CHƯƠNG 3: TÍN NGƯỠNG THẦN ĐẠO Ở NHẬT BẢN NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT VỚI TÍN NGƯỠNG THÀNH HOÀNG Ở VIỆT NAM 3.1. Nguồn gốc Thành hoàng
3.2. Khái quát kiến trúc ngôi đình miền Bắc
3.2.1. Vị trí, cảnh quan và quy hoạch mặt bằng của đình
Người Việt từ thưở xa xưa khi dựng làng, lập ấp đã biết lựa chọn địa thế đất, vừa thuận lợi cho làm ăn và sinh hoạt, vừa tận dụng lợi thế của thiên nhiên. “Thứ nhất dương cơ, thứ nhì âm phần”. Người ta tin rằng ở thế đất tốt sẽ ăn lên làm ra, đón điềm lành, tránh điều dữ.
Khi dựng đình – nơi linh thiêng của làng thì người ta càng thận trọng trong việc kén hướng đình vì tin rằng hướng đình liên quan đến sinh mệnh, họa phúc của cả làng. Ở một số làng, khi trong làng xảy ra nhiều chuyện tai ương hay bệnh tật, làm ăn thất bát thì dân làng cho rằng do hướng đình không thuận. Muốn thuận thì phải thay hướng đình: ví như, đình Nhân Trạch, xã Nhân Trạch, huyện Thường Tín, Hà Nội vốn nằm theo hướng Đông, do dân làng làm ăn khó khăn nên đã xoay đình về hướng chính Tây.
Hướng có “góc ao, đao đình” là điều xấu, cần kiêng kị. Dân làng Mai Xá Chánh đã xung đột giữ dội với dân làng Mai Xá Thị do hướng đình của Mai Xá Thị có hướng đao đình về phía đình làng của họ.
Hướng đình thậm chí cũng có thể chi phối đến “sức khỏe” của các thành viên trong làng như câu ca dao đã viết:
“Toét mắt là tại hướng đình
Cả làng toét mắt, chứ mình em đâu”.
Trong bốn phương, tám hướng của trời đất đều thể hiện quan niệm của người xưa về vũ trụ và nhân sinh. Đối với người Việt, hướng Bắc về
mặt tâm linh là hướng u tối, vô minh, gắn với các thế lực hắc ám. Ở miền Bắc có gió mùa Đông Bắc rất lạnh. Hầu hết các di tích đều không quay về hướng này, trừ trường hợp ngoại lệ, có lí do phong thủy hoặc được minh giải rõ ràng: như đình Chèm thờ Lý Ông Trọng, đình Đông Ngạc (Từ Liêm – Hà Nội) quay hướng Bắc, hướng ra sông, đình Quang Phúc (Ba Vì – Hà Tây) quay về hướng Bắc.
Hướng Đông là hướng mặt trời mọc (hướng dương), theo quan niệm tâm linh là nơi của thần ở. Tuy nhiên, phần nhiều các ngôi đình ở miền Bắc lại ít theo hướng này vì cần tránh bão từ biển Đông và người ta cũng quan niệm ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào di tích không thuận theo tâm linh. Một số ngôi đình quay theo hướng này như đình Phù Lão (xã Đông Mỹ, Lạng Giang, Bắc Giang), đình Việt Lập (xã Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang), đình Mộ Trạch (xã Tân Hồng, Cẩm Bình, Hải Dương)… quay hướng chính Đông.
Hướng Tây là hướng nhiều ngôi đình được xây dựng. Về mặt tâm linh, người ta cho rằng hướng này phù hợp với quy luật âm dương thuận hòa. Vì rằng, mặt trước của di tích cũng là mặt trước của thần (thuộc dương), nhìn về hướng Tây (thuộc âm), mặt sau di tích (thuộc âm) quay về hướng Đông (thuộc dương), tay trái của thần (thuộc âm) hướng Nam (thuộc dương), tay phải của thần (thuộc dương) hướng Bắc (thuộc âm).
Mọi thứ đều hợp, do vậy thần sẽ bình tâm trị dân mà ban phúc cho dân.
