1. Lựa chọn, phân công cán bộ một cách hợp lý là yêu cầu quan trọng xây dựng bầu không khí tâm lý tích cực trong tập thể quân nhân.
Lựa chọn, phân công cán bộ một cách hợp lý là biện pháp quan trọng trong việc xây dựng bầu không khí tâm lý tích cực trong tập thể quân nhân.
Bởi lẽ đội ngũ cán bộ chính là những người trực tiếp tổ chức, quản lý mọi hoạt động của tập thể, đồng thời họ là trung tâm của sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể. V.L.Mi-khe-ép, nhà tâm lí học Xô viết, khi nghiên cứu vai trò của người lãnh đạo đối với việc xây dựng bầu không khí tâm lý tập thể đã chỉ ra rằng: “Tính chất của bầu không khí tâm lý tuỳ thuộc vào tất cả các thành viên của tập thể. Nhưng những người lãnh đạo và các tổ chức đảng cùng với đoàn thanh niên cộng sản và công đoàn tạo thành một hạt nhân gồm những
người tiên tiến của tập thể đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra tính chất đó. Hàng ngày người lãnh đạo hoạt động để hoàn thiện bầu không khí tâm lý bằng cách tăng thêm những yếu tố đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau theo những chỉ thị thường lệ về bất kì một vấn đề nào”. Do vậy, việc lựa chọn, phân công cán bộ phải cân nhắc kĩ lưỡng, có cơ sở khoa học.
Người cán bộ trong tập thể quân nhân phải là những người một lòng một dạ trung thành với Đảng, tổ quốc và nhân dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có lối sống trong sạch, lành mạnh, đồng thời có hứng thú nghề nghiệp, yêu mến gắn bó với sự nghiệp quân sự. Có năng lực lãnh đạo, tổ chức, chỉ huy, có tác phong sâu sát, gần gũi với quần chúng. Những phẩm chất này tạo điều kiện thuận lợi để người cán bộ thiết lập mối quan hệ tích cực với mọi người. Đó cũng chính là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống để các thành viên khác trong tập thể noi theo.
Việc lựa chọn cán bộ phải đi đôi với sắp xếp, bố trí cán bộ. Sắp xếp bố trí cán bộ đúng người, đúng việc đúng chuyên môn sở trường sẽ tạo điều kiện để mỗi người phát huy năng lực của mình trong quá trình lãnh đạo, quản lý.
Sắp xếp, bố trí cán bộ còn phải tính đến sự tương hợp tâm lý giữa họ. Sự tương hợp tâm lý là cơ sở để xây dựng mối quan hệ tình cảm khăng khít giữa những người lãnh đạo, sự phối hợp hoạt động giữa họ sẽ tốt hơn và đó là điều kiện để ngăn chặn bất đồng, mâu thuẫn trong quá trình hoạt động.
2. Giáo dục cho các thành viên trong tập thể có định hướng giá trị đúng đắn.
Để tạo nên sự thống nhất định hướng giá trị trong các tập thể quân nhân cần tập trung vào các nội dung cơ bản sau:
a) Nâng cao giác ngộ chính trị-tư tưởng cho các thành viên trong tập thể.
Là một khía cạnh của đời sống tinh thần, do vậy, bầu không khí tâm lý tập thể chịu sự chi phối rất lớn bởi hệ tư tưởng đang thống trị trong xã hội và đời sống chính trị của đất nước. Nâng cao giác ngộ chính trị cho các thành viên trong tập thể không những góp phần xây dựng ở họ niềm tin vào sự lãnh
đạo của Đảng, pháp luật của nhà nước mà còn góp phần điều chỉnh mối quan hệ giữa các thành viên trong tập thể theo hướng ngày càng tốt đẹp.
Để nâng cao giác ngộ chính trị tư tưởng cho các thành viên trong tập thể, công tác giáo dục cần làm rõ tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác- Lênin và sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong các giai đoạn lịch sử của đất nước. Giáo dục chính trị tư tưởng ở các tập thể quân nhân cũng cần làm rõ những thành tựu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước đồng thời đấu tranh kiên quyết với những quan điểm sai trái, phê phán những biểu hiện lệch lạc trong cuộc sống, trái với đạo đức xã hội chủ nghĩa.
b) Xây dựng cho các thành viên trong tập thể có định hướng giá trị nghề nghiệp đúng đắn.
