Từ con người lạc quan đến con người suy tư, phản tỉnh

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi sau 1975 của nguyễn khắc trường (Trang 36 - 42)

CHƯƠNG 2. CÁI NHÌN VỀ CON NGƯỜI TRONG VĂN XUÔI NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG

2.1. CẢM QUAN CỦA NHÀ VĂN VỀ XÃ HỘI VÀ CON NGƯỜI TRONG THỜI HẬU CHIẾN

2.1.1. Từ con người lạc quan đến con người suy tư, phản tỉnh

Những năm đầu sau cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, mỗi vấn đề trong sự nghiệp củng cố và xây dựng đất nước đã huy động sức lực, trí tuệ, sự trăn trở của biết bao con người. Gắn bó với sự nghịêp chung, làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, sống có ích cho đất nước, cho dân tộc là ước nguyện và việc làm, là cuộc sống và vẻ đẹp của con người Việt Nam.

Văn xuôi Việt Nam sau năm 1975 nằm trong dòng chảy của sự phát triển xã hội đó. Những năm đầu sau khi kết thúc chiến tranh, đề tài chiến tranh và khuynh hướng sử thi vẫn nổi trội, tuy đã có những tìm tòi và bước phát triển mới. Từ đỉnh cao của chiến thắng trọn vẹn, nhìn lại và tái hiện những khó khăn, tổn thất, thậm trí cả những thất bại tạm thời của ta trong cuộc chiến tranh cũng chính là một cách khẳng định những giá trị to lớn của sự hy sinh và ý nghĩa vĩ đại của chiến thắng. Một số cây bút đã đề cập kịp thời những vấn đề mới nảy sinh trong buổi giao thời từ chiến tranh sang hoà

bình, mà cuộc sống ở mọi nơi hiện ra không chỉ có niềm vui của hoà bình, chiến thắng, đoàn tụ mà còn với bao phức tạp, khó khăn và cả những mâu thuẫn mới nảy sinh. Bước sang những năm đầu thập kỷ 80 tình hình kinh tế - xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn và càng ngày càng rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Nền văn học nước ta cũng chững lại và đã có không ít nhà văn lâm vào tình trạng bối rối, không tìm ra phương hướng sáng tác cho mình. Ý thức nghệ thuật của số đông tác giả chưa chuyển biến kịp với thực tiễn xã hội, những quan niệm và cách thức tiếp cận hiện thực vốn quen thuộc trong thời kỳ trước đã thể hiện rõ sự bất cập trước hiện thực mới và trước yêu cầu mới của người tiếp nhận. Nhưng cũng chính những năm này đã diễn ra sự vận động ở chiều sâu của đời sống văn học, với những trăn trở, vật vã, tìm tòi thầm lặng mà quyết liệt ở một số nhà văn. Tiêu biểu phải kể đến Nguyễn Minh Châu là người mở đường cho sự tìm tòi và yêu cầu đổi mới cho nền văn học của đất nước. Những tìm tòi và thành công bước đầu ấy đã mở ra cho văn xuôi những hướng tiếp cận mới với hiện thực nhiều mặt, đặc biệt là cái hiện thực đời thường với những vấn đề đạo đức – thế sự đang tồn tại, nổi cộm, đòi hỏi văn học phải nhận thức, khám phá. Đây cũng là sự chuẩn bị tích cực cho những chuyển biến mạnh mẽ và một mùa gặt bội thu ở thời kỳ đổi mới từ 1986 trở đi.

Trong sự vận động và phát triển của văn xuôi Việt Nam, chúng ta cũng bắt gặp sự vận động và phát triển của văn xuôi Nguyễn Khắc Trường. Từ Thác rừng, Miền đất mặt trời, Gặp lại anh hùng Núp đến Mảnh đất lắm người nhiều ma là những trang viết thể hiện được cái nhìn của nhà văn về con người có sự vận động và phát triển. Đó là từ con người lạc quan trong cuộc sống đến con người suy tư, phản tỉnh về xã hội và về chính mình.

