CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NỢ THUẾ TẠI
2.3. Phân tích thực trạng công tác quản lý nợ thuế tại Cục Thuế tỉnh Nghệ
2.3.2. Đôn đốc thu và xử lý tiền nợ thuế
Cục Thuế Nghệ An triển khai thực hiện các biện pháp quản lý nợ theo quy trình quản lý nợ để phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu thu tiền thuế nợ.
- Trưởng phòng/Đội trưởng đội Quản lý nợ phân công quản lý nợ thuế theo từng đối tượng nợ thuế cho công chức quản lý nợ.
- Phân loại tiền thuế nợ: Hàng ngày, ngay khi nhận được hồ sơ và các tài liệu liên quan đến việc thay đổi tính chất nợ của NNT, công chức quản lý nợ phải căn cứ tiêu thức phân loại tiền thuế nợ và hồ sơ nhận được, để phân loại tính chất theo từng khoản nợ, nhóm nợ, nhằm phản ánh kịp thời các thay đổi liên quan đến tính chất nợ.
Như vậy tại Cục Thuế Nghệ An, các khoản nợ thuế đã được phân công theo địa bàn cho từng công chức quản lý nợ theo dõi, phân loại nợ để có biện pháp đôn đốc thu nợ phù hợp. Tuy nhiên việc phân loại nợ thuế của nhiều công chức chưa kịp thời, không chính xác, mặc định theo ứng dụng hỗ trợ tự động phân loại, nhiều công chức quản lý nợ không chủ động phối hợp các bộ phận liên quan như bộ phận kê
khai, bộ phận quản lý các khoản thu từ đất, bộ phận thanh kiểm tra... để có cơ sở phân loại nợ kịp thời, do đó phản ánh không đúng tính chất các khoản nợ thuế.
- Sau khi phân loại tiền thuế nợ, công chức quản lý nợ thực hiện đôn đốc thu nộp:
+ Đối với khoản nợ từ 01 đến 30 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp thuế: công chức quản lý nợ gọi điện thoại, nhắn tin hoặc gửi thư điện tử cho chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện theo pháp luật của NNT thông báo về số tiền thuế nợ. Tuy nhiên nhiều công chức không thực hiện đúng, không theo dõi phát hiện kịp thời các khoản nợ này nên không đôn đốc được ngay khi mới xuất hiện nợ, do đó không hạn chế được các khoản nợ mới phát sinh. Một yếu tố bên ngoài ảnh hưởng là do ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý là thiếu chức năng thông báo cho công chức quản lý biết khi khoản nợ mới phát sinh mà phải sau thời gian khóa sổ thuế mới được biết. Công chức quản lý phải thường xuyên theo dõi thủ công đối với từng đối tượng nộp thuế, điều này là không khả thi khi số lượng đối tượng nợ thuế ngày càng tăng cao.
+ Đối với khoản nợ từ ngày thứ 31 trở lên, kể từ ngày hết hạn nộp thuế, công chức quản lý nợ thực hiện: Ban hành thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp theo mẫu 07 quy trình Quản lý nợ thuế gửi đến người nợ thuế. Việc ban hành thông báo tiền thuế nợ thì nhiều công chức chỉ ban hành hàng loạt thông báo nợ thuế theo ứng dụng quản lý nợ kết xuất ra một cách máy móc mà không theo dõi, kiểm tra tính chính xác và hiệu quả.
Việc tính phạt chậm nộp trong thông báo không thực hiện đúng theo Luật Quản lý thuế, công chức thực hiện tính phạt chậm nộp còn mang cảm tính, tùy tiện, bỏ sót, nhiều doanh nghiệp nợ thuế không bị tính phạt chậm nộp do công chức thực hiện không nghiêm, hoặc do trình độ năng lực yếu nên tính phạt chậm nộp sai...
Sau khi phát hành thông báo nếu người nợ thuế phản ánh về số liệu tiền thuế nợ tại thông báo không chính xác thì công chức quản lý nợ thực hiện đối chiếu số liệu với người nộp thuế. Sau khi xác định số liệu về tiền thuế nợ, công chức quản lý
nợ thông báo cho bộ phận kê khai và kế toán thuế thực hiện điều chỉnh kịp thời, đúng quy định.
+ Đối với khoản tiền thuế nợ quá thời hạn nộp từ 61 ngày hoặc trước 30 ngày tính đến thời điểm hết thời gian gia hạn nộp thuế, thời gian không tính tiền chậm nộp: công chức quản lý nợ thực hiện xác minh thông tin để thực hiện cưỡng chế nợ thuế theo quy định của pháp luật.
+ Đối với khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế;
khoản tiền thuế nợ đã quá thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn không tính tiền chậm nộp; NNT có hành vi bỏ địa chỉ kinh doanh, tẩu tán tài sản; NNT không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế: công chức quản lý nợ trình thủ trưởng cơ quan thuế ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp cưỡng chế phù hợp.
Thực tế tại nhiều Chi cục Thuế, hàng tháng công chức thực hiện nhiệm vụ chỉ ban hành thông báo, gọi điện thoại và mời làm việc một số doanh nghiệp nợ thuế lớn để đôn đốc nộp nợ thuế, không thu thập thông tin và thực hiện không đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nhằm thu hồi nợ thuế, một số Chi cục Thuế cả năm không ban hành một quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế nào, hoặc không chuyển sang biện pháp cưỡng chế tiếp theo, công tác quản lý nợ thuế rời rạc.
