CHƯƠNG 1. VĂN NGHIỆP VÀ DẤU ẤN CỦA NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM SAU 1975
1.2. TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG TRONG TIẾN TRÌNH VĂN XUÔI VIỆT NAM SAU 1975
1.2.2. Dấu ấn văn xuôi nguyễn Khắc Trường qua các đề tài
Văn xuôi Việt Nam sau 1975 đã có những đổi mới cơ bản về nhiều mặt, đặc biệt từ khi Đại hội lần thứ VI của Đảng ( năm 1986) kêu gọi sự đổi mới về tư duy, nhìn thẳng vào sự thật đã tạo cơ sở tư tưởng cho xu hướng dân chủ hóa trong văn học. Trên bình diện ý thức, nghệ thuật đã có những biến đổi quan trọng theo hướng dân chủ hóa của các quan niệm về vai trò, vị trí và chức năng của văn học, nhà văn và quan niệm về hiện thực, về con người. Xu hướng dân chủ hóa được thể hiện trên nhiều bình diện sáng tác, từ hệ đề tài, các kiểu kết cấu, mô típ chủ đề, cốt truyện, nhân vật cho đến giọng điệu và ngôn ngữ. Càng về giai đoạn sau này, quan niệm về con người được định hình, thay đổi, khẳng định một cách rõ nét qua từng tác phẩm,
từng dấu ấn phong cách của tác giả. Ta có con người trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thị Thu Huệ, Hồ Anh Thái, Võ Thị Hảo hiện ra với như những số phận mang ít nhiều bi kịch. Con người trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu là con người với những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam trong chiến đấu, cũng có khi bộc lộ niềm lo âu khắc khoải và khát vọng thức tỉnh lương tâm trong cảm hứng nhân văn mãnh liệt. Với Phan Thị Vàng Anh là con người âm thầm chịu đựng và lặng lẽ quan sát, còn trong tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Đình Chính ta thường thấy xuất hiện kiểu con người cô đơn… Có thể nói, xu hướng dân chủ hóa đã đưa đến sự nở rộ của các phong cách, bút pháp, bộc lộ hết mình các cá tính sáng tạo của nhà văn với việc ra sức kiếm tìm, thử nghiệm nhiều hình thức và thủ pháp thể hiện mới, kể cả tiếp thu và vận dụng những yếu tố của các trường phái nghệ thuật hiện đại phương Tây. Có thể khẳng định rằng: sự thức tỉnh của ý thức cá nhân trong đời sống mới và xu hướng dân chủ hóa trong sáng tác văn học là hai nhân tố chính đem lại sự thay đổi về cách đánh giá và thể hiện con người của nhà văn. Từ đó kéo theo sự thay đổi từ đề tài, chủ đề, kết cấu cốt truyện, nhân vật, cho đến ngôn ngữ, giọng điệu cũng như xuất hiện một số thủ pháp nghệ thuật khác.
Trước đây, trong xu hướng sử thi hóa của cả nền văn học, lịch sử là mục đích phản ánh của văn xuôi Việt Nam. Ở giai đoạn đổi mới, văn xuôi chủ yếu hướng về cá nhân con người với những số phận cụ thể. Những vấn đề về số phận, thân phận con người là mục đích của sự phản ánh. Người đọc dễ dàng nhận ra rằng các sự kiện lịch sử, chiến tranh cũng như những bức tranh làng quê, phố phường đều chỉ là cái nền hoặc là phương tiện để nhà văn trình bày số phận cá nhân của những nhân vật như Sài ( Thời xa vắng của Lê Lựu); Hạnh, Nghĩa, Vạn (Bến không chồng của Dương Hướng);
Kiên ( Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh)…
Sau 1975 đối tượng khám phá phản ánh của văn học đã mở rộng và mang tính toàn diện. Bao gồm các mặt hiện thực, không chỉ là hiện thực cách mạng, các biến cố lịch sử và đời sống cộng đồng mà còn là hiện thực của đời sống hằng ngày với các quan hệ thế sự phức tạp đa dạng chằng chịt, đan xen, tạo nên những mạch nổi và mạch ngầm của cuộc sống.
Hiện thực sau 1975 còn là đời sống cá nhân của mỗi con người với những vấn đề riêng tư, số phận, nhân cách, khát vọng, hạnh phúc, bất hạnh, kể cả bi kịch, đau thương và mất mát. Sau 1975 khi con người dần trở lại với quy luật bình thường của nó, con người trở về với muôn mặt đời thường, phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề cực kỳ khó khăn trong một giai đoạn có nhiều biến động thời hậu chiến. Thực tế này đòi hỏi xã hội cũng như văn học phải thúc đẩy sự thức tỉnh ý thức cá nhân cũng như sự quan tâm đến mỗi con người, mỗi cá nhân trong cộng đồng.
