CHƯƠNG 3: TÍN NGƯỠNG THẦN ĐẠO Ở NHẬT BẢN NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT VỚI TÍN NGƯỠNG THÀNH HOÀNG Ở VIỆT NAM 3.1. Nguồn gốc Thành hoàng
3.3. Chức năng của ngôi đình
3.3.3. Chức năng văn hóa
Đình làng là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cả làng. “Cây đa, bến nước, sân đình” đã đi vào tâm hồn của người dân quê. Đỉnh cao của các hoạt động văn hóa ở đình làng là lễ hội. Làng vào hội cũng được gọi là vào đám, là hoạt động có quy mô và gây ấn tượng nhất trong năm đối với dân làng.
Ở các làng quê Việt Nam còn có hội chùa, hội đền nhưng phần lớn là hội làng được diễn ra ở đình làng gắn với đời sống của dân làng. Lễ hội bao gồm hai phần chính là: Phần lễ và phần hội:
+ Lễ là các hoạt động có tính nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng.
+ Hội là hoạt động mang tính giải trí, gắn liền với thế tục, nghệ thuật, thể dục, thể thao. Nhưng trong một số trò chơi hội làng cũng có ý nghĩa tâm linh, gắn với mục đích cầu mưa, cầu mùa. Lễ hội ở làng diễn ra
“xuân thu, nhị kì” vào các dịp nông nhàn. Lễ hội phần lớn và tháng giêng, có nơi vào tháng hai, tháng ba âm lịch. Lễ hội thu thường vào tháng bảy, tháng tám. Đó là hai lễ hội lớn, còn trong năm người ta cúng lễ Thành hoàng làng(*).
Nghi lễ cúng Thành hoàng
Những nghi lễ để thờ cúng Thành hoàng trong đình diễn ra khá phức tạp. Ngoài lễ chính thường được gán cho là ngày giỗ Thành hoàng, còn có rất nhiều nghi lễ khác.
Ngày mùng 1 và ngày 15 hàng tháng (Lễ sóc – lễ vọng).
Lễ mùa xuân (Ngày đinh thứ nhất của tháng 8).
Lễ Hạ điền và Thượng điền.
Lễ gạo mới vào tháng chín.
Ngoài ra còn rất nhiều lễ khác như: Lễ Thượng nguyên (1 tháng 1), Lễ Khai ấn (7 tháng 1), Lễ Trung nguyên (15 tháng 7), Lễ Hàn thực (3 tháng 3), Lễ Đoan ngọ (5 tháng 5), Lễ Trung thu (15 tháng 8). Những nghi lễ này rõ ràng mang ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Ngoài những nghi lễ theo qui định trên, nếu trong làng có người chết, có đám cưới, có người khao lão, khao chức, khao tước đều có thể tổ chức tại đình.
Trong một lịch lễ nghi dài đến khó nhớ ấy, quan trọng nhất vẫn là lễ hội được gán cho là ngày giỗ Thành hoàng. Nguyễn Văn Khoan đã cho biết: “Từ năm đến mười ngày trước khi bắt đầu đám người ta tiến hành một lễ gọi là nhập tịch. Từ ngày này cho đến hết hội, kéo dài mấy ngày, không được có một đám ma nào được tiến hành. Nếu có người nào trong làng chết, gia đình người đó phải chôn cất bí mật không được kêu khóc, không được kèn trống và áo quan phải đi theo một con đường tắt, chứ
(*) Xem thêm: http://suhoctre.hisforum.net/t2601-topic
không được đi theo đường cái như mọi khi. Nếu gia đình nào muốn đưa đám tử tế cùng với sự giúp đỡ của làng xã thì phải tìm cách giữ xác người chết cẩn thận và đợi đến khi hết hội mới chính thức phát tang… Trong ngày lễ này, ngày nào cũng tế Thành hoàng. Song, nghi thức quan trọng nhất là lễ rước Thành hoàng từ nghè về đình để ông chứng kiến lòng ngưỡng mộ của dân làng đối với ông. Để thực hiện nghi lễ này, người ta phải dùng bộ kiệu của đình để rước. Đầu tiên người ta đặt bài vị của ngài lên một cái kiệu, do tám người khiêng. Đi theo kiệu còn có tất cả đồ lễ nghi, đồ thờ cúng, cờ kiệu, binh khí lập thành một đoàn rước từ đình ra nghè. Nghè là một công trình kiến trúc nhỏ được xây trên một khu đất cao ráo, không xa đình lắm và đường đi đến thuận tiện. Chung quanh khu đất thường có cây cổ thụ và có cỏ mọc. Đây là khu đất thờ, vì thế dân làng không được trồng trọt gì tại đây. Có một số làng xây nghè như một cái án thư bằng gạch khá sơ sài nhưng không có bàn thờ. Khi đoàn rước tới nghè, người ta hạ kiệu xuống làm lễ tế thần rồi đám rước quay trở về đình. Theo quan niệm của người Việt, nghè là nơi Thành hoàng cư ngụ. Người ta ra mời ông vào đình cho dân làng bảy tỏ lòng thành kính với ông. Hết hội người ta lại rước ông trở về căn nhà của mình, còn trong đình ông chỉ có bài vị mà thôi.
