CHƯƠNG 2. CÁI NHÌN VỀ CON NGƯỜI TRONG VĂN XUÔI NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG
2.1. CẢM QUAN CỦA NHÀ VĂN VỀ XÃ HỘI VÀ CON NGƯỜI TRONG THỜI HẬU CHIẾN
2.1.2. Sự xung đột về tư tưởng dòng họ
Xung đột là biểu hiện cao nhất của sự phát triển mâu thuẫn giữa các lực lượng, các tính cách trong một tác phẩm. Thông thường người ta hay đề cập đến xung đột trong tác phẩm kịch, thế nhưng trong truyện ngắn hay trong tiểu thuyết chính những xung đột cũng sẽ làm nên kịch tính của tác phẩm. Có thể nói xung đột là một yếu tố thiết yếu của một tác phẩm văn học. Nhờ có xung đột mà câu chuyện mới phát triển, tính cách nhân vật mới được bộc lộ. Và qua sự lựa chọn, giải quyết những xung đột trong tác phẩm sẽ thấy được tư tưởng nghệ thuật mà tác giả đã gửi gắm trong tác phẩm nghệ thuật của mình.
Xung đột bao giờ cũng mang ý nghĩa xã hội và ý nghĩa thời đại. Trong tác phẩm văn học, xung đột có thể là những xung đột của cá nhân nhân vật, nhưng bản thân xung đột ấy đã mang một ý nghĩa xã hội sâu sắc. Nhân vật trong văn xuôi sau 1975 của Nguyễn Khắc Trường, đặc biệt ở tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma thường được thể hiện trong thế xung đột về tư tưởng. Vì vậy việc tìm hiểu những xung đột về tư tưởng trong tác phẩm của ông để thấy được ý nghĩa xã hội rộng lớn và quan trọng hơn sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn quan niệm nghệ thuật về con người được thể hiện trong tác phẩm của nhà văn.
Như một lẽ đương nhiên khi mà cuộc sống xã hội thay đổi thì kéo theo đó sẽ có bao nhiêu điều phức tạp sẽ xảy ra. Hiện thực cuộc sống xã hội thời hậu chiến vốn chất chứa, khuất lấp nhiều vấn đề nhức nhối diễn ra xót xa không lường trước được trong đời sống thanh bình. Cuộc sống thời hậu chiến với những bộn bề của nó càng giúp ngòi bút của Nguyễn Khắc Trường khái quát và cảnh báo được nhiều vấn đề sâu sắc về xã hội và con người. Với tâm huyết muốn viết về nông thôn thật chân thực và đầy đủ từ cái nhìn cận cảnh, Nguyễn Khắc Trường đã cung cấp cho người đọc một bức tranh về thực trạng
nông thôn nước ta những năm sau chiến tranh với tất cả sự gay gắt nóng bỏng trong Mảnh đất lắm người nhiều ma.Tác phẩm đã đề cập tới một vấn đề hết sức to lớn, bề bộn và bức xúc thể hiện rõ sự xung đột tư tưởng trong tác phẩm của ông. Đó là quan hệ dòng họ ngay trong cuộc sống đời thường. Viết về dòng họ ở nông thôn vốn không phải là điều còn mới mẻ mà đã được nhiều nhà văn quan tâm khai thác và khai thác khá thành công. Thế nhưng tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường vẫn hấp dẫn, thú vị bởi ở những thông tin mới mẻ, sinh động với cái nhìn của một tấm lòng nhân hậu để lại khá ấn tượng và sâu đậm.
