Chương 3. THẾ GIỚI “ĐỒNG RỪNG” TRONG TRUYỆN LAN KHAI
3.1. ĐẶC ĐIỂM KHÔNG – THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG “TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG” CỦA LAN KHAI
3.1.1. Không - thời gian ngày đầy màu sắc, âm thanh
“Trong tác phẩm văn học, không gian – thời gian nghệ thuật là một hình tượng được sáng tạo nên bởi nhà văn. Nó được hình thành từ sự cảm nhận của nhà văn. Chúng được dùng với tư cách một phương tiện nghệ thuật để phản ánh đời sống, để trình bày tư tưởng của nhà văn”[11, tr.44].Trong các truyện đường rừng của mình Lan Khai rất dụng công miêu tả những hình tượng không - thời gian. Tác giả đã miêu tả một không gian núi rừng của ngày tươi sáng, thơ mộng. Dưới ánh dương soi tỏ, khung cảnh thiên nhiên hiện ra thoáng đoãng với suối nước, cỏ cây, hoa lá tuyệt đẹp: “Dưới ánh cây xanh, dày đến nỗi ánh mặt trời không lọt qua, một tấm thạch bàn phô vẻ trắng tinh như ngọc giữa những giây cơm lênh, những tràng hoa đỏ, tím buông rủ như bức màn gấm trăm màu. Mặt đất đỏ như son, phủ một lớp nhung rêu óng ánh.
(…)
Thạch bàn ở ngay bên bờ một con suối. Dòng nước từ vách núi mù trắng xóa. Trước khi dồn xuống lòng khe nước trong đọng và một cái trũng lớn, từ mấy nghìn năm giọt suối khoét đá thành như một cái bồn tắm thiên nhiên. Quanh bồn tắm, lá cây thưa, ánh dương soi tỏ, trăm thứ hoa nở rỡ ràng”[23, tr.509].
Đó là không gian rộng lớn với sự bao la của vũ trụ và màu sắc tươi đẹp của những bông hoa rừng: “Gần xa, những chỏm núi đầy hoa Roóc mạy nom chẳng khác từng bó đuốc khổng lồ cháy rực dưới vòm không xanh biếc”
[27, tr.536]. Trong bức tranh thiên nhiên của núi rừng còn tràn đầy âm thanh của muôn loài, chim chóc: “Trên các hốc cây, ven các bờ rậm, hoa bướm, hoa kèn, hoa líp li nở muộn gượng cười. Các loài chim bìm bịp, chích chòe, họa mi, chèo bẻo, vui ca đón ngày tốt đẹp trong khi con diều hâu rít lưỡi báo tin mưa”[23, tr.489].
Khi tạo dựng không – thời gian, Lan Khai thường miêu tả không gian gắn với mỗi thời khắc khác nhau và những thời điểm khác nhau trong ngày không gian núi rừng lại hiện lên một vẻ đẹp riêng, lấp lánh một sắc màu riêng.
Đó là một không gian của một buổi sáng đẹp trời, không gian bao la, thoáng đãng và rộn ràng âm tiếng: “Gần chỗ thạch bàn, một cây đào chớm nở rung rinh trong nắng như một cây bằng vàng nạm ngọc hồng v à biếc.
Xa nữa, một cây cơi, hoa nở trắng như hoa mai.
Dòng suối vẫn rì rầm kể cho hai bờ sậy nghe những chuyện đem từ những nơi xa lạ đến.
Và, náu hình đâu đó, một con chim khướu bách thanh rủ rỉ hót, tiếng nghe êm đềm và hơi đượm buồn, như một khúc nhạc tương tư”[23, tr.701].
Buổi trưa: “Ánh nắng chói chang bao trùm lên vạn vật tạo ra muôn nghìn thanh sắc” (Suối Đàn)
Kể cả thời gian đã dần về đêm thì không gian núi rừng vẫn đầy chất thơ, không gian nhẹ tênh, êm đềm: “Chiều mùa thu không khí trong suốt, trời nhẹ lâng lâng và, đằng phía tây, sau dãy núi tím mờ, nhuộm phớt màu lòng trứng…”[23, tr.527].
Không chỉ miêu tả nét riêng của không gian ở mỗi điểm thời gian trong ngày, Lan Khai còn chú ý miêu tả không gian theo từng mùa, mỗi mùa có một không gian riêng.
