Chương 2. ĐẶC ĐIỂM HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG “TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG” CỦA LAN KHAI
2.1. CÁC LOẠI HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG “TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG” CỦA LAN KHAI
2.1.1. Hình tượng nhân vật xinh đẹp, cá tính mạnh mẽ
Đọc các truyện đường rừng của Lan Khai, thấy rằng ông dành sự ưu ái rất lớn cho phụ nữ. Các nữ nhân vật trong truyện hiện ra như những đóa hoa rừng tươi đẹp, thơm ngát. Mỗi nhân vật ở mỗi truyện, có một vẻ đẹp riêng làm cho bức tranh truyện đường rừng sinh động, lung linh sắc màu.
Dua Phăn (Rừng khuya) đẹp như một nàng tiên với đôi tay mềm mại và trắng nuột, môi đỏ tươi, đôi mắt sâu, màu tóc xanh thẳm như trời đêm. Cô
“nồng thắm như một bông hoa hải đường, dịu dàng như mùa hoa liếp bi, bí mật như liềm trăng hạ tuần và xa xôi như cái bóng trong mộng”[23, tr.493].
Dua Phăn yêu Mai Kham bằng một tình yêu giản dị nhưng sâu sắc, mãnh liệt.
Khi bị lão Chánh Tsinèng phá hoại tình yêu của mình, cô chủ động rủ Mai
Kham bỏ trốn, nhưng vì yêu cô, không muốn vì anh mà cô phải tha hương, gia đình cô mang tiếng xấu, nên Mai Kham không đồng ý, anh tìm cách khác giải quyết. Song, những suy tính của đôi trai gái không qua được bộ óc xảo quyệt của Tsinèng, hắn dùng tiền, quyền mua chuộc cha Dua Phăn, ép gả Dua Phăn ngay lập tức. Dưới sự bức bách ấy, cô gái dịu dàng, xinh đẹp này mạnh mẽ tìm gặp Mai Kham muốn dâng hiến đời con gái cho anh và chủ động chọn cái chết để giữ gìn trọn vẹn thân thể và tình yêu của mình. Dua Phăn là một cô gái xinh đẹp, cá tính, mạnh mẽ trong tình yêu, cô là hình ảnh tiêu biểu cho những cô gái miền núi hiền lành, xinh xắn nhưng mạnh mẽ trong tình yêu, dám hi sinh vì tình yêu.
Là một cô gái rất đỗi xinh đẹp và đáng yêu, cũng yêu nồng nhiệt và được yêu mãnh liệt, đó là Peng Lang - một cô gái người Mán trong Tiếng gọi của rừng thẳm. Peng Lang đã đính ước với Cang Ngrào nhưng vẫn bị người mẹ ham vật chất ngăn cản, đặc biệt là sự xuất hiện của chàng trai người Kinh, là nguyên gián tiếp khiến mối tình dở dang. Mặc dù yêu Cang Ngrào nhưng Peng Lang vẫn không thoát khỏi những giây phút xao động trước những cử chỉ, lời nói khéo léo, hào hoa phong tình của Hoài Anh. Những “vật chất lạ mắt” trong ngôi nhà của Hoài Anh đã nhiều lần khiến tâm hồn cô gái trẻ so sánh và thấy cảnh sống của mình thật tầm thường, thấy Cang Ngrào thua kém so với Hoài Anh. Khi cô dường như đã vượt qua được những cám dỗ ấy thì Cang Ngrào lại không thắng nổi sự ghen tuông và mối tình tan vỡ, Cang Ngrào chết một cách oan uổng. Tình duyên đổ vỡ nhưng trái tim còn non xanh ấy vẫn khát khao hạnh phúc, Peng Lang bỏ rừng lên phố, đi theo sự mách bảo của trái tim, kết duyên với Hoài Anh. Nhưng đến cái nơi cô đã từng nghĩ là sẽ khiến cô hạnh phúc thì cô mới nhận ra nơi cô thuộc về, đó là núi rừng thân thương. Cô quyết định trở về với bản làng quê hương không chút do dự. Peng Lang là cô gái hồn nhiên, mơ mộng của núi rừng, mỗi quyết định
của cô gái đều thể hiện những tâm tính, lối hành xử rất tự nhiên, hồn nhiên, chân thực của con người ở xứ sở rừng núi. Hồn nhiên theo Hoài Anh đi và cũng rất tự nhiên rũ bỏ mối duyên ấy trở về khi nhận ra người ta không thể sống “thiếu quê hương” nơi nuôi sống ta từng ngày, nhận ra tình yêu quê hương cao lớn hơn cả thứ tình cảm lứa đôi. Điều đặc biệt nhận thấy trong tính cách Peng Lang đó là cô dám yêu, dám vượt qua định kiến, rào cản sắc tộc để đến với tình yêu, dũng cảm đi theo đi theo tiếng gọi của con tim.
