Văn học “miền núi” trong giai đoạn 1930 – 1945

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật truyện đường rừng của lan khai (Trang 34 - 40)

Chương 1. LAN KHAI – NHÀ VĂN CỦA “XỨ ĐỒNG RỪNG”

1.1. LAN KHAI – CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

1.3.1. Văn học “miền núi” trong giai đoạn 1930 – 1945

Trong dòng chảy của nền văn học dân tộc, giai đoạn 1930-1945 là giai đoạn hoàn thành của công cuộc hiện đại hóa nền văn học, là thời kì phát triển mạnh mẽ nhất, đạt được nhiều thành tựu rực rỡ nhất. Chỉ trong 15 năm nền văn học nước nhà đã đón nhận một khối lượng tác phẩm đồ sộ, một lực lượng tác gia, tác giả đông đảo, trong đó có những tên tuổi lớn đi cùng năm tháng như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố….Với một hệ thống đề tài phong phú, các nhà văn không chỉ tìm, viết về nông thôn, rồi thị thành… mà còn tìm đến núi rừng xa xôi, cao thẳm. Trong đó, tiêu biểu là nhà văn Lan Khai với các truyện đường rừng, Thế Lữ với Vàng và máu, Đới Đức Tuấn với Thần Hổ, Ai hát giữa rừng khuya, Lưu Trọng Lư với Sơn nhân, Khái Hưng với Tiếng khèn, Nhất Linh với Lan rừng, Thanh Tịnh với Ngậm ngải tìm trầm…Đó là những tác phẩm với sự khác nhau về thể loại, kết cấu, chủ đề. Xét trên góc độ loại hình, đây là những tác phẩm tự sự được chia thành các kiểu loại như: truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết.

Về truyện ngắn có truyện ngắn kì ảo, truyện ngắn hiện thực và truyện ngắn mang màu sắc lãng mạn. Truyện ngắn kì ảo (hay còn gọi là truyện lạ đường rừng) là những truyện có sự kế thừa truyền thống văn nghệ của dân tộc và tinh hoa của thế giới. Yếu tố kì ảo được các nhà văn sử dụng làm phương tiện để hướng tới những chân lý nghệ thuật nhằm phản ánh bức tranh hiện

thực vô hình của cuộc sống tự nhiên và đáp ứng được thị hiếu hiếu kì của đông đảo độc giả. Các tác phẩm điển hình như Người lạ, Ma thuồng luồng, Đôi vịt con, Người hóa hổ (Lan Khai), Người con gái của thần rắn (Thế Khanh), Đỉnh Non Tản (Nguyễn Tuân)….

Những truyện ngắn hiện thực là những sự phác thảo cuộc sống hiện thực miền núi, nó mô tả một tình huống oái ăm, những cảnh huống éo le, bi thảm hoặc những hành động dũng cảm của những con người miền núi, tiêu biểu là Sóng nước Lô Giang, Mưu thằng đợi (Lan Khai), Tiếng khèn (Khái Hưng)…bên cạnh đó còn có những truyện mang màu sắc lãng mạn rất giàu chất thơ, truyện thường lấy bối cảnh thiên nhiên làm điểm tựa cho nên, truyện tuy có tả về một cảnh đời, một số phận hay một khía cạnh cuộc sống nào đó người đọc vẫn thấy “chất rừng xanh” thiên nhiên vẫn lan tỏa trong tác phẩm, chẳng hạn truyện Hoa bên suối, Cô thơ, Cô Bụt, Trăng ngàn (Thế Lữ), Lan rừng (Nhất Linh), Ngọn gió rừng (Trần Thanh Mại), Trong bóng rừng (Hồ Zếnh)…

