Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI
1.1. Các khái niệm công cụ
1.1.1. Ma túy
Hiện có nhiều loại định nghĩa khác nhau về ma tuý như:
Theo “Từ điển Hán Việt” của Đào Duy Anh đã định nghĩa: "Ma" là cây gai.
"Túy" là say. Theo gốc Hán Việt, ma túy là những chất gây nghiện làm cho người dùng nó mê mẩn tâm thần, luôn ở trạng thái ngây ngất, lờ đờ và mất tự chủ. Đây cũng là từ tiếng Việt dùng để dịch chữ nước ngoài dùng để chỉ các chất gây nghiện thuộc loại nguy hiểm nhất: thuốc phiện, morphine, heroin, cocain, cần sa và một số thuốc tổng hợp có tác dụng tương tự morphine được sử dụng trong điều trị y tế. Như vậy, có thể gọi nôm na: ma túy là chất đưa đến sự say sưa và mê mẩn, hay nói cách khác: ma túy là chất gây nghiện [19].
Tổ chức Y tế Thế giới đã phát triển định nghĩa sau: “Ma tuý theo nghĩa rộng nhất là mọi thực thể hoá học hoặc là những thực thể hỗn hợp, khác với tất cả những cái được đòi hỏi để duy trì một sức khoẻ bình thường, việc sử dụng những cái đó sẽ làm biến đổi chức năng sinh học và có thể cả cấu trúc của vật”. Trong cách hiểu đơn giản, điều đó có nghĩa là mọi vật chất khi đưa vào trong cơ thể người sẽ thay đổi chức năng sinh lý học hoặc tâm lý học loại trừ thực phẩm, nước và oxy [17].
Chương trình kiểm soát ma túy quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNODC) năm 1991 đã xác định: “Ma túy là những chất độc có tác dụng làm thay đổi tâm trạng, ý thức và trí tuệ, làm cho con người bị lệ thuộc vào chúng gây nên những tổn thương cho từng cá nhân và cộng đồng” [57].
Từ một số những khái niệm đã được nêu ở trên, ta có thể hiểu như sau: ma túy là những chất có nguồn gốc tự nhiên hay nhân tạo và khi dùng không được chỉ dẫn có thể gây nghiện, làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người cũng như sự ổn định và sự phát triển của cộng đồng.
1.1.2. Nghiện – nghiện ma túy
Theo bệnh viện Tâm thần TP.HCM thì “nghiện” là một môn hình thành từ môn tâm thần học, môn sức khỏe công cộng và một số chuyên khoa y khác nữa.
Thời gian đầu những cách tiếp cận chỉ tập trung vào các chất như rượu, thuốc lá,
chất ma túy, các loại thuốc gây nghiện… Sự gần gũi về lâm sàng, về sinh lý thần kinh, về trị liệu và những dạng nghiện ngập không hề liên quan đến chất gây nghiện như nghiện chơi bài, nghiện game online… đã làm xuất hiện khái niệm chung về nghiện ngập [16].
Theo WHO, nghiện ma túy là trạng thái ngộ độc kinh niên hay từng thời kì do sử dụng lặp đi lặp lại một chất tự nhiên hay tổng hợp. Nó làm cho người nghiện ham muốn không kiềm chế được, bằng mọi giá phải tiếp tục sử dụng. Nó gây ra hướng tăng dần liều lượng, gây ra sự lệ thuộc về tâm lý và cả thể chất, gây nguy hại cho chính người nghiện ma túy và cả xã hội [17].
Hiện nay có rất nhiều khái niệm khác nhau về nghiện ma túy, nhưng chưa có một khái niệm đầy đủ và thống nhất. Tuy nhiên, theo định nghĩa mới đây của tổ chức DAYTOP quốc tế: “Nghiện ma túy là tình trạng rối loạn cơ thể con người về các mặt sinh lý, tâm lý, nhận thức và hành vi do người đó sử dụng lặp đi lặp lại một chất ma túy tự nhiên hay tổng hợp” [17].
1.1.3. Người nghiện ma túy
Tổ chức y tế thế giới (WHO) định nghĩa: người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần dưới các hình thức khác nhau như hút, hít, tiêm chích và bị lệ thuộc vào các chất này. Từ khái niệm nghiện ma túy có thể rút ra các chất ma túy như sau: người nghiện ma túy là người bị lệ thuộc đối với các chất ma túy và không thể quên hay từ bỏ được ma túy. Nếu ngừng sử dụng thì người nghiện ma túy sẽ xuất hiện hội chứng cai [17].
Như vậy, có thể cho rằng người nghiện ma túy theo các cách định nghĩa khác nhau, nhưng nó có những điểm cơ bản là người sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần một chất ma túy tự nhiên hay tổng hợp và bị lệ thuộc vào nó, không thể quên hay từ bỏ được nó.