Có thể xem Ẻn, cô gái dân tộc Thổ trong Suối Đàn là đóa hoa rừng nổi bật nhất trong “rừng hoa” trong truyện đường rừng của Lan Khai. Cô gái vừa tài hoa, vừa xinh đẹp đã chinh phục trái tim anh chàng trí thức người Kinh (nhân vật tôi) ngay từ lần gặp đầu tiên. Cô hiện ra trên trang viết của Lan Khai là cô gái có kiểu mẫu hoàn toàn về sắc đẹp của rừng xanh “Trán nàng phẳng mà sáng, dưới làn tóc ngôi xoăn. Cái mũi nàng thẳng dọc dừa làm cho hai má bầu đỡ đần độn. Hai mắt nàng trông màu lòng thau khiến ta khi nhìn có cảm tưởng trông suốt được tâm hồn nàng. Cái miệng khí rộng nhưng đường viền môi rất đẹp. Nhân trung nàng ngắn bởi môi trên hơi cong, do đấy gương mặt nàng có vẻ ngây thơ, tươi cười mặc dầu, ở giữa môi dưới, một nét vạch sâu đã đánh dấu một tâm hồn hay tư lự hằng ấp ủ một cái gì như một thương nhớ xa xôi, kín đáo và phức tạp” [23, tr.269 - 270]. Ẻn có đôi mắt trong veo khiến người ta nghĩ rằng sẽ thấu suốt tâm hồn cô nhưng cũng như nước biển, cái tâm hồn ấy nhìn thấy trong suốt nhưng càng nhìn, càng đi sâu càng không nhận thấy điều gì. Ẻn vừa gần gũi vừa xa xôi, vừa mang vẻ sáng trong, tươi tắn của hoa cỏ lúc bình minh chiếu xuống nhưng cũng mờ mịt, lạnh lùng như những đám sương mù khi đêm về. Tâm hồn ấy càng tiếp xúc càng khiến “tôi” thấy nó “đóng kín và kì dị”.
Cô được cử làm cô Then, vì xinh đẹp, hát hay, múa dẻo. Cô là hiện thân cho vẻ đẹp sống động của văn hóa dân gian đặc sắc của dân tộc Tày. Ẻn
là ánh sáng soi vào cuộc đời u ám, chán chường chất chồng của nhân vật
“tôi”, là nguồn nước tưới mát tâm hồn và khơi dậy sức sống cho cái tâm hồn
“héo queo và buồn tẻ” của “tôi”, để “tôi” chìm trong mộng ước về một cuộc sống hạnh phúc, yên bình. Khiến “tôi” cố tâm, cố lực để nắm lấy trái tim của Ẻn, nhưng càng đến gần, Ẻn lại là một khoảng không đen mờ mịt, khó hiểu đến bất ngờ. Đến khi biết cô đau đớn, giằng xé mình giữa tình mới và cũ, cô đắm say với hương vị tình yêu cùng anh chàng người Kinh nhưng lại không nỡ bỏ rơi Phù, không nỡ thấy người xưa tàn tật mà phụ bạc cũng là lúc cô gái này chọn cái chết để giải thoát.
Đây là một sơn nữ để lại sự ấn tượng mạnh mẽ trong lòng bạn đọc, một kiếp hồng nhan phận bạc, một cô gái dũng cảm vượt qua định kiến để yêu người khác chủng tộc, song cuối cùng không thể chiến thắng được ám ảnh tội lỗi phụ bạc mà rơi vào bế tắc và chọn lấy một lối cụt cho sinh mệnh của mình.
Lô Hli trong Tiền mất lực cũng là cô gái gợi cho người đọc hình dung rõ nét về chân dung của những cô gái ở núi rừng: Xinh đẹp, khỏe mạnh, hồn nhiên và mạnh mẽ trong tình yêu. Cô vừa có sắc vừa có tài, cô rất khéo tay, cô chân thành và bộc trực. Dũng cảm bỏ người chồng bị ép buộc phải lấy đi theo tiếng gọi của con tim, song kết cục của cô này cũng giống Dua Phăn trong Rừng khuya, không thể tự do yêu đương, chống lại thế lực của đồng tiền, quyền lực nên phải chọn cái chết để được bên nhau, giữ trọn lời thề với người yêu.
