Truyền thống tích cực của mỗi tập thể quân nhân là sự kế thừa truyền thống của dân tộc, của Đảng, của quân đội, phản ánh những đặc điểm riêng phù hợp với tính chất nhiệm vụ của đơn vị. Muốn xây dựng truyền thống tốt đẹp trong mỗi tập thể quân nhân cần làm tốt công tác giáo dục truyền thống của dân tộc, của Đảng, của quân đội và của đơn vị cho mỗi quân nhân đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.
Mục đích của giáo dục truyền thống là làm cho quân nhân có nhận thức đúng, sâu sắc về truyền thống quân đội, có thái độ, cảm xúc tích cực đối với các giá trị, chuẩn mực của truyền thống và có quyết tâm giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị truyền thống quân đội trong thực tiễn.
Để nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ thị hướng dẫn về nội dung, phương pháp giáo dục truyền thống; biết dựa vào các dịp lễ kỷ niệm truyền thống và yêu cầu, đặc điểm hoạt động của mỗi đơn vị để lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp. Đồng thời kết hợp chặt chẽ với tổ chức mọi hoạt động của đơn vị theo đúng mục tiêu, yêu cầu giáo dục truyền thống. Trên cơ sở đó làm cho các thói quen, chuẩn mực, giá trị truyền thống trở thành hiện thực sinh động trong đời sống của mỗi quân nhân và cả tập thể. Từ đó chăm sóc, vun trồng thành truyền thống của tập thể. Yêu cầu quan trọng trong
giáo dục truyền thống là phải tập trung vào các giá trị, chuẩn mực truyền thống, giáo dục niềm tự hào, vinh dự của người quân nhân; tạo ra ở quân nhân nhu cầu, mong muốn học tập, làm theo truyền thống; có thái độ tôn trọng lịch sử, tôn trọng những người làm nên chiến thắng và quyết tâm vận dụng sáng tạo những bài học truyền thống vào thực tiễn hoạt động của đơn vị.
Giáo dục truyền thống là vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có phương pháp tiếp cận khoa học. Nội dung và phương pháp phải sinh động phù hợp với nhu cầu, hứng thú, thị hiếu, đặc điểm tâm lý - xã hội của lớp chiến sỹ mới.
2. Hình thành củng cố và phát triển những thói quen hành vi tốt, đấu tranh khắc phục thói quen xấu không phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của tập thể.
Truyền thống chỉ tồn tại và phát triển nếu nó luôn được nhắc đến, được thực hiện trong cuộc sống hàng ngày. Truyền thống tốt đẹp trong tập thể quân nhân được hình thành từ các thói quen hành vi tốt của các nhóm quân nhân trong tập thể, do đó, phải hình thành, củng cố và phát triển những thói quen hành vi tốt trong nếp sống và hoạt động, chủ động phát triển và nhân lên thành truyền thống tập thể. Truyền thống xấu cũng được nảy sinh từ các thói quen xấu trong tập thể do đó cần nhận thức đúng về nó, kịp thời đề ra các biện pháp giáo dục và tổ chức đấu tranh có hiệu quả để loại bỏ những thói quen xấu, không để chúng trở thành những nét cố hữu.
Để củng cố, phát triển những thói quen hành vi tốt, đấu tranh khắc phục thói quen xấu cần sử dụng tổng hợp các hình thức, biện pháp giáo dục, hành chính, duy trì kỷ luật, xây dựng môi trường văn hoá quân sự... Trong đó cần quan tâm đến việc phát hiện, vun trồng những gương người tốt, việc tốt và xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến mẫu mực thành cái phổ biến trong toàn đơn vị, làm cho các thói quen tốt đẹp được củng cố vững chắc, trở thành những giá trị tinh thần của tập thể. Đồng thời, phải kiên trì sử dụng các tác động thông qua dư luận xã hội, hoạt động văn hoá, văn nghệ, các biện pháp hành chính để khắc phục các thói quen xấu nẩy sinh, tồn tại trong đơn vị. Mặt khác, cần lưu ý rằng, truyền thống của tập thể quân nhân luôn vận động, phát triển, biến đổi. Nếu không thường xuyên, củng cố, bổ sung cho phù hợp với tình hình, đặc diểm hoạt động của đơn vị thì vẫn có nguy cơ mai một đi một cách khó tránh khỏi.
3. Sử dụng các hình thức, phương pháp đa dạng để khai thác di sản truyền thống, qua đó giữ gìn, phát huy truyền thống của dân tộc, của Đảng và quân đội trong mọi hoạt động của tập thể.
Phương thức tồn tại của truyền thống là trong hoạt động, trong tập thể, trong các sản phẩm hoạt động của con người và trong các di sản truyền thống.
Di sản truyền thống là các hiện vật, đối tượng có ý nghĩa lịch sử thể hiện các giá trị truyền thống. Có hai loại di sản truyền thống. Loại thứ nhất gồm các cứ liệu thực tế, các hiện vật lịch sử, các vật chứng, nhân chứng lịch sử. Loại thứ hai gồm những ấn phẩm văn hoá, các tác phẩm nghệ thuật, sách lịch sử, các truyền thuyết, giai thoại lịch sử... Do đó muốn giáo dục truyền thống cần làm tốt việc nghiên cứu, rà soát, kiểm kê, phân loại các di sản truyền thống để có kế hoạch, nội dung, phương pháp khai thác có hiệu quả. Trong đó cần chú ý phát huy thế mạnh của các hình thức tham quan, hội thảo, giao lưu truyền thống, sáng tác truyền thống. Đặc biệt là tổ chức phát động và duy trì thường xuyên, rộng khắp các phong trào thi đua "Tiếp bước cha anh", "Xứng danh Bộ đội cụ Hồ"; gặp gỡ những người anh hùng, các chiến sỹ quyết thắng, các cán bộ lão thành cách mạng... Đồng thời, phải làm tốt công tác bảo tồn, lưu giữ các hiện vật, các chứng tích chiến công của cán bộ, chiến sỹ đơn vị và tổ chức tốt phòng truyền thống của đơn vị làm cơ sở tăng thêm tính trực quan, chân thực góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống cho quân nhân.
Truyền thống là một trong trong những hiện tượng tâm lí xã hội điển hình trong tập thể quân nhân, có tác động mạnh mẽ tạo nên sự đoàn kết, thống nhất về ý chí hành động và nâng cao hiệu quả giáo dục nhân cách người quân nhân cách mạng. Nghiên cứu nắm vững các đặc điểm, nội dung và biện pháp tâm lí xã hội giữ gìn phát huy truyền thống tốt đẹp trong các tập thể cơ sở quân nhân là vấn đề có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng tập thể quân nhân vững mạnh về mọi mặt. Đặc biệt trong tình hình hiện nay trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường; sự thẩm lậu các giá trị tiêu cực của lối sống phương Tây vào trong xã hội và quân đội ta thì vấn đề
gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng, của quân đội ta trong mỗi tập thể quân nhân lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Chương 12
Bầu không khí tâm lý xã hội trong tập thể quân nhân