CHƯƠNG 2. CÁI NHÌN VỀ CON NGƯỜI TRONG VĂN XUÔI NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG
2.2. CON NGƯỜI TRONG CÁI NHÌN TRÂN TRỌNG, ĐỒNG CẢM
2.2.2. Con người thủy chung trong tình cảm, tình yêu
Thuỷ chung trong tình cảm, tình yêu là một phẩm chất quan trọng của con người. Và ở thời kỳ nào thì việc ngợi ca tình cảm bạn bè, tình đồng chí, tình yêu lứa đôi, tình cảm vợ chồng gắn bó thuỷ chung luôn là tư tưởng của những người cầm bút.
Nguyễn Khắc Trường thể hiện phẩm chất cao đẹp của mỗi con người bằng cách khám phá vẻ đẹp của họ từ cuộc sống đời thường. Đó chính là cơ sở tạo nên vẻ đẹp phong phú, đa dạng, giàu sức sống của hình tượng con người thuỷ chung trong tình cảm, tình yêu mà ông đã thể hiện trong tác phẩm của mình. Chẳng hạn, trong truyện ngắn Miền đất mặt trời, ta bắt gặp hình ảnh của con người thuỷ chung trong tình bạn. Đọc xong câu chuyện, trong mỗi chúng ta, có lẽ không ai là không bồi hồi, xúc động, trân trọng về những tình cảm của Quỳnh với bạn bè. Hai người vốn là bạn thân của nhau từ ngày còn học chung ở Trường Đại học Nông Nghiệp. Khi đất nước có chiến tranh, mỗi người đã có những hướng đi riêng cho cuộc đời của mình. Quỳnh lên đường nhập ngũ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc khi chỉ mới bước sang năm học tập thứ hai, còn Dinh – bạn anh ở lại học xong rồi mới nhập ngũ. Rồi tình cờ trong một đợt bổ sung quân số cho đơn vị chiến đấu, họ lại được ở cùng một đơn vị. Lúc này Quỳnh đã là trung đội trưởng. Vốn đã là bạn thân từ thời còn đi học, khi đó những niềm vui, nỗi buồn, những tình cảm thầm kín, họ đều tâm sự cùng nhau, thì giờ đây, khi được cùng nhau chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, thì tình bạn của họ càng sâu nặng hơn. Bởi khi được cùng chiến đấu với nhau, họ sẵn sàng truyền đạt cho nhau những kinh nghiệm, kiến thức để mỗi người cùng làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. Thế rồi, trong một đêm chiến dịch, khi thế lực giữa ta và địch quá chênh lệch nhau, Quỳnh bị trúng pháo của địch bị thương, bị ngất và không nhớ gì cả, thì Dinh vừa chiến đấu, vừa cõng Quỳnh đi tìm nơi ẩn trú và không may, chính Dinh cũng lại bị làn pháo của địch bắn vào. Đến khi Quỳnh tỉnh lại được thì Dinh đã mê man, máu chảy
ra xối xả, địch vẫn đuổi theo phía sau, Quỳnh vẫn tiếp tục dìu bạn mình đến nơi trú ẩn an toàn. Nhưng không kịp được nữa, bởi bạn anh đã trút hơi thở cuối cùng và để lại những lời trăn trối sau cùng. Khi chiến tranh kết thúc, Quỳnh được cử đi học lớp quản lý kinh tế, được chuyển về một cơ quan của Bộ làm việc nhưng vẫn thuỷ chung, chân thành, luôn thăm hỏi gia đình của bạn. Thế nhưng với một người từng trải qua những gian lao, thử thách trong chiến tranh, từng đối mặt giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, từng chứng kiến sự hy sinh của biết bao đồng đội, đặc biệt là chứng kiến cảnh ra đi của người bạn thân mình thì giờ đây cuộc sống thời hậu chiến quá nhàn rỗi làm cho anh luôn cảm thấy trống trếnh và thừa thãi. Vì vậy, khi biết cấp trên tìm người để bổ sung cho một cơ sở kinh tế ở dọc dường số 9, anh đã nhận phần đó về mình. Sở dĩ anh làm như vậy là vì mảnh đất ấy là nơi đã gắn bó cả một phần tuổi trẻ của anh trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh.