Khi đoàn rước về đến đình thì lễ tế được bắt đầu. Đội ngũ tế là những người đã được dân làng chọn với tiêu chuẩn tuổi từ 51 trở lên, bản thân cá nhân và gia đình trong năm không vi phạm pháp luật, không có tai nạn hoặc người thân từ trần, gia đình hòa thuận, không có điều gì tai tiếng.
Tham gia đội tế gồm có: 1 chủ tế, 2 bồi tế, 1 đông xướng, 1 tây xướng, 2 đến 8 người chấp sự. Người trong đội tế phải mặc áo thụng xanh, đội mũ tế, đi hia, mặc áo triều phục, tay cầm hốt. Y phục tế phần nào giống với phẩm phục quan lại triều đình. Trước bàn thờ người ta trải ra ba chiếc chiếu nối nhau. Chiếu thứ nhất liền với bàn thờ – người ta dâng rượu và
khấn. Chiếu thứ hai để ẩm phúc. Chiếu thứ ba là chỗ đứng của vị chủ tế mỗi khi hành lễ ở hai chiếu trên lui về đây. Vị trí các thành viên trong ban tế qui định như sau: Xướng tế đứng thứ hai bên chủ tế ở phía trước. Bồi tế đứng sau chủ tế. Chấp sự đứng hai hàng hai bên.
Nghi thức tế bao gồm cả thảy 47 động tác.
Sau khi chủ tế kết thúc, dân làng lần lượt bước vào trước bàn thờ thần, mỗi người tế bốn lễ.
Trong suốt buổi lễ một dàn nhạc gồm đông đảo các nhạc cụ dân gian như: trống, chiêng, đàn, sáo, nhị v.v… chơi những bản nhạc dân tộc làm nền cho cuộc lễ. Ở một số làng, sau cuộc tế, người ta tiến hành một nghi lễ – theo quan niệm của họ là nhắc lại hành trạng của Thành hoàng, thuở sinh thời gọi là “Hèm”.
Sau phần tế lễ là các hoạt động vui chơi, giải trí. Sân đình trở thành sân khấu diễn xướng, ca hát. Ở những hội làng Bắc Bộ, sân đình thường biểu diễn chèo, vùng Bắc Ninh, Bắc Giang sân đình gắn với hội hát quan họ.
Mỗi địa phương có trò chơi khác nhau, thỏa mãn con người với nhiều nhu cầu như: nhu cầu tâm linh (các trò chơi gắn với cầu mưa, cầu mùa, cầu ngư,..), nhu cầu cộng cảm, nhu cầu thể hiện sức mạnh, sự tài trí.
Các trò chơi gắn liền với nghi lễ cầu mưa, cầu mùa như cướp cầu, kéo co, đua thuyền…
Chẳng hạn trò chơi cướp cầu ở đình Thằng Núi (Hiệp Hòa – Bắc Giang) trên sân đình ở hai đầu Đông – Tây có đào hai lỗ vuông vắn. Theo người xưa truyền rằng, hai hố tượng trưng cho chỗ trâu vàng đằm mình ngày xưa.
Các giáp cử những người dự thi. Các đấu thủ đều cởi trần, đóng khố đỏ, luật thi rất đơn giản: ai tranh được quả cầu bằng gỗ vuông có buộc tua đỏ đem thả vào lỗ của đối phương là thắng cuộc.
