CHƯƠNG 2. CÁI NHÌN VỀ CON NGƯỜI TRONG VĂN XUÔI NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG
2.2. CON NGƯỜI TRONG CÁI NHÌN TRÂN TRỌNG, ĐỒNG CẢM
2.2.3. Con người số phận, bi kịch
Một sự đổi mới đáng ghi nhận của văn xuôi viết về cuộc sống xã hội và con người sau chiến tranh chống Mỹ cứu nước là các nhà văn đã có sự quan tâm mạnh mẽ đến số phận con người (như trong Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, Bến không chồng của Dương Hướng) và hạnh phúc cá nhân (như trong Thời xa vắng của Lê Lựu). Chính sự thay đổi này đã góp phần tạo nên sức hút hấp dẫn trong lòng bạn đọc bởi tính chất hợp lý- mới mẻ, đáp ứng những đòi hỏi tất yếu và có tính thời cuộc.
Ở thời kỳ trước, văn chương hầu như chỉ phản ánh bề nổi, ít đi sâu, chú trọng vào những tâm tư, tình cảm, số phận con người bởi khi đó người ta quan niệm con người gắn với ý thức, trách nhiệm của người công dân với Tổ quốc.
Nhưng bước vào giai đoạn đổi mới, cái nhìn của nhà văn đã khác. Nhà văn đứng trên phương diện của con người để nhìn nhận, đánh giá cảm thông với con người. Chính vì vậy, đã xuất hiện rất nhiều nhân vật với số phận bất
hạnh, đáng thương. Từ quan niệm con người cộng đồng đã chuyển sang con người thế sự, con người số phận.
Với việc quan tâm đến đời sống cá nhân, các tác phẩm văn xuôi viết về xã hội, con người thời hậu chiến đã mở ra những hướng khám phá mới mẻ trong sự tiếp cận và phản ánh con người. Đứng từ góc độ con người để đánh giá con người, nhìn nhận con người ở phương diện cá nhân, thế sự, văn xuôi giai đoạn này đã bước ra khỏi lối mòn cũ kỹ một thời, đáp ứng được những nhu cầu của cuộc sống hiện tại.
Trong những tác phẩm văn xuôi sáng tác sau 1975, Nguyễn Khắc Trường đã hướng ngòi bút của mình vào những con người có số phận thật đáng thương. Chủ yếu là những người phụ nữ, bởi trong cuộc sống, người phụ nữ luôn bị ràng buộc bởi nhiều quan niệm khắt khe và bao giờ họ cũng nhận lấy về mình những thiệt thòi, bất hạnh và khổ đau.
Trong tập truyện ngắn Miền đất mặt trời, tác phẩm được nhà văn viết vào đầu những năm sau chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ta thấy hiện lên là số phận đáng thương của những người phụ nữ bất hạnh do sự ác nghiệt của chiến tranh đem đến cho họ. Đó là sự bất hạnh của Lưu – cô kỹ sư của một đơn vị bộ đội làm kinh tế ở dọc đường số 9. Cô có một hoàn cảnh thật đặc biệt và thật đáng thương. Dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, ta thấy được những đau thương mất mát, những bất hạnh mà người dân Việt Nam phải gánh chịu trong chiến tranh bi thảm đến nhường nào. Cô được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước của vùng đất Quảng Trị anh hùng, nơi mà pháo bầy và B.52 của Mỹ rải thảm bom đạn không còn hở một thước đất. Cuộc đời của Lưu quả là bất hạnh nối tiếp bất hạnh, đau thương nối tiếp đau thương. Năm 14 tuổi phải chứng kiến cảnh người cha – một huyện uỷ viên “nằm vùng” bị địch khui trúng hầm vì bị chỉ điểm, phải đón nhận cái chết thật bi thương. Khi bị địch phát hiện, cha cô vẫn chiến đấu rất kiên cường, liền bị bọn mật thám đánh mìn, phá cả một bụi tre gai trên nóc hầm.
Sau đó chúng còn moi thi thể còn “ướt đỏ” của cha cô lên và bắt dân làng đến để hù dọa hòng làm nhụt ý chí, tinh thần quyết tâm chiến đấu của nhân dân ta.