Mặt khác, ngôi đình với bộ mái lớn, xà thấp đã tạo nên độ ẩm lớn trong đình, có thể làm mục gỗ, nên ánh nắng hướng Tây với thời gian chiếu sáng dài sẽ làm cho bên trong đình trở nên khô ráo.
Hướng Nam là hướng được quan tâm nhất. Đạo Phật cho rằng hướng Nam là hướng trí tuệ, trong sáng. Khi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa thì hướng Nam được coi là hướng của thánh nhân, của bậc đế vương.
“Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (Thánh nhân ngồi quay hướng
Nam để nghe thiên hạ). Thành Hoàng làng là ông vua tinh thần nên ngồi quay hướng Nam, gắn với quẻ Lí của lửa sáng, là hợp lẽ. Đồng thời, hướng Nam tận dụng các yếu tố thuận lợi về mặt thời tiết. Tránh được gió phương Bắc, và các cơn bão phương Đông. Về mùa hè có gió nồm phương Nam,
“gió Nam chưa nằm đã ngáy”. Từ thời nguyên thủy, người xưa đã biết lựa chọn ưu thế này của hướng Nam. Phần lớn hang động Hòa Bình có người ở đều quay hướng Nam hoặc hướng Đông.
Việc chọn đất, thế đất đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Người ta chọn đất cho thuận phong thủy. Đất dựng đình phía sau phải có đất cao làm chỗ dựa (gọi là hậu chẩm). Hai bên cùng có thế đất “tay ngai”, tả có Thanh Long, hữu có Bạch Hổ. Phía trước có minh đường, tức là có nước
“tụ thủy” cũng là tụ linh, tụ phúc. Đằng xa phía trước có án che gọi là tiền án. Chúng ta thường gặp nhiều đình làng hướng mặt ngang sông, nhất là chỗ sông uốn khúc. Đó là thế đất “thè lè lưỡi trai không sai được nó, khum khum gọng vó chẳng nó thì ai” tức là khu đất bồi. Tuy nhiên, nhiều làng không có những thế đất thuận lợi theo phong thủy, người ta phải tạo ra bằng cách đào hố, ao hay giếng lớn trước đình làm thế “tụ thủy”.
Đình làng là thiết chế tổng hợp, đa chức năng, vừa có sự linh thiêng của tín ngưỡng, vừa có uy lực thế tục của chính thể quân chủ, đồng thời lại hòa đồng gần gũi với đời sống dân dã. Ngôi đình đặt ở đâu thì tạo trung tâm của làng ở đó. Ngôi đình to lớn, đồ sộ bề thế, nhưng không gây cảm giác trấn áp. Từ không gian bên ngoài bước vào trong đình không gây sự thay đổi đột ngột về tâm lí. Trước đình thường có khoảng sân rộng, hồ nước và những cây lớn thường được trồng xung quanh phía sau sân đình.
Từ xa xưa người ta có thể trông thấy cổng đình, thường soi bóng xuống mặt nước phẳng lặng của một cái ao, một mái ngói lợp dầy, trên nóc đắp hai con rồng vẩy ngắn bằng sứ… Kiến trúc đó không nặng nề, rườm rà nhưng cũng tạo cho đình một vẻ oai nghiêm nhất định. Đình không đè lên,
át lên cảnh quang chung quanh… không biến đình làng thành một cái đền trang nghiêm và linh thiêng.
Quy hoạch mặt bằng của đình làng khá đa dạng và phát triển theo chiều dài lịch sử. Từ sơ khai, quy hoặch mặt bằng hình chữ “nhất” là phổ biến. Sau đó xuất hiện các loại kiến trúc hình chữ “đinh”, chữ “nhị”, chữ
“vương”, chữ “công”. Sự phát triển của các kiểu quy hoạch mặt bằng diễn ra theo qui luật từ đơn giản đến phức tạp, chịu sự tác động và biểu hiện rõ rệt ở từng địa phương, từng vùng cũng như chịu sự ảnh hưởng của kiến trúc tôn giáo như chùa hoặc các kiến trúc dân dụng.