CHƯƠNG 3: TÍN NGƯỠNG THẦN ĐẠO Ở NHẬT BẢN NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT VỚI TÍN NGƯỠNG THÀNH HOÀNG Ở VIỆT NAM 3.1. Nguồn gốc Thành hoàng
3.4. Những nét tương đồng
Nguồn cội: Cả hai đều xuất phát từ tục sùng bái các hiện tượng của tự nhiên và tôn thờ sức mạnh tự nhiên. Hầu hết các vị thần tự nhiên trong danh sách thần linh đều có mặt ở cả hai nước như: Thần Mặt Trời, Thần Cây, Thần Sông, Thần Núi, Thần Giông bão v.v... Nền kinh tế nông nghiệp lúa nước và đời sống lệ thuộc vào thiên nhiên chính là những cơ sở chung để tạo nên những điểm tương đồng này.
Con đường phát triển: Từ nền tảng tôn thờ sức mạnh thần bí của tự nhiên, khi xã hội nông nghiệp trồng lúa ra đời, cả hai đều có xu hướng tập trung thờ cúng các vị thần liên quan tới tín ngưỡng nông nghiệp, cầu mong thần linh ban cho họ sức khỏe, làm ăn thuận lợi, những mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, gia đình êm ấm, con cháu học hành giỏi giang, ngoan ngoãn, có một cuộc sống ngày một sung túc hơn. Và, khi sự phân hóa giai cấp trong xã hội xuất hiện, chiến tranh xung đột giữa các bộ lạc, cũng như chiến tranh xâm lược liên tiếp nổ ra, đồng thời cũng làm nảy sinh hệ thống thần mới – Nhân Thần ra đời. Họ là vua chúa, tướng lĩnh – đẳng cấp thống trị trong xã hội, cũng như những anh hùng trận mạc, anh hùng khai phá, những người đã góp phần xây dựng cuộc sống bình yên cho làng xóm, cộng đồng. Đó là con đường phát triển chung của cả hai tín ngưỡng.
Đa thần: cả hai tín ngưỡng đều dành niềm tôn kính cho tất cả các vị thần, không kể đó là các vị tà thần hay hung thần. Hung thần tức là những thế lực có thể giáng họa, đem lại sự đau khổ bất hạnh cho con người nếu con người tỏ ra thất lễ. Tuy nhiên, các hung thần cũng có bản chất nước đôi, có lúc thể hiện bản tính phá phách, hủy hoại nhưng cũng có khi mang lại cho con người những điều tốt đẹp.
Về lễ hội: Kịch bản lễ hội của hai tín ngưỡng này tuy có khác nhau về chi tiết, song trên đại thể cơ bản giống nhau. Ngày xưa, lễ hội tập trung chủ yếu vào hai mùa: mùa xuân (gieo hạt), mùa thu (thu hoạch) theo lịch sinh hoạt nông nghiệp, cầu mong thần linh che chở và phù hộ, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu v.v… Nội dung hội chia làm hai phần:
phần Lễ diễn ra trong nhà với một số nhỏ người đại diện. Rước thần là rước biểu tượng của thần với biểu tượng chiếc gương soi tượng trưng cho Nữ Thần Mặt Trời và sắc phong chữ “Thần” đại diện cho Thành hoàng làng. Sau cuộc Lễ là phần Hội, đây mới là phần quan trọng nhất với sự tham gia của mọi thành viên trong cộng đồng. Chúng ta thấy, trong kịch bản Hội ở cả hai bên đều có là lễ rước thần trên những chiếc kiệu được sơn thếp lộng lẫy. Những chàng trai khiêng kiệu đều được tuyển lựa từ trong cộng đồng với những phẩm chất trong sạch. Về ý nghĩa cuộc rước thần có thể khác nhau trong quan niệm và con đường, song cả hai đều có chung một mục đích là để cho dân chúng được nghênh đón thần từ thế giới thần bí quanh năm trong khám kín, trở về với thế giới hiện hữu để tất cả mọi người đều có dịp bày tỏ sự tôn kính của mình. Thêm vào đó, lễ hội được xem là một hoạt động về nguồn, là lúc gặp gỡ những người trong bản làng, thôn xóm, là nơi thể hiện sức mạnh đoàn kết của cộng đồng làng xã, góp phần tạo nên một cộng đồng dân cư bền vững.
Mỗi làng xã ở Nhật Bản đều có một đền thờ Thần đạo cũng như mỗi một làng Việt đều có một ngôi đình thờ Thành hoàng. Đây vừa là nơi tế lễ, vừa là nơi tổ chức hội làng, nơi tụ tập cộng đồng để vui chơi, giải trí.
Và điểm giống nhau kế tiếp là nét tương đồng giữa kiến trúc đền miếu Shinto “thuần Nhật” với ngôi đình miền Bắc Việt Nam.
Sự giống nhau trước hết là mặt bằng kiến trúc. Như đã trình bày, những đền miếu Shinto cổ nhất cũng như những ngôi đình cổ nhất hiện có ở Việt Nam đều có mặt bằng hình chữ nhất (–). Các kiểu kết cấu khác ở cả hai nền kiến trúc đều ra đời sau. Trong bố cục kiến trúc của điện thờ chính của Shinto cũng như đình làng đều chia làm hai phần rõ rệt: một phần dành cho nghi lễ, hội họp, một phần dành riêng cho nơi ở của thần linh. Trong cả hai bên, phần dành cho thần linh đều là không gian kín, không một người dân nào được vào, ngoại trừ những ngày lễ hội. Bên trong gian này, cũng không có tượng thần như các tôn giáo và tín ngưỡng khác.
Đặc điểm thứ hai mà chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy là chúng đều dựa trên nguyên lý, kết cấu tất cả các thành phần kiến trúc trong ngôi nhà được liên kết với nhau tạo nên một bộ khung hoàn chỉnh, sức nặng của tòa nhà do các cột chịu lực, tường nhà chỉ có tác dụng che mưa che nắng mà thôi.
Về mặt kết cấu kỹ thuật, kiểu kiến trúc Shinto “thuần Nhật” thường làm kiểu hai vì ở đầu hồi có 3 cột. Cột giữa đóng vai trò chịu lực chính, đầu cột đội xà nóc, chân cột kéo dài xuống đất. Hai cột hiên đóng vai trò liên kết và chịu sức nặng của bộ mái. Một xà ngang liên kết cả ba cột lại tạo thành một vì hồi. Đây cũng là một đặc điểm kỹ thuật khá phổ biến trong nền kiến trúc Việt Nam. Cũng xin nói thêm, các con giường và đấu cũng hoàn toàn vắng bóng trong loại kết cấu này. Trong khi đó, nguyên lý cơ bản của khung nhà Trung Quốc là hệ thống các con giường, đấu củng chồng lên nhau và đấu củng đóng vai trò quan trọng trong việc đỡ mái.
Đặc điểm cuối cùng trong sự tương đồng giữa hai nền kiến trúc này là hầu như tất cả các thành phần kiến trúc của hai bên đều không được sơn vẽ, nó vẫn giữ nguyên vẻ mộc mạc của cây rừng.