Ngôn ngữ nhân vật

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi sau 1975 của nguyễn khắc trường (Trang 105 - 109)

CHƯƠNG 3. PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI TRONG VĂN XUÔI NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG

3.2.2. Ngôn ngữ nhân vật

Bên cạnh ngôn ngữ trần thuật thì ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm văn xuôi sau 1975 của Nguyễn Khắc Trường cũng có giá trị cá thể hoá rõ rệt. Đến vớí các tác phẩm của ông, người đọc như có cơ hội nhận ra năng lực thể hiện ngôn ngữ của một nhà văn lớn. Bằng việc hướng ngòi bút của mình vào việc khám phá mọi mặt của cuộc sống hằng ngày, ngôn ngữ nhân vật đã thể hiện rõ những ưu thế rõ rệt của nó. Bởi đây được coi là phương tiện tốt nhất để chuyển tải tư tưởng nghệ thuật của nhà văn và đi sâu vào việc khắc hoạ tính cách cũng như thể hiện chiều sâu trong tâm lí của con người. Tác giả đã mang đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ và toàn diện về cuộc sống, với đầy đủ cách sống, cách cảm, cách nghĩ trong mỗi cá nhân con người như những gì vốn có. Qua đó thể hiện khát vọng được nói thật, nhìn thẳng vào sự thật của các nhà văn khi phản ánh, nhìn nhận lại cuộc sống con người trong thời hậu chiến.

Ngôn ngữ nhân vật đã được Nguyễn Khắc Trường đi sâu vào phân tích, mổ xẻ nhân vật qua việc sử dụng ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật. Qua những cuộc đối thoại “ngầm” và đối thoại “công khai”, người đọc sẽ nhận xét, cảm nhận và lắng nghe được tiếng nói bên trong của nhân vật. Nguyễn Khắc Trường thật tài tình khi thể hiện tình cảm đặc biệt của cô du kích giành cho anh chiến sĩ trong chiến tranh khi mà con người ta phải đối mặt giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc: “- Anh!... Nghe lời em! Em muốn có anh!

Nhưng muộn rồi! Nó thấy em rồi, không nên để lộ thêm anh nữa! Anh đi đi!”[31, tr.11]. Để rồi hình ảnh người con gái đó luôn hiện hình trong trái tim người lính trẻ trên khắp các nẻo đường chiến trận và rồi khi đất nước hoàn toàn giải phóng anh đã quay về tìm gặp người xưa với ước mong xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc ở chiến trường đã từng in dấu chân anh. Hay qua những suy tư, trăn trở của Huỳnh trong Câu chuyên ngày đầu, ta càng hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của những người lính luôn mong muốn đem lại cuộc

sống ấm no cho đồng bào của mình: “Làm hay không? Gieo lúa hay trồng sắn cho nhanh? Hay chỉ giao lại mảnh đất đang bề bộn? Lúc này là tuỳ mình.

Không ai kiểm tra cũng không ai có thể trách cứ. Đến nơi mới, trồng cây mới rồi ta lại vun xới, rào giậu. Ý nghĩ ấy vuốt ve, rủ rê Huỳnh đi vào con đường hẹp, cho tới khi lên giường nằm, tĩnh tâm lại, Huỳnh bỗng thấy như có một cặp mắt đang nheo nheo nhìn mình giễu cợt: Thì ra tầm mắt, tầm tay anh cũng chỉ có vậy thôi ư? Cái anh chàng nông dân cá thể lâu nay vẫn ẩn náu ở chỗ nào trong anh vậy? Cứ tưởng hắn đã bị đẩy lùi trong lửa đạn, nào ngờ bây giờ hắn lại có dịp cựa quậy, lại hồi tỉnh để cò kè đấy phỏng? Anh tiếc công? Anh tiếc của? Sao anh không biết tiếc đây là dịp giao lại một phương thức làm ăn mới, một cách tổ chức mới cho những người dân bao đời thiếu chữ, thiếu cơm, sống lang thang, xa lạ với đời?”[31, tr.72-73]. Nguyễn Khắc Trường cũng rất tinh ý khi phát hiện ra được ngôn ngữ ngầm đang trao đổi giữa Huỳnh và Kim Tước trong Câu chuyên ngày đầu khi hai người chưa tìm được tiếng nói chung trong công việc: “Kim Tước đi thẳng vào phòng của trung đoàn trưởng. Nhưng sự đời đến là éo le! Chính lúc ấy, Huỳnh đang bực bõ việc gia đình, và lại xoay quanh chuyện phụ nữ. Huỳnh đi đi lại lại, bụng hỏi dạ : chả nhẽ mình sinh ra để hứng chịu sự phản trắc cùng những lời than cớ vẩn của “họ” hay sao? Nên khi nghe cái giọng cứng cỏi của Kim Tước, anh vẫn không thay đổi ý định: Cày! Kim Tước nhìn vẻ mặt không bình thường của Huỳnh, nhưng lại nghĩ: À, anh ấy đang nghe với đôi tai của người có quyền đây! Và anh ấy không thích cấp dưới động chạm vào cái quyền ấy.”[31, tr.41-42]. Hay cuộc đối thoại ngầm giữa Thủ và Phúc tại đám tang của cụ cố Đại trong Mảnh đất lắm người nhiều ma: “Phúc nhìn chằm chằm vào động tác của Thủ, bụng bảo dạ “Hắn vẫn đứng sõng lưng và chỉ vái một vái chứ không phải ba vái như mọi người. Đây dứt khoát là sự cố ý. Biết thế!”

