Giọng cảm thương chia sẻ

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi sau 1975 của nguyễn khắc trường (Trang 115 - 124)

CHƯƠNG 3. PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI TRONG VĂN XUÔI NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG

3.3.2. Giọng cảm thương chia sẻ

Đến với nghệ thuật trong văn xuôi sau 1975 của Nguyễn Khắc Trường, ta còn bắt gặp tác giả sử dụng giọng điệu cảm thương, chia sẻ. Trước hết giọng điệu cảm thương, chia sẻ thể hiện qua sự đồng cảm với số phận của các nhân vật. Trong tập truyện ngắn Miền đất mặt trời, Huỳnh (Câu chuyện ngày đầu) cả cuộc đời phải gánh chịu sự phản bội của người vợ. Năm 18 tuổi, anh đã kí thác cả lòng mình cho cô thôn nữ cùng quê để tập kết ra Bắc, những tưởng hai năm sau anh sẽ được trở về. Nhưng rồi, anh đi năm năm, mười năm, chiến tranh chia cắt hai miền, anh không có cách nào liên hệ với người vợ ở quê nhà. Lòng thuỷ chung của anh thể hiện ở chỗ anh luôn cất kỹ chiếc khăn tay thấm đẫm nước mắt của vợ hôm chia tay, và mang theo khắp các chiến trường với lòng mong nhớ khôn nguôi. Sau ngày đất nước giải phóng, anh trở về nhưng khi chưa hết phép anh đã trở lại đơn vị với nỗi đau không che giấu nổi vì người vợ đã đi lấy chồng. Nhà văn bày tỏ niềm cảm thông qua cái nhìn của đồng đội:“Nhưng rồi chưa hết ngày nghỉ đã thấy Huỳnh lên. Gầy đi, sắt lại, trầm lại. Nỗi đau đến với anh như một lưỡi dao sắc quá, máu không chảy ra mà lặn vào, cào xé gan ruột. Cái con người anh ấp ủ yêu thương suốt hai mươi năm kia đã trả công anh bằng sự phản bội!”[31, tr.46].

Lúc này, Huỳnh chỉ biết lặng đi, xót xa và anh thấy mình cần phải đến thăm bà mẹ của con người đã đem lại nỗi đau trong anh để chia sẻ với nỗi đau của bà và cũng là nỗi đau của chính mình. Dòng văn viết về cảnh Huỳnh đến gặp bà mẹ của người đàn bà phản bội mình đi theo địch thật cảm động: “Huỳnh

cầm bàn tay giá lạnh của bà nâng dậy, bỗng thấy buốt cả sống lưng. Lúc ấy anh như sờ nắm được cái hậu quả tàn phá dã man của kẻ thù. Huỳnh về nói chuyện với gia đình nên coi bà mẹ cô đơn kia như hàng xóm láng giềng.Sông có khúc, người có lúc, giờ vẫn khinh gét nhau tội nghiệp”[31,tr.47] .

Lưu trong truyện ngắn Miền đất mặt trời là người phụ nữ sinh ra và lớn lên ở vùng đất chiến tranh ác liệt. Cuộc đời cô cũng đầy đau thương như bao cuộc đời khác. Bất hạnh đầu tiên mà Lưu phải gánh chịu trong cuộc đời của mình đó là phải tận mắt chứng kiến sự hy sinh của cha khi ông không chịu khuất phục kẻ thù. Nỗi đau chưa qua đi được bao lâu thì cô phải gánh chịu thêm nỗi đau nữa khi mà người mẹ không giành trọn tình yêu cho mình mà đi tìm hạnh phúc với người đàn ông khác. Rồi cô phải xa mẹ và ra Bắc học tập.

