a. Truyền thống tập thể quân nhân là sự kế thừa, phát triển truyền thống của dân tộc, của Đảng, của quân đội ta.
Truyền thống là một hiện tượng tâm lý xã hội, nó nảy sinh, hình thành phát triển trong hoạt động và chịu sự quy định của điều kiện, hoàn cảnh xã
hội - lịch sử. Chính vì vậy truyền thống của tập thể quân nhân mang đặc trưng của thời đại, dân tộc, giai cấp. Mặt khác, tập thể quân nhân là một tế bào xã hội. Vì vậy truyền thống của tập thể quân nhân luôn chiụ sự tác động chi phối bởi truyền thống của dân tộc, của Đảng, của quân đội ta. Đó là sự kế thừa, phát huy truyền thống của dân tộc, của Đảng, của quân đội ta vào điều kiện mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tính kế thừa của truyền thống trong các tập thể quân nhân được thể hiện ở sự phát huy, chắt lọc những gì còn mang ý nghĩa tích cực trong truyền thống của các thế hệ đi trước. Biết tôn trọng và kế thừa những cái hay, cái tốt trong truyền thống của dân tộc, của Đảng và các thế hệ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong quân đội và luôn coi đó là niềm tự hào, mong muốn vươn lên để xứng đáng với truyền thống lớp lớp cha anh đi trước.
Tính phát triển của truyền thống tập thể quân nhân là sự thống nhất giữa tính kế thừa và sự đổi mới. Đó là trên cơ sở tôn trọng, kế thừa cái hay, cái tốt trong truyền thống của dân tộc, của Đảng, của quân đội và đưa vào trong các truyền thống đó những nội dung mới sát với đặc điểm, yêu cầu xây dựng quân đội và từng đơn vị trong giai đoạn hiện nay. Nếu phủ nhận hoặc coi thường quá khứ lịch sử, không có sự kế thừa thì khó có sự đổi mới. Thế nhưng, nếu không được đổi mới thì các truyền thống lịch sử cũng khó có thể trở thành sức mạnh cải tạo hiện thực mới.
Nhận thức sâu sắc đặc điểm trên trong quá trình xây dựng tập thể lãnh đạo chỉ huy các cấp cần chú trọng phát huy một cách tốt nhất những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng, của quân đội ta. Chẳng hạn như truyền thống yêu nước, thương người, vì nghĩa, cần cù, thông minh, sáng tạo; kiên cường bất khuất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tận trung với nước, tận hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội...Đồng thời, phải biết chăm lo, nuôi dưỡng, phát triển những thói quen hành vi, phong cách sống hoạt động phù hợp với yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới như: tác phong chính quy, tính khẩn trương, chính
xác, tác phong công nghiệp, tính hiệu quả trong mọi hoạt động ... thông qua đó bổ sung phát triển truyền thống của tập thể đáp ứng yêu cầu xây dựng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
b. Truyền thống tập thể quân nhân có tính ổn định, bền vững (tương đối).
Truyền thống được hình thành trong một quá trình lâu dài, được lưu giữ trong nếp nghĩ, nếp sống, phong cách hoạt động của tập thể và được coi là giá trị tinh thần, được mọi người trong tập thể gìn giữ, truyền từ lớp người này sang lớp người khác. Vì vậy, nó có tính ổn định, ít biến đổi.
Sự ổn định, bền vững của truyền thống có tính hai mặt. Nếu truyền thống tồn tại trong tập thể quân nhân mang ý nghiã tích cực thì sự ổn định, bền vững của nó là điều kiện quan trọng giúp cho tập thể phát triển đúng hướng; tạo nên sự đoàn kết gắn bó và nâng cao hiệu quả giáo dục nhân cách quân nhân đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn mới. Chẳng hạn như, truyền thống yêu nước của dân tộc ta là một điển hình của tính bền vững - là điều kiện không thể thiếu để tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc và ý chí kiên cường bất khuất vượt mọi khó khăn, thử thách trong toàn bộ quá trình dựng nước và giữ nước. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
Nếu truyền thống tồn tại trong tập thể quân nhân mang ý nghĩa tiêu cực thì sự bền vững ổn định của nó sẽ làm nẩy sinh những cản trở gây khó khăn cho việc hình thành những thói quen hành vi, phong cách sống, hoạt động mới phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Chẳng hạn như những thói quen trong nền sản xuất nhỏ, lạc hậu; lối quan hệ ngôi thứ trong xã hội phong kiến cho đến nay vẫn gây tác động không nhỏ đến việc hình thành tác phong chính quy, thói quen sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
Tuy nhiên cần thấy rằng, tính ổn định, bền vững truyền thống không đồng nghĩa với sự bất biến. Trên thực tế, mỗi một truyền thống cụ thể trên các mặt biểu hiện của nó luôn có sự vận động biến đổi, phát triển phù hợp với sự biến đổi của xã hội, quân đội. Chẳng hạn truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân ta hiện nay chính là sự thể hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", không có gì quý hơn độc lập tự do".
