Chương 1. LAN KHAI – NHÀ VĂN CỦA “XỨ ĐỒNG RỪNG”
1.1. LAN KHAI – CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
1.1.2. Lan Khai – Hành trình sáng tạo
Lan Khai là một nghệ sĩ đa tài, ngay từ nhỏ đã có tài vẽ tranh (phong cảnh và ký họa), làm thơ và yêu âm nhạc, nhưng hơn tất cả là tài năng và tình yêu đối với văn chương, ông khát khao “sẽ trở thành một nhà tiểu thuyết”.
Lan Khai là nhà văn luôn không bằng lòng với chính mình, ông thử sức với rất nhiều thể loại văn chương khác nhau từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, thơ, câu đối, dịch thuật, kí, đến nghiên cứu lí luận phê bình văn học. Song ông bắt đầu sự nghiệp văn chương với tiểu thuyết, dành nhiều bút lực nhất cho thể loại tiểu thuyết và ông cũng thành công nhất trong thể loại này.
Năm 1928 trên văn đàn bắt đầu xuất hiện tiểu thuyết Nước Hồ Gươm.
Đây là sáng tác đầu tay của Lan Khai. Nó là một cuốn tiểu thuyết ái tình kể về
bi kịch của một người phụ nữ đức hạnh nhưng bị chồng bội bạc, tuyệt vọng phải tìm đến cái chết. Tác phẩm đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn đọc và mở đường cho sự thành công vang dội của hai tiểu thuyết Cô Dung và Lầm Than sau này. Cô Dung cũng được sáng tác năm 1928, miêu tả mối tình quê của cô gái quê nết na, hiền thục. Cô yêu Kính, học trò của cha mình nhưng Kính lại nghèo. Muốn cho con gái mình khỏi khổ ông Đồ gả Dung cho Nhuận, cũng là một học trò của ông như giàu có. Mặc dù rất yêu Kính nhưng Dung vẫn phải vâng lời cha trong nước mắt, và hết lòng tận tụy, săn sóc chồng, con. Sau này chồng mất, con không ở bên cạnh nữa nhưng vẫn không chịu nối lại tình xưa. Với Cô Dung, Lan Khai là một trong những nhà văn viết về người phụ nữ nông thôn sớm nhất. Tác giả Thiều Quang cho rằng “Tác phẩm Cô Dung tức là đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh của tất cả các thế hệ phụ nữ Việt Nam, qua bao nhiêu đời, đã hy sinh cho sự tồn tại của Tổ quốc”[25, tr.257]. Còn nhà phê bình nổi tiếng Vũ Ngọc Phan thì khen nó là một cuốn tiểu thuyết có giá trị, vừa thật, vừa đặc biệt: “Cái công dụng ấy là chỗ Lan Khai đã tạo ra một cô con gái giống hệt hàng trăm nghìn cô con gái trong tất cả các tiểu thuyết xuất bản ở nước ta ngày nay” [16, tr.270].
Năm 1929, tiểu thuyết Lầm than ra đời, (xuất bản năm 1938) là một sự kiện lớn của đời sống văn học. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam viết về người công nhân. Lầm than là cảnh đời đau khổ và bi thảm của phu mỏ mà nguyên do là sự đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp và bọn tay sai. Lan Khai vạch trần và tố cáo sự vơ vét độc ác, tàn bạo của chúng đối với người lao động và miêu tả bức chân đẹp đẽ của người chiến sĩ đi gieo mầm cách mạng chuẩn bị cho một cuộc đổi đời. Đây là tác phẩm đã vạch “một khuynh hướng trong văn học giới, cái khuynh hướng tả thực xã hội chủ nghĩa (réalisme socialiste) vậy” (Hải Triều). Vũ Ngọc Phan đánh giá Lan Khai là nhà văn năng động trong sáng tạo: “Lầm than của Lan Khai tuy là một tập
tiểu thuyết nhưng mọi việc đều thiết thực không khác gì những việc trong một thiên phóng sự”. Đây cũng là năm Lan Khai cho ra đời cuốn truyện ngắn tâm lí xã hội đầu tiên Cánh hoa mua (1929).