Pengai Lâng (Chiếc nỏ cánh dâu) được Lan Khai miêu tả mang một nét đẹp khác biệt nhất so với các thiếu nữ khác trong truyện đường rừng. Nàng cũng xinh đẹp nhưng vẻ đẹp này không mềm mại, uyển chuyển hay rực rỡ hoặc đằm thắm, dịu dàng. Nó là một vẻ đẹp “lạ” (Lan Khai), mang khí chất nam tính nhiều hơn nữ tính: “Thiếu nữ có một khổ người vừa vặn, tròn trặn, đôi vú cong và nhọn hoắt như sừng bò tót, lưng thon như lưng beo, mông tròn
như mông ngựa, chân tay dài mà nở nang đều đặn. Mặt nàng hình bầu bầu như cái mật gấu, sống mũi hói dẹp, xương lông mày nhô cao làm cho cặp mắt to lui vào bóng tối một chút nên càng đậm đà. Phải cái miệng buồn, vì góc mép luôn luôn trễ xuống” [23, tr.723]. Pengai Lâng là người có cá tính thẳng thắn, thương người nhưng cũng thuộc hạng người cao kỳ, đáo để. Có lẽ những nét đẹp ngoại hình, tính cách “gai góc” đó đã báo hiệu một tương lai đầy giông bão, bất trắc của cô gái. Cô hết sức ngăn cản cuộc chiến giữa một bên là cha với một bên là người cô thầm yêu. Qủa là gan dạ khi cô dám tìm cách ngăn lại và cũng chính từ việc đó mà cô vĩnh viễn rơi vào cuộc sống của một con người mất ý thức. Pengai Lâng là một cô gái có số phận bi kịch và đáng thương, là nạn nhân của tội ác, sự tham lam quyền lực của chính người sinh ra cô.
Những phụ nữ Dao trong Hồng Thầu lại là một kiểu mẫu nhân vật hơi khác biệt làm cho bức tranh hình ảnh về các cô sơn nữ trong truyện đường rừng của Lan Khai phong phú, sống động. Các cô gái này đều trẻ trung, khỏe khắn, xinh tươi, song ở họ cũng có một sự cả tin, ngây thơ, đơn thuần quá đỗi.
Họ tin vào sự xe duyên của đất trời, cứ thế âm thầm yêu thương, âm thầm tin tưởng và hết lòng cho tình yêu ấy. Một mặt họ là nạn nhân của những hủ tục lâu đời, một mặt là nạn nhân của chủ nghĩa cuồng tín. Khi chồng viết thư để lại, hứa sẽ trở về. Vậy là họ ngóng trông, tin tưởng, quá tin vào sự trở lại của yêu thương ấy mà hóa bế tắc, điên dại đến nỗi bóp chết đứa con của mình và treo xác tự vẫn. Đây là cái giá của sự cuồng tín trong yêu thương. Cái chết của hai nhân mạng ấy khiến người đọc không khỏi xót xa cho thân phận của người đàn bà miền núi ấy nhưng hình ảnh bồng con lên núi ngóng chồng hàng ngày của cô đã để lại những hình ảnh và tình cảm tốt đẹp về họ, những cô gái thủy chung son sắt, giàu yêu thương, giàu hi sinh.
Viết về những nhân vật nữ ở núi rừng, tuy bao nhiêu truyện là bấy nhiêu khuôn mặt, tính cách nhưng tựu trung lại họ đều xinh tươi, hồn nhiên như cây cỏ, tâm tình dịu dàng, sáng trong như nước suối nhưng cũng mạnh mẽ, quyết liệt, nhất là trong tình yêu, họ yêu mãnh liệt và dám hi sinh cho tình yêu ấy, họ chủ động và hiến dâng, thương ghét rất rõ ràng. Nhưng dù là cô gái dù mạnh mẽ phần lớn họ vẫn là có những kết cục bi kịch và đáng thương. Họ là những số phận vẫn chưa thoát khỏi sự chèn ép của thế lực đồng tiền, cường quyền, hủ tục, của phong tục, của sự ích kỉ cá nhân ở non xanh.