1.1.4. Cai nghiện ma túy
Cai nghiện là một quá trình đấu tranh giữa một bên là ý chí quyết tâm giành giật lấy sự tự do không bị lệ thuộc vào ma túy, cũng như sự yên vui đầm ấm của gia đình và cộng đồng với một bên là thói quen đã bắt rễ rất sâu trong con người bạn do ma túy tạo nên. Phải nói rằng ma túy có một “ma lực” ghê gớm có thể bẻ gẫy nhiều
ý chí mạnh mẽ nhưng không phải không khuất phục nổi. Trị “Ma” thì phải có “pháp thuật” cao.
Pháp thuật là: Quyết tâm cao + Phương pháp đúng + Sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng.
Với những hậu quả, tác hại mà ma túy gây ra cho người nghiện và gia đình, xã hội... thì tất yếu phải có hoạt động cai nghiện ma túy, phục hồi sức khỏe tinh thần và tái hòa nhập cộng đồng. Thực chất “cai nghiện ma túy” là quá trình giải quyết sự rối loạn ba yếu tố của người nghiện (trạng thái sinh lý, tâm lý, nhận thức và hành vi) [66].
Liên Hợp Quốc đưa ra định nghĩa: cai nghiện là một biện pháp tổng hợp gồm các tác động về y học, pháp luật, giáo dục học, đạo đức... nhằm điều trị giúp người nghiện ma túy cắt các hội chứng cai nghiện, phục hồi sức khỏe và tái hòa nhập xã hội [17].
1.1.5. Tái nghiện ma túy
Tái nghiện là hiện tượng của một người nghiện ma tuý sau khi được gia đình, chính quyền, các đoàn thể giúp đỡ, giáo dục, chữa trị cai nghiện để trở lại cuộc sống bình thường trong xã hội, nhưng vì một lý do nào đó họ đã không kìm chế được nên lại sử dụng các chất ma tuý [17].
Người nghiện ma tuý sau khi cai nghiện ma tuý lại tái nghiện bao giờ cũng nghiện nặng hơn. Thông thường những đối tượng nghiện hút, hít nếu tái nghiện thì chuyển sang sử dụng bằng hình thức tiêm chích.
Quá trình nghiện ma túy đã tạo cho người nghiện có phản xạ cực nhạy với ma túy, cho nên mặc dù đã cắt cơn nghiện rồi nhưng trong phạm vi 60 tháng hễ cứ nhìn thấy ma túy, ngửi thấy hơi người nghiện, tiếp xúc với người nghiện, thậm chí nói đến tên loại ma túy quen dùng, là cơn thèm khát ma túy lại bùng lên dữ dội, khó có thể kiềm hãm được. Vì vậy, khi ra khỏi các trung tâm cai nghiện, người cai nghiện ma túy trở lại sống với gia đình và cộng đồng, chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của môi trường xã hội còn chưa trong sạch ma túy dẫn đến khả năng tái nghiện ma túy là rất cao.
Việc tái sử dụng ma túy chính là tái nghiện ma túy và theo PGS.TS Nguyễn Xuân Yêm thì: “Tái nghiện được hiểu là một đối tượng nghiện ma túy đã được gia
đình, chính quyền, các đoàn thể tại địa phương giúp đỡ, giáo dục, chữa trị cai nghiện để trở lại cuộc sống bình thường trong xã hội. Thế nhưng vì một lý do nào đó họ đã không kiềm chế được những ham muốn cá nhân, những suy nghĩ lệch lạc nên lại tiếp tục sử dụng các loại chất ma túy, người ta gọi trường hợp này là tái nghiện” [37].
“Tái nghiện được xem như một quá trình, một loạt kích thích không tốt và cuối cùng dẫn đến việc dùng trở lại các chất ma túy”.
Ranh giới giữa tái sử dụng ma túy (tái nghiện) và dứt khoát đoạn tuyệt với ma túy là rất mong manh. Chính vì vậy, công việc phòng, chống tái nghiện khi người cai hòa nhập cộng đồng là một làm tất yếu phải được thực hiện.
1.1.6. Cộng đồng
Fischer, nhà xã hội tư sản trong tác phẩm “Những khái niệm cơ bản của TLHXH” hiểu cộng đồng bao gồm 4 yếu tố cơ bản sau đây:
+ Sự tương quan cá nhân mật thiết với người khác, tương quan này có thể hiểu là tương quan mặt đối mặt, thân mật.
+ Có sự liên hệ về mặt tình cảm hay cảm xúc trong mọi cá nhân, khi thực hiện các vai trò xã hội, nhiệm vụ được giao.
+ Có sự hiến dâng về mặt tinh thần đối với giá trị mà tập thể cho là cao cả.
+ Có yếu tố đoàn kết, hợp tá với người khác và với tập thể.
“Cộng đồng là mối quan hệ qua lại giữa các cá nhân, được quy định bởi nhóm cộng đồng về các lợi ích của họ, nhờ sự giống nhau về cái được tồn tại và hoạt dộng của con người hợp thành cộng đồng đó” [22].