Không gian mùa thu với bầu trời trong vắt, ánh nắng tươi tắn, một khung cảnh nên thơ: “Da trời xanh trong.
Ánh nắng chảy lên láng trên sự vật như tơ tằm óng ánh
Cây cỏ xanh rờn, tuy một vài chỗ điểm vàng thì cái màu thu ấy càng rực rỡ lắm” [27, tr.201].
Không gian đất trời, cảnh vật của buổi sáng mùa hè thì sáng bừng, rực rỡ:
“Đó là một buổi sáng mùa hè.
Dưới ánh chiều dương, cảnh vật tươi cười, thảnh thơi, sung sướng. Sắc cây xanh bóng điểm những màu hoa rỡ ràng, nổi rõ trên nền mây trắng rải rác khắp bầu trời trong vắt.
Đàn trẻ nô giỡn trên cánh đồng cỏ tranh nhau đuổi bớm bắt chuồn chuồn. Những tiếng reo hò lẫn với tiếng chim đua hót, rung động làn không khí êm đềm”[23, tr.620].
Và quang cảnh của một ngày mùa đông thì u ám, ảm đạm, lạnh lẽo:
“những bụi xương cây trụi lá, cằn cỗi, vặn vẹo, trơ những cành ngẳng nghiu dưới nền trời thấp, nom có vẻ rét mướt, buồn rầu…”[23, tr.513].
Cách khắc họa không gian núi rừng theo từng mốc thời gian trong ngày, từng mùa không chỉ khiến bức tranh không gian cảnh vật miền núi lung linh sắc màu mà còn cho thấy được rõ đặc điểm của khí hậu, thiên nhiên riêng
biệt ở từng thời điểm trong ngày, từng mùa trong năm ở núi rừng Tây Bắc.
Ngoài ra, Lan Khai cũng thường miêu tả những khoảnh khắc chuyển giao giữa ngày và đêm, đêm đến ngày hay mùa này chuyển mùa khác, cho thấy
“những bước đi” của thời gian và sự thay đổi không gian. Đây là ngày cuối thu, đầu đông: “Trời mây ủ rủ, cây cỏ phai màu. Những dãy núi xa thăm thẳm, chìm ngập trong khoảng sương mù. Rừng cây lặng lẽ xác xơ. Mặt đồng không phơi gốc rạ, trống rỗng đìu hiu …Mùa lạnh lẽo sắp tới rồi” [23, tr.575].
Hoặc là khoảnh khắc chuyển giao giữa ngày và đêm: “Mặt trời chỉ còn cách ngọn núi Chu Hơ Drong chừng một con sào. Gío chiều đã lạnh như nước.
Sương lam bắt đầu tỏa mơ hồ, làm cho những hình cây, bóng nước mỗi lúc một nhòa nhạt, một lẫn lộn, để sau cùng tiêu tán vào bóng tối. Những con chim về tổ kêu dáo dác, nghe buồn thấm thía…
Mặt trời đã lặn” [23, tr.739]
Những không gian rừng cây bạt ngàn, đầy sương hay thung lũng yên tĩnh hoặc bên bờ suối thơ mộng, những con đường ngoằn ngoèo còn là nơi con người đi lại, gặp gỡ, lao động, sinh hoạt văn hóa…Đó là ngày tranh sáng, tranh tối rất đẹp Dua Phăn gặp gỡ Mai Kham khi chàng đang: “cởi áo vắt lên một cành ba soi gần đấy, vác rìu đẵn những gốc cây khô….Cây lớn, cây con, chẳng bao lâu đổ xuống rầm rầm, ngổn ngang trên cỏ”[23, tr.490]. Con đường đất đỏ, con đường của những người lao động làm nghề mã phu ngoằn nghèo, khó nhọc (Dấu ngựa trên sương) hay không gian ngày xuân của lễ hội ném còn của các tộc người diễn ra từng bừng vui vẻ, với sự trong trẻo, tươi sáng của đất trời cảnh vật và sự tươi vui, rạng rỡ của con người…
Trong việc miêu tả không gian ngày, Lan Khai thực sự dành nhiều bút lực miêu tả không gian bầu trời, cây cỏ, hoa lá tươi sáng, chân thực, thơ mộng, rộn rã âm thanh nhưng trong không gian ấy không thể thiếu vắng hình tượng của con người. Sự xuất hiện của con người khiến không gian sống động
hơn, bớt quạnh quẽ, hoang tịch hơn, làm cho bức tranh thiên nhiên hoàn thiện hơn.