Khi ra đi, Lưu 14 tuổi, nhưng đã có dáng dấp của một người con gái trưởng thành. Đưa tiễn cô đến trạm giao liên là anh du kích cùng quê. Và khi ấy Lưu đã hướng trái tim mình về người con trai đồng hương với lời ước hẹn đầu tiên trong cuộc đời mình. Thế nhưng khi cô học tập thành đạt trở về thì phải đón nhận một sự thật phũ phàng. Đó là người yêu của cô đã hy sinh. Tấm lòng nhân hậu, sự cảm thông với những mất mát, hy sinh của nhân dân ta trong những năm chiến tranh chống Mỹ đã được tác giả tái hiện trọn ven trong cuộc đời của Lưu.

Quan tâm đến những số phận bi kịch, các trang văn của Nguyễn Khắc Trường thấm đẫm tinh thần nhân đạo, ẩn chứa niềm cảm thương và sự chia sẻ chân thành. Trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma, cũng có nhiều cuộc đời bất hạnh, đáng thương. Đó là số phận của lão Quềnh – một con người lạc loài của xóm Giếng Chùa vì đã trót có tình yêu với ma. Con người khốn khổ này đã phải chịu một cái chết khốn khổ bởi khi chết không có người rước đưa, không kèn, không trống mà tủi phận hơn là đứa em ruột của lão coi cái chết của lão như một gánh nặng phải nhanh chóng quẳng đi. Truyền thống đạo lí : nghĩa tử là nghĩa tậnđã phải nhường chỗ cho sự tha hoá trong nhân cách con người, khi mà “Quàng quyết định chôn anh mình thật nhanh. Con

ma keo kiệt trong người Quàng làm một việc táng tận lương tâm. Hắn chôn ông anh khốn khổ bằng bó chiếu”[29, tr.51]. Thương cảm cho số phận khổ đau của lão, người đàn bà tứ cố vô thân, xa lạ, đang tha phương cầu thực cũng rơi nước mắt:“Người đàn bà đứng sững chẳng hiểu ra làm sao. Chị quay lại, cúi xuống đưa bàn tay cóc cáy bóp bóp một hòn đất trên mộ lão Quềnh. Một giọt nước mắt hiếm hoi chắt ra từ cặp mắt khô của chị rơi xuống. Đây là giọt nước mắt duy nhất rỏ trên mộ lão Quềnh ! Chị khóc cho người mới gặp tình cờ, chị khóc cho con, chị khóc cho mình”[29, tr.52-53]. Đau khổ hơn cho cuộc đời của Lão là sau khi đã được chôn, lão lại bị đào lên để được đặt vào bộ áo quan mà thằng em khốn nạn của lão không dám bỏ tiền ra để mua mà xã phải chi tiền mua cho sau khi có đơn kiện gửi lên Huyện. Khi đọc những dòng viết về lão Quềnh bị chôn lần thứ hai, trong chúng ta ai cũng cảm thấy đau đớn :“Vậy thì lão Quềnh được ưu đãi hay lão phải chết hai lần ? Chôn xuống rồi lại moi lên đã là điều xưa nay cấm kị... Để được nằm trong bộ áo quan, nghĩa là được chết bình đẳng như những người khác, lão phải vui lòng đón nhận thêm một sự vất vả khi đã nhắm mắt xuôi tay. Nghĩa là lão phải hi sinh một lần nữa để cứu danh dự cho người khác đấy !”[29, tr.57]. Cuộc đời bà Son cũng là một số phận tiêu biểu cho bi kịch của người phụ nữ trong xã hội nông thôn cổ hủ. Bất hạnh đầu tiên là tình yêu đầu đời không thành. Khi còn trẻ, bà đến với ông Phúc bằng tình yêu chân thành, bằng sức sống mãnh liêt của tuổi trẻ. Bởi vậy khi ấy, bà đã đem sự trong trắng của đời người con gái cuồng nhiệt trao cho ông Phúc. Thế nhưng đáp lại tấm chân tình của bà là sự hèn nhát khi ông Phúc không dám làm gì để bảo vệ người mình yêu. Quá thất vọng với mối tình đầu, mối tình mà bà đã đặt cả niềm tin và số mệnh của mình trong đó, nhưng kết quả lại không như mong đợi, bà đã chiều theo ý gia đình mình để lấy ông Hàm. Ngay sau đó một tuần, bà đã làm lễ thành hôn với ông Hàm- một người mà bà không hề yêu. Hôn lễ của bà và ông Hàm được tổ chức linh đình nhưng sau đó là bi kịch nối tiếp bi kịch xảy ra đối với cuộc đời của bà. Người mà bà yêu thì không đến được với nhau. Còn người yêu bà thì