Đầu những năm 30 trở đi, Lan Khai liên tục cho ra đời những sản phẩm nghệ thuật thuộc nhiều mảng đề tài, tuy nhiên ở giai đoạn này người ta thấy ông không ưu ái tiểu thuyết nữa, ông sáng tác nhiều truyện ngắn. Những truyện ngắn tâm lí xã hội có Khổ tình (1930), Nơi ước hẹn (1934), Thằng gầy (1934), Anh Xẩm (1934), Cô Bụt (1934), Khóc thông reo (1934), Kiếp con tằm (1935), Chung tình (1935)… Các truyện này phần lớn viết về những con người bất hạnh và bế tắc trong xã hội, thiếu cơm ăn áo mặc, tình năng bị khinh rẻ, tình yêu chia lìa…thể hiện được cái nhìn sâu sắc và nhân văn của nhà văn. Những truyện hiện thực và lịch sử đường rừng như: Pàng Nhả (1933), Lô HNồ (1933), Dưới miệng hùm (1934), Sóng nước Lô Giang (1935)… Các truyện ngắn hiện thực đường rừng của Lan Khai chứa đựng những “mảng màu” của cuộc sống, xoay quanh chuyện tình người, tình đời với những éo le, bi kịch của cuộc sống con người. “Đằng sau những lời thuật lạnh lùng là một bầu tâm sự chứa chất những nỗi niềm căm uất khôn nguôi đối với cái ác, cái xấu và nỗi niềm thương cảm vô tận trước cái đẹp và cái thiện”. Ngoài truyện ngắn, Lan Khai còn tác phẩm Kí nổi tiếng như: Con ngựa hồng của tôi (1930); Biệt li (1934); Thầy đồ tôi (1934)…là những kỉ niệm sâu lắng về tuổi thơ, về quê hương, bạn bè và những ngày tham gia cách mạng.
Đến khoảng những năm 1933 – 1935, Lan Khai bắt đầu thử sức sáng tạo với nhiều thể loại văn học mới như sưu tầm, phê bình và quay về sáng tác tiểu thuyết với đề tài mới là lịch sử và hiện thực đường rừng. Về sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian, Lan Khai cho ra đời công trình Gió núi trăng ngàn (1934); về phê bình văn học ông có các bài: Tài hoa…cái lụy ngàn đời
(1934); Tình và cảnh (1934); Đẹp (1935); về tiểu thuyết lịch sử có: Gái thời loạn (1933); Chiếc ngai vàng (1935); tiểu thuyết đường rừng với tác phẩm đầu tay là Rừng khuya (1935). Đây là những thể tài văn học mà sau này trở thành một hướng sáng tạo chủ đạo trong sự nghiệp của Lan Khai.
Nếu nói trước năm 1935 là giai đoạn “khởi động” của hoạt động sáng tác với sự thử sức bức đầu ở nhiều thể loại văn học nghệ thuật thì từ sau 1935 là giai đoạn “tăng tốc”, là khoảng thời gian sáng tác sung sức nhất của Lan Khai, ông cho ra đời hàng loạt tác phẩm ở nhiều địa hạt văn học khác nhau, trong đó nhiều nhất là tiểu thuyết. Ông tiếp tục mảng tiểu thuyết tâm lí xã hội với các tác phẩm: Liếp Ly (1938), Sóng lúa reo (1938), Nàng (1940), Mực mài nước mắt (1941), Tội nhân hay nạn nhân (1941), Tội và thương (1942), Mưa xuân (1942-1943)... Đây là những bức tranh từ nông thôn đến thành thị, hầm mỏ, nhà trường và môi trường gia đình, xã hội cùng những cảnh đời và số phận riêng. Tác phẩm có sự phối hợp linh hoạt giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn, làm sống dậy chiều sâu về đời sống nội tâm phức tạp của con người
“thời kỳ Âu hóa” đầu thế kỷ XX. Tiểu thuyết tâm lý - xã hội của Lan Khai thể hiện bức tranh cuộc sống muôn màu muôn vẻ của xã hội những năm 1930, mỗi truyện là một vấn đề bức thiết của cuộc sống, được viết bằng bút pháp nghệ thuật đa dạng, dưới ngòi bút giàu vốn sống và trái tim đầy yêu thương.
