Các thành phần kiến trúc cơ bản của đình làng

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thần đạo ở nhật bản (so sánh với tín ngưỡng thành hoàng ở việt nam) (Trang 100 - 105)

CHƯƠNG 3: TÍN NGƯỠNG THẦN ĐẠO Ở NHẬT BẢN NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT VỚI TÍN NGƯỠNG THÀNH HOÀNG Ở VIỆT NAM 3.1. Nguồn gốc Thành hoàng

3.2. Khái quát kiến trúc ngôi đình miền Bắc

3.2.3. Các thành phần kiến trúc cơ bản của đình làng

 Bộ khung cột của đình làng

Hệ thống khung cột – xà – kẻ, đình làng và các kết cấu của nó là thành phần quan trọng nhất của ngôi đình làng, thể hiện sự tài trí, óc thông minh và bàn tay khéo léo của những người nông dân – nghệ nhân Việt Nam.

Hệ thống khung cột – xà – kẻ là hệ thống liên kết ba chiều của các cấu kiện đứng (cột cái, cột quân, cột hiên). Ngang (xà thượng, xà hạ, xà nách, câu đầu, con rường…). Dọc (kẻ, bầy, kèo xối…). Các cấu kiện được liên kết bằng các mộng kép rất chắc chắn, đồng thời rất linh hoạt khi cần tháo lắp, thay thế cấu kiện bị hư hỏng, hoặc khi nâng xoay chuyển đình.

Mộng là một thành tựu kĩ thuật của văn minh nhân loại, phát triển từ đơn giản đến phức tạp.

Từ mộng hở được nâng thành mộng hở quàng gáy (ở đầu cột) và mộng có lỗ (ở thân cột). Và từ mộng có lỗ trơn và mộng quàng gáy được phối hợp tạo ra mộng lỗ có mang thắt là kiểu mộng hoàn thiện nhất… Kiểu lỗ mộng có mang thắt khi đã lắp ráp xong thì hoàn toàn cố định, không một sức mạnh nào kéo ra được. Đình Đình Bảng năm 1954 đã bị Thực dân Pháp dùng xe xích kéo và không đổ là nhờ kiểu mộng mang thắt.

Bộ cột đình làng là nơi chịu sức nặng của toàn bộ ngôi đình nên khi chọn gỗ, bộ cột đình được lựa chọn cẩn thận từ những cây gỗ tốt nhất, to nhất và dài nhất, trong đó có những cái cột cái chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu. Dân gian có câu “to như cột đình”.

Liên kết các cột theo chiều dài đình là hệ thống các xà ngang, bao gồm xà thượng nối hai cột quân, xà hạ nối hai đầu hai cột hiên. Liên kết ngang phải kể đến hệ thống các hoành từ hoành nóc (tức thượng lương)

đến hoành thấp nhất là tàu mái. Ở những ngôi đình cổ có hệ thống xà tử kép gồm hai xà song song với nhau gọi là xà tử thượng và xà tử hạ, nối đầu hai cột quân giữa xà tử kép có tấm ván gió. Ở hàng cột quân phía dưới còn có xà ngưỡng (còn gọi địa thu).

Hệ thống liên kết bên dưới của bộ khung ngôi đình làng là hệ thống dầm sàn, bao gồm dầm dọc nối các cột trong một vì, dầm ngang nối các cột của các vì khác nhau. Trên dầm được lát ván làm sàn, trừ gian giữa. Hệ thống các cột được liên kết dọc bằng vì kèo, bao gồm các cấu kiện như:

câu đầu, con rường, xà nách, bẩy. Câu đầu là thanh xà lớn nối đầu hai cột cái. Phía dưới câu đầu từ hai cột cái có xà gỗ ngắn vươn ra như để đỡ là đầu dư, thường được chạm thành đầu rồng với kĩ thuật chạm lộng rất điêu luyện. Phía trên cầu đầu là hai trụ đỡ con lợn, tạo thành vì nóc kiểu giá chiêng, hoặc là những con rường xếp chồng lên nhau qua những đấu kê.

Các con rường này tạo thành hình tam giác gọi là vì nóc. Cột cái nối với cột quân bằng các xà nách. Trên xà nách có các con rường ăn mộng vào cột cái tạo thành một tam giác vuông gọi là cốn. Những con rường này còn gọi là rường cánh, cũng như vì nóc dùng để đỡ các hoành. Các hoành dưới cùng được bẩy (trên bẩy có ván dong) đỡ. Bẩy là xà gỗ hơi cong lưng, vừa tạo dáng, vừa tăng cường lực gánh, khớp mộng vào cột quân và một đòn tì đỡ dưới xà nách, một đầu đỡ hoành cuối cùng. Ván dong là tấm ván nằm trên bẩy tạo thành mặt phẳng dốc để đặt và cố định hoành từ cột quân ra đến tàu mái.

