Mối quan hệ qua lại trong tập thể quân nhân

Một phần của tài liệu giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 90 - 95)

Chương 7 Mối quan hệ qua lại và giao tiếp trong tập thể quân nhân

I. Mối quan hệ qua lại trong tập thể quân nhân

1.Khái niệm, bản chất mối quan hệ qua lại trong tập thể quân nhân a. Khái niệm mối quan hệ qua lại

Mối quan hệ qua lại giữa các quân nhân trong tập thể quân nhân là tổ hợp của các thành phần như tâm thế, định hướng, mong muốn và được thể hiện qua cảm xúc, hành vi tác động lẫn nhau nảy sinh trên cơ sở của giao tiếp và hoạt động chung giữa họ.

Quá trình giao tiếp và hoạt động chung giữa các quân nhân sẽ nảy sinh các mối quan hệ thực tế được phản ánh vào những quan hệ chủ quan, vào tâm lý họ. Có thể quan sát thấy những biểu hiện như: đồng cảm hay ác cảm, ủng hộ hay phản đối, gần gũi hay xa cách, tin tưởng hay thiếu tin tưởng... giữa các quân nhân.

Các mối quan hệ qua lại giữa các quân nhân là điều kiện không thể thiếu trong hoạt động của họ. Thông qua các mối quan hệ đó, quân nhân hiểu được chính mình, ý thức được đầy đủ về mình.

Trong tập thể, các mối quan hệ qua lại giữa các quân nhân có vai trò rất to lớn. Chúng góp phần thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách quân nhân, tập thể quân nhân, tạo điều kiện cho tập thể nâng cao sức mạnh chiến đấu, đáp ứng được yêu cầu khách quan của việc hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời mối quan hệ qua lại tích cực giữa các quân nhân cũng tạo ra trong tập thể bầu không khí tâm lý - đạo đức lành mạnh, hạn chế các xung đột tâm lý và sự phát triển của các nhóm tiêu cực, tạo điều kiện cho các hiện tượng tâm lí xã hội hình thành, phát triển theo hướng tích cực.

b. Bản chất mối quan hệ qua lại

Theo quan điểm tâm lí học Mác xít, mối quan hệ qua lại mang bản chất xã hội, bản chất giai cấp, chịu sự quy định của điều kiện xã hội lịch sử, đặc điểm hoạt động, đặc điểm tâm lí của chính các thành viên trong tập thể.

Mối quan hệ qua lại của các quân nhân trong quân đội ta dựa trên hệ tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng, đó là mối quan hệ mang bản chất XHCN biểu hiện sự nhất trí về chính trị-đạo đức, sự bình đẳng về xã hội, các yêu cầu chặt chẽ về điều lệnh quân đội và chuẩn mực đạo đức XHCN. Nó phản ánh đầy đủ các hình thức và nguyên tắc chung điển hình của xã hội ta, được cụ thể hoá phù hợp với cuộc sống quân đội theo yêu cầu điều lệnh. Trong đó nét đặc trưng là tình đồng chí, tình bạn chiến đấu, đồng cam cộng khổ, tôn trọng, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, đòi hỏi lẫn nhau để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ.

Ngoài ra, quan hệ giữa các quân nhân còn là quan hệ giữa những nhân cách cụ thể. Do đó những yếu tố tâm lí mang tính cá nhân như: trình độ phát triển chính trị tinh thần, thế giới quan, tính cách, khí chất, năng lực... cũng được phản ánh vào mối quan hệ qua lại.

2.Các kiểu( loại) mối quan hệ qua lại trong tập thể quân nhân

Các mối quan hệ qua lại rất phong phú, đa dạng và luôn biến động.

Chúng xen kẽ lẫn nhau, quy định lẫn nhau. Tính đặc thù của hoạt động quân sự và tổ chức quân đội quy định các mối quan hệ qua lại như sau:

Căn cứ vào chức trách quân nhân có:

- Quan hệ chỉ huy - phục tùng: là quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới

- Quan hệ cộng tác - phối hợp: là quan hệ giữa các quân nhân cùng cấp, cùng chức.

