Chương 2. ĐẶC ĐIỂM HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG “TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG” CỦA LAN KHAI
2.1. CÁC LOẠI HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG “TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG” CỦA LAN KHAI
2.2.2. Bút pháp đa dạng trong miêu tả nhân vật
Lan Khai là nhà văn biết chọn lọc những chi tiết, hình ảnh sống động cùng những bút pháp nghệ thuật đa dạng trong miêu tả nhân vật đã tạo nên
những dáng người, tính cách riêng biệt, độc đáo của các nhân vật đường rừng để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc.
Khi miêu tả chân dung các cô gái miền núi, Lan Khai đặc biệt chú ý đến hình ảnh đôi má hồng hào, làn da trắng mịn, đôi môi đỏ tươi, cơ thể cân đối, bắp chân trắng nõn…. Những hình ảnh đó gợi ra vẻ đẹp khỏe khắn, tươi tắn, tinh khôi và tự nhiên của nhân vật. Khi miêu tả chân dung của các thiếu nữ ông thường so sánh vẻ đẹp của họ với vẻ đẹp rạng ngời, trong sáng của thiên nhiên qua bút pháp ước lệ, ngôn ngữ miêu tả trau chuốt, mượt mà. Đây là đoạn văn miêu tả Dua Phăn “tắm tiên” giữa núi rừng “Nàng khỏa thân mà có vẻ thanh khiết lạ. Nét ngọc y nhiên như một pho tương vô hồn…khi nàng lặng yên những làn sóng cũng dần dần biến mất. Bóng hòa trong nước, đẹp như viên ngọc đựng trong chiếc hộp thủy tinh xanh” [23, tr509]. Lan Khai miêu tả ngoại hình nhân vật gợi ra những cá tính của nhân vật, điển hình là Ẻn trong Suối Đàn “Nhân trung nàng ngắn bởi môi trên hơi cong, do đấy gương mặt nàng có vẻ ngây thơ, tươi cười, mặc dầu ở môi dưới, một nét vạch sâu đã đánh dấu một tâm hồn hay tư lự, hằng ấp ủ một cái gì như một thương nhớ xa xôi, kín đáo và phức tạp”[23, tr.643] hay Pengai Lâng trong Chiếc nỏ cánh dâu “Pengai Lâng thuộc hạng người đa tình, xok mattơnhur, thẳng thắn, thương người nhưng cứ nhìn cái mũi nàng thường nheo nheo thì biết nàng cũng thuộc hạng người cao kỳ, đáo để, muh nhernher”(*nguyên văn trong tác phẩm – tác giả luận văn nhấn mạnh)[23, tr.723]. Đồng thời thông qua ngôn ngữ đối thoại ngắn gọn cũng thể hiện rõ cá tính của các cô gái. Trong Suối đàn, Khi gặp chàng trai người Kinh, Ẻn chủ động nói: “Thầy có yêu tôi thì yêu” cho thấy Ẻn là cô gái có cá tính mạnh mẽ, quyết đoán. Còn Peng Lang trong Tiếng gọi của rừng thẳm lại rất hồn nhiên, chất phác khi cô trả lời rất ngắn gọn lời cầu hôn của Hoài Anh: “có”. Ngoài ra, khi tạo dựng chân dung, tính cách của các thiếu nữ Lan Khai cũng thường dùng nhiều điểm nhìn
khác nhau. Trong Suối Đàn tính cách của Ẻn được nhìn qua đôi mắt của Sẩu:
“Ẻn là đứa con gái đứng đắn nhất vùng này. Nó không có tai tiếng gì hết…”[23, tr.323]. Vẻ đẹp của cô cũng được khắc họa lúc cô làm cô Then trong đêm tối và cả ban ngày: “Tôi thấy rằng càng trong ánh sáng ban ngày Ẻn càng đẹp một cách dị thường và lộng lẫy. Dưới vuông khăn nhuộm màu chàm thẫm, da mặt nàng trắng như sữa. Hai gò má ửng hồng và mòng mọng làm cho cặp mắt lòng thau, cái màu đặc biệt của cô gái Thổ, càng trong vắt và sâu thẳm…”[23, tr.286].