Định hướng giá trị nghề nghiệp đúng đắn có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao bầu không khí tâm lý tích cực trong tập thể quân nhân. Khi mọi thành viên trong tập thể ý thức được trách nhiệm của mình trước sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, coi binh nghiệp là hướng lựa chọn của cuộc đời, đây chính là cơ sở để tạo nên sự cố kết gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người cùng chung lý tưởng.
Để xây dựng cho mọi thành viên trong tập thể có định hướng giá trị nghề nghiệp đúng đắn cần tập trung vào các vấn đề sau:
- Giáo dục để các thành viên trong tập thể thấy rõ ý nghĩa xã hội cao cả của hoạt động quân sự. Mọi quân nhân phải ý thức đúng đắn rằng: quân đội ta với tư cách là một lực lượng chính trị, một công cụ đặc biệt của Đảng, của giai cấp công nhân Việt Nam, lực lượng nòng cốt để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và tiến hành chiến tranh nhân dân, do vậy phải không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược ở mọi cường độ và quy mô khác nhau.
- Làm cho mọi thành viên nhận thức sâu sắc mục đích hoạt động chung của tập thể, từ đó giúp cho mỗi người nắm được nhiệm vụ của quân đội trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, đặc biệt là nhiệm vụ của đơn vị, chức trách của mỗi cá nhân. Bằng nhiều hình thức giáo dục làm chuyển hoá mục đích hoạt động chung của tập thể thành nhu cầu, mục đích hoạt động riêng
của mỗi người. Trên cơ sở đó mà phát huy tính tích cực, tự giác của mỗi người trong học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.
c) Giáo dục cho các thành viên trong tập thể có định hướng giá trị đúng đắn về đạo đức, lối sống.
Giáo dục định hướng giá trị về đạo đức, lối sống trước hết hướng vào xây dựng ý thức thái độ, hành vi, pháp luật. Thông qua các hình thức giáo dục giúp cho mọi quân nhân hiểu ý nghĩa của pháp luật, những quy định của điều lệnh, điều lệ đồng thời kết hợp với tổ chức chặt chẽ mọi hoạt động của đơn vị, để nâng cao hiểu biết, hình thành thái độ tôn trọng pháp luật, tự giác điều chỉnh hành vi theo những chuẩn mực mà pháp luật và điều lệnh quân đội quy định.
Giáo dục đạo đức, lối sống còn đòi hỏi phải xây dựng được lối sống dựa trên tinh thần của chủ nghĩa tập thể và sự quan tâm sâu sắc lẫn nhau giữa các thành viên trong tập thể. Để đạt được điều đó cần làm cho tinh thần sẵn sàng hành động vì mục đích chung, vì đồng đội thấm sâu vào suy nghĩ của mọi người, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực, động viên, khen thưởng kịp thời những hành vi tích cực.
3. Mở rộng dân chủ tập thể đi đôi với duy trì nghiêm kỉ luật quân đội.
a) Mở rộng dân chủ trong tập thể.
Dân chủ trong hoạt động của tập thể là tiền đề tạo ra bầu không khí tâm lý xã hội lành mạnh trong tập thể. Để mở rộng dân chủ trong tập thể quân nhân, cần thực hiện những nội dung sau đây:
- Thông qua các hình thức giáo dục mà nâng cao nhận thức của mỗi thành viên trong tập thể, làm cho mọi người nhận thức đúng đắn quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với tập thể và xã hội.
- Duy trì thường xuyên có nền nếp hình thức toạ đàm, trao đổi giữa cán bộ với chiến sĩ, tạo điều kiện để mọi quân nhân được bày tỏ tâm tư nguyện vọng quan điểm, chính kiến của mình về các vấn đề thực tiễn cụôc sống và tập thể, phát huy trí tuệ mọi người tham gia đóng góp ý kiến vào công tác lãnh đạo quản lý đơn vị.
- Bình đẳng trong nhận xét, đánh giá, đối xử. Bầu không khí tâm lý tập thể phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của người lãnh đạo trong đối xử, đánh giá, nhận xét mỗi người. Do vậy, đánh giá phải bảo đảm tính công bằng khách quan, thấy hết được những mặt ưu điểm, nhược điểm, kịp thời biểu dương mặt tốt, phê phán mặt xấu, đồng thời phải có niềm tin vào những người dưới quyền, tin vào khả năng vươn lên của mỗi người, từ đó chân tình, dìu dắt họ phấn đấu.
- Thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chất lượng hoạt động phê bình và tự phê bình trong các tập thể quân nhân. Phê bình, tự phê bình phải tiến hành từ trên xuống dưới, đội ngũ cán bộ phải là những người gương mẫu trong lời nói và việc làm, họ phải là những người mạnh dạn trong đấu tranh, không bao che, né tránh khuyết điểm, đồng thời phải có thái độ cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp một cách thoải mái, không né tránh trù úm, hoặc phê bình, tự phê bình mang tính hình thức.
b) Duy trì nghiêm kỉ luật trong tập thể.
