Vị trí của tư tưởng Thần đạo trong xã hội Nhật Bản hiện đại

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thần đạo ở nhật bản (so sánh với tín ngưỡng thành hoàng ở việt nam) (Trang 86 - 89)

CHƯƠNG 2: TÍN NGƯỠNG THẦN ĐẠO Ở NHẬT BẢN 2.1. Những tư tưởng cơ bản của Thần đạo

2.4. Vị trí của tư tưởng Thần đạo trong xã hội Nhật Bản hiện đại

Nhật Bản hiện nay không chỉ là một cường quốc thế giới về kinh tế mà còn là một quốc gia có nền giáo dục phát triển cao. Vì vậy mà ý thức và thái độ của người dân Nhật Bản với tôn giáo nói chung cũng như với Thần đạo nói riêng không còn như trước nữa. Từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, Thần đạo với tư cách một tôn giáo không còn có vị trí ảnh hưởng xã hội mạnh mẽ như trong các giai đoạn lịch sử trước đây. Tuy nhiên, Thần đạo là một tôn giáo có lịch sử lâu dài, đồng hành với sự hình thành và phát triển của dân tộc Nhật Bản từ thời cổ đại. Do vậy, những tư tưởng Thần đạo nói chung cũng như những tư tưởng nhân sinh của nó nói riêng đã thấm sâu vào nền tảng văn hóa, vào các giá trị tinh thần của xã hội Nhật Bản chắc chắn vẫn còn ảnh hưởng trong lối sống của xã hội Nhật Bản đến tận hôm nay.

Vậy biểu hiện cụ thể của Thần đạo nói chung cũng như của tư tưởng Thần đạo nói riêng trong lối sống xã hội, trong tâm linh người Nhật hiện

đại là thế nào? Trong đời sống sinh hoạt văn hóa hàng ngày ở Nhật Bản chúng ta nhận thấy những sinh hoạt có liên quan đến Thần đạo chiếm vị trí khá nổi bật. Ngày nay nếu đến Nhật Bản, dù là ở thành phố hay các miền quê, đâu đâu ta cũng bắt gặp các ngôi đền thờ Thần đạo. Cũng giống như người Việt Nam, người Nhật có tập quán đến thăm viếng đền thờ vào những dịp đặc biệt để cầu xin các vị thần những điều may mắn. Vào những dịp lễ hội lớn, tại những ngôi đền lớn như đền Minh Trị ở Tokyo, đền Ise ở tỉnh Ise, đền Heian ở Kyoto có hàng vạn người đến thăm viếng. Đáng chú ý là trong dòng người đến viếng tại các ngôi đền trong những dịp đặc biệt không chỉ có người lớn hay những người cao tuổi mà có rất đông thanh thiếu niên. Họ đến cầu xin để thi đỗ vào các trường đại học có danh tiếng, cầu xin có được việc làm tại các công ty lớn, xin kết hôn với người mà họ mong ước v.v... Lễ hội trở thành một hiện tượng văn hóa không thể thiếu được ở Nhật Bản ngày nay, có thể coi đất nước này là xứ sở của lễ hội.

Ngoài các lễ hội lớn của Thần đạo như lễ hội Toshigoi cầu mùa màng bội thu (Kỳ niên tế), lễ hội Shinjosai cảm tạ thần linh trời đất sau mùa thu hoạch (Tân thường tế), lễ hội tẩy uế Nagoshi vào cuối tháng sáu còn có các lễ hội mùa xuân, mùa thu và các lễ hội thường kỳ khác. Tại các địa phương có các ngôi đền thờ các vị thần của các dòng họ, thần tổ các nghề v.v…

còn có các lễ hội riêng của mình. Ở Nhật Bản các lễ hội hầu như đều có liên quan đến các nghi thức Thần đạo. Trong lễ hội Thần đạo thì ngoài các nghi thức khác, việc tẩy uế với tâm niệm rũ bỏ cái xấu, cái ác, sự nhơ bẩn để trở về với điều tốt đẹp là một yếu tố đầu tiên được chú trọng [46:174].

Đất nước và con người Nhật Bản hiện đại tuy ảnh hưởng rất nhiều những yếu tố văn hóa phương Tây, song không vì thế mà họ bỏ quên mất các giá trị văn hóa truyền thống vốn có của mình. Cho đến tận ngày nay rất nhiều trẻ em, sau khi sinh ra được một trăm ngày, được cha mẹ cho đến viếng đền thờ Thần đạo như một nghi lễ thừa nhận tồn tại ở thế giới này và

để được các vị thần che chở. Khi trẻ em đến các độ tuổi ba, năm, bảy lại được cha mẹ cho đến viếng đền với cầu mong cho mau lớn và khỏe mạnh.

Trong các nghi lễ sống chết thì dường như có sự phân công trách nhiệm giữa Thần đạo và Phật giáo. Người ta thường làm đám tang tại nhà chùa, còn đám cưới thì tổ chức tại đền Thần đạo. Nghi lễ cưới tại đền Thần đạo mang một ý nghĩa thiêng liêng như lễ cưới trong nhà thờ Kitô giáo, cô dâu và chú rể mong sự che chở của thần linh cho hạnh phúc vợ chồng của họ và cùng thề chung sống đến trọn đời. Ngoài ra còn nhiều nghi lễ khác trong đời sống hàng ngày của người Nhật có liên quan đến Thần đạo, ví dụ lễ hội con gái, nghi thức trà đạo v.v… Nhiều khi khởi công xây dựng nhà cửa, dù là những ngôi nhà cao tầng hiện đại, người ta cũng mời thầy tế về để làm lễ tẩy uế cầu mong cho công việc được tiến hành trôi chảy, thuận lợi.

Tóm lại, trong xã hội Nhật Bản hiện đại Thần đạo tuy không còn được vị trí thượng tôn như trước đây nữa, song rất nhiều tập quán sinh hoạt hàng ngày của người Nhật thì vẫn liên quan mật thiết với Thần đạo. Chính vì vậy mà theo số liệu thống kê của một cuộc điều tra xã hội học tiến hành tại một số địa phương điển hình của Nhật Bản cho thấy có tới 70% người Nhật được hỏi cho rằng Thần đạo ngày nay không phải đã lỗi thời, và 48%

cho rằng phần lớn các tập quán của Nhật Bản bắt nguồn từ Thần đạo. Điều này cho thấy trong suy nghĩ của người Nhật, Thần đạo vẫn chiếm một vị trí đáng kể.

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thần đạo ở nhật bản (so sánh với tín ngưỡng thành hoàng ở việt nam) (Trang 86 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)