ngay trong đêm tân hôn đã dở máu ghen tuông, khiến cho bà phải cuốn chăn quanh người, ngồi co vào góc giường, nước mắt chảy ngoằn ngoèo trên má.

:“Đêm động phòng có mùi vị địa ngục ấy đã gần bốn mươi năm nay. Những gì diễn ra đêm ấy chỉ có vợ chồng ông Hàm và bốn bức tường biết...còn Son hai má đỏ au, đôi mắt nhung nhìn rất đằm như e lệ. Son cố đi tự nhiên, cố giấu hai “con trạch” vẫn lằn đỏ, bỏng rát, vắt chéo trên đùi non”[29, tr.81] . Bi kịch của bà Son không phải là bi kịch vật chất thông thường, mà là bi kịch tinh thần, bi kịch về thân phận của một cuộc sống gia đình không có tình yêu vợ chồng. Bà là cái cây tầm gửi trong một gia đình khá giả về kinh tế:“Mang tiếng là chồng con nhà cửa đề huề, cả đời chưa biết cái đói, cái rét. Nhưng hỏi có bao nhiêu ngày bà thấy mình được sung sướng, mãn nguyện ? Có bao nhiêu giờ phút bà được trôi nổi trong ngọt ngào mê đắm ?... Chưa ! Đã bao giờ bà thấy mình là một cành tầm gửi, và ông Hàm là cái cây vững chắc để bà bíu vào, tựa vào ? Chưa ! Chưa bao giờ ! Nhưng bà đã làm hết bổn phận của một người vợ, tận tâm, tận lực. Khi buồn, khi giận, bà nén chặt vào tim, nuốt sâu vào lòng, chứ không một lời than thở, oán trách”[29, tr.142] .

Như vậy, bằng giọng điệu cảm thông chia sẻ, Nguyễn Khắc Trường đã tạo được sự đồng cảm của người đọc đối với những con người bất hạnh trong chiến tranh cũng như trong thời bình. Đây là một trong những sắc thái giọng điệu giúp người đọc cảm nhận rõ chủ đề trong các tác phẩm của nhà văn, góp phần tạo nên phong cách nghệ thuật trong văn xuôi Nguyễn Khắc Trường.

KẾT LUẬN

Quá trình sáng tác của Nguyễn Khắc Trường gần như trùng khít với hành trình đổi mới của văn học Việt Nam những năm sau chiến tranh. Sau hơn 30 năm sáng tác, Nguyễn Khắc Trường là một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu cho thời đổi mới. Ông đã có những đóng góp quan trọng cho văn học sau 1975, đặc biệt là vấn đề nông thôn. Cùng với các nhà văn tiêu biểu khác (Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Chu Lai, Dương Hướng,...), Nguyễn Khắc Trường đã bền bỉ tạo nên một dòng chảy riêng giữa nguồn chung của văn chương đương đại. Bên cạnh đó ông cũng là người có nhiều tìm tòi, có ý thức cách tân trong nghệ thuật nhằm tạo hiệu quả trong cách thể hiện con người theo quan điểm riêng của mình. Mỗi tác phẩm là sự chắt chiu, góp nhặt của nhà văn qua những chuyến đi, tìm hiểu về cuộc sống và con người. Vì thế sáng tác của nhà văn đã để lại những ấn tượng khó phai trong lòng người đọc.