Các nhà văn hướng ngòi bút của mình vào thế giới tâm hồn, khám phá chiều sâu tâm linh để nắm bắt những trạng thái tinh thần, những tình cảm tự nhiên và cả những cảm xúc khó lí giải của con người. Cho nên, con người trong văn xuôi sau 1975 là những số phận bình thường, là con người cá nhân với tất cả những gì vốn có của nó trong mối quan hệ xã hội. Con người cá nhân ở đây không phải là con người của chủ nghĩa cá nhân, của cái tôi cực đoan, mà là những số phận luôn nằm trong mối quan hệ với xã hội; đằng sau mỗi con người, mỗi thân phận đó luôn là những vấn đề có ý nghĩa thời đại.
Với nỗ lực hoàn thiện và phát triển, văn học đương đại, đặc biệt giai đoạn từ 1986 đến nay, đã có sự chuyển mình mạnh mẽ để tham gia diễn trình phát triển của nền văn học hiện đại với những gương mặt tiêu biểu, trong đó có Nguyễn Khắc Trường. Là một cây bút nhạy cảm với những biến đổi sâu sắc của đời sống xã hội, tác giả đã lựa chọn cho mình một phương thức thể hiện rất riêng. Chính sự kết hợp hài hòa giữa cái nhìn có tính cảnh báo và tài năng nhiệt huyết, mong ước cống hiến cho sự nghiệp đổi mới của
văn học nước nhà đã ươm mầm cho cách cảm, cách nghĩ, cách chiêm nghiệm về cõi người, cõi đời với sự ngợi ca về những phẩm chất tốt đẹp của người lính cũng như phê phán, lên án những biểu hiện suy đồi về đạo đức trong những trang viết sắc sảo của ông. Đứng trước ý thức trách nhiệm của một người lính đã từng tham gia chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhà văn đã tái hiện lại được cuộc sống của những người lính với những nhiệm vụ khác nhau ở từng giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam và ở giai đoạn đổi mới đất nước sau này, trước dòng xoáy ghê gớm của đồng tiền, của những bi hài thời kinh tế thị trường, bằng trực cảm và trí tuệ sắc sảo, nhà văn nhận ra con người không còn là chính mình, họ hoài nghi người khác và cả bản thân cùng với sự tha hoá, biến chất về nhân cách con người. Điểm qua gia tài của Nguyễn Khắc Trường, có thể thấy ông là một trong không nhiều cây bút tạo được thành công trong giai đoạn đổi mới từ sau 1986 đến nay. Với lương tâm nghề nghiệp, trách nhiệm công dân và sự nhạy bén mới lạ trong lối viết, tác giả đã mang vào tác phẩm của mình cái nhìn toàn diện cùng những đánh giá sâu sắc về những cống hiến thầm lặng của những người lính trong và sau chiến tranh, cũng như những vỉa sâu tâm hồn đang dậy sóng trong con người ở thời kỳ đổi mới đất nước.
Văn xuôi sau 1975 của Nguyễn Khắc Trường nổi bật với những mảng đề tài viết về người lính, người anh hùng và đề tài nông thôn. Đọc hai tập truyện ngắn Thác rừng, Miền đất mặt trời, chúng ta như được bước vào một thế giới cuộc sống thật của những người lính với mong ước luôn được cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng đất nước sau chiến tranh. Đọc Gặp lại anh hùng Núp, ta như được gặp lại con người một thời anh hùng trong lửa đạn gần như đã bị quên đi trong đời sống tinh thần sau ngày đất nước thống nhất. Nhà văn đã viết tiếp một đoạn đời trong cả cuộc đời của người anh hùng dân tộc này sau những gì đã được nhà văn Nguyên Ngọc viết trong Đất nước đứng lên. Còn
với Mảnh đất lắm người nhiều ma - tác phẩm thành công nhất của ông, chúng ta như bước vào một thế giới với những mưu mô, thủ đoạn, sự tha hoá, biến chất của con người ở nông thôn trong thời hiện đại với những mâu thuẫn mới đang nảy sinh trong cuộc sống.
Trong hoàn cảnh và sự vận động đổi mới, phát triển của văn xuôi sau 1975, văn xuôi Nguyễn Khắc Trường đã hình thành và phát triển. Nhìn chung, tác phẩm của Nguyễn Khắc Trường không đi chệch qũi đạo của văn xuôi giai đoạn này. Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi Nguyễn Khắc Trường là những biểu hiện cụ thể, góp phần làm nên sắc thái đời thường, sinh động, toàn vẹn như trong đời sống thực cho quan niệm nghệ thuật về con người của văn xuôi Việt Nam sau 1975. Và Nguyễn Khắc Trường trong hành trình sáng tạo của mình cũng có những cách tân đáng kể trong nghệ thuật văn xuôi dưới sự chi phối của quan niệm nghệ thuật về con người của riêng mình, nhằm hướng tới thể hiện con người theo cách hiểu của nhà văn, tạo nên phong cách riêng của mình.