Khi xây dựng hình ảnh các nhân vật thiện lương, đặc biệt là những chàng trai vùng sơn cước Lan Khai sử dụng chủ yếu bút pháp tả thực. Tum Điàng trong Dấu ngựa trên sương được miêu tả “Anh cởi phanh cúc áo, phơi ra một tấm ngực vuông góc bánh chưng có những bắp thịt nổi hằn dưới lớp da màu đồng tụ” [23, tr.548]. Còn Mai Khâm trong Chiếc nỏ cánh dâu có “thân hình điều đặn, ngực nở, bụng đõn” ”(*nguyên văn trong tác phẩm– tác giả luận văn nhấn mạnh)[23, tr.713]. Qua sự miêu tả này người đọc hình dung ra những chàng trai khỏe mạnh, giỏi giang, yêu lao động. Lan Khai thường dùng những lớp từ vựng chỉ sự to lớn, vĩ đại, tràn đầy sức mạnh để miêu tả vẻ đẹp của họ. Ngôn ngữ đối thoại của họ nói lên phần nào tâm hồn ngay thẳng, giản dị, mộc mạc, chân thành của họ, trong Rừng khuya đoạn đối thoại giữa Mai Kham và Dua Phăn diễn ra rất tự nhiên:
“- Anh về bản có nhớ tỉnh không ? - Tôi không nhớ.
- Thế khi ở tỉnh, chắc anh nhớ bản lắm chứ ? Chàng buồn rầu:
- Nhớ lắm, nhưng bây giờ tôi không thích bản nữa” [23, tr.491]
Hầu hết các chàng trai đường rừng được Lan Khai miêu tả thông qua hành động, ứng xử để toát lên cá tính của nhân vật. Mai Kham trong Rừng
khuya được nhà văn miêu tả là một chàng trai có tâm hồn yêu quê hương tha thiết, biết suy xét, hi sinh cho tình yêu. Đó là khi Dua Phăn muốn cùng chàng trốn đi nhưng chàng không muốn “chạy trốn” vì lo cho danh giá của người yêu bị bôi nhọ, lo cho người yêu vì chàng mà phải xa rời quê hương. Còn Mai Khâm trong Chiếc nỏ cánh dâu được xây dựng là một chàng trai vừa tài giỏi lại vừa trí tuệ thông qua những chi tiết như săn gấu trong rừng, không mắc mưu kẻ thù và bày ra mưu lược tấn công lại kẻ thù.
Đối với những nhân vật có cuộc sống nghèo khổ và những nhân vật xấu xí đại diện cho thế lực tàn ác miền núi Lan Khai dùng bút pháp tả thực cùng thủ pháp phóng đại, liên tưởng làm cho bộ mặt của các nhân vật hiện ra dị hợm, giống như loài thú vật. Đây là khuôn mặt dữ tợn, quái ác của Mat Nar trong Chiếc nỏ cánh dâu: “Mat Nar (mặt trời) là một người có tầm vóc cao lớn, ngực vuông, bụng đõn, đùi dế, lưng ong và có những tay chân rắn như sắt. Mặt ông ta dài nhưng nửa dưới bị khuất sau chùm râu loăn xoăn và rậm.