Tóm lại ta có thể hiểu như sau: có rất nhiều quan niệm khác nhau về cộng đồng, tuy nhiên chúng ta có thể rút gọn lại để dễ ghi nhớ:
Cộng đồng là mối quan hệ qua lại giữa con người với con người với nhau, được quy định bởi những đặc trưng chung. Trong đó con người có cùng quyền lợi và những nghĩa vụ phải thực hiện.
Cộng đồng phải thể hiện mối liên hệ về mặt tình cảm hay cảm xúc ở mọi cá nhân, trong cộng đồng đó con người phải tuân thủ và có thái độ tích cực đối với giá trị mà tập thể cho là cao cả.
1.1.7. Tái hòa nhập cộng đồng
Theo đề tài “Nhận thức của những người sau khi chấp hành xong hình phạt tù về quá trình tái hoà nhập” 2014 thì có quan điểm cho rằng tái hòa nhập cộng đồng là “tái hoàn lương” trở lại. Tái hòa nhập cộng đồng thực chất là các biện pháp quản lý của cộng đồng đối với những người lầm lỗi. Nhiều người lại thống nhất cho rằng tái hòa nhập cộng đồng là “quay lại lần thứ hai” hòa nhập với cộng đồng xã hội những người có quá khứ tội lỗi sau một thời gian bị cách ly khỏi xã hội, cộng đồng dân cư. Tái hòa nhập cộng đồng hiểu đơn giản là xóa đi những tội lỗi và mặc cảm của người tạo cơ hội bình thường hoá các mối quan hệ xã hội để họ hòa nhập với cộng đồng nơi họ cư trú với tư cách là một công dân, một thành viên xã hội. Đây là những biện pháp tác động tích cực giúp đỡ những người lầm lỗi, những người có quá khứ phạm tội xóa bỏ đi những mặc cảm của bản thân đối với cộng đồn và để họ có thể trở về là người công dân lương thiện với đúng nghĩa của nó [65].
Tóm lại, tái hòa nhập cộng đồng của người sau cai nghiện ma túy là biểu hiện tích cực, trong đó cá nhân mong muốn được thực hiện những hành động phù hợp với giá trị, chuẩn mực, đạo đức và pháp luật của Nhà nước nhằm phát triển và hoàn thiện nhân cách, cũng như đảm bảo cho sự ổn định và phát triển xã hội.
1.1.8. Nhu cầu
Có rất nhiều khái niệm về nhu cầu, sau đây là một sốt khái niệm tiêu biểu:
Theo từ điển tâm lí học (trang 259, 260) thì “Nhu cầu có nghĩa là điều kiện cần thiết để đảm bảo tồn tại và phát triển. Được thỏa mã thì dễ chịu, thiếu hụt thì khó chịu, căng thẳng ấm ức. Có nhu cầu cá nhân, có nhu cầu chung của tập thể, khi hòa hợp, khi mâu thuẫn, có nhu cầu cơ bản, thiết yếu, giả tạo” [33].
Nhu cầu (Needs): là trạng thái thiếu hụt một điều gì đó cần được thỏa mãn.
Đây có thể là các yêu cầu thiết yếu (ăn, ở, mặc, đi lại, yêu thương…) hay các yếu cầu cao cấp (giáo dục, thể thao, giải trí, làm đẹp, tự hoàn thiện…).
Nhu cầu là một hiện tượng tâm lý của con người là: đòi hỏi, mong muốn, nguyện vọng của con người về vật chất và tinh thần để tồn tại và phát triển. Tùy theo trình độ nhận thức, môi trường sống, những đặc điểm tâm sinh lý, mỗi người có những nhu cầu khác nhau.
Nhu cầu là cảm giác thiếu hụt một cái gì đó mà con người cảm nhận được.
Nhu cầu là yếu tố thúc đẩy con người hoạt động. Nhu cầu càng cấp bách thì khả năng chi phối con người càng cao. Về mặt quản lý, kiểm soát được nhu cầu đồng nghĩa với việc có thể kiểm soát được cá nhân (trong trường hợp này, nhận thức có sự chi phối nhất định: nhận thức cao sẽ có khả năng kiềm chế sự thoả mãn nhu cầu). Nhu cầu của cá nhân sẽ thay đổi khi trình độ phát triển của xã hội thay đổi. Cho nên cần xác định rõ những tiêu chuẩn sinh lí, xã hội, tâm lí để phân biệt những nhu cầu xác đáng với những ham muốn, đòi hỏi không quan trọng.
Tóm lại, nhu cầu bao gồm nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần, nó là yếu tố cần thiết, tất yếu cho sự tồn tại và phát triển của cá nhân. Nó định hướng và quy định cho mọi hoạt động của con người. Vì thế nhu cầu tích cựu hay không tích cực sẽ ảnh hưởng đến một cá nhân hoàn thiện hay lệch chuẩn.