Về tiểu thuyết đường rừng những tác phẩm có sự kết hợp giữa yếu tố lãng mạn và hiện thực, gồm truyện Rừng khuya, Suối Đàn, Dấu ngựa trên sương, Chiếc nỏ cánh dâu, Tiếng gọi của rừng thẳm của Lan Khai; Người sơn nhân của Lưu Trọng LưTrong mảng tiểu thuyết đường rừng, có những trường hợp, trong một tác phẩm có sự pha trộn giữa yếu tố lãng mạn, yếu tố hiện thực, yếu tố huyền ảo và yếu tố lịch sử khiến câu chuyện sinh động, hấp dẫn. Chẳng hạn như các tiểu thuyết Gái thời loạn, Đỉnh non thần, Trong cơn binh lửa, Bóng cờ trắng sương mù của Lan Khai. Nó là tiểu thuyết lịch sử song trong nó vẫn có những nét hiện thực miền núi rất sinh động. Ngoài ra, trong bộ phận tiểu thuyết đường rừng có những tác phẩm mang những yếu tố kì dị như những truyện ngắn kì ảo. Các tác phẩm này mang lại cho độc giả cảm giác rùng rợn, ghê sợ xen lẫn thích thú, tò mò chẳng hạn như Vàng và

máu, Tiếng hú hồn của mụ ké (Thế Lữ), Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya (Đới Đức Tuấn)…

Có thể nói rằng các tác phẩm viết về miền núi giai đoạn 1930 -1945 mang “những đặc điểm chung của thể loại tự sự nhưng đã có nhiều sự sáng tạo” (Nguyễn Thanh Trường). Trong khi các câu chuyện dân gian của các dân tộc Thái, Mường, H’Mông …xưa điều được kết cấu theo môtip giàu – nghèo, tốt – xấu và thường kết thúc có hậu thì các câu chuyện miền núi năm 1930 – 1945 được kết cấu theo nhiều mô thức về tình yêu, vận mệnh, hiện thực, phi hiện thực, ảo hóa…làm cho bức tranh đời sống của con người vùng cao hiện lên một cách sinh động, đầy màu sắc.

Yếu tố kì ảo được nhiều tác giả truyện miền núi lựa chọn và thể hiện đậm đặc trong sáng tác của mình, họ đưa độc giả đến với một thế giới xa lạ, huyền bí, kì dị. Bên cạnh việc thõa mãn khuynh hướng thẩm mỹ của một bộ phận độc giả, những truyện miền núi có yếu tố kì ảo còn hướng đến thông điệp hãy bảo vệ thiên nhiên, vì con người là một phần trong đó, tàn phá thiên nhiên sẽ nhận được những kết cục tồi tệ.

Tạo nên vẻ đẹp, sự hấp dẫn của truyện miền núi giai đoạn 1930-1945 không thể không kể đến bút pháp miêu tả. Các tác giả truyện miền núi đã xây dựng được những hình tượng nghệ thuật hết sức sinh động mang “những phẩm chất tinh tuý của thơ ca và nhạc hoạ”, dưới ngoài bút của mình, họ đã viết lên những “bản tình ca bất tận của thiên nhiên ban tặng con người”, đã đi vào “mọi ngõ ngách suối khe, đến từng ngọn cỏ, lá cây, nhị hoa, tiếng hót của vượn chim muôn loài, trong đó sâu lắng nhất là tâm trạng của con người trước thiên nhiên hoang dã và tình người muôn điệu như cuộc sống vẫn hằng sinh tồn” (Trần Mạnh Tiến). Họ xứng đáng là những nhà văn “mới mẻ”, “đã cách mệnh lối tả cảnh trong văn học Việt Nam hiện đại” (Trương Tửu). Bởi trước họ chưa nhà văn nào có được những bức tranh hiện thực sống động -

một thế giới muôn hình vạn trạng, linh hoạt, rõ nét in đậm vào hồn người đọc như vậy.