Qua những trang văn chân thực và sinh động, Nguyễn Khắc Trường đã ngợi ca những người lính, người anh hùng luôn hăng say, sáng tạo trong công việc và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Ngay cả những khi gặp

khó khăn, họ cũng cố gắng vượt qua, từ đó vươn lên, chấp nhận hy sinh, để giữ cho cuộc sống của mình được thanh thản và có ý nghĩa hơn. Chẳng hạn trong Thác rừng, tác giả tái hiện lại cuộc tiến công của quân ta vào giải phóng các tỉnh Bình-Trị-Thiên tiến vào thành phố Huế với không khí thời chiến của các chàng lính pháo cao xạ được tác giả khắc hoạ với những biểu hiện nhiều mặt của những người chiến sĩ trên chiến trường. Nhà văn đã thể hiện những biểu hiện nhiều mặt này bằng chất giọng tự sự để làm nổi bật cho những biểu hiện của những con người đi từ sự lạc quan đến suy tư, phản tỉnh lại ý thức của cá nhân mình. Cụ thể, ở trong truyện ngắn này hiện lên hai nhân vật chính là Đàm và An, họ vốn đã từng có mối quan hệ gắn bó thân thiết của tình thầy trò. Đàm là giáo viên khoa cao xạ của trường Quân Chính, còn An là đại đội trưởng được chọn về học để trở thành chỉ huy. Trước đây, khi chưa đi vào thực tiễn chiến đấu thì tính cách, trí tuệ của hai người luôn bổ sung cho nhau để cả hai thêm hoàn thiện. Bởi những bài giảng của Đàm sinh động hơn vì có nhiều kinh nghiệm thực tế của An, còn những kiến thức về mặt lý thuyết của Đàm giúp An có được tầm nhìn khái quát hơn. Thế rồi, Đàm có lệnh đi mặt trận, vào làm tiểu đoàn phó, tiểu đoàn trưởng của một tiểu đoàn pháo cao xạ. Trong trận đánh bọn lính dù ở Khe Thai, tiểu đoàn phó của tiểu đoàn Đàm bị thương nặng, An được cử đến thay. Hai người đã vui mừng khôn xiết và khi ấy Đàm đã vui mừng thốt lên: “ Cấp trên sáng suốt quá! Để mình ở với cậu là muốn hai thằng làm toán cộng!”[30, tr.52]. Vui mừng, phấn khởi là thế, nhưng trong quá trình làm việc với nhau ở cả An và Đàm đã có sự hụt hẫng, thất vọng vì chưa thực sự hiểu rõ về nhau. Những phương án tác chiến của An vạch ra, Đàm không đón nhận một cách nhiệt tình mà trái lại còn có suy nghĩ khác về An: “ Mới chân ướt, chân ráo, người ta đã muốn cải tiến, thay đổi lại đấy. Mà lại thay đổi khâu tác chiến, tức là phần chính của tiểu đoàn trưởng chứ không phải một chi tiết vặt vãnh khác!”[30,tr.48]. Mặc dù, trong thâm tâm của Đàm cũng thấy được An đã có những phát hiện mới mẻ,

nhưng nó đến một cách đột ngột quá, giữa lúc anh đang vui vẻ với những chiến công của mình; nên chưa đủ tỉnh táo, khách quan để thấy được cái hay trong ý kiến của An. Còn ở An vì lo lắng cho số phận của hàng trăm chiến sĩ nên lòng cứ băn khoăn, nuối tiếc một cái gì đó không hiện hữu rõ, nên An bắt đầu có suy nghĩ khác về Đàm: “Tôi quý cái bản lĩnh và lòng tự tin của anh.

