Chương 6 Tập thể quân nhân
II. Tâm lý tập thể quân nhân
1. Bản chất tâm lý tập thể quân nhân
Trong quá trình sống, hoạt động quân sự và sinh hoạt tập thể giữa các quân nhân hình thành các mối quan hệ xã hội, quan hệ liên nhân cách phong phú, đa dạng, phức tạp. Trên cơ sở các mối quan hệ đó nẩy sinh các hiện tượng tâm lý chung của cả tập thể như: đánh giá, tự khẳng định, lây lan tâm
lý, bắt chước, đồng cảm, ác cảm, cố kết, xung đột, dư luận, tâm trạng, uy tín, truyền thống trong tập thể... Những hiện tượng này phản ánh điều kiện sống, hoạt động của xã hội, của tập thể và có tác động chi phối mạnh mẽ đến thái độ, hành vi của các quân nhân và cả tập thể. Dựa trên cơ sở tiếp cận hoạt động, căn cứ vào sự nẩy sinh, hình thành, phát triển và sự tác động của tâm lý tập thể các nhà tâm lý học xã hội quân sự Mác xít quan niệm:
Tâm lý tập thể quân nhân là những hiện tượng tâm lí chung của nhóm và tập thể, nẩy sinh do phản ánh điều kiện sống, đặc điểm hoạt động và sự tác động qua lại giữa các quân nhân trong quá trình hoạt động, giao tiếp có tác động mạnh mẽ điều khiển, điều chỉnh, định hướng thái độ, hành vi, sự phát triển nhân cách quân nhân và cả tập thể.
Tâm lý tập thể quân nhân không phải là phép cộng giản đơn tâm lý của các quân nhân trong tập thể. Đó là hiện tượng tinh thần chung của cả tập thể, được hình thành trên cơ sở phản ánh điều kiện sống, hoạt động của tập thể. Sự phản ánh đầu tiên về hoàn cảnh xung quanh là do các các nhân. Sau đó thông qua mối quan hệ qua lại giữa các quân nhân những kết quả phản ánh của các quân nhân diễn ra quá trình hợp nhất lại, hoà lẫn vào nhau và nảy sinh những hiện tượng tinh thần chung của cả tập thể hoặc đại đa số thành viên trong tập thể, tạo nên tâm lý tập thể.
Khi bàn về bản chất của tâm lý tập thể các nhà tâm lý học Mác xít dựa trên cơ sở quan niệm duy vật biện chứng về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội đã chỉ ra: Tâm lý tập thể quân nhân là một phức hợp những hiện tương tâm lý - xã hội trong nội bộ tập thể, vừa phản ánh điều kiện sống chung của xã hội, dân tộc, giai cấp vừa phản ánh điều kiện sống và hoạt động của từng tập thể.
Tập thể là một bộ phận sinh động của cơ thể xã hội, là tế bào của xã hội do đó tâm lý của mỗi tập thể cụ thể trong đó có tập thể quân nhân là biểu hiện của tâm lý xã hội. Đó là sự biểu hiện của đời sống tinh thần của một nhóm người, một tập thể trong những điều kiện xã hội - lịch sử nhất định.
Tâm lý tập thể thuộc về tâm lý xã hội nhưng không phải là sự sao chép lại tâm lý xã hội một cách đầy dủ và cứng nhắc. Trong tâm lý tập thể quân nhân vừa phản ánh điều kiện chung của xã hội, dân tộc, giai cấp vừa phản ánh điều kiện sống, hoạt động của tập thể quân nhân. Tâm lý tập thể hình thành là kết quả sự phản ánh những tác động và biến đổi của điều kiện xã hội- lịch sử như điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, hệ tư tưởng, trào lưu, xu hướng xã hội.... đồng thời phản ánh những đặc điểm riêng của mỗi tập thể như: nhiệm vụ chính trị được giao, tình hình tổ chức, biên chế, điều kiện phương tiện bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần, phong cách lãnh đạo, chỉ huy của cán bộ các cấp, đặc điểm tâm lý, lối sống các mối quan hện qua lại giữa các thành viên trong tập thể... Tâm lý tập thể quân nhân chịu sự chi phối mạnh mẽ của hệ tư tưởng giai cấp, điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của quân đội, của đơn vị trong từng thời điểm nhất định. Vì vậy, tâm lý tập thể quân nhân vừa phản ánh cái chung của xã hội vừa phản ánh cái riêng, cái đặc thù của mỗi tập thể quân nhân. Tuy nhiên, những đặc điểm của hoạt động quân sự, nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị sẽ quy định quá trình hình thành và phát triển các hiện tượng tâm lý xã hội trong tập thể quân nhân.
Tâm lý của mỗi tập thể quân nhân có quan hệ chặt chẽ với tâm lý các thành viên trong tập thể. Sự phản ánh đầu tiên về hoàn cảnh và điều kiện xã hội - lịch sử là do các quân nhân. Sau đó, những kết quả của sự phản ánh này diễn ra quá trình hợp nhất lại, hoà lẫn vào nhau làm nảy sinh những hiện tượng tâm lý chung (tâm lý tập thể quân nhân). Tâm lý tập thể quân nhân khi đã hình thành nó tác động trở lại rất mạnh mẽ, điều khiển, điều chỉnh, định hướng sự hình thành, phát triển thái độ, hành vi, nhân cách quân nhân và cả tập thể quân nhân.
2. Cấu trúc của tâm lý tập thể quân nhân.
Tâm lý tập thể quân nhân rất đa dạng phong phú, hình thức trọn vẹn của tâm lý tập thể quân nhân là cấu trúc của nó. Đó là sự thống nhất và mối quan hệ qua lại có hệ thống của các thành phần riêng lẻ.