Phải tận mắt chứng kiến cái chết thảm khốc của cha quả là một nỗi đau không gì có thể khỏa lấp được. Nó ám ảnh và là nỗi đau âm ỉ trong tim của đứa con hết mực yêu thương cha, khiến cho sau này, cứ mỗi lần nhớ đến cha thì, “buổi chiều nồng nã ấy lại hiện lên và Lưu lại nôn nao, xây xẩm cả mặt mày” [31, tr. 102]. Nỗi đau mất cha chưa nguôi thì bất hạnh một lần nữa lại đổ xuống đầu của đứa trẻ chưa đủ lớn khôn như cô. Đó là mẹ cô – một người đàn bà quen sống bằng nghề buôn bán, đi lấy chồng khác. Thông thường trong cuộc sống của con người, khi cha mất thì mẹ sẽ là người che chở, bảo bọc và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mình, thế nhưng cuộc đời Lưu đã không được may mắn như vậy.
Một trong những chính sách thời chiến là đưa con em cán bộ cách mạng miền Nam được ra Bắc học tập, để tránh được những nguy hiểm do chiến tranh đem đến. Không thể để Lưu phải sống với người cha dượng vốn là một tay máu me cờ bạc và nhất là tránh cho cô bị ảnh hưởng bởi những mưu đồ đen tối của địch là dùng trẻ con theo dõi và tố giác cơ sở cách mạng, thậm chúng còn thâm độc tới mức huấn luyện những đứa trẻ ngây thơ theo dõi cả cha mẹ của mình và đã có những hậu quả đau xót là cha mẹ bị giặc giết chết do con cái của mình gây ra. Vì vậy, tổ chức đã cho Lưu ra Bắc học tập. Ngày cô đi, đưa tiễn cô đến trạm giao liên là một anh du kích 20 tuổi, anh đưa cô qua sông Thạch Hãn bằng cách để cô lên vai và bơi đứng sang bờ bên kia.
Chính lúc này đây, khi đã đến địa điểm quy định, nhìn người con trai đồng hương áo quần ướt sũng, thì tình yêu đầu đời nảy nở trong cô. Khi anh ra về, cô liền chạy vùng ra, khóc nức nở và đòi về theo anh. Cái thời khắc ấy chính là thời khắc làm cô nhớ mãi bởi những rung động đầu đời mà cô đã giành cho người du kích trẻ của quê hương mình: “ Đó là cái thời khắc cô bé bước qua tuổi niên thiếu để làm một người con gái. Thời khắc Lưu nhận ra sự gian lao
son sắt của quê hương hiện ra cụ thể qua người du kích và Lưu thấy mình phải có bổn phận đền đáp” [31,tr.103].
Được mọi người dỗ dành, khuyên giải, Lưu đồng ý ra Bắc học tâp nhưng vẫn tức tưởi theo anh đến hết một đoạn đường . Chia tay anh trong làn nước mắt, Lưu đã nói lời hẹn ước đầu tiên của cuộc đời mình “Anh chờ em nghe, em sẽ về”[ 31, tr.103]. Thế nhưng khi cô thành đạt trở về, thì lại phải đón nhận thêm một nỗi đau nhức nhối nữa của đời mình đó là nhận được tin anh đã hy sinh. Cái chết của anh cũng lại là một cái chết dữ dội như bố của cô. Thế là tình yêu đầu đời của cô đã kết thúc một cách phũ phàng như vậy đó. Nỗi đau ấy đã khiến cho cô chỉ biết ngồi lịm đi trên mộ anh và mộ của cha mình và nó đã phần nào tạo nên tính cách của cô trong suốt quãng đời sau này của mình đó là sống giữ lòng, ít cởi mở trong giao tiếp với mọi người .
Cũng là nạn nhân của cuộc chiến tranh, Lanh là một người phụ nữ có số phận bất hạnh. Nếu Lưu bất hạnh vì hoàn cảnh gia đình thì Lanh lại bất hạnh ở khía cạnh khác. Đó là sự bất hạnh trong tình yêu và hôn nhân. Vốn là một cô gái đẹp từ dáng người đến làn da, khoé miệng, mái tóc, tính tình lại dịu dàng, luôn làm tốt nhiệm vụ của mình. Lẽ thường một con người hội tụ đủ những yếu tố tốt đẹp ấy sẽ được hưởng hạnh phúc trong cuộc đời của mình.