Nhưng nếu sự tự tin đi tới thái quá thì cũng mất tỉnh táo... Phưong án tác chiến của anh không thể nói là sai, chỉ chưa linh hoạt thôi; bởi lâu nay tiểu đoàn vẫn lập công, vẫn hoàn thành nhiệm vụ, không bị chê trách. Song, đã

xuất sắc lắm chưa? Thành thực mà nói thì ở mức bình thường...”[30, tr.53].

Việc xây dựng hình tượng nhân vật người lính trong chiến tranh có tác dụng giúp tác giả khắc họa hình ảnh con người đi từ sự lạc quan đến sự suy tư, phản tỉnh lại ý thức của cá nhân mình. An, Đàm mỗi người một vẻ, họ đến chiến trường từ những mảnh đất khác nhau, có lúc họ chưa thật sự hiểu nhau, có những suy nghĩ không tốt về nhau, nhưng trong mỗi con người của họ luôn mang theo sự từng trải, ước mơ và và điều quan trọng nhất là họ đã có chung một lý tưởng là chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng nước nhà, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho.

Ở trên là sự suy tư, phản tỉnh của người lính trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Hình tượng con người đi từ sự lạc quan đến suy tư, phản tỉnh vẫn tiếp tục được nhà văn thể hiện ở các nhân vật trong những năm đầu sau chiến tranh. Trong truyện ngắn Câu chuyện ngày đầu, tác giả xây dựng nhân vật cô kỹ sư cùng với sự thay đổi tinh thần từ sự lạc quan đến sự suy tư, phản tỉnh lại ý thức của cá nhân mình.

Vốn là kỹ sư nông nghiệp của một hợp tác xã ở miền Bắc, với ước mơ được đi xa để thử sức, để thấy nhiều, hiểu nhiều hơn về đất nước của mình, cũng như để được cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong những năm sau chiến tranh. Khi được biết Bộ có ý định rút một số kỹ sư biệt phái sang quân đội đi làm kinh tế ở Tây Nguyên thì cô tự nguyện ra đi với

niềm tin tuyệt đối vào những phẩm chất tốt đẹp của người lính. Nhưng trong quá trình làm việc để tìm hiểu về những ưu điểm, tồn tại của vùng đất mới khai hoang, cùng với sự bỡ ngỡ của những người lính vốn quen nhiều với việc đánh giặc hơn là sản xuất nông nghiệp thì trong ý thức của cô bắt đầu có những suy nghĩ, ưu tư về quyết định ra đi của mình: “Có lẽ mình lên đây sai mất rồi. Cứ ở Ty ngoài kia, rồi thỉnh thoảng đi cơ sở, tới những nơi làm ăn đã nền nếp thật chẳng khác đi tham quan. Rồi bạn bè, rồi phố xá, chứ đâu có âm u như ở đây...”[31, tr.38]. Khi thấy những ý kiến, sự đóng góp của mình về diện tích phát hoang, về kỹ thuật cải tiến đất đai không được đồng chí trung đoàn trưởng tiếp thu thì Kim Tước đã có những suy nghĩ, sự thất vọng về cách làm việc của thủ trưởng đơn vị. Lúc này, cô thấy mình không cần cố gắng, không cần cống hiến nữa, từ nay cô sẽ làm việc với một thái độ khác:

