Những quan niệm khác về thế giới và nhân sinh

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thần đạo ở nhật bản (so sánh với tín ngưỡng thành hoàng ở việt nam) (Trang 60 - 68)

CHƯƠNG 2: TÍN NGƯỠNG THẦN ĐẠO Ở NHẬT BẢN 2.1. Những tư tưởng cơ bản của Thần đạo

2.1.4. Những quan niệm khác về thế giới và nhân sinh

Nghiên cứu truyền thuyết của Thần đạo, chúng ta thấy việc giải thích về sự khởi đầu của vũ trụ cũng là một nội dung rất đáng chú ý. Khác với cách giải thích của Kitô giáo trong Cựu ước cho rằng vũ trụ do Chúa trời sáng tạo ra, thần thoại của Thần đạo cho rằng trước khi vũ trụ phân chia thành trời và đất thì đã tồn tại một cái gì đó, tuy ranh giới mơ hồ nhưng bao chứa những mầm mống bên trong. Giống với quan niệm của người Trung Quốc, người Nhật cũng không cho rằng thế giới bắt đầu từ hư không mà vũ trụ là một tồn tại vốn có. Đáng chú ý là trong Cổ sự ký nói rằng: “Trên Cao thiên nguyên có các vị thần xuất hiện”. Như vậy, các vị thần là cái có sau Cao thiên nguyên. Còn Nhật Bản thư kỷ, một tác phẩm ra đời muộn hơn thì viết: “Trời hình thành trước, đất hình thành sau, sau đó các vị thần được sinh ra giữa trời và đất”. Khác hẳn với quan niệm cho rằng Chúa tạo ra vạn vật, Thần đạo cho rằng, tồn tại là cái có trước, rồi từ tồn tại đó mà các vị thần được sinh ra. Như vậy, thần là có bản chất của tồn tại. Quan niệm về vũ trụ ở đây quả là rất mơ hồ, không thể kết luận đó là

một thế giới quan có tính duy tâm hay duy vật một cách rạch ròi. Tuy nhiên, điều quan trọng đáng chú ý là sự thể hiện vị thế của thần linh trong Thần đạo. Mặc dù các vị thần có vai trò to lớn, tạo ra đất nước Nhật Bản, song thần không phải là kẻ khởi đầu của vũ trụ. Như vậy thế giới tồn tại hiện thực được lí giải bằng nguyên nhân hình thành tự thân, tự bắt đầu và tự triển khai. Tại đây có thể thấy ở Thần đạo một bản tính lạc quan chủ nghĩa, tuy mơ hồ nhưng rất đáng chú ý.

Trong những quan niệm về thế giới thì ý niệm về thời gian và không gian của Thần đạo cũng có những nét độc đáo. Trước hết là thế giới quan có tính không gian, đó là một thế giới quan không thống nhất, trong đó thể hiện những quan niệm mang tính hỗn dung được hình thành như là kết quả của quá trình tích hợp văn hóa giữa văn hóa du mục của những cư dân phương Bắc và văn hóa nông nghiệp lúa nước của cư dân phương Nam.

Trong các truyền thuyết Thần đạo đã thể hiện rõ về một không gian theo chiều thẳng đứng gọi là thế giới quan thùy trực và không gian theo chiều mặt phẳng gọi là thế giới quan thủy bình. Lấy thế giới của con người đang sống làm điểm quy chiếu trung tâm, người Nhật cổ cho rằng thế giới theo chiều thẳng đứng có ba tầng. Ngoài tầng con người đang sống là tầng hiện thế ra thì có Cao thiên nguyên (Takama no hara) là tầng trời cao và Hoàng tuyền hay Suối vàng (Yomotsu) là tầng âm phủ ở dưới mặt đất.

Cũng tương tự như vậy, thế giới theo không gian mặt phẳng cũng chia ba.

