Chương 2. ĐẶC ĐIỂM HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG “TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG” CỦA LAN KHAI
2.1. CÁC LOẠI HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG “TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG” CỦA LAN KHAI
2.2.1. Sự đa dạng, sinh động trong thế giới nhân vật
Trong các truyện đường rừng của Lan Khai, mỗi truyện trung bình chỉ có 2 nhân vật, còn tiểu thuyết chỉ có khoảng 4 đến 5 nhân vật, nhân vật chính thường có khoảng 2 đến 3 người, còn lại các nhân vật phụ, đây là một con số khá khiêm tốn đối với thể loại tiểu thuyết. Tuy nhiên, tất cả các nhân vật được Lan Khai nói đến trong tác phẩm không phải là một sự thừa thãi, vô lí mà mỗi nhân vật mang thể hiện một tư tưởng nghệ thuật riêng, có chức năng riêng trong tác phẩm. Có nhân vật xuất hiện với vai trò nhất định trong tác phẩm; có nhân vật là hiện thân cho một kiểu người phổ biến trong xã hội; có nhân vật hiện ra với những nét tâm lí phức tạp; có nhân vật là sự thể hiện tư tưởng của nhà văn và có cả những nhân vật tập hợp trong mình nhiều đặc điểm của nhiều loại hình nhân vật. Tất cả đã tạo ra một thế giới nhân vật rất sinh động, đa dạng.
Có những nhân vật trong truyện đường rừng mà sự tồn tại của nó chỉ có một vai trò nhất định như LHNồ (Dấu ngựa trên sương). Ông ta xuất hiện khi Tum Đìang vừa đánh với Tô Chố, ông ta xuất hiện với vai trò “thương lượng”
với Tum Điàng cho Tô Chố trong cuộc đổi chác con người (Tsi Na), ông là
công cụ sai bảo của thế lực tàn ác; Cụ tổng Khoan, ông Khán Thi (Tiếng gọi của rừng thẳm) là người thực hiện nghĩa vụ làm cha, làm người cùng bản quan tâm, thân thiện của Cang Ngrào và Dua Phăn; Sẩu (Suối Đàn) xuất hiện với vai trò là một người bạn của nhân vật người Kinh, đưa ra những lời khuyên xác đáng hay an ủi và giúp đỡ bạn khi bạn gặp biến cố trong cuộc sống. Na Sét, Lô HNồ, nữ sơn thần Ia Châu, Ia Năm (Chiếc nỏ cánh dâu); Na Sét và Lô HNồ điều là những người đầy tớ trung thành của các trưởng tộc, tuy nhiên Na Sét lại là người tài giỏi và thiện lương, Lô HNồ ngược lại bất tài, bạc nhược và chết thảm; Ia Châu và Ia Năm đóng vai trò là những vị thần mang lại phép màu, niềm tin và hi vọng cho con người; người cha và chàng con trai (Hồng Thầu) là những người thân của các cô gái Dao, họ là người điều hành cuộc hôn lễ của con, em gái họ.
Những nhân vật này điều không có đời sống nội tâm, không có cá tính sắc nét, phẩm chất thể hiện trong tác phẩm cố định không thay đổi từ đầu cho đến cuối. Họ chỉ xuất hiện với vai trò làm cầu nối, giúp đỡ hay thực hiện nghĩa vụ nào đó với các nhân vật khác trong truyện. Họ là những “mảng màu”
riêng trong thế giới nhân vật truyện đường rừng của Lan Khai.
Bà Trương trong Tiếng gọi của rừng thẳm là nhân vật có thói keo kiệt và hám vật chất. Bà giàu có nhưng ngày thường cũng như ngày tết bữa ăn rất đạm bạc. Bà không đồng ý cho Peng Lang_con gái bà lấy Cang Ngrào cũng chỉ vì anh ta nghèo, bà tạo điều kiện cho Peng Lang đến với Hoài Anh chỉ vì thích thú kinh ngạc và ham muốn với sự giàu có, xa hoa của Hoài Anh. Bà vui khi con gái và Cang Ngrào tan vỡ. Bà cổ xúy con gái nhanh chóng lấy Hoài Anh. Ở tác phẩm này nhân vật Bà Trương là nhân vật có cá tính điển hình cho một bộ phận người ham vật chất, coi trọng vật chất hơn tình cảm của con người. Mat Nar trong Chiếc nỏ cánh dâu là sự đại diện cho những tên thủ lĩnh hiếu chiến và tàn ác ở miền núi. Ông ta nuôi mộng chiếm đoạt s’roch
khác từ trong giấc mơ, khi kế hoạch bị thất bại, được tha nhưng ông ta vẫn không từ bỏ giấc mộng, tàn ác hơn là chặt đầu của người đã tha mạng cho mình, giam con gái ruột của mình vào buồng tối đến nỗi cô gái đó đã hóa điên. Mat Nar là nhân vật đại diện cho những thủ lĩnh cuồng bạo, tham lam quyền lực đến mất nhân tính. Tô Chố (Dấu ngựa trên sương) cũng là một nhân vật điển hình cho một lớp người thống trị chuyên dùng tiền, quyền thống trị để đoạt được tham vọng của mình. Tô Chố vì muốn cưới được Tsi Na đã gián tiếp gây ra cái chết của Ghình Gúng, giả nhân giả nghĩa cho Tum Điàng mượn tiền lo ma chay để rồi bức trả để cưới được Tsi Na.