Đây là các mối quan hệ đảm bảo sự thống nhất ý chí và hành động trong tập thể quân nhân. Trong các loại quan hệ thì quan hệ chỉ huy - phục tùng chịu sự tác động của con người ở mức độ lớn hơn nhiều so với các quan hệ xã hội khác. Tính chất quan hệ này có ý nghĩa rất lớn, vì nó có thể làm tăng tính tích cực, sáng tạo của quân nhân hoặc ngược lại có thể làm cho họ chán nản, suy sụp. ở đây đòi hỏi người cán bộ phải nhận thức đúng vị trí, vai trò của mình, có ý thức kỷ luật cao, nghiêm khắc với chính mình. Với cấp dưới cần có thái đội tin cậy, quý trọng, ủng hộ sáng kiến, bình tĩnh, lắng nghe, khuyến khích... Khi đó cấp dưới sẽ tự nguyện đến với cán bộ một cách thân mật thoải mái. Thái độ tự ái, tự cao, tự đại, định kiến sẽ dẫn đến đánh giá cấp dưới thiếu khách quan, ảnh hưởng xấu đến quan hệ cấp trên - cấp dưới.

Với quan hệ cộng tác, phối hợp đòi hỏi phải xác định rõ ràng, phân công trách nhiệm phù hợp giữa các quân nhân, từ đó tạo điều kiện cho họ phối hợp hành động chặt chẽ, thường xuyên và có hiệu quả.

Căn cứ theo tính chất pháp qui có:

- Quan hệ chính thức: Hệ thống các quan hệ được quy định trong văn bản pháp lí, chỉ thị, điều lệnh, điều lệ hoặc không được ghi thành văn bản nhưng được thể chế hoá thành hành động của tập thể theo truyền thống đã được thừa nhận nhằm hướng hoạt động của mọi thành viên vào việc thực hiện mục đích chung của tập thể, từ đó tạo nên cơ cấu chính thức trong tập thể.

- Quan hệ không chính thức: Hệ thống quan hệ giữa các cá nhân hình thành trên cơ sở các yếu tố tâm lí như cùng sở thích, thói quen, khuynh hướng, tuổi tác... tạo nên cơ cấu không chính thức trong tập thể.

Trong bất kỳ một tập thể nào cũng luôn tồn tại đồng thời, song song quan hệ chính thức và không chính thức. Quan hệ chính thức thường chặt chẽ, đúng mức theo khuôn khổ quy định. Mọi thành viên trong quan hệ này làm việc liên quan chặt chẽ với nhau, trên cơ sở những nghĩa vụ và quyền hạn nhất định.

Các quan hệ không chính thức muôn màu muôn vẻ, giúp thoả mãn nhiều nhu cầu xã hội của con người. Đây là các quan hệ nảy sinh một cách tự phát, không thể dùng mệnh lệnh gạt chúng ra khỏi đời sống tập thể. Các quan hệ không chính thức xâm nhập cả vào quan hệ chính thức, làm cho quan hệ đó trở nên rõ ràng hơn

Căn cứ theo công việc có:

- Quan hệ công việc: Hệ thống quan hệ giữa các quân nhân ở các vị trí, chức năng cụ thể khác nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thể hiện sự phụ thuộc lẫn nhau giữa họ.

- Quan hệ tình cảm: Hệ thống quan hệ thể hiện thái độ giữa các quân nhân với nhau trong cuộc sống và hoạt động.

Về nguyên tắc, quan hệ công việc bao giờ cũng được chuyên môn hóa. Các cá nhân tham gia vào đó chủ yếu là để thực hiện những chức trách nhất định.

Nhờ quan hệ công việc mà tạo nên sự thống nhất hành động trong tập thể.

Trong quan hệ tình cảm, nét nổi bật là sự quan tâm cá nhân đến đối tượng tiếp xúc. Quan hệ người - người ở đây thể hiện sự thoả mãn hay không thoả mãn của các chủ thể với người khác với tư cách là đối tượng giao lưu của mình.

Sự phân chia ra các loại mối quan hệ qua lại chỉ mang tính chất tương đối. Trên thực tế, các mối quan hệ qua lại liên quan chặt chẽ với nhau, xâm nhập vào nhau, cùng ảnh hưởng tới cuộc sống, hoạt động chung của tập thể.