Xét theo hình thức tồn tại, tâm lý tập thể quân nhân gồm 2 loại cơ bản có quan hệ biện chứng.
a. Loại thứ nhất gồm những hiện tượng tâm lý tập thể kém bền vững, mang tính chất như những quá trình, gồm có: bắt chước, tự khẳng định, thi đua, tranh đua, lây lan tâm lý, đồng cảm, ác cảm... của quân nhân nhân này với quân nhân khác.
-Bắt chước, là sự mô phỏng, tái tạo, lập lại các hành động, hành vi, tâm trạng, cách thức, suy nghĩ, ứng xử của một người hay một nhóm người nào đó.
Bắt chước là một trong những phương thức để hình thành thái độ và hành vi ứng xử của quân nhân trong tập thể, đồng thời qua bắt chước quân nhân tiếp nhận được các ảnh hưởng, nắm được các kinh nghiệm xã hội lịch sử nhất định một cách tự phát. Tuy nhiên tuỳ theo sự bắt chước của quân nhân diễn ra trong điều kiện nào, theo hình ảnh lý tưởng nào mà tác dụng của nó mang lại là phù hợp hay không phù hợp với yêu cầu tập thể và sự phát triển nhân cách người quân nhân cách mạng. Vì vậy, nhiệm vụ của nhà giáo dục là kịp thời xem xét mẫu mực mà các quân nhân lựa chọn để bắt chước, hiểu được nguyên nhân tại sao có hiện tượng đó, hiểu được tính chất và mức độ ảnh hưởng của bắt chước mà có những biện pháp điều chỉnh phù hợp.
- Tự khẳng định, là mong muốn của quân nhân muốn tự nhận thức bản thân mình, muốn đạt tới và giữ được một vị trí nhất định trong tập thể và được mọi người trong tập thể thừa nhận, tin tưởng, yêu mến, ủng hộ, giúp đỡ hoặc bảo vệ....
Tự khẳng định là nhu cầu tự nhiên của con người sống trong tập thể. Nó phản ánh tính tích cực của ý thức, sự hiểu biết và tình cảm cá nhân trong tập thể. Tự khẳng định của quân nhân diễn ra trong tập thể phản ánh mối quan hệ giữa trình độ phát triển của tập thể và trình độ của mỗi thành viên. Do đó, mỗi thành viên muốn có nội dung, phương hướng tự khẳng định phù hợp phải dựa vào tập thể, nhưng mỗi thành viên tự khẳng định đúng lại là điều kiện để thúc đẩy tập thể quân nhân phát triển.
- Thi đua và đua tranh, là sự nỗ lực giữa các quân nhân trong tập thể cùng nhau đem hết tài năng, sức lực thúc đẩy hoạt động nhằm đạt thành tích cao trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và công tác.
Thi đua là một công cụ tâm lý quan trọng để phát huy tính tích cực của tập thể quân nhân. Người chỉ huy, lãnh đạo cần phải dựa vào hiện tượng tâm lý này để phát huy tính tích cực của tập thể quân nhân. Tuy nhiên, phải hướng quân nhân vào các nội dung, chỉ tiêu thi đua xã hội chủ nghĩa phục vụ trực tiếp cho thực hiện thắng lợi các yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị; kịp thời khắc phục sự tranh đua không lành mạnh chỉ vì động cơ cá nhân ích kỉ, vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức cách mạng.
- Đồng cảm về tâm lý, là sự chia sẻ cảm xúc, bộc lộ thái độ thân thiện với nhau giữa các quân nhân. Nó biểu hiện ra ở sự quan tâm, yêu mến, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Đây là tiền đề cho tình thân ái, là một trong những yếu tố quan trọng để liên kết và tạo ra sự thích ứng nhau về mặt tâm lí giữa các quân nhân.
Cội nguồn tạo nên sự đồng cảm về tâm lý giữa các quân nhân trong quân đội ta bắt nguồn từ bản chất xã hội, giai cấp và mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội và dựa trên sự giác ngộ sâu sắc của mỗi quân nhân về chính trị, tư tưởng, chuẩn mực đạo đức của người quân nhân cách mạng và những giá trị lớn lao của tình đồng chí, tình bạn chiến đấu trong truyền thống cách mạng tốt đẹp của quân đội ta.
Xây dựng sự đồng cảm tâm lý ổn định, bền vững giữa các quân nhân trong tập thể trong suốt quá trình hoạt động là điều kiện có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng tập thể quân nhân vững mạnh và tạo nên môi trường thuận lợi thúc đẩy sự phát triển nhân cách quân nhân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tập thể.
ác cảm về tâm lý, là sự không ưa thích, bộc lộ thái độ thiếu thân thiện, hình thành xu hướng đấu tranh và đối lập nhau giữa các quân nhân. Nó được biểu hiện ở sự bất đồng, ganh gét, thiếu tôn trọng, bất hợp tác với nhau trong quá trình sống, hoạt động của các quân nhân trong tập thể.
ác cảm về tâm lý là nguyên nhân làm nẩy sinh những cảm xúc tiêu cực giữa quân nhân với quân nhân và tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống, hoạt động của tập thể. Nếu không phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp
thời những ác cảm về tâm lý sẽ tồn tại lúc ngấm ngầm, lúc công khai và phá vỡ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong tập thể.
b. Loại thứ hai, gồm những hiện tượng tâm lý tập thể tương đối ổn định, bền vững mang tính chất như là các thuộc tính tâm lý, bao gồm: dư luận tập thể, tâm trạng tập thể, uy tín trong tập thể, truyền thống tập thể... Những hiện tượng tâm lý xã hội này hình thành trong một quá trình phức hợp cuả hoạt động và quan hệ qua lại trong tập thể quân nhân và có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống, hoạt động của tập thể.