Mái tóc đỏ như râu ngô, vầng trán gồ cao khiến đôi mắt nhỏ, lờ đờ càng dữ như mắt hùm.[23, tr.724]. Và đây là bộ mặt gian xảo của tên Chánh Tsinèng trong Rừng khuya: “…khuôn mặt vuông to, nét rắn, màu da đỏ quạch, mái tóc rễ tre cũng đỏ quạch. Nhưng, khuôn mặt dữ tợn vẫn lạnh lùng, cặp mắt lươn dưới cặp lông mày bọ róm vẫn mơ màng không động” [23, tr.502]. Khi miêu tả ngoại hình của các nhân vật gian ác Lan Khai rất chú ý miêu tả đôi mắt của họ, đó là một đôi mắt nhỏ độc ác, đôi mắt lươn lộ rõ nét gian giảo, các hình dáng trên khuôn mặt đều có sự liên tưởng đến những loài vật. Ngay cả hành động của các nhân vật này tác giả cũng liên tưởng đến hành động của những con thú, đây là cảnh tên Tsinèng nhìn thấy Dua Phăn tắm và hắn không thể kìm chế được bản năng của mình: “Tsinèng bỗng choáng người, hắn vừa nhận rõ Dua Phăn ! sự ngạc nhiên pha với sự ham muốn…Hắn tìm lối xuống định vồ lấy cái mồi ngon…Tsi nèng đâm thẳng vào lối nhỏ, chui bừa đi, mặc cỏ
liềm cắt thịt, mặc gai song móc da. Hắn như con lợn độc cùng đường” [23, tr.510].
Các nhân vật phản diện có hành động thường không đi đôi với suy nghĩ. Tô Chố trong Dấu ngựa trên sương là một kẻ giả nhân giả nghĩa, hắn giả vờ xót thương trước cái chết của cha Tsi Na, cho Tum Đìang mượn tiền để lo ma chay rồi bức ép lấy lại khi gia đình Tum Đìang không có trả nhằm đoạt được Tsi Na. Khi miêu tả những hành động gian trá của các nhân vật phản diện Lan Khai thường dùng một loạt các tính từ, động từ chỉ sự giảo hoạt, gian dối như lấm lét, liếc trộm, rình, bới móc…Ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật này là ngôn ngữ thăm dò, ẩn ý, những câu chữ lắt léo để thể hiện cái tâm đầy mưu mô, tàn nhẫn. Đó là cuộc đối thoại giữa Tsinèng với Mai Kham, Tô Chố với Tum Điàng, Mat Nar với tên Pơrâu Tơ Lung Hu… Các nhân vật phản diện rất ít độc thoại nội tâm, có chăng chỉ là những suy nghĩ bộc lộ bản chất ma mãnh, độc ác, chẳng hạn như đoạn Mat Nar trên đường về lại bản làng khi được cha con Mai Pha, Mai Kham tha bổng: “Hừ, bố con mày ngon ngọt dụ tao hòa hảo à ? chúng mày cũng biết rằng một khi bám lấy cái tiếng tao thì chúng mày mới được người khác nể sợ. Sểnh tao ra, nghĩ chúng mày mãn kiếp cũng chẳng làm gì nên ăn. Mưu gian của chúng mày lừa được tao có cho chúng mày cái tự ái dại dột đâu. Chúng mày biết thân lắm ! chúng mày muốn đem ơn nghĩa buộc tao, được rồi, chúng mày sẽ thấy ngay rằng tao đây không phải thằng ngốc. Hừ, nực cười nhất là chúng mày còn tính đến chuyện kết thông gia với tao nữa mới là táo bạo chứ. Con tao thà chết già, thà chửa hoang, thà chết bờ chết búi đâu thì thôi, chứ không đời nào tao lại gả nó thằng Mai Khâm…” [23, tr.749]. Qua đoạn độc thoại nội này thấy được thế giới nội tâm đầy căm hờn sục sôi, đầy những tính toán, mưu mô, tà ác của nhân vật.
Bằng những bút pháp nghệ thuật như miêu tả với nhiều điểm nhìn khác nhau, bút pháp so sánh, phóng đại, liên tưởng, khai thác ngôn ngữ độc thoại
nội tâm, đối thoại, Lan Khai đã xây dựng được những bức chân dung và tính cách của nhân vật riêng biệt. Nhà văn đã tạo ra một thế giới nhân vật mang một màu sắc riêng biệt, không lẫn lộn.