Phía trước không gian hiện thế là không gian trên biển và phía đằng sau là không gian trong núi. Các nhà nghiên cứu Nhân chủng học cho rằng thế giới quan thùy trực là có mối liên hệ với văn hóa ngữ hệ Antai phương Bắc và thế giới quan thủy bình là có liên quan đến văn hóa Nam Á. Tuy nhiên hai loại thế giới quan này được sử dụng hỗn hợp trong nhiều trường hợp.

Trong quan niệm thế giới về mặt thời gian của Thần đạo cũng được chia làm ba lớp lấy thời gian con người đang sống làm trung tâm: tiền thế

là thế giới trước khi sinh ra, hiện thế là thế giới đang sống và lai thế là thế giới sẽ đi tới sau khi chết; đây là quan niệm khá phổ biến. Thực ra, trong quan niệm như vậy thì ba lớp thời gian cũng không có sự phân biệt rạch ròi. Trong tín ngưỡng dân gian Nhật Bản, sau khi chết thì người ta đi về thế giới khác, tức Tha giới (Takai), và trở thành linh hồn. Linh hồn này có thể được triệu về bởi những người giữ vai trò đặc biệt như Noro, Yuta.

Noro là chức nữ tế thần ở vùng Okinawa chuyên làm nhiệm vụ cúng tế tại các thôn làng và có tính thế tập. Danh hiệu Noro thấy xuất hiện trong các văn bản từ thế kỷ thứ XIV. Noro tồn tại với tư cách tổ chức được xác lập vào khoảng thế kỷ thứ XVII dưới vương triều Lưu Cầu. Hiện nay trên quần đảo Okinawa và các đảo xung quanh như đảo Amami, đảo Kakeroma, Noro vẫn tồn tại và còn được gọi là Tsukasa.

Người ta cũng cho rằng linh hồn tổ tiên cũng có thể trở về giao thiệp với con cháu mình. Do ảnh hưởng của Phật giáo, tín ngưỡng Thần đạo cũng cho rằng người chết sau một chu kỳ thời gian có thể được tái sinh trở lại kiếp sống hiện thế. Tuy nhiên, Thần đạo không có quan niệm thật rõ ràng về thế giới sau khi chết mà đặt trọng tâm suy nghĩ vào thế giới hiện tại, đó cũng là đặc tính tư tưởng hiện thế và lạc quan của Thần đạo.

Quan niệm về linh hồn

Trong quan niệm của Thần đạo thì có quan niệm về Mitami tức linh hồn. Theo Thần đạo, mọi vật từ con người đến cỏ cây đều có linh hồn. Đặc biệt là con người sau khi chết thì linh hồn đi về Tha giới và có khả năng can thiệp tới cuộc sống hiện tại của những người đang sống. Chính vì vậy mà từ xưa người Nhật cũng có tập tục thờ cúng linh hồn tổ tiên với niềm tin linh hồn tiên tổ sẽ bảo vệ, giúp đỡ con cháu trong cuộc sống hiện thế.

Tuy nhiên, từ quãng thế kỷ thứ VI, do Phật giáo lan truyền vào nên từ đó về sau việc cúng tế tổ tiên dần dần chịu ảnh hưởng ngày một nhiều của Phật giáo. Đặc biệt là với chế độ Tanka (đàn gia) xuất hiện từ thời cận thế

