CHƯƠNG 3. PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI TRONG VĂN XUÔI NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG
3.3.1. Giọng ngợi ca chân thành
Đặc điểm của loại giọng điệu này cho phép nhà văn thể hiện tình cảm, bộc lộ niềm tin yêu chân thành của mình đối với những con người mà nhà văn yêu mến, tin tưởng, khâm phục .
Gần trọn cuộc đời mặc áo lính, Nguyễn Khắc Trường đã dành nhiều tâm sức để xây dựng những nhân vật mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp và ông đã bày tỏ lòng tin yêu của mình với giọng điệu ngợi ca chân thành về họ. Chất giọng ấy có khi biểu hiện ở từng câu chữ, có khi toát ra từ âm hưởng chung của hình tượng nhân vật, hình tượng thiên nhiên vừa hoang sơ, vừa lộng lẫy. Nguyễn Khắc Trường luôn giữ thái độ cảm phục, ngưỡng mộ đối với những người lính, người anh hùng đã vượt lên gian nan, thử thách trong chiến tranh họăc là những người trẻ tuổi đầy bản lĩnh, sáng tạo trong thời hậu chiến. Với những nhân vật này, ông đã thể hiện tình cảm của mình giành cho con người và mảnh đất mà ông mến yêu, thương cảm, trân trọng : "Thật là một tiềm năng yêu nước dồi dào, quả quyết, mà vẫn tươi rói hồn nhiên, nhưng phải có những người như Núp mới biết khơi lên, rung lên cho nó cất thành tiếng ca"[32, tr.11] ; "Tôi bâng khuâng ngước nhìn lên ngọn núi phất phơ một dải mây chiều, miên man nghĩ về những truyền thống của
mỗi tộc người. Bà Y-a-Đố chưa phải là một tiên liệt. Nhưng thời ấy một nữ tù trưởng giàu mạnh đã dám sống hết mình với một phong trào khởi nghĩa ngay từ khi còn trứng nước ; bà đã đặt cả niềm tin vào những người lữ khách phương xa, khác với tộc người mình. Có được cảm quan ấy phải là một tấm lòng hướng thiện lắm. Tới nay qua những thăng trầm của lịch sử, những đắng cay ngọt bùi của hai cuộc kháng chiến, sự hướng thiện ở mảnh đất và con người nơi đây đã được nhân lên gấp bội. Một hạt giống đã nở ra những mùa gặt hái !"[32, tr.18].
Nguyễn Khắc Trường viết rất say sưa về những chiến công của đồng đội trong chiến tranh, đồng thời trân trọng những con người bản lĩnh, nghị lực trong cuộc sống đời thường sau chiến tranh. Qua ngòi bút của ông, hình ảnh người lính và núi rừng Tây Nguyên, vùng đất Quảng Trị hiện lên hùng vĩ lạ thường. Âm thanh nổi bật là tiếng thác reo của đoàn người hành quân theo chiến dịch, gợi lên không khí hào hùng của quân ta trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh chống Mỹ :“Các chiến sĩ đội mưa, rạch đêm tối hành quân vào vị trí chặn đường rút của địch. Đơn vị bộ binh và hoả lực đã đi trước. Giờ đến cao xạ. Những khẩu 14 ly 5 tháo rời từng bộ phận. Người khiêng, người vác lỉnh kỉnh đầy vai, ướt sũng sĩnh, thở ậm è, phun nước ra phì phì, lạnh buốt đến tận chân răng. Cây cối, dây rợ chắn ngang lối mòn, luôn luôn kéo đến người giật trở lại... Lũ dâng đầy, sùng sục quăng từng khối nước ngầu ngã, tanh sực mùi lá mục xuống thung lũng, đập ầm ầm vào vách đá, vang vọng trong đêm như nổi bão. Thác rừng dữ dội, nhưng vẫn thua thác người. Những trận đánh giáp mặt nơi đây cũng là một dòng thác. Chiến sĩ chúng ta được tôi luyện, gội rửa hết bụi bặm, cùng nâng tầm nhau lên ở chính nơi cọ sát khắc nghiệt nhất”[30, tr.52-53]. Ta bắt gặp những hình ảnh thật đẹp về sự thuỷ chung của những người lính đối với mảnh đất mà mình từng chiến đấu. Giờ đây, khi đất nước đã hoà bình, họ lại mang trong mình ước mơ xây dựng cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn cho mảnh đất bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh :“Trung đoàn tôi được giao dọn mìn, mở đất bên kia sông. Những người
lính từ trăm quê đến góp sức vừa làm một vành đai bảo vệ dân bản, vừa mở một quê mới. Mảnh đất bị tàn phá dai dẳng, từ nay sẽ được khoác tấm áo xanh, khoác tấm áo vàng, thắt dải thiên thanh là dòng Pô-cô sôi nổi”[31, tr.14] ; “Nơi đây, năm xưa đã nổ ra những trận điểm huyệt mở đầu, để rồi từ thế đứng này quân ta đánh thốc vào Quảng Trị, đánh thốc vào Huế... Bây giờ trong việc làm ăn lỗ lãi, miền đất nồng đượm này sẽ ra sao ?”[31, tr.119].