Các tập thể quân nhân trong quân đội ta hiện nay đã và đang thừa hưởng những tinh hoa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng, của lớp lớp cha anh thế hệ chống Pháp, chống Mỹ. Thế nhưng trong điều kiện mới những truyền thống trên không phải không có những thói quen đã không còn phù hợp. Vì vậy nếu không có tinh thần phê phán, khắc phục một cách triệt để thì quân đội khó có thể tiến lên mạnh mẽ được.
c. Truyền thống tập thể quân nhân nẩy sinh, tồn tại, phát triển trong thực tiễn.
Truyền thống của tập thể quân nhân chỉ tồn tại và phát triển trong thực tiễn hoạt động của các quân nhân và tập thể quân nhân. Nếu truyền thống không được gìn giữ, thực hành trong cuộc sống hàng ngày sẽ dần dần mất đi ý nghĩa, tác dụng và bị lãng quên. Chỉ có bằng hoạt động và thông qua hoạt động các thói quen hành vi, phong cách sống, hoạt động tốt đẹp được duy trì củng cố mới tạo nên truyền thống. Đồng thời chỉ có thông qua hoạt động thực hiện các nhiệm vụ được giao thì tập thể quân nhân mới thấy hết được sức mạnh, vai trò to lớn của truyền thống và mới có nhu cầu phát huy sức mạnh của truyền thống để chuyển sức mạnh tinh thần to lớn do lịch sử để lại tạo nên sức mạnh vật chất hiện thực nhằm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Vì thế, muốn xây dựng, phát huy truyền thống phải tăng cường giáo dục cho những thế hệ nối tiếp hiểu sâu sắc bản chất, ý nghĩa của nó; xây dựng lòng tự hào, ý chí quyết tâm vươn lên cho xứng với truyền thống. Trên cơ sở đó tổ chức tốt mọi hoạt động ở đơn vị theo đúng nội dung, yêu cầu giáo dục truyền thống.
2. Những nội dung cơ bản trong truyền thống Quân đội nhân dân, Việt Nam.
Truyền thống của tập thể quân nhân là sự kế thừa và phát triển truyền thống quân đội ta trong điều kiện cụ thể của từng đơn vị, đồng thời truyền thống tập thể là cái riêng góp phần làm phong phú truyền thống quân đội.
Những nội dung cơ bản của truyền thống quân đội luôn được phản ánh trong nội dung của truyền thống tập thể quân nhân.
Truyền thống quân đội ta hiện nay là sự nối tiếp truyền thống cách mạng của Đảng, truyền thống đánh giặc giữ nước chống ngoại xâm của cha ông ta trong trong điều kiện lịch sử mới của cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc giành độc lập tự do, giải phóng dân tộc, tiến hành xây dựng và bảo vệ Tổ quốc việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nội dung quan trọng nhất và tổng quát nhất của truyền thống quân đội ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đó là: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"[1, tr350].
Truyền thống của quân đội được biểu hiện trên những nội dung cơ bản sau:
- Trung với Đảng, hiếu với dân. Một lòng vì nước vì dân, chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.
- Biết đánh, biết thắng; bách chiến, bách thắng.
- Cán binh đoàn kết, nhất trí cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, thương yêu nhau như ruột thịt.
- Gắn bó máu thịt với nhân dân, quân với dân một ý chí.
- Có lệnh là đi, đã đánh là thắng. Dũng cảm mưu trí, linh hoạt.
- Khiêm tốn, giản dị, kỷ luật tự giác nghiêm minh.
- Vừa có tinh thần yêu nước chân chính lại có tinh thần quốc tế cao cả.
Truyền thống quân đội được nảy sinh, hình thành, phát triển trong quá trình các thế hệ quân nhân thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong các tập thể bằng hành động anh hùng của đông đảo cán bộ, chiến sỹ, nhiều thế hệ, nhiều đơn vị trong chiến đấu, học tập, lao động và công tác. Để gìn giữ, phát huy và làm phong phú thêm các nội dung của truyền thống quân đội trong điều kiện mới là trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy, các tổ chức quần chúng và mọi cán bộ, chiến sỹ trong mỗi tập thể quân nhân.