Duy trì nghiêm kỉ luật là một biện pháp quan trọng để nâng cao bầu không khí tâm lý tích cực trong tập thể. Sức mạnh to lớn của kỉ luật ở chỗ nó định hướng điều chỉnh thái độ, hành vi của mọi thành viên, hướng thái độ hành vi của mọi người theo những chuẩn mực nhất định. Để duy trì nghiêm kỉ luật cần thực hiện các nội dung sau:
- Thông qua giáo dục và tổ chức hoạt động để củng cố tính kỉ luật cho mọi thành viên trong tập thể.
Củng cố tính kỉ luật cho mọi thành viên trong tập thể trước hết phải làm cho mọi người nắm vững chức trách, nhiệm vụ, yêu cầu pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ quân đội, đây chính là cơ sở để mỗi thành viên điều chỉnh đúng đắn hành vi của mình, tránh được những sai sót do thiếu hiểu biết về pháp luật, điều lệnh gây ra.
Quản lý chặt chẽ tình hình kỉ luật của tập thể. Đồng thời với nâng cao, củng cố tính kỉ luật cho mọi người thì việc quản lý chặt chẽ tình hình kỉ luật của tập thể là một nội dung quan trọng để duy trì nghiêm kỉ luật quân đội.
Quản lý tốt tình hình kỉ luật của tập thể sẽ giúp cho người lãnh đạo, quản lý có các biện pháp kịp thời trong tổ chức xây dựng tập thể, đồng thời đây là yếu tố để ngăn ngừa những sai phạm có thể xảy ra trong tập thể.
- Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỉ luật.
Có thể thấy rằng không gì phá hoại bầu không khí tâm lý tập thể bằng sự vi phạm kỉ luật quân đội, pháp luật nhà nước. Những vi phạm kỉ luật nếu để kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng kỉ cương bị coi thường, những giá trị tốt đẹp trong quan hệ người, người không được coi trọng, niềm tin của các thành viên trong tập thể bị giảm sút. Do vậy, xử lý nghiêm kỉ luật là vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng tập thể. Yêu cầu của xử lý kỉ luật là phải mang tính giáo dục, qua các hình thức xử lý kỉ luật mà giúp cho những người sai phạm nhận thức được sai lầm, khuyết điểm.
4. Tổ chức khoa học các hoạt động của tập thể, kết hợp với mở rộng giao lưu, xây dựng mối quan hệ qua lại tích cực giữa các thành viên trong tập thể.
a) Tổ chức một cách khoa học mọi hoạt động của tập thể.
Tổ chức một cách khoa học các hoạt động của tập thể luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở các tập thể quân nhân, vì khâu tổ chức hoạt động ảnh hưởng mạnh mẽ đến hiệu quả hoạt động của tập thể cũng như mối quan hệ qua lại giữa các thành viên trong tập thể.
Để đảm bảo tính khoa học trong tổ chức các hoạt động của tập thể cần thực hiện các nội dung sau:
- Mọi hoạt động của tập thể cần phải có kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ và được triển khai tới mọi thành viên trong tập thể.
Xây dựng kế hoạch hoạt động đòi hỏi người lãnh đạo chỉ huy phải căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể của đơn vị, vào chỉ lệnh huấn luyện của cấp trên, cũng như chương trình hoạt động từng quý, từng tháng để xây dựng kế hoạch cụ thể cho đơn vị mình. Tuy nhiên kế hoạch hoạt động dù cụ thể, tỉ mỉ đến đâu cũng không mang lại kết quả tốt nếu như các thành viên trong tập thể chưa được quán triệt đầy đủ. Do vậy, kế hoạch hoạt động cụ thể phải được triển khai đến từng người, làm cho mọi người đều nắm được chức trách, nhiệm vụ của mình, những yêu cầu cần đạt tới trong quá trình hoạt động.
- Tổ chức lao động và nghỉ ngơi một cách hợp lý.
Thực tế cho thấy, sự căng thẳng mệt mỏi trong quá trình hoạt động quân sự ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động, cũng như trạng thái tâm lý chung của quân nhân trong tập thể. Đây chính là một nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hào hứng trong hoạt động và là nguyên nhân của những xung đột tâm lý. Giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa lao động và nghỉ ngơi không những có ý nghĩa tích cực trong việc phục hồi sức khoẻ của mọi người mà còn có tác dụng hạn chế những xung đột do mệt mỏi gây ra.