Bên cạnh đó, ta cũng bắt gặp sự nâng niu, trân trọng, chia sẻ của tác giả đối với những người tìm được phương pháp sản xuất phù hợp để tăng năng suất, chất lượng trong sản xuất ; “Hai mùa không phải bỏ ra một đồng bạc vốn để mua phân mà cây vẫn tốt ầm ầm, một mối lợi thật quá ư là hùng hồn ! Nó làm đà cho cây choái mít ngày một được nhân lên khắp vùng này. Bây giờ đi đâu cũng gặp tiêu và mít. Hai cây đan vào nhau, toả xanh trùm mặt đất. Đã được bói vụ đầu, mùi tiêu chín thoảng vị thơm cay đạp vào vị giác, cứ như đây đó đang có cỗ có bàn. Lúc vãn việc được đạp xe thong thả dọc đường nhựa, mắt ngắm những lô hồ tiêu vẫy gió lào đối với Quỳnh là những thích thú đặc biệt”[31, tr.122].
Nhà văn đã nhìn sâu vào mối quan hệ khăng khít của người lính với núi rừng, sông suối để phát hiện ra những vẻ đẹp tuyệt vời về mảnh đất mà họ đã từng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập cho dân tộc ta : “Mảnh đất như một tấm gương chói rực những trận đánh mang tầm lịch sử, đã nâng quê hương ta, dân tộc ta, và tôi luyện cho mỗi chúng ta thêm xứng đáng... tuổi trẻ của tôi được thử thách lại ở dải đất cao nguyên nóng bỏng này. Dải đất mà mỗi cánh rừng, con sông đều gắn liền với những kỷ niệm không thể nào quên”[31, tr.122] . Cũng như niềm tin sắt đá của họ giành cho con người và mảnh đất đó :“Đến bây giờ cuộc đời đau thương của cha mẹ như vẫn ngả một cái bóng huyền thoại vào ký ức Nghĩa. Tôi nghe chuyện mà nôn nao cả người, càng thấm hiểu những người dân Tây Nguyên, dù là dân tộc nào cũng đậm đà nghĩa tình , và đều đau thương quá đỗi”[31, tr.10] ; “- Mình biết mảnh đất này mặn nồng ân nghĩa lắm mà- Quỳnh nói bồi hồi, bỗng thấy mình lăn lộn
suốt những năm bom đạn ở dải đất ngùn ngụt nắng gió này thật không uổng”[31, tr.121] cùng với những ước mơ cho một cuộc sống tốt đẹp ở phía trước : “Cả đất và người thuỷ chung son sắt, giờ cuộc đời khởi sắc những trang vui”[31, tr.14] ;“ Miền đất mà mỗi bước đi gặp lại một kỷ niệm, mỗi bước đi lại như nghe thấy những lời thì thầm nhắn nhủ của đồng đội đã ngã xuống”[31, tr.119]. Mỗi đoạn văn nghe như lời thì thầm vọng lên từ lòng đất, từ cái thâm nghiên của núi rừng. Hình ảnh và hơi văn cho ta thấy được sự thuỷ chung sâu sắc của con người và vùng đất Quảng Trị, Tây Nguyên. Đất và người hoà quyện, gắn bó chân thành đã tạo nên mối quan hệ son sắt không thể tách rời :“Mỗi bước đi lại gọi về một kỷ niệm. Những kỷ niệm gọi ta về với đất, và mảnh đất gọi ta về với nhau”[31, tr.14]. Với những câu văn ngắn gọn, giàu sắc thái tình cảm như gửi gắm những tình cảm mặn nồng, một niềm tin rất đỗi chân thành. Chính quê hương đã bao bọc, che chở, cứu sống con người trong những giây phút đối mặt trực diện với kẻ thù : "Và đây là dòng sông Ba, sau mấy cơn mưa đầu mùa, nước đục ngầu sôi sục. Anh hùng Núp chỉ ngược lên phía thượng nguồn nói chính phía ấy ông đã bị thương trong trận bom B52, và Chơ Rấc – người vợ bây giờ đã kéo ông chạy xuôi theo dòng nước của sông Ba này để thoát cuộc săn bắt của lũ trực thăng quỷ quyệt"[32, tr.15]. Vì vậy, đối với những người đã trải qua gianh giới giữa sự sống và cái chết thì mối ân tình này càng bền chặt sắt son hơn.