Quan hệ họ tộc, dòng họ là một thứ quan hệ lâu đời, dằng dịt và bền chặt. Nó có khả năng xuyên qua thời gian, qua các chế độ khác nhau với những biến đổi khác nhau nhưng vẫn giữ bên trong cái lõi chung. Từ xưa đến nay “hôn nhân, điền thổ, vạn cố chi thù” – nghĩa là hôn nhân và đất đai là hai thứ dễ gây cho con người ta thù hận lâu nhất. Thì trên mảnh đất Giếng Chùa trong Mảnh đất lắm người nhiều ma mà bên ngoài yên tĩnh này lại cuộn lên bên trong sự đấu tranh, xung đột giữa hai dòng họ Vũ Đình và Trịnh Bá bởi tất cả những thứ đó: “Đời cụ Cố là chuyện đất đai, chuyện chức tước, cái chức lý trưởng dù nhỏ nhưng đây là chuyện danh dự, là chuyện thua được giữa hai dòng họ, là phần đầu gà má lợn, là chỗ ngồi chiếu nhất ở giữa đình làng. Đôi bên đã giành nhau kịch liệt. Đến đời ông Phúc thì lại là chuyện tình. Thật oái oăm, hai dòng họ này cứ vờn, cứ lừa miếng nhau không biết mệt” [ 29, tr.25]. Bằng những trang văn chân thật nhất, tác giả đã phơi bày những mâu thuẫn gay gắt luôn dâng lên ở đỉnh điểm, ở cao trào, những màn đấu trí, đấu lực bởi tất cả sự thù oán giữa hai dòng họ này. Cuộc sống con người ở xóm Giếng Chùa nhỏ bé giờ đây không còn bình lặng nữa. Tất cả đang chứng kiến, xô đẩy vào hùa với nhau để tranh quyền đoạt thế, giẫm đạp lên nhau để chứng minh cho dòng họ nào, người của dòng họ nào sẽ nhân danh Đảng nắm quyền bính ở trong làng. Mối hiềm khích giữa hai dòng họ
Trịnh Bá và Vũ Đình đã nung nấu âm thầm mà quyết liệt từ xưa. Nó luôn âm ỉ và ăn sâu vào mạch huyết của những con người trong gia tộc chỉ trực chờ làm sao khi có cơ hội, điều kện là sẵn sàng lao vào cuộc chiến tranh giành giật, đụng độ lẫn nhau. Sự hằn thù đã làm cho cụ Cố ( Vũ Đình Đại) cũng phải bật dậy như một cái lò xo, xoá sạch đi ranh giới sau ba mươi năm quay lưng lại với con đẻ của mình (Vũ Đình Phúc): “Chân tay cụ Cố vẫn rung lên vì xúc động. Như một con chiến mã về già, dù không còn sức để lao vào trận mạc nhưng mùi thuốc súng vẫn đủ kích thích nó gầm thét. Mối hiềm khích giữa cụ Cố với cánh nhà họ Trịnh Bá có từ xa xưa. Không nhắc, quên đi thì thôi chứ nếu khẽ khơi dậy là ngọn lửa bùng cháy ngay lên” [29, tr.25]. Từ đời bố ông Hàm là Trịnh Bá Hoành đã khắc cốt ghi tâm không bao giờ ngồi chung chiếu, không bao giờ chịu lép vế, chịu thua trước họ Vũ Đình: “Những lúc rượu vào, ông trừng trừng những cặp mắt vằn những tia đỏ, miệng lẩm bẩm: ta không có vòng bạc, xà tích, không đủ bạc trắng để chạy nên thua. Rồi ông rít lên, nhưng tao chưa chịu đâu! Chưa chịu đâu!”[ 29,tr.77]. Đứng trước sự thất bại, xuống dốc của đối phương họ Vũ Đình, Trịnh Bá Hoành sung sướng, hả hê mổ chó ăn mừng. Thế nhưng cuộc chiến chống lại gia đình họ Vũ ở thời ông chưa làm được gì mà có hay chăng chỉ là tự mình thề thốt, quyết tâm trong lặng lẽ tâm can chứ chưa có dịp để ra mặt. Vì vậy mà đối với ông Hoành, lúc nào ông cũng sống trong nỗi đắng cay, nỗi uất ức, dày vò không yên trong lòng. Tưởng chừng như mối thù họ tộc sẽ chấm dứt ở thời đó thế nhưng nó vẫn được lưu truyền cho đến đời sau. Đến đời ông Hàm, vấn đề dòng họ không dừng lại ở việc đất đai nữa mà còn mãnh liệt hơn trong tình yêu, hôn nhân: “ Ngày ấy ông Hàm chưa đủ tuổi, đủ trí để cảm hết được cái cay, cái uất của cha nên cũng không để tâm đến chuyện tranh giành giữa hai dòng họ.