Và quan trọng hơn là anh về lại nơi đó để được ở gần hơn với người bạn của mình, để thực hiện ước mơ của người bạn quá cố: “Dinh ơi! Tao lại đến với mày đây! Đến làm công việc mà mày vẫn mơ ước đây”[31, tr.89]. Và Trong khi thực hiện nhiệm vụ ở một cương vị hoàn toàn mới, khi cảm thấy những vấn đề khó khăn phức tạp trong mối quan hệ giữa con người với con người thì anh lại nghĩ đến người bạn của mình, sẻ chia với bạn cứ như bạn anh đang còn sống bên cạnh anh vậy, bất cứ thành công nào mà anh có được, anh cũng nghĩ là bạn mình đã giúp đỡ cho mình: “Ai phù hộ cho mình lúc đó nhỉ?...Hay là chính mảnh đất mình đã từng đổ mồ hôi và máu chợt lên tiếng bảo ban mình? Hay là Dinh, trong buổi đi tìm hậu cứ ấy, nó đã hét toáng lên khi vừa leo lên miệng hang: “Dơi! Nhiều dơi quá! Phân dơi dày hàng thước các bố ạ!”. Bây giờ, giữa lúc bối rối này, mày đã nhắc tao phải không Dinh?”
[31,tr.113] .Trong cuộc sống của mình, anh luôn quan niệm sống và làm việc hết sức mình cho ước mơ của bạn và chính điều đó đã đem lại niềm vui, cuộc sống có ý nghĩa hơn cho cuộc đời của anh.
Cũng là sự thuỷ chung trong tình cảm, một trong những phẩm chất tốt đẹp, đáng trân trọng của con người. Trong tập truyện ngắn Miền đất mặt trời, ta bắt hình ảnh cao đẹp nữa của người lính. Đó là sự thuỷ chung của họ trong tình yêu đôi lứa trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Đọc Chuyện chép bên bờ sông cao nguyên, ta thấy hiện lên sự thuỷ chung của một người lính - nhân vật xưng “Tôi” ở trong câu chuyện. Trên đường đi tìm nguồn lương thực cho đơn vị để giúp đơn vị vượt qua sự thiếu thốn nhất về lương thực trong năm cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, anh đến vùng đất Đắc – pec để lấy gạo và đạn chi viện cho đơn vị chiến đấu trong cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất tổ quốc. Trong quá trình công tác, anh gặp gỡ và quen, rồi thầm yêu cô đội trưởng du kích ở Đắc – nô. Bởi khi thực hiện nhiệm vụ của mình, họ luôn phối hợp, giúp đỡ nhau làm tốt nhiệm vụ của mình. Và chính điều đó đã làm cho họ có thêm kỷ niệm sâu sắc với nhau khi mà trong một trận chiến đấu, hai người anh dũng xung phong ở lại chặn địch cho đồng đội của mình rút lui.
Trong trận đấu đó, nhờ sự phối hợp tốt của hai người mà cả hai thoát khỏi vòng vây của giặc. Chính sự dũng cảm, nhiệt tình trong công việc, họ đã để lại ấn tượng tốt trong nhau. Thế rồi sau đó hai người bặt tin nhau, người lính càng ngày càng đi sâu theo chiến dịch, cô gái ở lại quê hương tiếp tục chiến đấu. Họ chia tay nhau không một lời từ biệt, hẹn hò. Nhưng trong họ luôn cất giữ một tình yêu chung thuỷ giành trọn cho nhau. Sau ngày giải phóng, người lính trở về để tìm lại người xưa, về lại với mảnh đất mà anh tìm được bóng hình của người mình yêu quý. Dù đã xa cách lâu ngày nhưng những kỷ niệm về vùng đất, về người con gái anh thầm thương, trộm nhớ vẫn nguyên vẹn trong anh: “...Tôi vẫn nhớ mồn một từng ổ đề kháng của địch đã bất thần vãi đạn khi chúng tôi hoàn toàn bất ngờ, và chính lúc ấy Nghĩa đã xuất hiện. Như một tia chớp loé sáng trên bầu trời bình lặng của tâm tư tôi, để hôm nay sau một ngàn ngày, đôi chân của một người lính đã đi khắp các nẻo đường khói
lửa, giờ tôi lại trở về đây” [ 31,tr.4]. Giờ đây, anh đang tràn ngập trong niềm vui, niềm hạnh phúc khi cảm nhận được sự thuỷ chung, son sắt của con người và vùng đất cao nguyên này: “Tôi tìm lại người xưa. Lâu nay không một dòng tin, một lời hẹn hò, nhưng tôi vẫn tin như đã tin mảnh đất này, dòng sông này, qua nhiều giông bão, nhưng không bao giờ đổi thay, lạc dòng. Và em, em chẳng phải là một dòng sông của đời tôi đó sao? Qua bao năm tháng, dòng sông vẫn rì rầm, dào dạt nhắc gọi, tôi đã thả thuyền lòng tôi neo bến ấy” [31, tr.13].
Với việc thể hiện con người thuỷ chung trong tình cảm, tình yêu, Nguyễn Khắc Trường đã bộc lộ niềm tin và sự trân trọng, tự hào đối với những người đồng đội của mình. Và điều đó cũng giúp chúng ta thêm mến yêu, khâm phục những người chiến sĩ từng chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh ác liệt mà hào hùng của dân tộc.