(…) Phúc nghiêng người đáp lại, cặp mắt ba góc nhìn Thủ thầm báo: “Tôi biết anh muốn nói những lời chúc mừng kia!” và ánh mắt của Thủ đáp lại

cũng không vừa: “Dù thế nào đi nữa thì lúc này ông vẫn rất cần sự có mặt của tôi. Đời là thế mà!”[29, tr.47]. Qua đoạn đối thoại trên chúng ta thấy được sự hằm hè, đối chọi nhau giữa hai con người đại diện cho hai dòng họ xưa nay vốn thù oán nhau. Đoạn đối thoại ngầm giữa Thủ và Sửu khi giải tán đám nổi loạn vụ ông Hàm đào mộ bố ông Phúc: “Đôi mắt thường ngày hay nheo cười lấy lòng, bây giờ ánh lên sắc lạnh. Thủ liếc nhanh sang Sửu như muốn nói: “Anh chỉ tổ gây thêm việc. Đáng lẽ phải vờ nhún để lấy lòng họ, để dập tắt đám cháy, rồi sẽ tìm cách phản công sau thì anh lại chọc tức họ, rõ là chọc tổ ông, ngốc!”. Sửu đã đọc được những lời chỉ trích ấy và ông chủ tịch

“xổ xố” đứng co người lại”[29, tr.112].

Nhà văn sử dụng đối thoại công khai giữa các nhân vật, điều này làm cho nhân vật có điều kiện thuận lợi để thổ lộ nỗi niềm bên trong của mình trong những hoàn cảnh khác nhau của các nhân vật. Cuộc đối thoại giữa Lưu – kỹ sư nông nghiệp và Quỳnh – Giám đốc nông trường diễn ra tuy ngắn gọn nhưng cũng giúp chúng ta thấy được sự nóng giận của cô kỹ sư khi cô cảm thấy mình bế tắc khi những mâu thuẫn trong cuộc sống đời thường chưa được giải quyết:

“- Đấy, người ta chửi tui lu bù vậy đó! cũng là bộ đội chuyển ngành đó ! Tui trả việc lại cho anh thôi, một ngày tui cũng không làm nữa mô! Dại chi còn mang việc để thêm mang thù mang oán!

- Thì cô hãy bình tĩnh đã nào. Khôn với dại gì mà lạ thế.

- Còn răng nữa, có dại mới bị người ta lợi dụng!

- Dại thế nào? Làm việc cho Nhà nước mà cô bảo là dại, là bị lợi dụng à?

- Tôi nói thiệt đó, bắt bẻ thì tui sai, vì tui không biết nói lý, không biết nói kín cạnh mô! Nhưng thiệt là cứ khôn sống mống chết, người làm người hưởng cứ xảy ra đều đều!”[31, tr.106-107].

Cuộc nói chuyên giữa ông Phúc và bà Son trong Mảnh đất lắm người nhiều ma cũng đã thể hiện được tâm trạng buồn tủi, thiếu hạnh phúc trong cuộc sống gia đình của bà:

“- Thế ra bà cũng khổ à? Tôi lại cứ nghĩ bà sung sướng lắm !

Bà Son nói hào hển như hụt hơi : - Đâu phải có ăn có mặc là sướng. Có khi bữa rau, bữa cháo vẫn sướng mà có cơm ăn ba bữa, có quần chùng áo dài vẫn là khổ.

- Nhưng chả nhẽ bà lại không có quyền gì trong gia đình ? Nghe người ta nói bà muốn may sắm gì, mua bán gì từ bộ quần áo đến việc đi góp giỗ bên ngoại cũng phải hỏi chồng ?

- Đấy ! Tôi sung sướng như thế đấy ! Sướng đến có tiền, có gạo trong tay mà chi tiêu, mua sắm gì cũng phải ngửa tay xin. Rõ thật cái thân tôi!”[29, tr.198].

Trong tác phẩm của Nguyễn Khắc Trường, mỗi nhân vật đều có tiếng nói riêng, tạo nên bức chân dung tự họa độc đáo, không ai giống ai. Chẳng hạn như trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, thì ngôn ngữ của Thủ khôn khéo, dẽ dàng, ăn nói giữa chừng, thể hiện một con người mưu mẹo, thủ đoạn, có tài cảm hoá, xoay chuyển tình thế: “Thằng Thủ không hống hách mà nó mị dân.

Ông Phúc giải thích - Nó có hét lác ai đâu, mà cứ dim dỉm mật ngọt chết ruồi!”[29, tr.318]. Còn ngôn ngữ của ông Hàm rít nóng, thể hiện kẻ bề trên, gia trưởng: “Bà đến đây để sinh sự phải không? Bà có biết đây là đâu không?

Đây là chốn gia giáo, chứ không phải là nơi cáo tha”[29, tr.206].

Tóm lại, ngôn ngữ văn học vừa là yếu tố hình thức, vừa là nội dung với tư tưởng của nhà văn được thể hiện trong tác phẩm. Có thể nói, thông qua ngôn ngữ nhân vật, Nguyễn Khắc Trường một lần nữa chứng tỏ một ngòi bút giàu có về ngôn ngữ. Điều này đã góp phần làm nên những trang văn mang đậm sắc thái cá tính sáng tạo của chủ thể qua nghệ thuật ngôn từ trong các tác phẩm văn xuôi của ông.

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi sau 1975 của nguyễn khắc trường (Trang 105 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)