- Đảm bảo sự tương hợp tâm lý trong các loại hình hoạt động của tập thể.
Tổ chức các loại hình hoạt động của tập thể cần chú ý đến sự tương hợp tâm lý sẽ nhân sức mạnh của những người trong tập thể lên gấp nhiều lần, nhờ có sự tương hợp tâm lý mà tạo ra sự ăn ý giữa quân nhân trong hoạt động quân sự.
b) Mở rộng giao lưu trong tập thể với đơn vị bạn và nhân dân địa phương bằng nhiều nội dung, hình thức sinh động.
Giao lưu có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau hình thành nên mối quan hệ keo sơn gắn bó giữa các thành viên trong tập thể. Do đó, mở rộng giao lưu chính là mở rộng quan hệ tiếp xúc giữa các thành viên trong tập thể, qua đó củng cố vững chắc mối quan hệ đoàn kết trong nội bộ và với nhân dân làm cho bầu không khí tích cực trong tập thể quân nhân ngày càng phát triển. Tuy nhiên cũng cần nhận thức một cách đúng đắn rằng, hiệu quả của giao lưu phụ thụôc phần lớn vào vai trò tổ chức định hướng của người lãnh đạo, quản lý. Nếu tổ chức tốt sẽ lôi cuốn được mọi người tham gia với thái độ tích cực tự giác. Ngược lại nếu thiếu định hướng đúng đắn sẽ dẫn đến những hiểu biết lệch lạc, làm tổn hại đến mối quan hệ nội bộ và quan hệ quân dân.
e) Xây dựng các mối quan hệ qua lại tích cực giữa các thành viên trong tập thể.
Bầu không khí tâm lý tập thể quân nhân phản ánh trực tiếp mối quan hệ giữa con người với con người trong tập thể. Do vậy, xây dựng mối quan hệ qua lại tích cực, lành mạnh là điều kiện quan trọng để bầu không khí tâm lý tích cực hình thành và phát triển.
Mối quan hệ qua lại trong tập thể quân nhân một mặt chịu sự quy định của các mối quan hệ xã hội chủ nghĩa, mặt khác phát triển theo các nguyên tắc của quan hệ quân nhân . Thực hiện tốt các nguyên tắc của quan hệ qua lại trong quân đội là cơ sở để nảy sinh tinh thần tương trợ, hợp tác, tình đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là tình đồng chí, tình bạn, sự tôn trọng và đòi hỏi cao lẫn nhau.
5. Định hướng, điều khiển các hiện tượng tâm lý tập thể theo hướng tích cực.
Sự hình thành và phát triển bầu không khí tâm lý tập thể quân nhân luôn chịu sự chi phối, ảnh hưởng bởi các hiện tượng tâm lý tập thể khác. Điều khiển các hiện tượng tâm lý tập thể theo hướng tích cực là một biện pháp quan trọng nhằm xây dựng bầu không khí tâm lý tích cực trong tập thể quân nhân.
Để thực hiện biện pháp này cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
a) Hướng dư luận tập thể vào việc xây dựng mối quan hệ qua lại tích cực giữa các thành viên trong tập thể.
Dư luận trong tập thể quân nhân là một hiện tượng tâm lý phức tạp, một biểu hiện của trạng thái ý thức xã hội, là sự phán xét đánh giá, biểu thị thái độ của đa số thành viên đối với những sự kiện hiện tượng xảy ra liên quan đến nhu cầu, lợi ích của họ trong tập thể. Vai trò của dư luận tập thể được biểu hiện ở chức năng điều hoà các mối quan hệ xã hội, chức năng giáo dục và chức năng kiểm soát. Với dư luận tích cực nó thực sự trở thành một thứ vũ khí quan trọng để xây dựng bầu không khí tâm lý tích cực trong tập thể.
Hướng dư luận vào việc xây dựng mối quan hệ tích cực giữa các thành viên trong tập thể trước hết cần nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt cho các quân nhân, đặc biệt là những hiểu biết về các chuẩn mực trong quan hệ của quân nhân cách mạng, những giá trị đạo đức xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở đó định hướng, dẫn dắt thái độ của họ, hướng thái độ của họ vào việc động viên, khích lệ những biểu hiện tích cực trong quan hệ, trong lối sống, giúp mọi người phân biệt rõ đúng sai, nhận dạng chính xác các loại quan hệ.
b) Chủ động tạo ra tâm trạng tích cực trong tập thể.