Hệ thống liên kết của bộ khung nhà đình làng là hệ thống kết chặt chẽ theo ba chiều không gian với kĩ thuật mộng ghép chắc chắn và linh hoạt. Toàn bộ sức nặng của ngôi đình được truyền lực phân tán ra các cột đình, xuống các đá tảng kê chân cột. Sự liên kết của bộ khung hình hộp làm cho ngôi đình làng vững chắc, ổn định qua hàng trăm năm, chống chọi

với các trận cuồng phong thường xảy ra ở đồng bằng Bắc Bộ và những cơn động đất có thể làm đổ nhà cửa.

 Bộ mái đình

Tòa đại đình là ngôi kiến trúc phát triển theo chiều ngang, có xu hướng dàn sang hai bên. Đại đình bao giờ cũng có số gian lẻ 3 – 5... và thêm hai chái. Bộ mái đình làng bề thế, xòe rộng ra hai mái chính rộng, lớn xòe thấp xuống, hai mái hai đầu che kín hai chái. Chiều cao mái thường chiếm 2/3 chiều cao đình. Từ cuối thế kỉ XVII trở về sau mái đình có xu hướng nhẹ dần, mái ngắn lại và cao lên. Đến thế kỉ XIX đã xuất hiện có một số đình có tường hồi bít dốc không còn hai chái hai bên nữa, hoặc được trùng tu lại bằng cách bỏ hai chái, nối thêm nhánh ra hai tường hồi, như đình Động Lãm (Thanh Oai – Hà Nội), đình Xâm Động (Thường Tín – Hà Nội).

Dấu ấn đặc biệt nhất của bộ mái đình là đao đình. Hai mái chính và hai mái hồi gặp nhau thành đường bờ giải gấp khúc, rồi nhè nhẹ kéo cong về bốn phía như hoa nở, làm cho mái đình như nhẹ đi, bay bổng trong không gian. Bộ mái cong hình thuyền là dấu ấn đặc biệt của kiến trúc bản địa Việt Nam, căn cứ để so sánh với kiến trúc của Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên...

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các kiến trúc cổ từ thế kỉ XVI trở về trước chưa có kết cấu mái cong.

- Tàu mái, lá mái

Cấu kiện gỗ quan trọng để tạo độ uốn cong mái đình là tàu mái. Là những tấm ván dày nối khít nhau chạy suốt chiều dài, chiều dọc mái. Tàu mái có công năng như cây hoành cuối cùng.

Tàu mái có hai thành phần: tàu mái chạy nối các gian gọi là tàu gian, ở phần đầu hồi gọi là tàu hồi. Ở phần này tàu hồi uốn cong dần để tạo nên

góc đao. Hai tàu đao của hai mái giao nhau được khớp mộng khít nhau được gọi là Âu Tàu.

Lá mái cũng là những ván gỗ dài, nối khít nhau, mỏng và nhỏ hơn tà mái. Lá mái bám sát vào tàu mái. Tàu mái được cố định bởi những then tàu, có công nâng đỡ những viên ngói.

Ngói

Ngói là vật liệu chủ yếu để bao che công trình. Ngói lợp mái được chia làm hai loại theo công năng: ngói lợp và ngói lót.

Ngói lợp (cong gọi là ngói phủ) là loại ngói bản với nhiều loại như ngói mũi hài, ngói vẩy rồng, ngói di, ngói liệt.

Ngói mũi hài là loại ngói có phần mũi vuốt cao như mũi chiếc hài.

Phần mũi hài thường có rãnh thoát nước, vừa có tác dụng trang trí. Đôi khi ở phần mũi hài được đắp khắc hoa văn.

Ngói lót (ngói chiếu) là loại ngói hình chữ nhật, kích thước thường là 12 × 18× 10 cm. Ngói lót có tác dụng tạo mặt phẳng mái trước khi lợp mái ngói phủ, vừa làm tăng độ dài mái (có nơi người ta lợp hai lần lớp ngói lót).

 Hệ thống sàn đình

Hệ thống sàn đình tạo nên một đặc điểm rất nổi bật, độc đáo của kiến trúc đình làng, là một trong những đặc điểm kiến trúc mang tính bản địa, truyền thống từ nền văn hóa Đông Sơn. Sàn đình là một bộ phận kiến trúc vốn có gắn liền hữu cơ với ngôi đình từ thưở ban đầu. Sàn đình xuất hiện do các yếu tố thiên nhiên, khí hậu như ẩm thấp, côn trùng, lụt lội…

Chỉ khi người Việt cơ bản khắc phục được những nạn lụt lội, ẩm thấp thì sàn đình mới không cần thiết nữa. Nhiều nơi người ta đã bỏ sàn đình để lại dấu vết trên cột đình.