Cuộc thi được bắt đầu khi một bô lão mặc áo nhiễu đỏ, tay giơ cao quả cầu lên và nói: “Làng ta mở hội thi cầu, bên nào thắng cuộc xin vào đình làng lĩnh thưởng”. Lập tức một tiếng pháo nổ vang, quả cầu được tung lên. Các đấu thủ nhanh chóng xông tới cố giật quả cầu để lao về phía đối phương. Quả cầu bị giằng đi, giật lại, lúc ở bên Đông, lúc bên Tây.
Người xem reo hò náo nhiệt, tạo không khí tưng bừng của ngày hội.
Chúng ta có thể nhận thấy, trò chơi cướp cầu có chứa đựng yếu tố tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp lúa nước. Quả cầu chính là biểu tượng của mặt trời, vận động từ Đông sang Tây.
Trò chơi cũng thể hiện quan niệm âm dương, quả cầu – mặt trời (dương), hố vuông – đất (âm).
Trong các hội làng ở trung du Bắc Bộ có trò đánh cầu bằng gậy tre cong gọi là trò chơi hất phết. Cái gậy và quả cầu được gọi là gậy phết và quả phết. Đất và trời là hai yếu tố đối lập, nhưng lại hợp với nhau khi mà quả cầu được bỏ vào hố đất. Như vậy, từ trong trò chơi ấy, tự nó đã biểu đạt được những quan niệm về vũ trụ và tín ngưỡng của người Việt.
Cũng có nơi quả cầu là quả bưởi, hoặc quả dừa. Trong lễ “đảo vũ” ở xã Thanh Trực – Lập Thạch – Vĩnh Phúc người cướp được cầu thì nhanh chóng ra ao đình ném quả dừa xuống ao, với ước vọng cầu mưa. Dân làng có câu:
“Cướp bưởi cầu mưa, cướp dừa cầu nước”.
Đua thuyền là một trò chơi mang tính thể thao và gắn với lễ nghi nông nghiệp, đã có ở Việt Nam từ lâu đời. Trong lịch sử đã ghi chép về đua thuyền từ năm 985. Không chỉ có ở Việt Nam mà đua thuyền khá phổ
biến ở phía bắc Đông Nam Á. Trong hội đua thuyền, tiếng trống đánh vang là biểu tượng cho tiếng sấm, thuyền chèo dưới nước là thúc nước gọi mưa.
Đua thuyền còn gắn với tín ngưỡng phồn thực như trong hội đua thuyền ở xã Đào Xá (Thanh Ba – Phú Thọ) chỉ có hai thuyền tham dự, một thuyền đực, một thuyền cái. Trên mũi thuyền đực có khắc hình con chim, trên mũi thuyền cái khắc hình con cá. Hội làng Đăm (Tây Tựu – Từ Liêm – Hà Nội) hội đua thuyền lại gắn với lễ tế thủy thần là thánh Tam Giang và Thành hoàng làng là nữ thần Nguyễn Thị Giang (giang là sông).
Kéo co là một trò chơi dân gian sôi động và náo nhiệt, trò chơi bình thường như thế nhưng lại gắn với lễ cầu mùa. Hai đội kéo co theo đúng chiều Đông – Tây. Dân làng tin rằng nếu đội phía Đông thắng thì năm đó được mùa, đội phía Tây nhiều khi phải giả vờ nhường cho đội phía Đông thắng. Có nơi trò chơi kéo co chỉ diễn ra theo hình thức như ở làng Chấp (xã Hữu Chấp – Yên Phong – Bắc Ninh), bên nữ phía Đông bao giờ cũng phải thắng vì người ta tin rằng có như vậy thì năm đó mới được mùa.
Cho đến nay, cúng đình và lễ hội vẫn là hình thức sinh hoạt cộng đồng tiêu biểu ấn tượng nhất của làng xã. Trong sinh hoạt tín ngưỡng đó, người dân vẫn tin vào sự phù hộ của các vị thần trong mùa màng và đời sống. Hội làng ở đồng bằng Bắc Bộ sau một thời gian bị đứt đoạn đã có sự phục hồi nhanh chóng, chứng tỏ dân làng vẫn có nhu cầu về tâm linh. Điều đó cũng chứng tỏ sức sống bền bỉ của tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng.