3. Hình thành mối quan hệ qua lại tích cực giữa các quân nhân.

a) Tuân thủ các nguyên tắc của mối quan hệ qua lại:

Từ bản chất của quân đội cách mạng và bản chất của hoạt động quân sự, điều lệnh quân đội đã xác định những nguyên tắc trong quan hệ giữa các quân nhân là:

- Thủ trưởng và sự phục tùng nghiêm ngặt: Chỉ rõ những yêu cầu cơ bản với quân nhân trong quan hệ nội bộ như: phân chia thủ trưởng và thuộc quyền, giao phó cho thủ trưởng quyền ra lệnh cho cấp dưới và nghĩa vụ của cấp dưới phải chấp hành một cách chính xác và tuyệt đối mệnh lệnh của thủ trưởng, phải kính trọng thủ trưởng.

- Tính tập thể: Thể hiện rõ ý nghĩa của sự gắn bó lẫn nhau trong tập thể quân nhân, sự tương hợp và sự thay thế lẫn nhau trong mọi điều kiện của hoạt động quân sự.

- Tính nhân ái của những đồng chí cùng chiến đấu: Thể hiện xuyên suốt toàn bộ điều lệnh nội vụ, đòi hỏi mọi quân nhân tôn trọng nhân cách của nhau, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.

Các nguyên tắc quan hệ chặt chẽ với nhau, chỉ đạo việc xây dựng các mối quan hệ trong tập thể.

b) Các biện pháp chủ yếu hình thành mối quan hệ qua lại:

- Tạo nên sự thống nhất định hướng giá trị: Thống nhất định hướng giá trị sẽ dẫn tới sự thống nhất đánh giá và hướng thái độ lựa chọn của quân nhân vào những giá trị phù hợp với quan hệ giữa họ.

Hiện nay, phải tập trung hướng vào làm cho các giá trị chính trị, tinh thần được coi trọng, xây dựng nhận thức chính trị cao, thống nhất phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, tạo điều kiện phát triển lối sống theo tinh thần của chủ nghĩa tập thể, kế thừa các giá trị tốt đẹp về truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc.

- Xây dựng bầu không khí tâm lý xã hội lành mạnh trong tập thể

Bầu không khí tâm lý xã hội được tạo nên bởi sự tác động tổng hợp của các hiện tượng tâm lý xã hội, trong đó có mối quan hệ qua lại. Tuy nhiên, sự hình thành phát triển mối quan hệ qua lại giữa các quân nhân cũng chịu sự chi phối, ảnh hưởng của các hiện tượng tâm lí xã hội. Vì thế cần chú ý định hướng dư luận tập thể vào việc phát triển quan hệ giữa các quân nhân, điều khiển được tâm trạng tập thể, chuẩn bị tốt tâm lý cho quân nhân trước những nhiệm vụ cụ thể...

- Đa dạng hoá các hoạt động chung và phát triển giao tiếp tích cực giữa các quân nhân.

Khi quân nhân càng tự giác tham gia vào hoạt động chung thì quan hệ giữa họ càng có điều kiện phát triển. Mặt khác, giao tiếp tích cực giữa các quân nhân làm cho mối quan hệ qua lại nhanh chóng được thiết lập. Cần thống nhất về động cơ hoạt động, đảm bảo chương trình, kế hoạch hành động

cụ thể, rõ ràng, thấu suốt tới mọi quân nhân, duy trì kỷ luật và sự phối hợp chặt chẽ giữa các quân nhân, mở rộng các hình thức giao tiếp, đối thoại trong cuộc sống, hoạt động chung.

- Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ. Người cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong thiết lập các quan hệ, quyết định tính chất các quan hệ. Nhân cách của cán bộ có ảnh hưởng lớn tới chất lượng và chiều hướng phát triển của quan hệ trong tập thể. Vì thế, người cán bộ phải hết sức chú trọng rèn luyện phẩm chất và năng lực, tăng cường ảnh hưởng của mình trước các quân nhân.

Một phần của tài liệu giáo trình tâm lý học xã hội (Trang 90 - 95)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(157 trang)
w