Tư tưởng hiện thế – lạc quan

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thần đạo ở nhật bản (so sánh với tín ngưỡng thành hoàng ở việt nam) (Trang 56 - 60)

CHƯƠNG 2: TÍN NGƯỠNG THẦN ĐẠO Ở NHẬT BẢN 2.1. Những tư tưởng cơ bản của Thần đạo

2.1.3. Tư tưởng hiện thế – lạc quan

Hiện thế và lạc quan là một nét tư tưởng nổi bật trong tư tưởng Thần đạo, nó thể hiện trong đó những giá trị thế giới quan và nhân sinh quan độc đáo của Thần đạo, khiến tư tưởng của nó có những nét hoàn toàn khác biệt với tư tưởng của các tôn giáo khác.

Trong tư tưởng của các tôn giáo, nhất là các tôn giáo điển hình như Phật giáo, Kitô giáo, Islam giáo v.v..., thì nằm sâu đằng sau mọi giáo thuyết là tư tưởng xuất thế. Từ khởi thủy, các tôn giáo này đều nảy sinh từ chỗ phủ nhận thế giới thực tại, cho rằng đó là một thế giới đầy tội lỗi và đau khổ, và hy vọng tìm hạnh phúc ở kiếp sau nơi Thiên đường hay Niết bàn. Khác với xu hướng tư tưởng phổ biến đó, Thần đạo Nhật Bản lại có thái độ không phủ nhận những giá trị của đời sống thực tại, coi cuộc sống thực tại là địa bàn trung tâm và tin tưởng vào sự tiến triển tốt đẹp của nó.

Một thế giới quan tôn giáo nhưng lại dẫn đến một nhân sinh quan gắn liền với đời sống thực tại, điều này quả là một độc đáo của Thần đạo.

Những tư tưởng hiện thế và lạc quan của Thần đạo được thể hiện trong thế giới các vị thần. Thần đạo là một tín ngưỡng đa thần, trong Thần đạo các vị thần và cuộc sống của họ đều mang dáng vẻ con người và cuộc sống trần thế. Đó là những vị thần mà không ít trong số đó sống theo cặp đôi nam nữ, có con cháu và phả hệ được ghi chép rõ ràng. Chính vì vậy mà Thiên hoàng Nhật Bản được giải thích là dòng dõi con cháu Nữ Thần Mặt Trời. Hơn thế nữa, trong thế giới các vị thần, không chỉ thấy các thần tốt mà có cả các vị thần xấu. Tuy vậy, điều đáng chú ý ở đây là các vị thần

mang bản chất tốt chiếm vị trí cơ bản, thần xấu chiếm số ít. Ngay cả các vị hung thần cũng không phải lúc nào cũng thể hiện tính ác mà cũng có lúc đem lại những điều tốt đẹp. Như vậy, trong quan niệm về cái tốt và cái xấu, tương quan giữa chúng và tính chất vượt trội của cái tốt đã thể hiện rõ tư tưởng có tính hiện thế và lạc quan về cuộc sống trong nhãn quan về thế giới của Thần đạo.

Một điều đáng chú ý khác ở Thần đạo là luôn coi cuộc sống tại thế giới này là trung tâm. Khác với lý tưởng xuất thế của các tôn giáo khác, Thần đạo không hướng con người đến một nơi nào khác ngoài cuộc sống đang diễn ra. Theo Thần đạo, đi theo con đường của các thần linh là để được các vị thần phù hộ sống đầy đủ, hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại chứ không phải ở cuộc sống kiếp sau. Do hạn chế về nhận thức, người Nhật Bản cổ xưa cho rằng thế giới mà họ đang sống chỉ là “tám hòn đảo rộng”, tức là quần đảo Nhật Bản ngày nay. Đối với họ, thế giới là đất nước thanh bình và đầy lúa gạo. Trong mệnh lệnh của Nữ Thần Mặt Trời truyền cho cháu mình là Thần Ninigi xuống cai quản vùng đất này có nói: nơi đây là “Miền đất muôn đời đầy hoa trái, bạt ngàn lau sậy và những cánh đồng lúa phì nhiêu”. Thế giới của con người, miền đất do thần ban cho là một nơi tươi đẹp và giàu có chứ không phải nơi chứa đầy khổ đau và tội lỗi – đó là tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống toát lên từ truyền thuyết của Thần đạo cổ đại và luôn được các nhà lí luận Thần đạo sau này chú trọng [46:101-102].

Theo “Cổ sự ký” và “Nhật Bản thư kỷ” thì ngoài thế giới hiện thế mà con người đang sống thì còn có những thế giới khác như: Cao thiên nguyên – nơi cư ngụ của các vị thần; Hạ giới hay Hoàng tuyền là nơi cư trú của các linh hồn người chết. Hạ giới được coi như nơi ô uế và tối tăm.

Cao thiên nguyên là nơi ít nhiều có tính chất lý tưởng. Mặc dù vậy, trong tư tưởng Thần đạo cổ đại không hề có quan niệm từ bỏ thế giới hiện thế để

được sống ở Cao thiên nguyên. Trái lại những điều ấy, cuộc sống nơi thế giới hiện thực luôn được coi là địa bàn lý tưởng, là trung tâm của mọi giá trị. Chính vì vậy mà hoàng tử Yamato – Takeru no Mikoto trên giường bệnh liền kề cái chết đã khuyên những người đang sống: “…hãy nhảy múa vui tươi và sống một cách mãn nguyện cho đến tận ngày cuối cùng của cuộc đời”. Lời nhắn nhủ của hoàng tử Yamato thể hiện thật rõ nét tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống. Đó cũng là phản ánh quan điểm về cuộc sống và cái chết đầy nét lạc quan của Thần đạo cổ đại.