Sau hơn 30 năm chuyển sang nghề sáng tác chính thức, Nguyễn Khắc Trường đã tạo được dòng chảy cho mình, đủ để lại những ấn tượng khó phai trong lòng người đọc. Hay chính xác hơn, tác giả đã tạo nên nét riêng trong bức tranh chung của văn xuôi đương đại Việt Nam. Lối viết của Nguyễn Khắc Trường đã không ngừng vận động, tạo được dấu ấn đặc trưng trong từng thời điểm.
Sau nhiều năm gắn bó với đề tài người lính, người hậu phương, chủ yếu viết bút ký về những người lính lái máy bay vì ông vốn là lính phòng không, không quân. Có lẽ cuộc đời làm lính đã khiến cho ngòi bút của ông luôn hướng về họ và viết bằng tất cả tấm lòng chân thật, yêu mến của mình. Tính đến thời điểm này, sự nghiệp văn chương của ông được đánh dấu chỉ bằng vẻn vẹn 5 tác phẩm thì đã có 4 tác phẩm viết về người lính, người anh hùng.
Cũng từ những năm tháng gắn bó với cuộc đời người lính, ông đã tạo nên
những hình tượng nhân vật như: những người lính trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường, rồi đến khi đất nước giải phóng, những người lính lại tiếp tục xung phong vào trận địa mới – làm kinh tế sau chiến tranh để sản xuất ra của cải cho Tổ quốc. Dưới ngòi bút của ông, những người lính luôn hiện lên với những phẩm chất tốt đẹp nhất của lực lượng vũ trang nhân dân, dù ở bất kỳ cương vị nào. Như ông đã từng tâm sự: “Tôi đặc biệt thích viết về các anh hùng, vì họ là những nhân vật có sức hấp dẫn lớn”[36]. Khi ông trở lại Tây Nguyên, anh hùng Núp gần như đã bị quên đi trong đời sống tinh thần, kể từ sau tác phẩm Đất nước đứng lên. Nhưng với Nguyễn Khắc Trường, anh hùng Núp chưa bao giờ nghỉ hưu. Ông muốn viết tiếp một đoạn trong cuộc đời của người anh hùng này. Thế là năm 1986 ông viết bút ký Gặp lại anh hùng Núp, bút ký này đã được giải nhất cuộc thi bút ký của Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Văn nghệ tổ chức. Lần ấy, ông tới Gia Lai và gặp ông Núp trong một cuộc tình cờ, ông Núp đã có sức cuốn hút đặc biệt đối với ông bởi đây là người mà ông luôn yêu mến, kính trọng từ thuở ấu thơ khi được học bài “Bắn Pháp chảy máu”. Để làm nên thành công cho tác phẩm này, Nguyễn Khắc Trường đã vô cùng khéo léo khi chỉ lấy nhân vật Đinh Núp làm điểm tựa trung tâm để triển khai ý tưởng và dựng lại cả một không gian mênh mông cùng thời gian ngút ngát hàng trăm năm với ăm ắp chi tiết sinh động về cảnh sắc, phong tục tập quán của đồng bào Tây Nguyên suốt từ những ngày theo nghĩa quân Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa, thời các linh mục người Pháp lên Tây Nguyên truyền đạo, rồi những ngày đánh Pháp, đuổi Mỹ cho đến sau giải phóng… Một bút kí tầng tầng lớp lớp ý nghĩa mà vẫn cô đọng, cuốn hút khiến nhiều người phải khâm phục. Để làm được điều đó, ông đã phải lăn lộn hàng tháng trời khắp các buôn làng, phải gặp gỡ hàng trăm nhân vật, phải đọc cả một khối lượng sách khổng lồ mới có thể tinh chắt ra một tác phẩm chừng vạn chữ nhưng có sức khái quát ghê gớm về vùng đất và con người Tây Nguyên.
Nhưng có lẽ mảng đề tài viết về nông thôn của nhà văn được người đọc và giới phê bình văn học quan tâm, ghi nhận và chú ý nhiều nhất. Bởi một lẽ đơn giản, Nguyễn Khắc Trường là một trong những cây bút mạnh dạn xoáy sâu vào những vấn đề lưu cửu, nhức nhối đang diễn ra đau xót ở nông thôn nước ta trong giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế cũ sáng cơ chế mới.
Bên cạnh đó, ông vốn là một người nông dân hoàn toàn từ nếp cảm đến lối sống. Từ khi vào bộ đội rồi trở thành cán bộ viết văn, ông luôn nhớ về thôn quê – nơi chôn rau cắt rốn và là nơi tác giả gửi gắm một phần đời của mình.