cho đến tận bây giờ, việc tế lễ linh hồn mang tính Phật giáo. Mặt khác, bắt đầu từ thời Heian sinh ra truyền thống thờ hồn người như thờ thần. Nhất là từ thời cận thế, cận đại trở về sau tập quán thờ linh hồn những người có công với thôn làng, với đất nước như thờ thần ngày một thịnh hành và người ta cũng lập thêm nhiều đền thờ để thờ những đối tượng như vậy, chẳng hạn đền thờ Tokugawa Ieyasu (Đức Giang Gia Khang 1542–1616) tại Nikko hay đền thờ Thiên hoàng Minh Trị tại Đền Minh Trị (Minh Trị Thần Cung) v.v... Tại đây linh hồn của con người được coi như thần linh và đó chính là cách nghĩ của tư tưởng Thần đạo cận thế. Ví dụ Yoshikawa Koretari (Cát Xuyên Duy Túc 1616–1694) với tư cách là một nhà tư tưởng Thần đạo, lần đầu tiên đã hệ thống hóa quan niệm về sống chết của Thần đạo, cho rằng sau khi chết linh hồn ngự ở thần cung vĩnh viễn và giúp đỡ vạn vật của tạo hóa. Motori Norinaga thì cho rằng linh hồn sau khi chết có một bộ phận ở lại thế gian này và đem lại hạnh phúc cho con người. Như vậy, từ việc thờ cúng tổ tiên và quan niệm về sống chết đã cho thấy Thần đạo quan niệm con người là có linh hồn thần linh và điều quan trọng là những linh hồn đó là những cái đem lại điều tốt cho con người.

Thần đạo cũng cho rằng, hiện tượng tự nhiên cho tới động vật hay các dụng cụ do con người tạo ra đều có linh hồn. Người Nhật Bản cổ đại không cho rằng núi, sông, biển, cỏ cây, sông, hồ,… là những cái mà con người có thể chi phối tùy ý, trái lại người ta cho rằng đó là những cái có linh hồn nên phải có thái độ tôn trọng. Chính vì vậy mà từ mặt trời, mây, mưa, sấm,… cho đến những động vật có khả năng kỳ lạ hoặc gây cảm giác khủng khiếp đều được tôn kính như thần. Motoori Norinaga đã định nghĩa:

“Thần là những cái có uy lực với nhân gian”. Việc thần, người, tự nhiên có linh hồn là thể hiện ý chí sinh thành của thần linh. Quan điểm thống nhất nhất thể giữa con người, thần linh và tự nhiên là một quan điểm độc

đáo của Thần đạo. Điều này xuất phát từ quan niệm chung rằng linh hồn đều do thần sinh ra [46:127].

Có thể thấy những quan niệm về thế giới và nhân sinh của Thần đạo được phân tích trên phần nào có vẻ như rời rạc nhưng thực chất chúng đều thể hiện tính thống nhất trên cơ sở những tư tưởng cơ bản. Những quan niệm về tha giới và thế giới, linh hồn bên cạnh những nét riêng độc đáo thì chúng cũng thể hiện một số nét bổ sung cho tư tưởng hiện thế, thể hiện những khao khát trần thế của con người được gửi gắm vào nơi tha giới và cuối cùng, đều ẩn chứa đằng sau đó sự diệu kỳ, bản chất linh thiêng của một miền đất do thần sinh ra.

Quan niệm về tha giới

Tha giới (Takai) là một khái niệm mà Thần đạo dùng để chỉ không gian khác với thế giới hiện thực, không gian của linh hồn, của các thần linh. Tuy nhiên, trải qua hàng ngàn năm cùng tồn tại và tiếp thu những giá trị của các tôn giáo khác nên quan niệm bản địa về tha giới đã được bổ sung thêm những yếu tố ngoại lai rất phong phú. Về căn bản, người Nhật lấy thế giới con người đang sống làm trung tâm để quan niệm về tha giới, tức là thế giới khác với thế giới của con người – thế giới của linh hồn.

Theo hướng mặt nước, người ta chia ra thành Sơn trung tha giới, tức là tha giới trên núi và Hải thượng tha giới, tức là tha giới ngoài biển; căn cứ theo chiều thẳng đứng người ta quan niệm rằng có Thiên thượng tha giới và Địa hạ tha giới tức là tha giới trên trời và tha giới dưới lòng đất. Tại những nơi này có những tồn tại siêu tự nhiên như các vị thần hay linh hồn người chết.