Về phương diện chà đạp, thống trị bằng đồng tiền và thế lực của các tên quan, chánh miền núi trong các tác phẩm của Lan Khai còn có lão Chánh trong Rừng khuya và Tsi Nèng trong Tiền mất lực. Tsi Na (Dấu ngựa trên sương) là cô gái miền núi xinh đẹp nhưng từ đầu đến cuối không làm chủ được cuộc sống của mình, để bản thân loạn luân và muốn ở với anh trai nhưng khi Tô Chố thắng thế thì đành xuôi theo. Cô là cô gái an phận, ngây thơ, đại diện tiêu biểu cho những cô gái là nạn nhân của xã hội những năm 1930.
Có thể thấy các nhân vật trên là loại nhân vật đã thể hiện tập trung các phẩm chất của một loại người nhất định trong một thời đại. Đó là những loại người keo kiệt, hám tiền, yếu đuối, tham lam quyền lực một cách tàn độc, dùng quyền tiền để ức hiếp, chà đạp lên cuộc sống của đồng loại một cách tàn nhẫn.
Trong truyện đường rừng của Lan Khai cũng có không ít những nhân vật có tính cách rất phức tạp, những nhân vật này được Lan Khai đặt trong những hoàn cảnh khác nhau và từ đó thể hiện những tính cách khác nhau trong họ. Đó là Peng Lang (Tiếng gọi của rừng thẳm), Tum Điàng (Dấu ngựa trên sương), Ẻn (Suối Đàn). Ẻn là một cô gái có nét dịu dàng, nhã nhặn, dễ
thương nhưng khi bị anh chàng người Kinh theo dõi trong lúc cô tìm đến nhà Phù khóc. Cô gái liền gai góc: “Cút đi ! Đồ chó”. Câu nói thể hiện một cá tính mạnh mẽ, quyết liệt. Hay Peng Lang lúc ở cùng Cang Ngrào cô luôn tâm niệm là mình sẽ luôn yêu anh nhưng khi bước vào ngôi nhà của Hoài Anh, không ít lần cô đã không chung tình trong suy nghĩ. Tính cách của nhân vật được đặt trong sự vận động, phát triển nhưng vẫn toát lên cá tính riêng, Tum Đìang là chàng trai mang nét tính cách thô tục, nóng nảy, bản năng. Peng lang là cô gái hồn nhiên, mạnh mẽ. Ẻn là người phụ nữ sâu sắc, đa tình.
Trong truyện đường rừng cũng có những nhân vật không có cá tính, tâm hồn, nhân vật là sự đại diện cho một ý tưởng, tư tưởng của tác giả. Đây là loại cấu trúc nhân vật tư tưởng (Phương Lựu – Lí luận văn học). Đó là “cô gái” (Người lạ), cô là một hình ảnh khác thường, một nhân vật đại diện cho tư tưởng yêu ma; “con bò” (Con bò dưới Thủy Tề) là sự trả thù lại của thiên nhiên; “Mai kham” và “Lìu Khắc” (Khảm Khắc) là nạn nhân của sự ứng xử
“rừng rú”, dã man của những con người còn dã man rừng núi…
Các nhân vật có thể mang trong mình những đặc điểm của nhân vật cấu trúc, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách hoặc nhân vật tư tưởng. Sự sắp xếp ở đây chỉ mang tính chất tương đối, dựa trên những nét nổi bật cấu trúc nhân vật.
Như vậy các nhân vật đường rừng không chỉ là nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật của thế giới thiện lương hoặc thế giới tàn ác mà mỗi nhân vật được cấu trúc khác nhau, thể hiện tư tưởng nghệ thuật riêng của nhà văn.
Điều này đã tạo ra một thế giới nhân vật, đa dạng và sinh động trong truyện đường rừng của Lan Khai.