Giọng điệu ngợi ca chân thành còn được thể hiện ở những lời bình giá trực tiếp của người kể chuyện. Trong văn xuôi sau 1975 của Nguyễn Khắc Trường, ta bắt gặp rất nhiều những lời ngợi ca chân thành chứa đựng tình cảm đặc biệt của tác giả giành cho nhân vật và đối tượng miêu tả. Chẳng hạn, khi miêu tả về cây mít với chức năng tạo giá đỡ cho cây hồ tiêu phát triển, tác giả viết :“Nó đã ít nhiều lấy được lòng người bằng chính sự xả thân của nó. Ấy là từ ngày được chặt cành, phát tán, mít đang tuổi ăn, tuổi lớn bỗng như người còi xương, thân sắt lại, vêu vao và thẳng đuột như con gái quá thì. Dưới đất rễ cũng co rút, ngắn tũn lại. Vậy là đạt yêu cầu ! Mít đã tự nguyện không sinh
con đẻ cái, không ra hoa kết quả ; chỉ đứng phía sau làm cái giá đỡ, làm chân hậu đài cho người khác khoe sắc khoe hương, trổ hoa, đơm trái, nhận tiếng thơm tiếng thảo, còn kẻ đứng làm tay đỡ chân nâng thì im lặng giấu mình”[31, tr.119-120]. Khi ngợi ca về con người hăng say, nhiệt tình với công việc cũng vậy :“ Tôi được biết sau ngày giải phóng, Nghĩa đã được cử đi học một lớp bồi dưỡng và về làm phó bí thư huyện đoàn. Một cô phó bí thư mới có 25 tuổi, năng nổ và bản lĩnh. Cách đây một tháng, Nghĩa bị thương vì mìn còn sót lại trong lúc đi chỉ đạo một trọng điểm khai hoang của huyện đoàn do thanh niên đảm nhiệm. Hiện Nghĩa đã ra viện, lại tối ngày lăn lộn với mảnh đất đã từng nhỏ máu”[31, tr.14] ; "Trước mắt ông già ngoài bảy mươi còn nhiều việc quá ! Mà toàn những việc nóng, phải làm ngay chứ không thể nhẩn nha tà tà ! Sau những năm tháng chiến tranh, Tây Nguyên đã nổi lên nhiều anh hùng, riêng con em đồng bào dân tộc đã có đến hàng chục, nhưng anh hùng Núp vẫn có một vai trò, một vị trí đặc biệt. Những buôn làng hẻo lánh trên dải đất miền Tây này vẫn rất cần đến bàn chân và tiếng nói của ông. Vì thế ông chưa thể nghỉ, và bản thân ông chưa bao giờ lại tính đến sẽ có lúc mình ngồi yên không làm gì !"[32, tr.20] . Bên cạnh đó, tác giả cũng giành những lời văn của mình để ngợi ca những con người mới trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước. Bởi trong xu thế phát triển của nông thôn ngày nay, ông đã phát hiện ra thế hệ thanh niên mới ở nông thôn – những con người đang tạo dựng cuộc sống mới với sự phóng khoáng và năng động một cách tinh tế. Đó là Đào và Tùng trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma. Nhà văn trân trọng họ là vì giữa muôn vàn vụ việc nhếch nhác của những phe phái đương chức đương quyền khoác trên mình chức danh đảng viên thì họ vẫn thẳng thắn, bộc trực, dám nhìn vào sự thật để nói lên những suy nghĩ của mình và nhận thấy cái tiêu cực để lên án, phê phán. Tuy phải sống trong bầu không khí luôn phải tranh giành, đấu đá để trả thù lẫn nhau giữa hai dòng họ nhưng hai người vẫn không bị lôi cuốn, không bị sự tha hoá làm vẩn đục tâm hồn và nhân cách của mình. Do vậy, nhà văn đã xây dựng nên hai nhân
vật với những việc làm của họ thể hiện lòng yêu mến chân thành của ông và họ cũng nhận được lòng yêu mến của bạn đọc bởi giọng điệu ngợi ca chân thành của nhà văn.
Giọng điệu ngợi ca chân thành đã góp phần thể hiện rõ quan niệm của nhà văn về sức mạnh, tầm vóc của những người anh hùng trong cuộc sống thời bình. Đồng thời, nó làm thành giọng điệu riêng trong văn xuôi sau 1975 của Nguyễn Khắc Trường.