“Từ nay cứ im lặng! im lặng! Vừa nhàn thân, lại vừa nhẹ đầu! Cho đến khi hết thời gian biệt phái, mình về ngoài kia chẳng có điều tiếng chi hết”[31, tr.39]. Suy nghĩ là thế, nhưng có lẽ niềm say mê, sự trăn trở về kỹ thuật sản xuất luôn âm ỉ cháy trong cô, vì vậy mà khi thấy một đại đội đánh rạch chuẩn bị cho đợt gieo hạt thí điểm làm sai kỹ thuật cô đã ưu tư suy nghĩ: “Đánh rạch thế là sai kỹ thuật rồi! Giờ mình không nói cũng chẳng ai biêt và chẳng trách được mình”[31, tr.49], nhưng khi được đồng chí phụ trách của đại đội thí điểm hỏi về kỹ thuật đánh rạch đã đúng chưa thì Kim Tước đã nhẹ nhàng phân giải, hướng dẫn cách đánh rạch làm sao cho cây trồng đạt chất lượng cao nhất: “Và thế là với cái tính bộc trực năng nổ sẵn có, Kim Tước không đắn đo nữa! Không còn “cứ im lặng! im lặng” như “phương án” của cô nữa”[31, tr.50]. Khi thấy những lời hướng dẫn nhẹ nhàng của mình được đơn vị tiếp thu và làm theo thì ước mơ cống hiến, niềm say mê tìm hiểu về vùng đất mới khai hoang, sự nhiệt tình trong công việc bỗng sống lại trong cô. Cuối cùng thì những cố gắng của cô cũng được đáp đền. Bởi khi những người lính đã bắt đầu thấy được phương thức sản xuất mới luôn cần có kỹ thuật đi kèm mới

đem lại hiệu quả sản xuất cao hơn thì họ sẵn sàng thay đổi bởi họ đã quen với cách sống vì người hơn là vì mình. Và khi được đồng chí trung đoàn trưởng tin tưởng giao cho cô phụ trách hoàn toàn việc chỉ đạo kỹ thuật cho đơn vị sản xuất thì niềm vui phơi phới tràn ngập tâm hồn cô. Giờ đây, cô thấy công việc của mình có ý nghĩa biết chừng nào: ““Thế là công việc chính của mình đã bắt đầu rồi!” – Kim Tước thầm nhủ từ lúc ra khỏi cuộc họp đến giờ, lòng bỗn bồi hồi như năm nào đi thực tập để làm đề án tốt nghiệp. Lần trước cô làm bài thì mới là lo cho riêng mình; còn lần này cô góp sức mang cái no cái ấm cho nhiều người, góp tri thức để tìm hiểu tính nết một vùng đất hoang vu”[31, tr.60]. Đúng là khi đã hiểu người, hiểu mình, thì mọi việc được tiến hành suôn sẻ hơn, giúp cho mọi người cùng thấy niềm vui trong cuộc sống. Sự thay đổi về trạng thái tinh thần đã giúp cho Kim Tước thấy được công việc và cuộc đời mình có ý nghĩa hơn khi cô được sống và cống hiến hết mình với nhiệm vụ mà đất nước giao cho. Từ đây, cô thấy công việc của đơn vị cũng chính là của mình và cô đã có một quyết định đúng đắn là sẽ gắn bó đời mình với vùng đất Tây Nguyên còn hoang vu này để đem lại cuộc sống ấm no hơn, hạnh phúc hơn cho đồng bào nơi đây.

Rõ ràng, trong mỗi con người luôn có sự thay đổi về trạng thái tinh thần từ sự lạc quan đến sự suy tư, phản tỉnh lại ý thức của cá nhân mình. Sự thay đổi đó nó có cả trong và sau chiến tranh ở mỗi con người. Trong cuộc sống thời bình thì sự thay đổi đó lại càng được thể hiện rõ ràng hơn khi mà kết thúc chiến tranh, con người không thể sống mãi với niềm vui chiến thắng mà giờ đây, trong cuộc sống thời bình, con người ta phải đối mặt với bao bộn bề của cuộc sống. Vì vậy sự suy tư, trăn trở về công việc, về cuộc sống của mình là một điều đương nhiên. Và sự phản tỉnh lại suy nghĩ của mình cũng là cách để con người đổi mới chính mình, giúp cho cuộc đời của mỗi người có ý nghĩa hơn. Nguyễn Khắc Trường đã phát hiện ra sự thay đổi đó và thể hiện nó

một cách tinh tế trong tác phẩm của mình và điều đó đã giúp ông có quan niệm nghệ thuật mới về con người trong cuộc sống thời hậu chiến.

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi sau 1975 của nguyễn khắc trường (Trang 36 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)