Nhưng vài năm sau đến tuổi lấy vợ thì nỗi hận thù của người bố đã trở lại nguyên vẹn trong lòng ông Hàm mà còn sôi sục hơn. Ấy là chuyện về Son – vợ Hàm” [29, tr. 77 – 78].
Ngày tháng cứ trôi đi cùng với nó là ý thức họ tộc ở những con người thuộc hai dòng họ đứng đầu trong xã hội càng lớn dần. Nó chi phối, tác động đến mọi ý nghĩ, hành động của họ. Hai họ Vũ Đình và Trịnh Bá xem nhau như giặc, là kẻ thù, quyết không đi chung đường, không ngồi chung chiếu. Họ phải làm mọi cách để đối phương không ngóc đầu lên được, phải lụi bại trong tay nhau. Vậy là xung đột, mâu thuẫn của việc trả thù giữa hai phe phái này giờ đây được chuẩn bị chu tất hơn. Thù nhau tới mức khiến cho con người sẵn sàng làm cả những việc thất đức, táng tận lương tâm khi đào mả bố của nhau lên. Để thực hiện lời trăn trối của người bố trước lúc lâm chung cùng với ý nghĩ thâm độc “Lấy độc trị độc, mỡ nó rán nó” [29, tr.67] nhằm lật đổ dòng họ Vũ Đình, Trịnh Bá Hàm đã không hề đắn đo khi quật mộ bố ông Phúc lên:
“Đây là cơ hội tốt để lấy âm trị dương. Phen này tôi sẽ yểm cho cả họ nhà nó không ngóc đầu lên được. Đào lên, lấy ván, lật sấp bố nó xuống. Còn có gỗ dổi tôi sẽ đóng một bộ sa lông thật mốt, rồi tìm cách bán cho chính anh em, họ hàng nhà nó” [29, tr.67]. Và khi đã tiến hành đào mả cũng là lúc kích thích sự thù oán từ bấy lâu nay trong ông. Mối thù dường như được khơi lên mạnh mẽ, máu như đang bừng sôi lên với những lời tuyên án đanh thép xuống tận âm ti yểm đại gia đình Vũ Đại phải chịu cảnh: “Ba đời tuyệt tự/ Hữu nữ vô nam/ Hữu sinh vô dưỡng” [ 29,tr.93]. Thật là xót xa và đau đớn cho con người đã chết rồi mà vẫn không được yên phận. Mối thù dòng họ đã tác chiến không những đến con người đang sinh sống mà còn làm tội tình, đày đọa đến cả người đã khuất. Rõ ràng ý thức dòng họ đã đè bẹp, khuất lấp đi ý thức lương tâm của con người.
Sự tranh giành quyền lực giữa hai họ tộc Vũ Đình – Trịnh Bá trở thành mối căm ghét sắt đá, phải đấu tranh đứng đầu trong cái xã hội tưởng như bình yên nhưng lại đầy rối rắm, phức tạp. Vấn đề này đã ngấm vào máu ở từng con người trong mỗi dòng họ. Đối với họ sự lên chức hay xuống chức đều gắn liền với buồn – vui, vinh – nhục ở họ này với họ kia. Bà Lộc – em ông Phúc
luôn ấm ức, giận hờn trong lòng khi thấy họ Trịnh Bá đang lên, họ Vũ Đình nhà bà đang xuống: “Bà thấy như nội tộc nhà mình đang bị vặt lông, vặt cánh... Nỗi căm tức mộ bố bị phá còn chưa sôi sục bằng thấy cả họ nhà mình bị thua thiệt. Bây giờ có cớ, bà lập tức như con chim xù lông thấy đây là lúc tốt nhất để bà túm tóc cả nhà họ Trịnh Bá mà ấn dúi xuống” [29, tr,109].