Xét từ quan niệm nghệ thuật về con người, chúng tôi nhận thấy trong các sáng tác văn xuôi sau 1975 của Nguyễn Khắc Trường có một số điểm cơ bản sau:

1. Nguyễn Khắc Trường thể hiện rõ quan niệm của ông về con người, nói cách khác, qua văn xuôi, ông đã xác lập một quan niệm rõ rệt về con người vốn là một phạm trù quan trọng của thi pháp học, là điểm tựa của sáng tác văn học và tiếp nhận văn học. Quan niệm nghệ thuật về con người là hướng tiếp cận hợp lí để tìm hiểu, đánh giá giá trị nhân văn của tác phẩm văn học, là cơ sở cho người tiếp nhận có những lí giải đúng đắn về sáng tạo nghệ thuật của nhà văn trong sáng tạo văn học. Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi sau 1975 đã có những biến đổi quan trọng theo hướng dân chủ hóa. Văn xuôi Việt Nam giai đoạn này trong đó có tác phẩm của Nguyễn Khắc Trường, hướng về con người với những số phận cụ thể.

2. Nghiên cứu con người trong văn xuôi sau 1975 của Nguyễn Khắc Trường nhằm nhận diện tư tưởng của nhà văn về xã hội và con người. Nhà thơ vĩ đại của Ấn Độ - Rabindranath Tagore đã từng nói: "có thể vượt qua thế

giới lớn lao của loài người không phải bằng cách tự xoá mình đi, mà bằng cách mở rộng bản sắc của chính mình". Trên hành trình sáng tạo văn học mấy chục năm của mình, Nguyễn Khắc Trường đã không ngừng suy nghĩ, kiếm tìm và thể nghiệm. Là một trong số những nhà văn tiêu biểu của nền văn xuôi chống Mỹ, Nguyễn Khắc Trường đã đáp ứng được yêu cầu của văn nghệ lúc bấy giờ là phục vụ kháng chiến , phục vụ cách mạng. Sau chiến tranh với mong muốn đổi mới chính mình, Nguyễn Khắc Trường đã làm mới được mình bằng những tác phẩm tiêu biểu . Với những phấn đấu không biết mệt mỏi, Nguyễn Khắc Trường đã tạo cho mình một thế giới nghệ thuật riêng.

Trong quan niệm của ông, con người dù là trong chiến tranh hay trong cuộc sống đời thường, với tất cả những gì vốn có của con người đều trở thành đối tượng khám phá của người nghệ sỹ. Sau 1975 nhà văn nhìn nhận con người trong mối quan hệ đa chiều, đa diện trong mối quan hệ gia đình, xã hội, trong tình bạn, tình yêu qua sự đối sánh quá khứ với hiện tại, hướng đến những vấn đề mà cuộc sống hôm nay đang đặt ra. Con người được hiện lên với tất cả những gì vốn có của nó, con người lúc này không còn là con người thuận chiều như trước 1975 và những năm đầu sau chiến tranh nữa mà giờ đây nó đa diện hơn, phức tạp hơn. Con người trong sáng tác Nguyễn Khắc Trường hiện lên với tất cả tầng sâu nhân bản và những vấn đề được đặt ra trong các tác phẩm của ông cũng đạt tới tầm của những triết lý nhân sinh.

3. Con người trong văn xuôi sau 1975 của Nguyễn Khắc Trường phong phú đa dạng, từ người anh hùng, người lính đến người nông dân, từ người trí thức đến người lao động bình thường. Họ là những con người có tính cách, số phận, cuộc đời không ai giống ai. Trong quá trình kiếm tìm và sáng tạo, Nguyễn Khắc Trường đã tìm thấy các loại nhân vật khác nhau: người anh hùng, người lính, người nông dân, trong đó nổi bật là người phụ nữ. Họ được nhìn nhận, đánh giá từ nhiều góc độ trong sự tiếp cận với muôn mặt của cuộc sống đời thường. Trong cái nhìn trân trọng, đồng cảm, nhà văn đã tạo ra các

