CHƯƠNG 2: TÍN NGƯỠNG THẦN ĐẠO Ở NHẬT BẢN 2.1. Những tư tưởng cơ bản của Thần đạo
2.1.2. Tư tưởng đề cao sự thuần khiết
Trong tư tưởng Thần đạo, nếu khuynh hướng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa thể hiện rõ thế giới quan của Thần đạo trong các quan niệm về nguồn gốc của Thiên hoàng, của đất nước và con người Nhật Bản thì tư tưởng đề cao sự thuần khiết là tư tưởng phản ánh nhân sinh quan của nó thông qua những quan niệm mang nội dung đạo đức. Bề ngoài, tư tưởng này dường như tồn tại một cách biệt lập nhưng thực chất nội dung của nó lại có liên hệ mật thiết với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, là một sự bổ sung, hỗ trợ cho tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.
Sự thuần khiết trong tư tưởng Thần đạo có một phạm vi biểu hiện rất rộng rãi. Có thể dễ dàng nhận thấy việc chú trọng tính thuần khiết trong Thần đạo ngay từ những quan niệm mang ý nghĩa vật chất, vật lý cho đến những biểu hiện trong các giá trị tinh thần. Giữ cho thân thể được sạch sẽ, tư thế nghiêm trang khi hành lễ, việc tôn tạo, kiến trúc đền đài phải thể hiện sự hòa hợp với thiên nhiên và giữ nguyên được những đường nét nguyên sơ, thanh giản của tự nhiên v.v… là những biểu hiện như vậy. Tuy nhiên, thể hiện của thuần khiết có tính bề ngoài không phải là điều căn bản mà chúng ta quan tâm. Cốt lõi bên trong của tư tưởng về sự thuần khiết đó chính là sự thuần khiết về tinh thần, cụ thể là việc nhấn mạnh và tôn trọng sự trong sáng, chính trực trong suy nghĩ và trong hành động của con người.
Sự thuần khiết như vậy được coi như một phẩm hạnh đạo đức cơ bản của tư tưởng Thần đạo.
Có thể nói trong nhãn quan về thế giới của người Nhật từ thời cổ đại, sự thuần khiết, trong sạch và sự ô uế đã được nhận thức như hai mặt đối lập nhưng thống nhất trong đời sống hiện thực hàng ngày. Người ta tôn trọng, đề cao sự thuần khiết vì nó có ý nghĩa tích cực, có ích cho cuộc sống của con người. Bên cạnh đó, mặc dù sự uế tạp làm tổn hại đến cuộc sống của con người nhưng nó lại hiện diện như một hiện tượng tất nhiên, là một
phần của cuộc sống đó nên nó cũng luôn luôn được nhắc tới. Đáng chú ý là, sư ô uế không phải lúc nào và ở đâu cũng thể hiện phẩm chất một chiều như vậy. Nó có thể chuyển hóa thành cái thuần khiết thông qua những tác động, quá trình vận động nào đó.
Qua Cổ sự ký (là một cuốn biên niên sử tối cổ của Nhật Bản, gồm 3 quyển được viết ra vào năm 712 sau Công nguyên. Quyển thượng gồm những truyền thuyết về thời đại các thần linh; quyển trung là những ghi chép từ thời Thiên hoàng Jinmu đến thời Thiên hoàng Yonin; quyển hạ viết về những sự kiện từ thời Thiên hoàng Nintoku đến thời Thiên hoàng Suiko. Nội dung cuốn sách thể hiện lịch sử Thiên hoàng, những vấn đề có liên quan đến việc hình thành và phát triển của Nhật Bản thời cổ đại. Đây cũng được coi là tác phẩm kinh điển quan trọng của Thần đạo) và Nhật Bản thư kỷ (là cuốn lịch sử cổ của Nhật Bản được biên soạn hoàn thành vào năm 720 sau Công nguyên theo lệnh của Thiên hoàng Genshyo. Cuốn sách chịu ảnh hưởng cách viết của chính sử Trung Quốc như Hán thư, Hậu Hán thư v.v..., gồm cả thảy 30 quyển, trong đó từ quyển 1 đến quyển 3 nói về thời đại các thần linh; quyển 3 đến quyển 30 nói về thời đại các Thiên hoàng thống trị từ Thiên hoàng Jinmu cho đến Thiên hoàng Jito. Đây là cuốn biên niên các đền chùa, các dòng họ, những tư liệu về Triều Tiên v.v...), cũng như nhiều tài liệu liên quan đến tư tưởng của Thần đạo cho thấy, sự thuần khiết được đồng nhất với cái thiện với tư cách những giá trị mà suy nghĩ và hành động con người hướng tới. Trái lại, cái ác với tư cách là phản giá trị được đồng nhất với cái nhơ bẩn. Tinh thần tôn kính sự thuần khiết như vậy có thể thấy qua các quan niệm của người Nhật Bản cổ đại về tội lỗi, tiếng Nhật gọi là Tsumi. Tsumi cũng đồng nghĩa với Kagare, tức là sự nhơ bẩn. Tội lỗi còn được coi như một sự nhơ bẩn, ô uế cho nên để diệt trừ tội lỗi không cần đến sự trừng phạt mà chỉ cần tẩy rửa, xua đuổi nó đi.