Có thể thấy, phần lớn các tác giả tham gia viết về mảng đề tài miền núi những năm 1930 -1945 đều tìm đến những cái kì lạ, bí ẩn của rừng xanh tạo ra những tác phẩm bàng bạc chất kinh dị đường rừng. Trong đó Thế Lữ là một đại diện tiêu biểu với các tác phẩm như Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh, Một truyện ghê ghớm, Tiếng hú ban đêm…

Ở các truyện này Thế Lữ dẫn dắt người đọc đi đến hết sự hồi hộp này đến sự hồi hộp khác, ông sử dụng các chi tiết li kì, rùn rợn dẫn người đọc vào một thế giới yêu ma quỷ quái thỏa mãn trí tưởng tượng của người đọc, song viết truyện kinh dị đường rừng Thể Lữ, không dừng lại ở quá trình miêu tả và tạo dựng không khí kì quái, rùng rợn mà ông thường đi giải thích nó với sự phân tích, lí giải khoa học. Các truyện kinh dị của ông nói về những câu chuyện li kì, bí ẩn nhưng đến cuối truyện người đọc nhận ra không hề có yêu ma, đó chỉ là những mánh khóe của con người, ẩn sau những câu chuyện về yêu ma là những câu chuyện về nhân tình thế thái. Chẳng hạn trong Một truyện ghê ghớm người đọc bị dẫn dắt vào một câu chuyện li kì không khác truyện trinh thám. Nhân vật “tôi” trong một lần đi săn, nhân vật phát hiện một người đàn ông thoắt ẩn thoắt hiện như một bóng ma, khi nhân vật “tôi” thấy người đàn ông bước vào miếu trú ngụ của thợ săn mà không thấy ra trong khi xung quanh miếu chỉ có một lối ra duy nhất. Đến đây, người đọc đinh ninh hẳn đó là một bóng ma nhưng cuối cùng đó là một người đàn ông bằng xương bằng thịt trả thù cho mẹ.

Ngoài những truyện kinh dị, Thế Lữ còn các sáng tác truyện ngắn hiện thực đường rừng. Ở bộ phận truyện hiện thực đường rừng vẫn có những yếu tố kì dị nhưng ít và cốt truyện mang tính hiện thực, nó phản ánh một bức tranh cuộc sống, một cảnh đời, những cuộc tình dở dang… Ở đây Thế Lữ tiếp

tục là cây bút để lại nhiều dấu ấn bằng các sáng tác Chim đèo, Hoa bên suối, Cô Thơ, Cô Bụt, Đêm trăng... Thế Lữ đã thể hiện ông là một nhà văn tài tình trong nghệ thuật miêu tả. Quả thật qua các trang văn của ông người ta được tiếp xúc với những bức tranh thiên nhiên vừa nên thơ vừa tươi đẹp, chẳng hạn bức tranh thiên nhiên đầy chất thơ ở truyện Đêm trăng: “Một dải suối róc rách ở gần, tiếng sóng như thủy tinh gieo vào trong thứ giọng rù rì rối tăm của những côn trùng dưới cỏ. Sau lều thì khu rừng cây yên lặng như ngủ kỹ, nhưng ở trong đưa những tiếng bí mật, khiến cho mình cảm thấy được cái sinh hoạt của nó trong lúc đêm khuya. Một con hươu đang ngớ ngẩn nhìn cái lều vắng không. Những tiếng rất nhẹ của con sóc chạy trên cành; những tiếng lá cựa dưới mình một con vật đang nằm, một tiếng vỗ cánh nặng nề của con chim lớn. Từng trận gió thổi qua, một loạt lá rơi dào dạt, rồi tất cả lại im lặng như ngóng đợi, như nín hơi. Xa xa, rõ thực xa, giọng thác ào ào, để ý thì mỗi lúc thấy một gần thêm, rồi lại xa dần, rồi lại như biến đi mất. Có khi nghe như tiếng muôn nghìn người ồn ào đưa từ đâu đâu tới; phảng phất trong trí não tôi hình dung ra những cảnh chợ búa xe pháo ở chốn thị thành” [3, tr.151]. Tuy vậy, bóng dáng con người trong các truyện của ông còn mờ nhạt, phần lớn là những cô gái đường rừng đẹp nhưng đó là một vẻ đẹp lạnh lùng, bí ẩn như sự sâu thẳm của núi rừng.