Hệ thống sàn đình được thiết lập gồm những dầm gỗ ăn mộng vào cột đình một cách chắc chắn, bao gồm dầm dọc nối các cột trong một vì, dầm ngang nối các cột của các vì khác nhau. Bên trên được lát bằng những tấm gỗ phẳng, được bào nhẵn, dày từ 2 – 3 cm. Chiều cao sàn đình của các đình có khác nhau, nhưng thông thường sàn đình cao từ 50 – 80 cm. Bên dưới sàn đình để trống, thông thoáng và là cho nền đình khô ráo.

Trừ gian giữa để trống, sàn đình được lát gỗ từ gian hai bên và chia thành nhiều cấp cao dần về hai chái. Mỗi cấp cao từ 10 – 15 cm. Khi hội họp dân làng phân ngôi thứ ngồi theo các cấp của sàn đình.

Các đình thế kỉ XVI như đình Thụy Phiêu, đình Thanh Lũng (Hà Nội), đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang) vẫn còn dấu tích lỗ dầm sàn. Đình Chu Quyến (Hà Nội), thế kỉ XVII, đình Đình Bảng (Bắc Ninh), thế kỉ XVIII, đình Vương, thế kỉ XVIII ở Thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang… vẫn giữ được sàn gỗ buổi ban đầu.

 Hệ thống ván bưng và cửa của đình làng

Các ngôi đình cổ là những kiến trúc mở, thông thoáng xung quanh như chùa Tây Đằng, thế kỉ XVI, đình Quang Phúc, đình Chu Quyến (Hà Nội), thế kỉ XVII…cho đến nay vẫn giữ được mô thức nhà sàn và để thoáng xung quanh.

Nhưng từ cuối thế kỉ XVII, ở nhiều ngôi đình đã có ván bưng bao quanh. Những tấm ván này tháo lắp dễ dàng, rất linh động. Khi đình làng dần trở thành thiết chế tín ngưỡng khép kín thì đình làng được bao bằng ván đố lụa, hoặc đã có những bức tường gạch xây bao quanh hậu cung, làm cho nơi thờ thần trở nên thâm nghiêm và linh thiêng hơn như ở đình Khê Tang Thượng (Hà Nội) được trùng tu lớn vào năm Chính Hòa thứ 19 (1698), đình Đình Bảng (Bắc Ninh) được dựng năm 1736…

Một số ngôi đình muộn (cuối thế kỉ XIX, đến đầu thế kỉ XX) được xây dựng hai bức tường đầu hồi thay cho hai chái. Chỉ có hai bức tường này phần nào là có tác dụng chịu lực, gánh bộ vì, hoành, rui, và ngói lợp nối từ gian giáp kề ra đầu hồi. Còn các bức tường phía trước và phía sau đình chỉ có nhiệm vụ bao che công trình mà không có chức năng chịu lực.

Ở một số công trình kiểu này từ hai bức tường đầu hồi được nối dài về phía trước và kết thúc bằng hai đình trụ biểu. Kiểu đình này gọi là đình

“tương hồi tay ngai”, như ở đình Hạ (Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội)…

Mặt trước của đình làng thường có hệ thống cửa rộng, gồm nhiều cánh cửa theo kiểu “thượng song, hạ bản” vừa kín đáo, vừa lấy được ánh sáng và không khí qua hàng chấn song con tiện. Hệ thống cửa này cũng có thể tháo lắp linh hoạt.

Hầu hết đình làng đều có ngưỡng cửa khá cao. Ngưỡng cửa là những xà dọc (còn gọi là xà ngưỡng) nối liên kết các hàng cột ngoài. Từ Xà ngưỡng xuống đến nền đình được bưng bằng ván gỗ dày. Sau này do mối mọt, hoặc mục nát do tiếp xúc với nền đình ẩm thấp nên người ta đã xây bằng gạch. Xà ngưỡng thường cao từ 30 – 50 cm, nhiều khi là di chúc gắn liền với kiến trúc đình làng kiểu sàn nhà. Người ta còn cho rằng cửa cao còn ngăn ngừa những chuyện phức tạp có tính thế tục của đời thường vào nơi đình linh thiêng. Đồng thời về mặt tâm lí, người ta cao chân qua ngưỡng cửa đình thì người ta cũng trút bỏ sự đời để bước vào một không gian tín ngưỡng, chuẩn bị tâm thế để hiện diện và chiêm bái trước vị Thành hoàng làng đầy quyền uy và linh thiêng.

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thần đạo ở nhật bản (so sánh với tín ngưỡng thành hoàng ở việt nam) (Trang 100 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)