Thế nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh, con người ta không có được niềm vui giản dị ấy. Khi ý thức được nghĩa vụ của người công dân trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, cô trở thành người chiến sĩ thanh niên xung phong lên đường chiến đấu để giành lại độc lập cho dân tộc mình. Cô trở thành tiểu đội trưởng, là “A” trưởng xuất sắc của toàn binh trạm ở chiến trường Trường Sơn khốc liệt. Thế rồi khi còn đang ở chiến trường làm nhiệm vụ thì một đám cưới thật đặc biệt xảy ra với cô. Đó là gia đình cô và gia đình người yêu quyết định làm lễ cưới cho hai người mà không có mặt cô dâu với lý do là chú rể sắp lên đường vào miền Nam chiến đấu. Với đám cưới đặc biệt, nhưng cũng có thể coi là bình thường trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, chúng ta có thể
hy vọng về một cuộc hôn nhân sẽ đem lại hạnh phúc cho hai người, khi mà cả hai đều ý thức tốt được nghĩa vụ đối với đất nước của mình. Và ba tháng sau, đùng một cái, chồng cô hành quân vào Tây Nguyên và hai vợ chồng đã có giây phút hạnh phúc hiếm hoi bên nhau trong hoàn cảnh chiến tranh, ly tán.
Sau lần gặp gỡ ấy, Lanh mang thai. Khi cô có thai được năm, sáu tháng, đơn vị cho cô về quê nghỉ ngơi chờ ngày sinh nở. Việc di chuyển từ nơi này sang nơi khác trong hoàn cảnh giặc Mỹ ném bom quả thật là nguy hiểm bởi vùng đất Quảng Trị năm 1972 “như một thỏi thép lùi trong bom đạn. Mưa lửa luôn rình rập chụp xuống đầu người”[31, tr.18]. Trong khi đó Lanh đang bụng mang dạ chửa, di chuyển vốn đã nặng nề lại khoác thêm hai chiếc ba lô. Thế rồi một đêm khi cả đoàn người đang lội tắt qua đồng nước thì gặp địch ném bom, cô đã cố gắng tìm mọi cách để bảo vệ đứa con trong bụng của mình. Sau chặng đường hành quân vất vả, khi về đến nhà, Lanh đổ ra ốm, sức khoẻ yếu rồi bị đẻ non, đứa con đã bỏ cô ra đi khi chưa đủ ngày đủ tháng.
Lẽ thường khi trở về quê hương và nhất là gặp chuyện đau buồn trong cuộc sống thì người thân và bà con làng xóm láng giềng sẽ che chở, đùm bọc cho cô. Thế nhưng cô phải đau đớn đón nhận những điều ngược lại. Đó là, người ta bắt đầu có tiếng xì xầm, to nhỏ về việc cô có mang, họ nghi ngờ về đứa con của Lanh có phải là của chồng cô hay không? Quả là đau đớn cho người phụ nữ khi họ phải sống trong những lời gièm pha, dị nghị. Đau đớn hơn gia đình chồng cô cũng ngờ vực và dần dần xa lánh cô. Giấu kín niềm đau của riêng mình, Lanh tiếp tục đi học, trở thành kỹ thuật viên nông nghiệp, cô được về huyện làm việc, được giao cho chỉ đạo việc quy hoạch thí điểm ở chính xã của mình. Chiến tranh kết thúc, chồng Lanh trở về, những tưởng cô sẽ được hưởng niềm hạnh phúc, khi dựa vào tình yêu của chồng mình. Thế nhưng, Lanh đã không có được hạnh phúc khi sống bên người chồng mà như cô nói “mới chỉ quen chứ chưa hiểu”[ 31, tr.27]. Bởi khi công việc đang thuận lợi, do sự ghen gét của người đời, người ta lại đem chuyện cũ ra để thêu dệt
để hòng phá vỡ hạnh phúc gia đình của cô. Và chồng Lanh đã không che chở, bảo vệ cho cô mà còn nghi ngờ và đối xử tệ bạc với người vợ của mình. Tuy vậy, cô vẫn nhẫn nhịn chịu đựng, vẫn chăm lo cho chồng chu đáo. Thế nhưng cô càng nhún nhường bao nhiêu thì anh ta càng lấn tới. Thế rồi cô đau đớn nhận ra bao nhiêu hy sinh cô giành cho anh đã trở thành công cốc. Và khi cảm thấy mình không đủ sức chịu đựng thêm được nữa, cô quyết định ra đi, xung phong đi biệt phái, vào làm kỹ thuật viên nông nghiệp cho đơn vị bộ đội làm kinh tế. Bởi với cô giờ đây cần có thời gian để nhìn lại cuộc hôn nhân của mình và để giúp cô quên đi những nỗi đau mà mình đã phải chịu đựng (Mưa nguồn).
