CHƯƠNG 3: TÍN NGƯỠNG THẦN ĐẠO Ở NHẬT BẢN NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT VỚI TÍN NGƯỠNG THÀNH HOÀNG Ở VIỆT NAM 3.1. Nguồn gốc Thành hoàng
3.2. Khái quát kiến trúc ngôi đình miền Bắc
3.2.2. Các hạng mục kiến trúc cơ bản của đình
Các hạng mục kiến trúc cơ bản của đình cổ từ thế kỉ XVI, XVII thường gồm tòa đại đình, sân đình, ao, hồ hoặc giếng phía trước. Những ngôi đình cổ như đình Thụy Phiêu, Tây Đằng, Chu Quyến, Quang Húc...
cho đến nay vẫn có bố cục cảnh quan như thưở ban đầu. Còn các thành phần kiến trúc như: cổng, cột biểu, tiền tế, hậu cung, tả hữu vu, bình phong hoặc tường bao quanh là được bổ sung ở giai đoạn sau.
Đại đình: Đại đình còn được gọi là đại bái, là nơi hành lễ, nơi tiến hành các sinh hoạt công cộng và các hoạt động hành chính công vụ.
Kiến trúc đại đình thường có diện tích và không gian khá rộng lớn, tạo ra sự bề thế, trang trọng. Một mặt, đại đình về sau gắn với hậu cung tạo nên không khí linh thiêng. Mặt khác đại đình là kiến trúc mở, nối tỏa ra không gian rộng thoáng là sân đình bên ngoài.
Đại đình gồm ba phần. Chính giữa là trung đình, là nơi tế tự, nơi để hở nền nhà, có cung thờ hoặc tiếp nối với hậu cung được bày thêm hương án với đồ thờ. Trước hương án là nơi hành lễ không ai được phép ngồi.
Hai bên tả gian, hữu gian có thể có hai dãy hương án thờ những người phối hưởng. Sàn nhà bên tả, hữu gian cao hơn nền gian trung đình. Hai đầu hồi
của đình và vòng ngoài sàn còn cao hơn một cấp nữa. Càng ở cao và vòng ngoài là chỗ ngồi của những người có ngôi thứ còn kém, tuổi chưa cao khi làng có đám.
Hậu cung hay nội điện
Hậu cung hay còn gọi là nội điện, chỗ thâm nghiêm, nơi thờ Thành hoàng làng. Chính giữa hậu cung có đặt một chiếc sập, trên sập đặt một bộ long ngai hoặc một chiếc long khám. Trong khám (hoặc ngai) có đặt bài vị thần. Bài vị là một tấm biển gỗ được chạm khắc rồng, phượng, mây, lửa và sơn son thếp vàng. Chính giữa biển gỗ này viết tên, tuổi, duệ hiệu của thần bằng chữ Hán. Phía trước bài vị là một hòm gỗ cũng được sơn son, thếp vàng, đó là hòm đựng sắc của triều đình phong tặng và cuốn sách ghi sự tích Thành hoàng (Thần tích – thần phả). Một số làng còn có hòm đựng quần áo, mũ mão của thần dùng trong các dịp lễ hội. Trước sập có đặt một bàn thờ. Trên bàn thờ đặt đồ tế khí như các bàn thờ nhà dân gồm: bát hương (đặt chính giữa) hai bên có hai lọ lộc bình, một đôi chân đèn, đài rượu, quả trầu. Hai bên sập và bàn thờ có thể bày thêm đồ Lỗ bộ. Loại đồ tế khí này không có quy định cụ thể và được chia làm hai loại:
Loại phục vụ cho việc rước thần trong các dịp lễ hội làm bằng gỗ gồm có: một cặp biển gỗ khắc chữ “Tĩnh túc” và “Hồi tị” bằng chữ Hán;
một cặp “phủ việt” (búa) và một cặp tay văn (bàn tay cầm bút); một cặp chùy; một cặp gậy đầu rồng gọi là “mao tiết”. Những làng giàu còn có làm thêm cả một bộ vũ khí. Ngoài đồ nghi trượng kể trên còn có một cỗ kiệu bát cống được sơn vẽ rất đẹp, dùng để đặt ngai vị trong các lễ rước.
Một bộ binh khí thờ được làm bằng gỗ (với các làng nghèo) và bằng đồng (với làng giàu có) gồm có 8 loại vũ khí gọi là “Bát bửu” gồm có:
kích, đinh ba, xà mâu, tay văn, tay võ, búa, đại đao, mác (loại vũ khí có thể khác nhau tùy làng).
Tường hậu cung không có sơn vẽ, tranh ảnh, hoành phi, câu đối.
Phía ngoài đại đình lối dẫn vào hậu cung có thể được đặt thêm một đôi hạc hoặc một đôi ngựa hồng đặt trên giá cỗ có bánh xe để kéo theo đám rước thần.
Nhà tiền tế: đến thế kỉ XVIII và đặc biệt thế kỉ XIX, một số đình xây thêm nhà tiền tế ở phía trước đại đình, thường có kích thước và quy mô nhỏ. Mặt bằng hình vuông (phương đình) hoặc hình chữ nhật, thông thoáng xung quanh.
Phía trước đại đình là sân đình, hai bên có hai dãy tả vu và hữu vu (hay tả mạc, hữu mạc). Các quan sửa soạn mũ áo trước khi vào tế hoặc dân làng chuẩn bị cỗ bàn từ hai dãy tả vu, hữu vu.
Ngoài cùng là cổng được gọi là ngọ môn, xác định khuôn viên đình.
Hai bên tường cổng nhiều lớp đắp rồng chầu, hổ hoặc vẽ đôi võ tướng cầm long đao hoặc vẽ voi, ngựa… Phía trước cổng là hồ, ao hoặc giếng. Giữa cổng và hồ ở một số đình có bình phong hoặc hòn non bộ (thường được bổ sung vào thời Nguyễn), với quan niệm không để cho luồng gió ô trượt hoặc khách viếng đi thẳng vào đại đình.
Các hạng mục kiến trúc nói trên được bố cục trên một đường trục nằm chính giữa, còn gọi là đường thần đạo. Đại đình là ngôi kiến trúc trung tâm tạo ra sự hoành tráng, trang nghiêm của đình làng. Các bộ phận kiến trúc khác liên kết với tòa đại đình để tạo nên một tổng hợp kiến trúc hoàn chỉnh hợp khối. Theo từng bước đi của thời gian, đình làng đã biến đổi với các kiểu đình đa dạng, để trở thành một biểu tượng của văn hóa làng Bắc Bộ.