Cuộc loại trừ, giành giật ưu thế của con người trong dòng họ ngày càng mang đầy màu sắc cực đoan, lưu manh, bảo thủ. Bằng mọi giá, họ phải đè đầu cưỡi cổ, bịa chuyện, vu khống để hạ nhục dòng họ mà mình vốn căm thù. Vì những lợi ích của dòng họ mà vô hình chung đã hình thành sự phân tuyến, đối lập nhau ngay trong một xóm Giếng Chùa nhỏ bé và đã làm cho nơi này chứa đầy sắc khí nhiễu nhương, ngột ngạt. Hận thù, xung đột của hai dòng họ len lỏi, bủa vây vào cả chuyện tình yêu trai gái, hôn nhân, gia đình. Bà Son đã phải chịu trận đòn đau ngay trong đêm tân hôn của mình bởi chính tay của người chồng mình. Tình yêu của Tùng – Đào cũng phải lén lút, vụng trộm tuy rằng đó là một tình yêu trong sáng, chân chính và rất đẹp. Bởi đơn giản, vì họ là con cháu của hai dòng họ đang xích mích, xâu xé nhau. Đứng đầu dòng họ Vũ Đình là ông Phúc với mấy anh em Đảng viên đắc lực, còn dòng họ Trịnh Bá là anh em nhà Hàm – Thủ. Họ là những gương mặt tiêu biểu cho việc tổ chức lên kế hoạch để hoạt động ráo riết lật đổ nhau, lợi dụng sơ hở để lôi kéo, kích động, chia rẽ nội bộ của hai bên. Vì muốn giành lấy phần thắng lợi, cái uy quyền của họ nhà mình trong xã mà Thủ cùng với mấy anh em đã tạo dựng nên lá đơn tố cáo việc ông Phúc lợi dụng thời cơ vụng trộm với bà Son; giám bày ra vụ bắt cóc để làm nhục bà Son khiến cho bà lâm vào bước đường cùng phải tìm đến cái chết. Và chính cái chết của bà Son là kết cục bi thảm về sự hận thù giữa hai dòng họ ngay trên mảnh đất Giếng Chùa. Tưởng con người ta khi đã chọn đến cái chết để vứt bỏ sự đời thế nhưng người chết lại được vực dậy để trở thành vũ khí cho người sống làm dụng cụ đấu tranh. Xung quanh cái chết của bà Son làm cho hai họ tộc kia phải luôn bươi chòi, tìm mọi
bằng cớ để đổ thừa, xỉa xói vào nhau. Hai họ cứ vồ lấy nhau, đấu đá, tạo dựng nên một cuộc chiến âm thầm mà sôi sục ngay ở chính làng quê thanh bình.
Nổi bật lên giữa cuộc xung đột giữa các dòng họ là những người đảng viên ở xóm Giếng Chùa khoác chiếc áo họ tộc đang nghiễm nhiên lộng hành.