Lưu và Lanh là hai cuộc đời, hai số phận của người phụ nữ bi kịch.
Những bất hạnh mà họ gặp phải là những nỗi đau thương tiêu biểu mà người phụ nữ Việt Nam phải gánh chịu trong hoàn cảnh chiến tranh. Không chỉ dừng lại ở khía cạnh khắc hoạ hình ảnh người phụ nữ phải chịu đau thương mất mát, bất hạnh do chiến tranh đem lại, trong văn xuôi của Nguyễn Khắc Trường, muôn mặt đời thường đã đi vào trang viết của ông, ở đó có những người phụ nữ bình thường - nạn nhân của những người chồng gia trưởng, của những cuộc xung đột giữa hai dòng họ phải chịu những đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Hình ảnh bà Son trong Mảnh đất lắm người nhiều ma vẫn cứ là một ám ảnh về số phận của một con người bi kịch.
Cuộc đời bà Son là điển hình của mẫu người vợ, người mẹ Việt Nam chân quê, thời đại nào, hoàn cảnh nào cũng chỉ sống cho người khác, vì người khác. Thế nhưng, bà luôn bị kẻ khác lợi dụng, bị vùi dập đến uất ức, tủi nhục.
Ngay từ thời còn trẻ, bà đã phải nếm mùi vị địa ngục của đêm tân hôn bởi chính những lời hằn học, đay nghiến, trận đòn roi của ông Hàm. Nguyên nhân cũng chỉ vì, trước kia bà có mối tình với ông Phúc. Vì sẵn trong lòng căm tức dòng họ Vũ Đình nay lại cộng thêm sự cuỗm tay trên của ông Phúc nên bao nhiêu hằn thù ở ông dồn nén vào con người bà Son. Trước sự xoay vần, giành
giật của hai họ Trịnh Bá – Vũ Đình, bà cũng không được yên phận mà còn bị những con người này lợi dụng để lừa gạt, kiếm chác. Cũng vì thương chồng, thương con mà bà Son chấp nhận sự sắp xếp của Thủ với việc đi gặp ông Phúc để tỏ lòng xin ông nương tay, tha tội cho bác cháu ông Hàm. Bà đâu có biết Thủ và Cao đã sắp đặt cuộc gặp gỡ không đúng như những gì bà nghĩ. Họ đã trắng trợn vu khống cho bà là hẹn hò, vụng trộm với ông Phúc. Mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đấy mà họ còn tiếp tục cơ hội lợi dụng bà trong việc loại trừ dứt điểm Vũ Đình Phúc. Vẫn với nội dung bịa đặt, họ vu cáo cho ông Phúc gặp bà Son làm điều bất chính. Những lời bày tỏ của bà trước mặt chồng, Thủ, Cao đã phần nào nói hộ lên được tâm sự của nỗi tủi nhục bấy lâu chất chứa trong lòng. Và nó cũng làm cho người đọc bùi ngùi, thương thay cho số phận bà: “Đấy chú xem, cái thân tôi trăm dâu đổ đầu tằm. Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa dám hại ai, chưa ăn bớt lấy của ai một xu, một xèng; thế mà giờ ra đường bị người ta chửi là điêu toa, về nhà thì hết chồng đến anh em giày vò xui khiến! Tôi có liên quan đến cái việc thù hằn, tranh chấp của họ này, họ kia, mà làm tình, làm tội tôi” [29, tr.257]. Thế nhưng, một khi con giun xéo mãi cũng quằn thì con người ta cũng sẽ phải đứng lên phản kháng, chống đối lại những cái ác, cái xấu. Bà Son có thể cam chịu