Giữa thế giới người chết và thế giới người sống có Cảnh giới, tức là nơi tiếp giáp giữa hiện thế con người và tha giới. Đó là nơi những linh hồn của tha giới xuất hiện, là nơi con người hiện thế có thể tới được. Tại nơi này người ta có thể gửi linh hồn người chết về tha giới. Lễ hội là nơi giao thiệp của người sống và tồn tại nơi tha giới. Trong nhiều trường hợp, người ta

gọi sự hỗn hợp tha giới trên trời và tha giới trên núi là Sơn thượng tha giới, hỗn hợp tha giới dưới lòng đất và tha giới ngoài biển là Hải trung tha giới.

Điều đặc biệt khiến chúng ta quan tâm ở đây không phải chỗ cấu tạo của tha giới được Thần đạo quan niệm như thế nào mà ở một khía cạnh triết học sâu xa hơn, đó là trong quan niệm về tha giới của Thần đạo không đề cập đến việc phán xử tội lỗi và sự trừng phạt như Phật giáo, Kitô giáo hay các tôn giáo khác. Có thể thấy đây là một điểm độc đáo trong tư tưởng Thần đạo. Tại sao lại có đặc điểm như vậy? Như chúng ta biết, Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo xuất hiện đều gắn liền với những nguyên nhân xã hội, là sự phản ánh những xung đột giai cấp đã phát triển đến độ gay gắt trong lòng xã hội mà các tôn giáo này ra đời. Chúng thực sự như một phương thuốc an ủi tinh thần của tầng lớp nhân dân bị áp bức, đúng như C.Mác đã nhận xét: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những điều kiện xã hội không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” [17:14]. Trong điều kiện như vậy thì địa ngục và sự trừng phạt là phản ánh nguyện vọng của những người bị áp bức chống lại ách tàn bạo của giai cấp thống trị, là liều thuốc an thần, xoa dịu những nỗi đau của những người bị áp bức. Tuy nhiên, sự hình thành và phát triển của Thần đạo lại mang một sắc thái khác. Từ những tín ngưỡng đa thần nguyên thủy được tập hợp lại như thể hiện một bản tính thống nhất dân tộc, Thần đạo gắn liền với những vấn đề của cộng đồng chứ không mang nặng tính giai cấp. Hơn thế nữa, là một tôn giáo mang nhiều nét tín ngưỡng nguyên thủy, Thần đạo thể hiện những mối quan tâm có tính hiện thế, lấy những lợi ích của cuộc sống hiện tại làm địa bàn chính yếu chứ không phải cuộc sống kiếp sau. Phải chăng vì vậy mà sự trừng phạt, sự phán xử cuối cùng không phải là chủ đề mà Thần đạo quan tâm ngay cả khi nó đề cập đến thế giới sau khi chết như trong quan niệm về tha giới mà chúng ta đang đề cập đến.

Người ta cho rằng chính quan niệm về tội ác và sự trừng phạt, sự phán xử cuối cùng là những quan niệm tôn giáo có tác dụng tích cực nhất định trong việc điều hòa hành vi của con người, giúp con người hướng thiện và tránh xa điều ác. Vậy phải chăng Thần đạo không có chức năng xã hội như vậy?