Ở bộ phận tiểu thuyết đường rừng có: Tiếng gọi của rừng thẳm (1936), Dấu ngựa trên sương (1939- 1940), Hồng Thầu (1940), Suối Đàn (1941), Chiếc nỏ cánh dâu (1941). Tiểu thuyết đường rừng của Lan Khai là những bức tranh tuyệt đẹp về thế giới thiên nhiên và con người. Trong bức tranh đó con người và thế giới thiên nhiên hòa hợp gắn bó với nhau. Có lẽ muốn “lấy người xưa việc cũ áp dụng vào chính sự và chiến sự nhằm nâng cao tinh thần dân tộc” và xác định “Cái thiên chức của chúng ta là truyền giao dĩ vãng cho tương lai”
cho nên Lan Khai đã để lại cho nền văn học dân tộc một di sản lớn gần 30 tiểu
thuyết lịch sử như: Chàng đi theo nước (1935), Cái hột mận (1936), Ai lên phố Cát (1937), Chế Bồng Nga (1938), Chàng áo xanh (1938), Bóng cờ trắng trong sương mù (1938), Cưỡi đầu voi dữ (1940), Gửi cái xuân tàn (1941), Sầu lên ngọn ải (1941), Người thù mặt trời (1941), Trăng nước hồ Tây (1941), Treo bức chiến bào (1942), Trong cơn binh lửa (1942), Thành bại với anh hùng (1942)... Tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai đề cập đến những mối tình lãng mạn đặt trong một khung cảnh lịch sử có biến động. Các truyện bao quát nhiều sự kiện và thường viết về những triều đại có nhiều biến động như Lý, Trần, Lê. Các tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai không chỉ nhằm tái hiện lại những danh nhân và sự kiện mà còn khám phá từng con người với số phận riêng. Thế giới nhân vật của ông rất phong phú và đa dạng, có: vua, chúa, thái tử, thế tử, khanh tướng, người anh hùng, người phụ nữ trong hoàng tộc, thị tỳ, dân chúng, binh sĩ, kẻ cướp nước và bán nước... Tất cả làm thành tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Nổi bật nhất là hình tượng những nhân vật thống trị của vương triều như vua chúa thế tử, thái tử…Những vua chúa này được xây dựng ở hai thái cực tính cách: Có những vua chúa đức độ, tài giỏi và có những vua chúa có giã tâm độc ác. Song trong thế giới nhân vật vua chúa ấy, vẫn có (số ít) những hình vua chúa đức độ nhưng không đủ sức mạnh nắm giữ ngai vàng. Có vua chúa tàn ác nhưng cũng còn sót phần “người” có những xúc cảm bình thường nhất của một con người. Qua những hình tượng này, Lan Khai thể hiện quan niệm nghệ thuật và quan niệm nhân sinh về hạnh phúc, tình yêu, thiện ác… Như vậy, việc xây dựng những hình tượng này đã thể hiện cái nhìn nhân bản của nhà văn dẫu là bậc vương bá, lúc mà tình cảm đời thường nổi dậy cũng là lúc họ từ chối địa vị tối cao để trở về với con người bình thường. Tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai được tiếp nhận dưới nhiều luồng ý kiến khác nhau, Trương Tửu khen Lan Khai, với tiểu thuyết lịch sử ông khéo tả những cảnh oanh liệt và những cảnh say sưa tình ái, song
Vũ Ngọc Phan cho rằng trong cách tả của truyện lịch sử cần những “nét vẽ cứng cáp hơn”. Nhà văn Ngọc Giao cho rằng: “thời trước chiến sự Đông Dương, văn đàn Bắc Hà nổi tiếng ba cây bút lịch sử tiểu thuyết: Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc”.
