Thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi sau 1975 của nguyễn khắc trường (Trang 91 - 96)

CHƯƠNG 3. PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI TRONG VĂN XUÔI NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG

3.1. KHÔNG GIAN – THỜI GIAN NGHỆ THUẬT

3.1.2. Thời gian nghệ thuật

Cùng với không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là “hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó”[10, tr.322].

Cũng như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật mang tính chủ quan của nhà văn và là một hình tượng nghệ thuật ước lệ. Thời gian nghệ thuật được đo bằng những thước đo khác nhau, bằng sự lặp lại đều đặn của các hoạt động đời sống được ý thức: sự sống, cái chết, gặp gỡ, chia tay, mùa này, mùa khác… tạo nên nhịp điệu trong tác phẩm. Nói tóm lại, “thời gian nghệ thuật gắn liền với tổ chức bên trong của hình tượng nghệ thuật… Thời gian nghệ thuật phản ánh sự cảm thụ thời gian của con người trong từng thời kỳ lịch sử, từng giai đoạn phát triển, nó thể hiện sự cảm thụ độc đáo của tác giả về phương thức tồn tại của con người trong thế giới”[9,tr.322-323]. Nó là sản phẩm sáng tạo của tác giả bằng các phương tiện nghệ thuật.

Với xu hướng thể hiện đời sống của con người và xu hướng phát triển xã hội ở thời kỳ hậu chiến, văn xuôi sau 1975 của Nguyễn Khắc Trường đã có sự chuyển đổi từ kiểu thời gian tuyến tính một chiều sang thời gian tâm lý nhiều chiều. Trong Thác rừng, Miền đất mặt trời, Gặp lại anh hùng Núp, yếu tố ký ức đã tạo cho tác phẩm của ông có kiểu thời gian tâm lý với sự chồng chéo, đan cài giữa quá khứ và hiện tại trong dòng ý thức miên man của nhân vật. Để thể hiện thời gian tâm lý, Nguyễn Khắc Trường đã sử dụng khá thành công và triệt để thủ pháp đồng hiện thời gian. Cho nên, thời gian ở đây không thể định lượng hoặc đo đếm được bởi những hình ảnh của quá khứ, hiện tại cứ đan xen với nhau.

Trong hai tập truyện ngắn này, quá khứ luôn luôn có mặt trong hiện tại và không ngừng chuyển động, thay đổi theo dòng hồi ức, tạo điều kiện cho nhà văn đi sâu vào diễn tả tâm lý của nhân vật. Hai tuyến thời gian quá khứ và

hiện tại luôn đan xen và không tách rời nhau. Thời gian hiện tại với Đàm và An trong Thác rừng là vào khoảng tháng 3 năm 1975 ở một tiểu đoàn pháo cao xạ đang chiến đấu ở chiến trường Trị – Thiên. Qua từng trận chiến, với những chiến công trong việc tiêu diệt kẻ thù xâm lược, thời gian đã làm cho họ nhận ra được sự hẹp hòi, ích kỷ của mình và nhận ra khi kết hợp suy nghĩ của cả hai lại thì hai người vẫn là sự cộng hưởng của nhau để giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ của mỗi người đối với các chiến sĩ dưới quyền cũng như đối với nhân dân qua suy nghĩ của Đàm: “Và mình còn nhìn rõ cả việc phải đặt sở chỉ huy như thế nào rồi. An ạ! Điều mà chúng ta tranh cãi hàng buổi không ngã ngũ, thì bây giờ chỉ cần một phút đứng đây, mình đã rõ tất cả.