Đái Đức Tuấn cũng là một cây bút viết truyện kinh dị nổi tiếng với Thần Hổ, Ai hát giữa rừng khuya…Ông giống Thế Lữ ở chỗ kế thừa những đặc điểm viết truyện truyền kì của văn học thời kì trước, đưa vào tác phẩm những chi tiết li kì, bí ẩn kích thích mạnh giác quan và trí tưởng tượng của người đọc. Và ông cũng như Thế Lữ không tin vào thế giới yêu ma nên ruốt cuộc cuối truyện người đọc biết rõ ngọn nguồn của “những hiện tượng lạ lùng ấy”. Chẳng hạn trong truyện Ai hát giữa rừng khuya nhân vật “tôi” kể lại những chuyện li kì được chứng kiến ở núi Gôi và Đồng Dao. Vào buổi chiều

ở núi Gôi mỗi lúc “mưa xuống nắng lên” là thấy hai bóng người cụt đầu múa võ với “những đường võ cực kì bí hiểm, trông ngoạn mục và lí thú vô cùng”

nhưng phải đứng xa nhìn nếu lại gần bóng ma cụt đầu sẽ biến mất. Ở Đồng Giao thì hễ đêm mưa giá rét người ta lại nghe những âm thanh của tiếng não ruột vẳng ra từ trong rừng. Cuối truyện thì người đọc cũng biết được đó là oan hồn xấu số của hai anh em Lê Mạnh Khôi và Lê Trọng Việt bị nghi oan cộng tác với Nguyễn Quán – một tên cướp nên bị bắt và chém đầu tại núi Gôi.

Tiếng đàn vẳng ra từ rừng sâu là của Oanh Cơ vợ của Trọng Việt, bị chết bởi hổ vồ. Tuy có những nét giống trong truyện kinh dị của Thế Lữ nhưng Đái Đức Tuấn không dùng tri thức khoa học để lí giải nguyên nhân của sự việc lạ lùng như Thế Lữ. Điều đó khiến người đọc vẫn không thoát khỏi sự ám ảnh, boăn khoăn khi bước ra khỏi những trang truyện của ông.

Nhất Linh viết truyện Lan Rừng cũng không nằm ngoài mục đích gợi sự tò mò và hấp dẫn người đọc với những chi tiết lạ li kì, lạ lùng và bí ẩn từ mối tình đầy chất liêu trai. Đó là mối tình của chàng trai người Kinh với cô gái Thổ, nhà ở bên thác Linh Hai. Chàng trai tìm đường đến nhà Vi Văn Hoài đã bị lạc và gặp cô gái Thổ xinh đẹp tên Sao. Lỡ đường, đêm đã buông nên chàng xin về tá túc nhà cô. Đêm hôm đó, lúc 12 giờ khuya, chàng được cô gái dẫn đến một cánh đồng đầy Lan rừng thơm nồng, khung cảnh hư hư, thực thực khiến chàng trai không khỏi bâng khuâng khi thức giấc vào sáng hôm sau. Khi chàng trai đã làm xong công việc của mình liền quay lại tìm cô gái nhưng lạ thay ngôi nhà chàng đã trú đã biến mất, chàng hỏi thăm về cô gái và thác Linh Hai nhưng không ai biết. Từ hôm đó, người ta thấy hàng ngày chàng trai vẫn phóng ngựa vào nơi đó và khoảng một thời gian sau thì không thấy về.

Đi sâu khám phá cuộc sống con người miền núi từ nhiều góc nhìn khác nhau, các nhà văn giai đoạn 1930 -1945 đã cho đem đến cho độc giả một cái

nhìn toàn cảnh về đời sống, tâm lý, những phong tục tập quán độc đáo của con người nơi núi cao thẳm, cùng những câu chuyện kì dị và cả thế giới thiên nhiên rộng lớn, thơ mộng nhưng bí ẩn và cũng đầy bất trắc hiểm nguy. Những sáng tác của họ đã thực sự mở ra một thời kì mới cho “giai đoạn văn chương rừng núi” (Thế Phong) và trong hành trình bước vào xứ sở rừng thiên có một số nhà văn đã tạo được một chỗ đứng cho mình, góp phần đánh dấu một bước tiến mới cho nền văn học dân tộc.

1.3.2. Vị trí của Lan Khai trong mảng sáng tác về đề tài “miền núi”

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật truyện đường rừng của lan khai (Trang 34 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)