Chính vì vậy, chúng ta hiểu tại sao trong các nghi thức của Thần đạo thì
tẩy uế (Oharae) lại trở thành một nghi lễ quan trọng bậc nhất. Tuy nhiên, Thần đạo không cho rằng những tội lỗi hay những vi phạm là cái có sẵn trong bản tính con người mà do con người bị nhiễm vào. Ví dụ: làm hại người khác bằng ma thuật, u bướu trên người, bệnh bạch tạng cũng là tội lỗi, là uế tạp. Có thể coi Tsumi là những cái cản trở sự phát triển tốt đẹp của con người, không phải là bản tính của con người và phải bị trừ bỏ.
Như vậy, trong Thần đạo cổ đại, quan niệm về đề cao sự thuần khiết đã xuất hiện. Tuy còn đơn giản, manh nha nhưng về cơ bản đã đạt tới quan niệm về sự thuần khiết như một phẩm chất tinh thần mang nội dung đạo đức. Đặc biệt là quan niệm về bản chất của cái ác (tội lỗi) như cái từ ngoài nhiễm vào con người và có thể được gột rửa bằng con đường thanh tẩy đã thể hiện thái độ lạc quan và khẳng định cuộc sống hiện thực. Những nét chủ đạo ấy trong quan niệm về thuần khiết đã trở thành hướng xuyên suốt các giai đoạn phát triển của Thần đạo sau này [46:89]. Đến thời Trung đại, Thần đạo bị ảnh hưởng bởi Phật giáo, Nho giáo nên quan niệm về tính thuần khiết được bổ sung bởi quan niệm thanh tịnh của Phật giáo và ngày càng phát triển mạnh hơn về mặt đạo đức với ý nghĩa chính trực.
Ngoài ra, tư tưởng đề cao sự thuần khiết còn được thể hiện trong ba vật báu của Thiên hoàng, đó là tấm gương, chuỗi ngọc và thanh kiếm.
Thanh kiếm tượng trưng cho sự mạnh mẽ, dứt khoát. Hạt ngọc tượng trưng cho sự nhã nhặn, bình yên. Tấm gương được đặc biệt đề cao, được coi là biểu trưng cho đức hạnh cao cả của Nữ Thần Mặt Trời, sự đúng đắn và chính trực. Tấm gương không bao giờ chứa gì ngoài bản thân nó và phản ánh mọi vật mà không hề có một trái tim tư lợi.
Như vậy, tư tưởng đề cao sự thuần khiết trong suy nghĩ và hành động là một trong những đặc điểm dễ thấy trong tư tưởng Thần đạo. Sự biểu hiện ấy không chỉ thấy trong lĩnh vực đạo đức mà còn lộ rõ trong các nghi lễ, mỹ thuật, lối sống. Nghi lễ Thần đạo là một lĩnh vực biểu hiện tập
trung của việc nêu cao ý nghĩa thuần khiết. Tại đây, sự thuần khiết, thanh tịnh là những phẩm chất quan trọng đầu tiên để có thể giao thiệp được với các vị thần. Trong Thần đạo, mọi nghi lễ đều được bắt đầu bằng việc tẩy uế cả về thể xác và tinh thần. Mục đích trước hết của các lễ thức đó là tẩy trừ mọi ô uế, đem lại sự trong sáng và thuần khiết. Nghi lễ tẩy uế như vậy, mặc dù đều được thấy ở hầu như tất cả các tôn giáo, nhưng trong Thần đạo tẩy uế được biểu hiện như một lễ tiết trọng yếu và rất nổi bật. Có thể thấy, kiến trúc Thần đạo là một biểu hiện mẫu mực của việc tôn kính tính thuần khiết của tự nhiên, các đền thờ Thần đạo luôn là sự thể hiện hài hòa của công trình kiến trúc nhân tạo với tự nhiên xung quanh và thường là gắn với những rừng cây. Trong các công trình kiến trúc đó, việc tôn kính sự nguyên sơ, giản dị của tự nhiên là một đặc trưng nổi bật. Cũng chính vì đặc điểm này mà ngày nay, Thần đạo có vai trò to lớn trong việc gìn giữ môi trường, nhất là môi trường thành phố lớn ở Nhật Bản. Những không gian rừng cây rộng lớn ôm ấp các đền đài giữa những thành phố quá tải về dân số có ý nghĩa rất to lớn trong việc tạo ra vẻ đẹp và giữ cho môi trường được trong sạch.
Đề cao tính thuần khiết là một giá trị được thấy rõ trong lối sống của người Nhật Bản. Tôn trọng tính chính trực thật thà là những giá trị nổi bật của đạo đức xã hội Nhật Bản được vun đắp qua các giai đoạn lịch sử.
Không thể phủ nhận được rằng những phẩm hạnh này có liên quan ít nhiều đến những giá trị đạo đức Phật giáo, Nho giáo, song với những biểu hiện độc đáo của nó cho thấy nằm sâu trong cốt lõi của chúng là những đặc trưng của tư tưởng Thần đạo. Những võ sĩ Samurai với lối sống hết mình cho chủ sẵn sàng đến với cái chết bằng nghi lễ tự mổ bụng chính mình để minh chứng khí tiết chính trực của bản thân là một nét văn hóa độc nhất vô nhị của Nhật Bản thấm đậm chất tư tưởng Thần đạo. Cũng như vậy, trong nghệ thuật trà đạo và nghệ thuật cắm hoa, việc nhấn mạnh và đề cao sự
giản dị, thuần khiết của màu sắc, đường nét và bố cục chắc chắn có liên quan đến những chuẩn mực nghệ thuật của Thần đạo. Trong xã hội Nhật Bản ngày nay, tư tưởng đề cao sự thuần khiết vẫn tiếp tục thể hiện trong lối sống, trong văn hóa và nghệ thuật Nhật Bản theo một cách thức và thể hiện mới.