kiểu con người như: con người anh hùng trong cuộc sống thời bình; con người thuỷ chung trong tình cảm, tình yêu; con người số phận bi kịch. Còn với cái nhìn cảnh báo, phê phán, Nguyễn Khắc Trường đã phát hiện ra kiểu con người mưu mô, thủ đoạn; con người bản năng tính dục. Trong các kiểu con người đó, ông rất thành công trong việc phát hiện ra loại con người tha hoá đầy mưu mô, thủ đoạn ở nông thôn thời đổi mới như một sự cản trở cho sự phát triển của xã hội hôm nay.

4. Quan niệm nghệ thuật về con người đã chi phối đến phương thức thể hiện trong văn xuôi của Nguyễn Khắc Trường, tiêu biểu là các bình diện không gian, thời gian nghệ thuật; ngôn ngữ và giọng điệu. Trong các tác phẩm của mình, nhà văn đã sử dụng đan xen không gian kỳ ảo và hiện thực, tạo sự đồng hiện thời gian quá khứ và hiện tại. Bên cạnh đó, nhà văn cũng đã thể hiện được năng lực sáng tạo qua việc sử dụng ngôn ngữ tạo hiệu quả nghệ thuật rõ rệt. Ngôn ngữ trần thuật và ngôn ngữ nhân vật trong văn xuôi của ông đều thể hiện những dấu ấn riêng của nhà văn: ngắn gọn, sắc nét. Giọng điệu đa thanh, nhưng nổi bật vẫn là giọng ngợi ca chân thành và giọng cảm thương chia sẻ. Nhờ vậy, đọc các trang văn của Nguyễn Khắc Trường, ta thấy ông không nhân nhượng khi phê phán sự tha hóa của con người sau chiến tranh, nhưng vẫn nổi bật cảm hứng nhân đạo cao cả.

Với những thành tựu đã đạt được bằng sự sáng tạo không mệt mỏi và bằng trách nhiệm công dân của một nhà văn quân đội, Nguyễn Khắc Trường xứng đáng được ghi nhận là một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Việt Anh (2010), Tiểu thuyết viết về nông thôn sau đổi mới (Qua Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường và Dòng sông mía của Đào Thắng), Luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn, Trường ĐHSP Thái Nguyên.

[2] Nguyễn Thị Bình (2003), “Một vài nhận xét về quan niệm hiện thực trong văn xuôi nước ta từ sau 1975”, Tạp chí Văn học, (4), tr.21-25.

[3] Nguyễn Thị Bình (2007), “Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975, một cái nhìn bao quát”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, (2), tr.49-53.

[4] Nguyễn Thị Bình (2007) Văn xuôi Việt Nam 1975-1995 những đổi mới cơ bản, Nxb Giáo dục.

[5] Nguyễn Minh Châu (1987), “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ”, báo Văn nghệ số 49-50.

[6] Phan Cự Đệ (2003), “50 năm văn xuôi cách mạng (1945-1995)”, Tạp chí Văn học, (11), tr.14-17.

[7] Phan Cự Đệ (2007), Truyện ngắn Việt Nam: Lịch sử - Thi pháp - Chân dung, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[8] Hà Minh Đức (chủ biên) (1997), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[9] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[10] Đỗ Đức Hiểu - Nguyễn Huệ Chi - Phùng Văn Tửu - Trần Hữu Tá (chủ biên, 2003), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội.

[11] Nguyễn Văn Kha (2006), Đổi mới quan niệm về con người trong truyện Việt Nam 1975 – 2000, Nxb Đại học Quốc gia, thành phố Hồ Chí Minh.

[12] Nguyễn Khải (2006), Văn xuôi một chặng đường ( 1963 – 1983), Nxb Văn học mới.

Một phần của tài liệu Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi sau 1975 của nguyễn khắc trường (Trang 115 - 124)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)