Thực ra, Thần đạo cũng như bất kỳ một tôn giáo nào khác đều giúp con người hướng thiện. Tuy nhiên, điểm khác biệt căn bản của Thần đạo so với các tôn giáo khác là ở chỗ, với Thần đạo, việc hướng thiện không phải là để được hưởng hạnh phúc ở kiếp sau mà là để có ngay niềm hạnh phúc trong cuộc đời trần thế này. Ở điểm này, tư tưởng Thần đạo quả là mang tính nhân văn sâu sắc. Phải chăng điều này thống nhất với quan niệm của Thần đạo có tính hiện thế và lạc quan về mối liên quan của cái tốt và cái xấu với bản chất con người, rằng mọi tội lỗi có thể được tẩy trừ để giúp con người trở về với bản chất tốt đẹp của mình ngay trong cuộc đời trần thế. Hơn thế nữa, Thần đạo cho rằng không chỉ đất nước Nhật Bản, Thiên hoàng Nhật Bản mà cả các thần dân Nhật Bản cũng là con cháu các vị thần, mang bản chất thần linh. Có lẽ chính xuất phát từ những quan niệm như vậy mà Thần đạo không có tư tưởng phân biệt giai tầng khi con người trở về tha giới. Tất cả mọi người đều có bản chất thần, sau khi chết đều trở thành thần (Kami), đó là một tư tưởng đặc sắc của Thần đạo. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã cho rằng chính tư tưởng bình đẳng trong quan niệm về tha giới này của Thần đạo là một trong những yếu tố giúp cho người Nhật dễ dàng tiếp thu tư tưởng bình đẳng và dân chủ của phương Tây hơn trong quá trình cận đại hóa kể từ Duy tân Minh Trị. Mặt khác, cũng chính quan niệm mọi người đều có thể trở thành thần đã tạo cho mọi người niềm tin và ý chí vươn lên sáng tạo hết sức mình trong cuộc sống đầy cạnh tranh nghiệt ngã [46:124]. Là một tôn giáo dân tộc được phát triển lên từ những tín ngưỡng đa thần có tính bản địa được hình thành từ thời cổ xưa, Thần

đạo Nhật Bản cũng có những tư tưởng với tính hệ thống riêng của nó. Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, tư tưởng đề cao sự thuần khiết, tư tưởng hiện thế chính là nhưng tư tưởng căn bản nhất mà nói tới tư tưởng Thần đạo người ta không thể không đề cập đến chúng. Những tư tưởng này đều khởi nguồn từ những quan niệm trong các truyền thuyết của Thần đạo có từ thời cổ đại. Cùng với tiến trình lịch sử của Nhật Bản, nhất là với quá trình giao lưu văn hóa của Nhật Bản với nước ngoài, các tư tưởng, quan niệm này đã từng bước được củng cố, rồi phát triển lên như sự tự ý thức “bản ngã” của dân tộc Nhật Bản. Tư tưởng Thần đạo bước đầu được lí luận hóa từ khoảng thế kỷ thứ VII và được sự phát triển toàn diện vào thế kỷ thứ XVII và điều này biểu hiện như là kết quả của quá trình tự vệ văn hóa dân tộc trước sự ảnh hưởng của văn hóa, văn minh phương Tây. Đây cũng chính là giai đoạn Nhật Bản đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng Minh Trị, chuẩn bị bước sang một thời đại phát triển mới theo hướng Âu hóa.

Có thể thấy, những tư tưởng Thần đạo bề ngoài có vẻ rời rạc, song nếu xem xét kỹ ở tầng sâu chúng ta cũng thấy chúng có mối liên hệ hỗ trợ lẫn nhau mà trọng tâm là củng cố cho tư tưởng dân tộc chủ nghĩa với việc đề cao vị trí của đất nước thần thánh được Thiên hoàng dòng dõi thiên thần thống trị. Cũng như vậy, những quan niệm khác như quan niệm về thế giới, về tha giới và về linh hồn tuy không trực tiếp nhưng thông qua đặc tính hiện thế và lạc quan cũng có liên hệ tới việc củng cố thêm cho tư tưởng về niềm tin vào cuộc sống trong một thế giới do Thiên hoàng thống trị. Có thể coi đó chính là dòng mạch chính, đồng thời cũng là nét đặc trưng của tư tưởng Thần đạo, khiến nó tự khẳng định như những đặc trưng của một tôn giáo gắn liền với dân tộc Nhật Bản.

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thần đạo ở nhật bản (so sánh với tín ngưỡng thành hoàng ở việt nam) (Trang 60 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)