+ Công chức quản lý nợ phối hợp các bộ phận chức năng liên quan xử lý các văn bản, hồ sơ đề nghị xóa nợ tiền thuế, gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền thuế nợ, miễn tiền chậm nộp, hoàn kiêm bù trừ.
+ Đối với tiền thuế chờ điều chỉnh:
Trường hợp NNT ghi sai các chỉ tiêu trên chứng từ nộp tiền và có đề nghị điều chỉnh tiền thuế nợ: Căn cứ đăng ký thuế, khai thuế và mục lục NSNN, công chức quản lý nợ đề nghị bộ phận kê khai kế toán thuế thực hiện điều chỉnh thu nộp NSNN theo quy định tại Quy trình quản lý khai thuế, nộp thuế và kế toán thuế.
Trường hợp có sai sót do Kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại:Công chức quản lý nợ lập văn bản gửi bộ phận kê khai và kế toán thuế thực hiện đề nghị KBNN, NHTM thực hiện đúng quy định khi lập chứng từ thu NSNN hoặc chứng từ
chuyển tiền thuế đã thu từ NHTM vào tài khoản thu NSNN của KBNN phải ghi đầy đủ các thông tin về mã số thuế, mục lục ngân sách, kỳ thuế, chi tiết theo từng khoản nộp, số và ngày Quyết định xử lý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính qua thanh tra (kiểm tra) việc chấp hành pháp luật thuế và ngày nộp thuế. Đề nghị KBNN và NHTM thực hiện điều chỉnh kịp thời các khoản tiền thuế đã nộp NSNN bị sai lệch.
Đối với sai sót do nhập sai dữ liệu do cơ quan thuế: Nếu phát hiện sai sót, Công chức quản lý nợ thông báo cho bộ phận kê khai và kế toán thuế thực hiện điều chỉnh.
Đối với các khoản tiền thuế chờ điều chỉnh do chứng từ luân chuyển chậm hoặc thất lạc, công chức quản lý nợ thông báo cho bộ phận kê khai và kế toán thuế, bộ phận kiểm tra thuế để xác định chứng từ nộp thuế của NNT tại KBNN, NHTM để điều chỉnh giảm số tiền thuế nợ của NNT trên ứng dụng quản lý thuế.
Đối với các khoản nộp được thực hiện bằng hình thức ghi thu - ghi chi qua ngân sách, công chức quản lý nợ đề nghị bộ phận kê khai và kế toán thuế, kiểm tra thuế xác định thời hạn nộp ngân sách, theo đó điều chỉnh lại thời hạn nộp thuế trên ứng dụng quản lý thuế.
Một số công chức quản lý nợ chưa theo dõi thường xuyên các khoản nợ thuế, nhiều khoản nợ ảo do sai sót của người nộp thuế, của Ngân hàng, Kho Bạc Nhà nước, của cơ quan thuế nhưng không được phát hiện, xử lý, điều chỉnh kịp thời dẫn đến số liệu nợ đọng thuế không chính xác, ảnh hưởng đến người nộp thuế. Bộ phận quản lý nợ tuy đã thực hiện phối hợp với các bộ phận chức năng liên quan như Phòng quản lý các khoản thu từ đất, phòng kê khai kế toán thuế, phòng kiểm tra thuế, phòng thanh tra thuế... để đối chiếu, điều chỉnh, xử lý các khoản nợ chờ xử lý, thu hồi nợ thuế thông qua hoàn kiêm bù trừ tiền thuế nợ, thu nợ thuế do truy thu qua thanh, kiểm tra, thu nợ thuế các doanh nghiệp hoạt động vãng lai ngoại tỉnh…
nhưng hiệu quả còn thấp, chưa thường xuyên và không kịp thời. Các bộ phận chức năng khác chuyển hồ sơ đến bộ phận quản lý nợ thuế còn chậm, sai sót, ảnh hưởng công tác quản lý và thu hồi nợ thuế.
Đối với các nguyên nhân từ quá trình nâng cấp ứng dụng quản lý thuế:
Công chức quản lý nợ phối hợp với bộ phận kê khai và kế toán thuế phát hiện các khoản nợ chênh lệch do nguyên nhân này, chuyển bộ phận tin học để tiến hành sửa lỗi ứng dụng kịp thời. Ứng dụng thường xuyên gặp lỗi gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nợ.
+ Đối với tiền thuế nợ khó thu, công chức quản lý nợ tiến hành xác minh thông tin, trình lãnh đạo cơ quan thuế phê duyệt biện pháp đôn đốc hoặc xử lý tiền thuế nợ phù hợp theo quy trình quản lý nợ. Tuy nhiên các biện pháp quản lý đôn đốc nhóm nợ thuế này không hiệu quả do người nợ thuế nhóm này hầu hết đã chấm dứt hoạt động kinh doanh.
Qua các phân tích trên có thể thấy tại Cục Thuế Nghệ An việc thực hiện các biện pháp đôn đốc thu và xử lý nợ đọng thuế chưa được thực hiện nghiêm túc theo quy trình nên hiệu quả công tác quản lý nợ còn thấp.