Tận đáy sâu thẳm trái tim mình, từ lâu Nguyễn Khắc Trường đã nung nấu ý định viết về một cái gì đấy thật sâu sắc, có tầm vóc lớn về nông thôn – cái mảng hiện thực mà những năm gần đây đang chất chứa bao ngổn ngang, vui ít, buồn nhiều.Trước khi bước vào quân ngũ, cũng như sau này trở thành nhà văn, Nguyễn Khắc Trường vốn là một xã viên hợp tác xã nông nghiệp dạn dày kinh nghiệm. Ông tự thấy mình là một nông dân thực thụ, có tình cảm gắn bó máu thịt với cuộc sống và con người làng quê nơi đây. Ngay từ khi còn bé, còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Khắc Trường đã rất thích những tác giả có những trang văn viết về cảnh vật, con người nông thôn.
Vốn có năng khiếu viết văn từ nhỏ, thêm vào đó là sự say mê, yêu thích các tác giả viết về nông thôn nên trong lòng ông luôn khát khao sau này trở thành nhà văn cũng sẽ viết về nông thôn nhiều hơn. Ông đã từng bộc bạch tâm sự: “Tôi yêu mến những tác giả viết về nông thôn từ bé. Đến bây giờ vẫn nhớ cảm giác bâng khuâng, bần thần khi đọc những trang văn viết về cảnh nhà quê của Nam Cao, Kim Lân và trong lòng tôi bỗng có ước mơ rằng có lẽ mình cũng nên thử sức” [36]. Nguyễn Khắc Trường luôn có ước ao bằng những trang văn chân thật, mạnh dạn sẽ nêu lên được những vấn đề gai góc, những xung đột đang diễn ra đau xót ở nông thôn nước ta. Ông muốn khám phá, phát hiện nhiều vấn đề mà những người viết về nông thôn chưa nhìn ra được. Những sáng tác văn xuôi viết về nông thôn nước ta lâu
nay đã thực sự gây được sự chú ý của ông. Xuất thân từ một nông dân hiền lành, chất phác lại có thêm tình yêu thương đối với cuộc sống con người ở nông thôn, Nguyễn Khắc Trường tự tin mình sẽ viết được bức tranh hiện thực nông thôn Việt Nam một cách hoàn chỉnh hơn, sâu sắc hơn. Ông nói: “ Tôi nghĩ tôi là một người nông dân, trước khi vào lính tôi là xã viên chính, cày bừa, cấy hái quanh năm, không có gì là không làm được. Tôi tin mình có thể viết về nông thôn khác họ, vì tôi viết như một thứ đánh động tâm hồn mình” [36]. Từ sau hoà bình, cuộc sống dần dần trở lại với những quy luật bình thường của nó, con người trở về với muôn mặt đời thường, phải đối mặt với bao vấn đề biến động, đổi thay của xã hội. Cuộc sống nông thôn trở thành bức tranh hiện thực với nhiều điều nhức nhối, phức tạp đang đương nhiên hiển hiện. Điều này ít nhiều tác động tới sự quan tâm của giới văn nghệ sĩ. Nguyễn Khắc Trường thuộc nhà văn quân đội nhưng lại có vốn hiểu biết sâu sắc về nông thôn nên ông muốn viết về nông thôn một cách chân thực, chủ động để làm bộc lộ rõ những tính chất chuyển động, đa dạng của nó. Đồng thời, nhà văn muốn thức tỉnh tới ý thức trong lòng mỗi người đọc cũng như toàn xã hội và đánh thức chính con người mình. Theo ông viết về nông thôn, các ngòi bút ít nói đến con người và tâm hồn, tình cảm, nguyện vọng mang đậm chất nông thôn. Có rất nhiều tác phẩm không giúp người đọc hiểu đúng, hiểu rõ về nông thôn Việt Nam. Để viết nên những hiện thực về nông thôn với nhiều mảng tối đang còn bị khuất lấp, Nguyễn Khắc Trường đã có rất nhiều chuyến đi thực tế không ngoài mục đích đào xới, cày sâu những tật xấu, sự nhếch nhác về lề thói cổ hủ được nuôi dưỡng từ ngàn đời nay sau luỹ tre làng. Ông miệt mài, hăng say làm việc hết mình tại nơi công tác cùng với đó là những chuyến thâm nhập đến các vùng, các địa phương. Chỉ với một túi xách nhỏ đựng đầy hành lí, một tấm thẻ nhà văn, một tấm thẻ nhà báo, cứ thế Nguyễn Khắc Trường vật lộn với những mảnh đất ấy để làm hiện lên trên trang sách bao vấn đề xót xa phức tạp đang diễn