Không hẳn phải ở sát nách trận địa, mà chỉ cần chọn một chỗ có tầm bao quát để giúp đơn vị nhận ra những điều mà bản thân thấy khó, có đúng không? Đây chính là con toán cộng, là sự bổ sung thêm ý kiến của An…”[30, tr.57]. Còn trong tập truyện ngắn Miền đất mặt trời, yếu tố đồng hiện về thời gian lại tiếp tục được tác giả sử dụng nhiều hơn. Thời gian trong đó không tuân theo trật tự tự nhiên mà mang đậm màu sắc tâm trạng theo dòng hồi tưởng của nhân vật “Tôi” trong Chuyện ghi chép bên bờ sông cao nguyên . Ở đó khi “Tôi” – người chiến sĩ trở về vùng đất mình từng chiến đấu, từng gửi trọn tình yêu cho một người con gái ở đây sau ba năm xa cách. Và giờ đây mỗi bước chân anh đi đều hiện hình những kí ức của những tháng ngày, chiến đấu gian khổ với kẻ thù: “Bấy giờ là những ngày thiếu thốn nhất của chúng tôi trong những năm 1974 – năm mà chiến sự ở ta gọi với danh từ là “thế da báo”[ 31, tr.5] và những kỷ niệm về những giây phút chiến đấu bên người con gái mà anh thầm thương, trộm nhớ: “Những tiếng kêu ầm oái phía sau.

Đạn bắn theo chíu chít. Thấy tốp địch bên sườn tới gần, tôi đẩy vai nghĩa giục chạy, rồi quay sang lăng lựu đạn. Địch đã xô đến từ hai phía, súng nổ dậy cánh đồng. Tôi vừa bắn, vừa cơ động, miệng gọi : "Nghĩa ! Nghĩa !" . Nhưng không còn thấy bóng áo đen đâu nữa. Tới bờ sông, sóng sùng sục

dựng bờm, đạn vẫn đuổi theo như ong, tôi chỉ kịp thu cây súng, rồi phóng mình xuống dòng nước tàng hình... Tối ấy, khi lấy được gạo, chúng tôi phải về gấp. Khoác chiếc ba lô căng đầy sự no ấm trên lưng, nhưng lòng tôi có một khoảng trống xót xa : Nghĩa vẫn chưa về ! Lần này tôi thấy mình thực sự bị mất mát ” [31, tr.10 – 11]. Đem theo mối tình thuỷ chung cùng với những kỷ niệm về mảnh đất cao nguyên, anh lại tiếp tục hành quân theo chiến dịch cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, anh lại trở về đây để tìm gặp người xưa và để tiếp tục với nhiệm vụ mới của người lính sau chiến tranh với biết bao bồi hồi, xao xuyến về con người và mảnh đất nơi đây : “Vậy mà cho đến tận hôm nay, đúng ba năm, hơn một ngàn ngày, bàn chân của người lính đã đi khắp non cao, rừng rậm, băng xuống một thành phố miền biển, bây giờ tôi lại trở về đây. Mảnh đất như một tấm gương lửa chói rực những trận đánh mang tầm lịch sử, đã nâng quê hương ta, đồng đội ta, và tôi luyện cho mỗi chúng ta thêm xứng đáng... Cả đất và người thuỷ chung son sắt, giờ cuộc đời khởi sắc những trang vui ” [31, tr.13 – 14] . Còn trong Gặp lại anh hùng Núp, kết cấu kiểu thời gian này đã giúp tác giả tái hiện được sự ngút ngàn về thời gian của truyền thống yêu nước vốn luôn có sẵn và thường trực trong mỗi con người của đồng bào, các dân tộc thiểu số sống trên mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ mà luôn thấm đẫm tình người. Từ thời điểm hiện tại, với việc gặp gỡ ông chủ tịch mặt trận tổ quốc của tỉnh Gia Lai – Kon Tum, qua trò chuyện, tác giả đã tái hiện lại cuộc đời của con người này qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ và cả giai đoạn hoà bình sau này nữa. Qua cuộc đời của ông, ta thấy hiện lên ý chí chống giặc cứu nước của người dân nơi đây luôn âm ỉ sống trong trái tim mỗi người từ xa xưa – thời của bà nữ chúa Y – a Đố, một nữ tù trưởng có tinh thần nghĩa khí hào hiệp kêu gọi trai tráng của buôn làng mình gươm giáo lên đường đi theo nghĩa quân Tây Sơn để làm việc lớn, trở thành cơ sở giàu mạnh chi viện sức người, sức của trong phong trào yêu nước Tây Sơn. Vì vậy, bà trở thành đức tin không thể thiếu được của bộ