Những tư tưởng mang khuynh hướng hiện thế và lạc quan bắt nguồn từ thời cổ đại tiếp tục được duy trì và phát triển trong các giai đoạn lịch sử về sau của nó. Đáng chú ý là trong thời kỳ trung đại của lịch sử Nhật Bản, khi Thần đạo đã vào giai đoạn trưởng thành về mặt lí luận thì cũng là lúc tư tưởng hiện thế và lạc quan của nó được thể hiện khá rõ trong tư tưởng của các nhà lí luận tiêu biểu. Trong giai đoạn này, tư tưởng lạc quan lịch sử của Kitabake Chikafusa (1293–1354) khi ông giải thích lại quan điểm lịch sử của Jien (1155–1225) là một nhà chép sử Nhật Bản thời bấy giờ có quan điểm về lịch sử mang tính bi quan và là nhà sư thuộc Thiên Thai tông Nhật Bản đầu thời kỳ Kamakura. Ông đã bốn lần giữ chức tọa chủ Thiên Thai tông, tác giả của tác phẩm nổi tiếng Ngu Quản sao, là một ví dụ đáng chú ý. Ông cho rằng lịch sử Nhật Bản trải qua bốn thời kỳ: Thời kỳ hình thành, Thời kỳ tồn tại, Thời kỳ suy sụp và Thời kỳ trống rỗng. Theo Jien, thời kỳ mà ông đang sống là thời kỳ cuối cùng của lịch sử. Ông nói: “Tôi không biết về thời kỳ các thần linh nhưng tôi cho rằng thời kỳ của con người sẽ có một trăm ông vua. Sau sự thống trị của Thiên hoàng Jinmu chỉ còn vài triều đại. Chúng ta đang sống ở triều đại của vị Thiên hoàng thứ 84” [64:26].

Sau đó Jien kết luận rằng chỉ còn 16 vị Thiên hoàng nữa là thế giới sẽ đến ngày tận thế. Chống lại quan điểm bi quan về lịch sử của Jien,

Chikafusa cho rằng: “Người ta nói rằng có một trăm vị vua. Đó không phải là một trăm của mười lần mười mà là một trăm không giới hạn”.

Chikafusa quan niệm về một lịch sử không có giới hạn. Theo ông, lịch sử Nhật Bản là sự hiện thực hóa mệnh lệnh của Nữ Thần Mặt Trời, trong đó có nói rằng, đất nước này sẽ tồn tại dài lâu như trời và đất, sẽ tiến triển mãi mãi, rằng bất cứ điều gì như là tư tưởng về triều đại cuối cùng đều bị buộc tội. Chikafusa đã chống lại quan điểm bi quan của Jien bằng một thái độ lạc quan, tin tưởng vào quá trình phát triển của lịch sử.

Trong trường phái Thần đạo Phục cổ và Thần đạo Nho giáo thì tư tưởng hiện thế và lạc quan cũng có sự thể hiện rõ nét. Khi xem xét tư tưởng Thần đạo trong giai đoạn này chúng ta không thể không xem xét tư tưởng của một học giả tiêu biểu của nó – Motoori Norinaga (1703–1801).

Motoori Norinaga chủ trương phải quay trở lại các giá trị văn hóa thuần khiết. Nhật Bản, tức là những giá trị chưa bị ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài. Ông cho rằng, người Nhật hoàn toàn có thể nhận thức và thể hiện thế giới xung quanh mà không cần phải viện đến văn hóa nước ngoài. Theo ông mọi người dù là tốt hay xấu, quý tộc hay bình dân thì đều phải chết cả như nhau và đều phải đi về miền đất tối tăm, ô uế. Cũng vì thế, ông cho rằng cuộc sống trên thế giới này là đẹp nhất, cuộc sống đáng sống, đáng yêu nhất [46:105]. Với tư cách là những đại biểu lí luận của Thần đạo thời kỳ trung đại, quan điểm lịch sử của Chikafusa cũng như thái độ lạc quan coi trọng cuộc sống thực tại của Motoori Norinaga quả là có tính tiêu biểu cho tư tưởng Thần đạo. Nó vừa tiếp nối được tinh thần hiện thế và lạc quan có từ thời cổ đại, vừa thể hiện những cảm nhận sâu sắc hơn về những giá trị của đời sống thực tại.

Có thể thấy rằng, những tư tưởng hiện thế, lạc quan của Thần đạo là một nét tư tưởng độc đáo. Chúng được thể hiện thông qua quan niệm về thế giới, về niềm tin vào sự tồn tại căn bản của cái thiện và sự tin tưởng

vào sự phát triển của cuộc sống. Những biểu hiện này có ngay từ trong Thần đạo cổ đại và được củng cố trong các giai đoạn phát triển về sau.

Điểm cốt lõi của tư tưởng này là ở chỗ Thần đạo luôn lấy cuộc sống thực tại làm địa bàn của mọi giá trị, mặc dù biểu hiện đó dường như có tính cảm nhận trực quan. Khuynh hướng tư tưởng này có ảnh hưởng sâu sắc đến các giá trị văn hóa Nhật Bản, đặc biệt là đến quá trình biến đổi các giá trị văn hóa nước ngoài thành những giá trị có tính chất Nhật Bản. Điều quan trọng hơn cả là từ việc đặt niềm tin vào chính thế giới đang sống, tư tưởng Thần đạo đã tạo nên niềm lạc quan và sự cống hiến hết mình cho con người, tiếp cho họ nghị lực tinh thần để xây dựng một cuộc sống trần thế chứ không phải những niềm tin hư ảo như các tôn giáo khác.

Một phần của tài liệu Tín ngưỡng thần đạo ở nhật bản (so sánh với tín ngưỡng thành hoàng ở việt nam) (Trang 56 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)