Tóm lại, đồng bằng Bắc Bộ là cái nôi của nền văn hóa Việt Nam.
Những nhân tố tự nhiên và xã hội đã hình thành nên làng, một cộng đồng làng, lối sống làng. Đình làng là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng ra đời từ thời Lê sơ, đánh dấu một bước phát triển của cơ cấu làng xã cổ truyền.
Đình làng là một biểu tượng của tính cộng đồng, tự trị dân chủ của làng xã.
Ngôi đình là trung tâm văn hóa của làng mà thể hiện cô đọng nhất là lễ hội.
Hèm tục trong việc thờ Thành hoàng
Hèm là điều kiêng kị do việc thờ cúng các thần linh. Thờ thần nào cũng đều có hèm. Ngay việc thờ phụng trong gia đình cũng vậy. Ta có tục kiêng tên, không dám nói – hay không để cho người nhà nói đến tên của cha ông mình. Đó cũng là hèm. Cao hơn một bậc, trong việc cúng lễ thần linh, nhất là Thành hoàng, thường có những trò diễn lại sinh hoạt, sự tích của vị thần, vị Thành hoàng ấy, cũng gọi là hèm. Hèm gắn liền với phong tục nên ta gọi chung là hèm tục. Hèm tục là một thứ nghi thức dân gian, cốt để cho người dân sùng mộ thần linh có thể hồi tưởng lại hành động hay tính cách của vị thần mà mình ngưỡng mộ. Đã là hồi tưởng thì cuộc sống sinh bình của thần linh ngày xưa như thế nào thì nay hình dung lại đúng như thế về những nét cơ bản, không cần tô vẽ, màu mè, không chịu một ảnh hưởng của giáo lý hay quy phạm nào cả. Những hành động trước đây của thần linh, có thể bị người ngày nay không thể chấp nhận, nhưng đó là của thần, không việc gì phải che dấu hay xuyên tạc, dối trá, nhất là lại đúng vào dịp ta đang tưởng nhớ Ngài. Vấn đề cơ bản của hèm tục là ở chỗ đó.
Hèm tục có rất nhiều hình thức. Phổ biến hơn cả đối với hầu hết các thần linh là sự kiêng kị. Tên tục của thần, có khi là tên hiệu đều không được phép nhắc đến, nếu phải nhắc đến một từ nào, thì phải phát âm chệch đi. Chữ “thành” phải đọc thành chữ “thiềng” chẳng hạn. Còn có những trường hợp, cái tên danh xưng đã giành cho thần rồi, thì không được dùng để gọi những người phàm tục nữa. Có nơi gọi bà Thánh Mẫu này là Bà, là Mẹ thì những phụ nữ có tuổi khác trong xã không được gọi bằng những tiếng ấy nữa mà phải gọi bằng Mụ, bằng Chị v.v...
Không phải chỉ có sự kiêng kị về tên gọi, người ta còn chú ý đến cả màu sắc nữa. Ví dụ có vị thần nào đó, khi cúng lễ, khiêng kiệu, người dân không được mặc quần áo màu đỏ hay màu đen, màu vàng hay màu trắng.
Có những cỗ bày ra, phải kiêng loại cá nào, thịt nào, hoặc dùng cỗ chay hay cỗ mặn v.v... Đều thuộc vào sự kiêng kị cả.
Ngay trong nghi thức rước kiệu, cúng lễ có nhiều trường hợp phải tuân theo giờ giấc nhất định. Có nơi chỉ được cúng vào ban đêm hoặc lúc rạng sáng. Có nơi khi kiệu rước đi qua nơi nào thì phải dừng lại hoặc có những hoạt động gì kèm theo. Những nghi thức tiến cúng cùng những hành động diễn biến trong việc cúng lễ Thành hoàng, liên quan đến hèm tục này rất nhiều, tùy theo hoàn cảnh, tính cách của vị Thành hoàng ấy. Nếu Thành hoàng là một người hành khất thì đồ tiến cúng phải có cái bị, cái gậy. Nếu là vị thần hốt phân thì phải có những đĩa chuối bóc trần, quăng vỏ, làm vật tượng trưng. Nếu thờ những vị âm thần, những vị có liên quan đến việc giao phối nam nữ thì phải có những tấm mo hay những cái nõ nường.
