhắc nhở. Sau 7 ngày, cơ quan thuế gửi văn bản đôn đốc.
Tùy theo mức độ chấp hành của đối tượng nợ thuế, cơ quan thuế cho phép nộp dần có tính phạt chậm nộp hay áp dụng các biện pháp tương xứng.
1.6.3. Vận dụng kinh nghiệm các nước vào công tác quản lý nợ thuế tại Việt Nam 1.6.3.1. Kinh nghiệm trong công tác quản lý nợ thuế ở các nước
Kinh nghiệm công tác quản lý nợ thuế của các nước nêu trên cho thấy dù mô hình tổ chức và cách thức hoạt động có khác nhau nhưng đều có những điểm chung:
- Trong cơ chế tự khai, tự nộp thuế, do số lượng người nợ thuế ngày càng tăng, số lượng cán bộ quản lý nợ có hạn nên việc quản lý nợ thuế cần được thực hiện dựa vào mức độ thuế và mức độ chấp hành pháp luật của người nợ thuế.
- Theo dõi việc kê khai của người nộp thuế để phát hiện và đôn đốc nộp nợ thuế kịp thời.
- Có cơ sở dữ liệu thông tin người nộp thuế để phục vụ công tác quản lý nợ thuế. Áp dụng tiêu chí đánh giá rủi ro để có biện pháp phù hợp. Căn cứ mức độ rủi ro để cho phép người nộp thuế thêm thời gian để thực hiện cam kết nộp nợ thuế hay áp dụng biện pháp phù hợp.
- Công cụ đắc lực phục vụ cho công tác quản lý nợ thuế là khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Cơ quan thuế cần ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý.
1.6.3.2. Vận dụng kinh nghiệm của các nước vào công tác quản lý nợ tại Việt Nam
Thông qua những bài học kinh nghiệm của các nước trong việc quản lý nợ thuế, đối chiếu, so sánh, liên hệ để vận dụng, bổ sung vào công tác quản lý nợ thuế tại Việt Nam, qua đó vận dụng kinh nghiệm về các vấn đề:
- Xác định đúng nguyên nhân gây nợ đọng thuế, để từ đó có những biện pháp nhằm quản lý nợ tốt, chống thất thu cho Ngân sách Nhà nước.
- Tùy theo mức độ nợ thuế và mức độ chấp hành của đối tượng nợ thuế, cơ quan thuế cho phép nộp dần theo kế hoạch hay áp dụng các biện pháp tương xứng.
- Đổi mới cách thức quản lý nợ thuế hiện đại, ứng dụng “quản lý rủi ro”
trong công tác thu nợ thuế như:
+ Phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu (bao gồm các thông tin trong và ngoài ngành thuế) cho việc phân tích, đánh giá rủi ro phục vụ công tác thu nợ thuế (xây dựng các chỉ tiêu thông tin, cơ chế thu thập thông tin, tổ chức việc thu thập và cập nhật thông tin);
+ Xây dựng hệ thống tiêu thức đánh giá rủi ro phục vụ công tác thu nợ thuế theo từng mức độ áp dụng cho từng năm tùy thuộc các điều kiện áp dụng và lộ trình mở rộng cơ chế tự khai, tự nộp, áp dụng việc phân tích thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh và báo cáo tài chính của đối tượng nộp thuế trong công tác thu nợ thuế;
+ Xây dựng kế hoạch thu nợ trên cơ sở phân tích rủi ro và thực hiện thu nợ theo kế hoạch đề ra.
Tóm tắt Chương 1
Để đạt được mục đích chính của luận văn là tìm giải pháp cải thiện công tác quản lý nợ thuế, Chương 1 – “Cơ sở lý luận” đã tổng hợp và hệ thống hóa cơ sở lý luận về công tác quản lý nợ thuế. Cụ thể Chương 1 đề cập đến các vấn đề chính đó là: một số lý luận về thuế bao gồm khái niệm và vai trò của thuế, lý luận về quản lý nợ thuế. Để tìm lời giải cho bài toán cải thiện công tác quản lý nợ thuế thì đòi hỏi công chức quản lý nợ thuế phải nắm vững được đặc điểm của nợ thuế, các loại nợ thuế, từ đó tìm nguyên nhân dẫn đến nợ thuế, và hậu quả của tình trạng nợ thuế.
Chương 1 chỉ ra sự cần thiết phải thực hiện quản lý nợ thuế, vai trò của quản lý nợ thuế đối với nền kinh tế. Chương 1 cũng cụ thể hóa các nội dung của công tác quản lý nợ thuế, quy trình quản lý nợ thuế đang được áp dụng ở Việt Nam hiện nay, các chỉ tiêu đánh giá công tác quản lý nợ thuế và các nhân tố bên trong, nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến công tác quản lý nợ thuế. Chương 1 cũng nêu ra một số kinh nghiệm nổi bật trong công tác quản lý nợ thuế ở Nhật Bản và ở Australia, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý nợ thuế ở Việt Nam. Nội dung Chương 1 được sử dụng làm hệ thống lý luận để từ đó làm cơ sở đánh giá thực trạng công tác quản lý nợ thuế trên địa bàn tỉnh Nghệ An, gồm các kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, được phản ánh trong Chương 2 của luận văn “Thực trạng công tác quản lý nợ thuế tại Cục Thuế tỉnh Nghệ An”.