khi bị đời lừa lọc, đầy đọa nhưng khi chính bà đang nhúng tay vào tội lỗi dù những việc làm đó là do bị ép buộc thì bà sẵn sàng tung hô tất cả sự thật lên: “Nhưng mà đừng có bắt ne, bắt nét người ta quá! Bắt tôi phải đối chất trước bàn dân thiên hạ thì tôi khắc tung hô hết lên! Ra sao thì ra, đến đâu thì đến! Nói dối một lần chứ nói dối mãi lại không phải tội rụt lưỡi vào!” [29,tr.264]. Nhưng sức bà yếu ớt, tâm bà ngay thẳng, trong sạch thì làm sao có thể tránh được cái xấu xa ập đến không ngờ. Tư tưởng dòng họ tạo nên sức mạnh ma quỷ trong con người Thủ, Cao đã thúc giục họ làm những việc giả nhân giả nghĩa để gây nên cái chết bi thảm cho bà. Bà Son, một người nông dân lương thiện đã tìm đến cái chết vì không chịu nổi mặc cảm của nhục nhã và tội lỗi. Có thể nói, cái chết oan
nghiệt của bà Son là kết cục bi thảm về sự hận thù của hai dòng họ trên mảnh đất Giếng Chùa. Đây cũng là lời cảnh tỉnh với những người có thế lực đang khoác trên mình chiếc áo đảng viên, đang hùa vào nhau để giành giật, hầm hè, bài trừ lẫn nhau. Chính việc làm vô lương tâm, vô đạo đức của họ đã đầy đọa người khác vào đường cùng của sự tồn tại.
Số phận đáng thương của những người phụ nữ được khắc họa đã thể hiện cái nhìn nhân hậu của nhà văn đối với hiện thực cuộc sống thời hậu chiến đại diện cho những người phụ nữ Việt Nam trong khói lửa chiến tranh và cả trong hoà bình. Viết về nỗi bất hạnh, khổ đau của con người, nhà văn muốn lên án, tố cáo những thói tục cổ hủ cùng với những mâu thuẫn trong xã hội nông thôn đã bóp nghẹt sự sống, đã dìm chết những gì tốt đẹp nhất của những con người lương thiện.
2.3. CON NGƯỜI TRONG CÁI NHÌN CẢNH BÁO, PHÊ PHÁN 2.3.1. Con người mưu mô, thủ đoạn
Một trong những lí do khiến tác phẩm Nguyễn Khắc Trường tạo được sự quan tâm, chú ý của độc giả trong và ngoài nước là do trong tác phẩm Mảnh đất lắm người nhiều ma, ông đã phơi bày sự thật về con người mưu mô, thủ đoạn. Trong cuộc xung đột, tranh giành giữa hai dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình mà nổi bật là cuộc đụng độ đầy kịch tính giữa Hàm và Thủ, Phúc, mỗi con người đều có những toan tính, mưu mô, thủ đoạn riêng. Họ nhân danh sự trung thực, tinh thần đấu tranh, tính đảng để hầm hè, đấu đá, giành giật chỗ ngồi. Tưởng như họ hiền lành vì công lý nhưng thực chất là cuộc đấu tranh của những con quỷ hiện lên trong cuộc sống ở làng quê Việt Nam thời hậu chiến.
Cuộc sống xã hội Việt Nam những năm sau chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang diễn ra bộn bề, phức tạp, con người ta lại tranh giành nhau vì quyền lợi riêng, bất chấp cả quan hệ thân thiết, tình cảm cha con. Ở nhân vật Vũ Đình Phúc ta thấy được sự mưu mô thủ đoạn đến ghê người. Chỉ vì hai