tộc Ba – na trên mảnh đất Tây Nguyên này. Nhờ sự hồi tưởng về truyền thông yêu nước thời xa xưa qua lời kể của anh hùng Núp, tác giả đã giúp chúng ta hiểu được truyền thuyết lịch sử về người nữ anh hùng, cũng như tình yêu sâu đậm mà bà giành cho người anh hùng áo vải - Nguyễn Nhạc. Từ truyền thống yêu nước thời xa xưa này, qua nhân vật trung tâm là anh hùng Núp, truyền thống yêu nước của nhân dân Tây Nguyên lại tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong chiến tranh chống Pháp và thời điểm những năm 1964, 1965 khi Mỹ ồ ạt đem quân chiếm đóng ở khắp các buôn làng trên dải đất Tây Nguyên. Với tinh thần tự nguyện, mỗi người dân trở thành một chiến sĩ chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng nước nhà : “Con gái mới lớn xin vào du kích, những thiếu phụ thì cười đỏ mặt nói lơ lớ : “Chồng mình đi bộ đội rồi, mình bận nhiều con nhỏ, nhưng mình sẽ ủng hộ nhiều thóc cho cách mạng”” [32, tr.12]. Rồi khi đất nước hoà bình, năm 1977, anh hùng Núp lại hiện lên với vai trò vận động nhân dân làng K không theo chế độ phản động của Phun-rô nữa, cũng như thời điểm hiện tại, với vai trò chủ tịch mặt trận của tỉnh, ông tìm đến những nơi xa xôi hẻo lánh để vận động đồng bào thiểu số từ bỏ lối sống du canh, du cư để định cư, sống ổn định, làm kinh tế để thoát khỏi đói nghèo...Ở mọi thời điểm trong cuộc đời của người anh hùng này, Nguyễn Khắc Trường đã thể hiện hình ảnh của một con người sống hết lòng vì việc chung.

Trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nguyễn Khắc Trường cũng sử dụng thành công kiểu kết cấu đan xen giữa quá khứ và hiện tại qua sự hồi ức của các nhân vật. Để làm rõ nguồn gốc tiểu sử của con người Quềnh, tác giả đã để cho nhân vật hồi ức về cuộc đời mấy mươi năm trước đó: “Ngày ấy có một chàng trai tuổi mới mười bảy, nhưng lớn phổng phao như là thanh niên

[29, tr.110]. Những chuyện từ thời xa xưa cũng luôn cựa quậy trong tâm trí của nhân vật Hàm : “Một nửa người ông chìm trong mây thuốc. Chỉ thấy cái đầu muối tiêu gật gù bồng bềnh trong khói mờ. Mồi thuốc làm ông tê mê, bần thần cả chân tay đầu óc. Ông ngồi tĩnh tâm, mắt lờ mờ, làn khói bay lởn vởn,

bỗng đưa trí não ông Hàm trôi ngược về tuổi cách đây hơn 30 năm về trước khi ông Trịnh Bá Hoành từ giã cõi đời” [29, tr.62]. Từ chuyện nguyên nhân có cuộc xung đột, thù oán giữa hai dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình qua lời kể của ông Trịnh Bá Hoành đến chuyện tô tem của dòng họ Trịnh Bá với hình ảnh ông hổ gác đó thời tiền sử của gia tộc. Rồi cả câu chuyện tình không thành của bà Son – ông Phúc ; chuyện thương tâm bởi đêm tân hôn của bà Son – vợ ông Hàm đầy mùi vị địa ngục cách đây gần bốn mươi năm. Người đọc bắt gặp được nhiều cụm từ thể hiện sự hồi tưởng của nhân vật : ‘‘ Ngày ấy’’[29, tr.10], ‘‘đời kỵ’’[29, tr.75], ‘‘đến đời bố’’[29, tr.77], ‘‘hồi ấy’’[29, tr.78]. Qua tác phẩm, chúng ta thấy được bút pháp đồng hiện được tác giả sử dụng rất khéo léo, linh hoạt. Không chỉ có sự đan cài giữa kí ức quá khứ với hiện tại mà ngòi bút của Nguyễn Khắc Trường còn chú ý tới sự xen lẫn giữa sự việc, hiện tượng xảy ra trước – sau. Nhìn chung, trong tiểu thuyết này, các vấn đề cứ theo một sự sắp xếp dường như có quy luật như vậy. Thông thường thì những gì đang xảy ra ở hiện tại sẽ được giải quyết sau khi liên tưởng vấn đề đó trong quá khứ. Nó được đan cài, hoà trộn với nhau không dứt ra được.