Hèm tục còn được đi vào việc cúng lễ, đi vào cả phong tục của làng xã. Thành hoàng xưa là người ăn trộm thì khi dâng bát hương phải luồn qua dưới ngạch cửa rồi mới đặt lên trên bàn thờ. Có những làng vào một trong ba ngày Tết, các nhà trong làng đều đóng cửa, giả trang đi sang những làng xa hơn để đi xin ăn. Xin tượng trưng thôi, nhiều ít không quan trọng, chỉ gọi là lấy một chút của bố thí. Có làm như vậy thì cả năm làng mới được yên ổn. Gần đây tục ấy vẫn còn những ai cũng giữ kín mà không bao giờ giải thích [33:139].
Những hèm tục trong việc thờ cúng Thành hoàng như thế có ý nghĩa gì không hay chỉ là những trò kém văn minh mà các cụ nhà Nho, các nhà đạo đức xem là đồi phong bại tục. Thật ra nhận định như vậy là đứng trên quan điểm lễ giáo và trật tự phong kiến để đánh giá vấn đề. Có lẽ nên nhận ra ở đây một số khía cạnh khác, nhìn theo góc độ văn hóa:
Một số lớn những hèm tục, thường thiên về hình thức quan hệ giao phối nam nữ, nên bị cho là chuyện dâm loạn không chính đáng. Có lẽ nên dựa theo lý luận tiến hóa sử mà xét vấn đề. Thời sơ cổ, tín ngưỡng phồn thực là phổ biến. Con người lúc ấy rất ít, nên rất cầu mong có sự sinh sôi nảy nở. Và họ nhận thấy đây là qui luật của tất cả các hiện tượng thiên
nhiên chung quanh: những con chim, con bướm và các loại động vật nuôi trên cạn, đều phải giao phối với nhau thì mới sinh đàn sinh đống được.
Con người cũng phải bắt chước như thế thôi. Sự giao phối âm dương mà sau này người ta phải che đậy, thật ra chỉ là chuyện bình thường trong thiên nhiên rồi trong xã hội. Do đó mà người ta thấy quý trọng những vật có thể tạo ra sự sinh nở. Những vật ấy phải được tôn thờ. Những con người tạo ra được sự sinh trưởng là đáng quý trọng. Tín ngưỡng phồn thực từ đó mà ra, truyền hết đời này đến đời khác, tạo nên những hình thức lễ bái, tôn vinh. Khi đã hội tiến lên chặng đường văn minh, người ta nghĩ đến những qui phạm, những giáo lý để khuôn con người vào nếp mới, song những hình thức của tín ngưỡng phồn thực ấy vẫn còn tồn tại, không nguyên vẹn nhưng có những tàn tích không thể nào phai mờ. Quan niệm thay đổi, nhưng tập tục vẫn còn sót lại ở khá nhiều bình diện. Những hèm tục ta thấy chính là dấu vết của các tàn tích ấy. Không chỉ ở các hèm mà thôi, ngay cả ở một số trò diễn hay những tiết mục văn nghệ, nhất là ở các dân tộc thiểu số, cũng đầy những dấu vết của tín ngưỡng phồn thực. Nhìn vấn đề theo góc độ xã hội như vậy, ta có thể thấy các hèm tục có lý do chính đáng của nó, chứ không đáng bị lên án về mặt đạo đức như vậy.
Các hèm tục thường được thể hiện ở cả những nghi thức cúng lễ, thường chứa đựng những yếu tố gì đó bí mật mà không thể nào giải thích được. Không thực hiện các hèm tục như vậy thì làng sẽ bị động, sống không yên ổn vững vàng. Có thể mùa màng sẽ bị thất bát, dịch bệnh hoặc những tai nạn nào đó bất kỳ. Có thể vị thần không được bằng lòng, nên dễ trái tính, gây những rủi ro. Có thực như vậy không? Không biết. Vì cái kết quả tai hại có thể xảy ra vào lúc đó đâu, mà bất chợt nó sẽ đến một ngày nào đó trong năm. Vậy chi bằng cứ thực hiện hèm tục để được yên lành hơn. Có vấn đề mê tín ở đây chăng? Có thể có nhưng không hoàn toàn là như vậy mà là một sự kiêng dè cần thiết. Kiêng dè không gây trở ngại gì,