Trong những năm 1940 cùng với Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Đái Đức Tuấn… Lan Khai sáng tác truyện kinh dị đường rừng như: Người lạ, Ma thuồng luồng, Con Thuồng luồng nhà họ Ma, Con bò dưới Thủy Tề, Gò thần, Đôi vịt con, Người hoá hổ, Tiền mất lực, Mũi tên dẹp loạn... (trong tập truyện đường rừng năm 1940). Đây là những câu chuyện rùng rợn, kinh dị xảy ra ở miền núi xa xôi, truyện thỏa mãn nhu cầu thị hiếu của một bộ phận độc giả lúc bấy giờ. Vũ Ngọc Phan cho rằng Lan Khai có tài viết truyện ngắn hơn tuy nhiên không hiểu sao nhà văn không tập trung sáng tác nhiều thể loại này.
Sau 1940 Lan Khai dành nhiều thời gian cho hoạt động phê bình, sưu tầm, dịch thuật…Ông viết nhiều bài phê bình nổi tiếng như: “Tính cách người Việt Nam trong văn chương”; “Thiên chức của văn sĩ Việt Nam”; “Cái nguy mất gốc”; “Bàn qua về nghệ thuật”; “Một quan niệm về văn chương”…, các tập phê bình: Lê Văn Trương (1940); Vũ Trọng Phụng (1941)…Qua những bài phê bình này quan điểm nghệ thuật của Lan Khai hiện ra một cách phong phú và sinh động. Những vấn đề nhà văn đặt ra đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, nổi bật nhất là tính dân tộc trong văn học; vai trò của nhà văn với công chúng và thời đại…Hoạt động dịch thuật của Lan Khai cũng có được những kết quả đáng kể với có công trình Bức thư của người không quen (1940) của Stéfan Zweig; Tuổi thơ (1944) của Lev Tolstoi. Những công trình này cho thấy Lan Khai có năng lực dịch thuật tài hoa. Ngoài truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, dịch thuật, sưu tầm… Lan Khai còn có tập thơ Thơ ca Lâm Tuyền Khách (1944) là những dòng viết chứa chan cảm xúc và đầy tâm sự của nhà
văn, đây là sản phẩm nghệ thuật cuối cùng của nhà văn cống hiến cho văn học dân tộc.
Nhìn chung, con đường sáng tạo nghệ thuật của Lan Khai không dài nhưng đầy cần mẫn và say mê, vì vậy mà chưa đến 20 năm hoạt động sáng tạo nghệ thuật Lan Khai đã để lại cho nền văn học dân tộc gần 100 tác phẩm nghệ thuật đủ các đề tài, thể loại với những quy mô lớn nhỏ khác nhau. Mặc dù, Lan Khai thử sức ở nhiều thể loại văn học khác nhau nhưng tiểu thuyết vẫn là thế mạnh trong sáng tác ông, làm nên tên tuổi và vị trí của ông trong nền văn học. Nói như tác giả Trần Mạnh Tiến “tiếp cận di sản của Lan Khai ta có cảm giác đây là một nghệ sĩ sinh ra để làm tiểu thuyết và muốn làm cho tác phẩm của mình có sức sống dài lâu” [27; tr.521]. Và nhà lí luận phê bình nổi tiếng Vũ Ngọc Phan đã từng công nhận “Lan Khi là lão tướng trong làng tiểu thuyết đang gắng tìm đường mới”, Lan Khai “là nhà văn biết ghi những cái đáng ghi ở đời” [16, tr.521]. Với những nhận định trên và những tác phẩm nghệ thuật để lại, ta thấy Lan Khai đã chạm được tới ước mơ “là một nhà tiểu thuyết” của mình.