Tác giả cứ từ từ, lần lượt đi theo làm rõ ngọn nghành các sự việc. Lúc đầu, khi tiếp xúc với tác phẩm, bạn đọc sẽ có cảm giác làm rối lối suy nghĩ nhưng càng đọc thì lại thấy các vấn đề được bung ra, sáng dần ra. Tác giả sử dụng lối viết đan xen như vậy để nhằm giải thích, nêu nguyên nhân và đưa ra cách lý giải của vấn đề đang muốn phơi bày một cách rõ ràng hơn. Ngoài ra về cách tổ chức thời gian, cũng được tác giả thể hiện một cách có sự liên kết. Mở đầu tác phẩm, tác giả miêu tả cái túng, cái đói vào những ngày giáp hạt của dân xóm Giếng Chùa : ‘‘ Không dè cái đói giáp hạt này lại có đủ móng vuốt nhảy xổ vào cả xóm Giếng Chùa, xóm vẫn quen đứng đầu về cái sang, cái giàu toàn xã...’’[29, tr.5]. Đến cuối tác phẩm, có dòng chữ ghi : ‘‘Những ngày giáp hạt năm 1988’’[29, tr.385]. Nhìn chung, các phần mở đầu hay kết thúc đều gắn liền với thời điểm chiều tà, bóng tối. Chúng ta hãy xét một vài phân đoạn

sau : ‘‘Quyết thế rồi, chập choạng tối, ông Hàm đến nhà Thủ...’’[29, tr.64] ;

‘‘Đã tối sờ sẫm. Xóm làng trở về tĩnh mịch’’ [29, tr.70] ; ‘‘Đêm. Bầu trời bùng bìu vá víu nhau trong những đám mây lờm xờm tựa một tấm da thịt nham nhở. Hôm nay là ngày cùng tháng kiệt trăng bỏ trốn, chỉ còn những vì sao yếu ớt bị nuốt trong mây xám. Đêm càng mông lung vừa bí hiểm, vừa bồi hồi vẫy gọi. Đêm che chở và đêm đồng lõa’’ [29, tr.82]. Ngay cả những trang mở đầu gắn liền với cảnh đói kém của những ngày giáp hạt là những hồi ức về nhân vật Quềnh mấy mươi năm về trước đã có cuộc tình với ma trong bóng đêm. Trong đêm tối, ông Phúc đến nhà người em thoả thuận để đón cha về sau ba mươi năm cha con quay lưng lại với nhau. Tiếp đó là cảnh đám ma cụ cố Đại trong đêm, cảnh cu Thó lợi dụng đêm tối bê trộm hũ rượu rồi cùng Quềnh uống say bí tỉ. Cũng trong đêm tối Thủ và Cao bày trận địa giả đẩy bà Son vào cái chết oan khiên. Rõ ràng thời gian đêm tối ở cái xóm Giếng Chùa bé nhỏ này là ngự trị trong Mảnh đất lắm người nhiều ma. Phải chăng chính bóng tối đã thống lĩnh gần như trọn vẹn tác phẩm đã một mặt nào đó thể hiện được sự đen tối, u ám, mông lung đang chất chứa trong cuộc sống con người nơi đây.

Như vậy, kết cấu đồng hiện về thời gian đóng vai trò quan trọng và là một đặc điểm nổi bật trong các tác phẩm văn xuôi sau 1975 của Nguyễn Khắc Trường.

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi sau 1975 của nguyễn khắc trường (Trang 91 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)