Các đảng viên vào hùa với nhau, tham ô, chia bè, chia phái, tìm mọi cách giẫm đạp, giành giật chỗ ngồi. Trong đầu óc của những con người này, luôn chứa đựng những toan tính, lợi dụng làm sao dúi người này xuống, nâng người kia lên để cho bản thân mình có lợi. Trong những cuộc họp chi bộ, người ta thường đề cập đến vấn đề nâng cao chất lượng đảng viên, kiện toàn tổ chức vững mạnh, nhưng thực chất thì ai cũng né tránh không muốn bới móc mọi chuyện xấu của nhau. Ở những con người này, luôn có sự cam kết ngầm về những việc làm sâu kín, ghê gớm. Đối với mỗi dòng họ, người đảng viên góp một phần quan trọng vào việc khẳng định địa vị của gia tộc mình:
“Mà không có cái chân đảng viên thì cả họ nhà này chúng nó cho ăn bùn”[29, tr.24]. Trong đấu tranh dòng họ mà có mặt của các chân đảng viên là rất có lợi, tạo được cái uy nghiêm bề thế của dòng họ đó. Vì ai ai cũng phải khép nép, kính nể trước những con người đang mang trên mình chức trách trong xã. Vì vậy mà giữa hai dòng họ luôn bài trừ, lừa miếng nhau để làm sao trong chi họ của mình càng có nhiều người vào Đảng càng tốt. Đảng viên vô hình chung đã trở thành lực lượng xung kích để đấu tranh lẫn nhau. Để lột trần được bản chất của con người trong cái bầu trời oi ngột ấy, Nguyễn Khắc Trường đã khéo léo đưa “ma” vào thế giới con người một cách nhuần nhuyễn.
Ở cái xóm Giếng Chùa của Nguyễn Khắc Trường có quá nhiều ma. Ma từ xa xưa, ma chết, ma sống, ma giả, ma thật,... tất cả những loại ma quện chặt trong đời sống của người dân nơi đây từ đầu đến cuối tác phẩm. Đó chính là
“con ma” dám đào mồ cuốc mả người chết lên, dám đẩy con người ta đến cái chết bi thảm. Những “con ma” trong đời sống Giếng Chùa ngày càng lớn dần. Nó đang quẫy đạp, tranh giành, xung đột ngay trong hai dòng họ Vũ
Đình – Trịnh Bá để hút hết sinh khí lương tâm con người và nhả vào đó là bùa mê thuốc lú, sự giả tạo... Đến cô Thống Biệu – người có tài năng yểm tà cũng đành bất lực trước những “con ma sống”. Vì “con ma” đó là người có chức sắc, có quyền hành của người lãnh đạo khoác áo đảng viên thì vị thánh này làm sao có thể trị vì nổi. Vậy là, bên trong những con người dân quê đó, ma quỷ đã ám vào con người, đã chi phối, làm tê dại đi các giác quan khỏe khoắn của cuộc sống người dân nơi này.
Nguyễn Khắc Trường viết về hiện thực cuộc sống thời hậu chiến với cái nhìn rất thực, viết với tất cả sự quan tâm, lo lắng, với cả sự tức giận trước những cái xấu xa, bất công. Ông đã xoáy sâu vào từng vận động, ý nghĩ của con người để thấy được cái tiêu cực đang hiện diện, trú ngụ ngay trong quan hệ họ tộc ở làng quê Việt Nam. Phản ánh được sự đấu tranh, xung đột giữa hai dòng họ lớn trong xóm Giếng Chùa, nhà văn muốn lên tiếng kêu cứu lấy lương tâm, nhân phẩm của con người đang bị nhuộm đen bởi cái xấu, cái ác.
Tố cáo được sự trắng đen, nhiễu nhương ở sự tranh giành quyết liệt của từng con người thuộc dòng họ Vũ Đình – Trịnh Bá, người viết muốn thanh lọc sự bình yên, ổn định trong cuộc sống đời thường. Qua đây, một điều chúng ta nhận ra thật nghịch lý: hoá ra đời sống trong thời bình phức tạp, nhức nhối hơn trong thời chiến tranh loạn lạc. Có thể nói, vấn đề xung đột trong cuộc sống mà tác giả muốn đề cập tới vẫn đang sôi sục, trở thành mối quan tâm nóng bỏng, gay gắt cho thời đại. Viết về mâu thuẫn, tranh giành quyền lực giữa con người với con người, giữa dòng họ này với dòng họ khác, ngòi bút của Nguyễn Khắc Trường đã nghiêm khắc phê phán những thứ nhếch nhác, nhiễu nhương để qua đó hướng tới cuộc sống có ý nghĩa và tốt đẹp hơn.