Miêu tả không gian ngày, Lan Khai chọn nhiều điểm trần thuật khác nhau để miêu tả. Khi thì ông đứng trên cao để quan sát bên dưới, khi thì ông đứng một điểm phóng tầm mắt ra xa để bao quát toàn bộ không gian cảnh vật, khi thì ông đưa mắt lên cao quan sát những dãy núi với sự xuất hiện của ánh dương, hoặc đám mây lơ lửng giữa bầu trời trong vắt. Không – thời gian được miêu tả dưới nhãn quan của tác giả nhưng cũng có khi nó được nhìn qua lăng kính của nhân vật, vì vậy mà không – thời gian được khắc họa phong phú, sinh động hơn. Đây là đoạn miêu tả một không gian sáng sớm của núi rừng:
“Bình minh.
Trên cỏ cây tha thướt dấu sương mù.
Những chỏm núi xa vươn lên chân mây phơn phớt hồng, chờ đợi thái dương. Trong lòng thung, lúa chín gục đầu dưới những hạt sương lấp lánh.
Suối róc rách chảy, tung bọt trắng lên những hòn đá phủ rêu xanh. Chim chóc trên cành đua nhau hót. Trong không khí mát dịu thơm tho, vạn vật đều tưng bừng với ánh sáng với sự thông thoáng, sự thở hút, sự vẫy vùng dưới cái cảnh mỹ miều…”[23, tr.569]. Ta hình dung tác giả đang đứng ở một gò đất nào đó đưa mắt lên cao đế ngắm nhìn sự chuyển biến của đám mây trên đỉnh núi chờ đón thái dương rồi đưa mắt nhìn xuống lòng thung ngắm nhìn những hạt sương vươn trên những cây lúa, rồi ông quay qua những khóm cây có những chú chim đua nhau cất tiếng hát, xong ông bất giác nhắm nghiền mắt lại để hít thở cái không khí trong veo, mát lành, thơm tho của buổi sáng yên bình.
Khắc họa không - thời gian ngày Lan Khai sử dụng những câu văn dài, với ngôn từ mượt mà, uyển chuyển. Đây là đoạn ông tả cảnh sáng sớm ở vùng cao: “…Sau đỉnh núi xa tím thẫm, ánh sáng trắng đổi xanh vàng nhạt, vàng già lửa đỏ. Rồi mặt trời vinh quang chói lọi hiện ra tỏa hào quang xuống
những chòm cây xanh mát, lập lờ nổi trên lớp sương mù…” [23, tr.489]. Hay cảnh một buổi sáng thần tiên trong truyện Tiền mất lực Lan Khai sử dụng những câu văn dài nhưng đăng đối, bố cục màu sắc cảnh vật hài hòa như một bức tranh vẽ: “Ánh sáng lộng lẫy soi xuống một cảnh tượng thần tiên. Quanh mình nàng, rừng cây man mác, chỗ nấp trong bóng tối mát dịu màu xanh, chỗ phơi ra ánh nắng rực rỡ vàng hoe. Trên nền trời phơn phớt hồng, những chỏm núi xa in nét thiên thanh dịu. Giọt sương mai long lanh trên ngọn cỏ như nghìn vạn hạt pha lê”[24, tr.558].
Đặc biệt, khi miêu tả không gian ngày Lan Khai thường dùng các tính từ chỉ màu sắc, động từ chỉ âm thanh với mức độ dày đặc. Chẳng hạn chỉ một đoạn văn ngắn: “Từ góc trời phía tây, qua những rèm mây vàng hoặc da cam, ánh nắng tàn còn để vươn lại trên sự vật những mầu rất mong manh, những màu phấn kim nhũ pha màu tím mỗi lúc một phai, một tắt dần” [23, tr.653].
Người đọc có thể thấy nhà văn sử dụng đến bốn từ chỉ màu sắc, hoặc trong đoạn “Gió chảy rì rào qua kẽ lá cây rung, hòa với tiếng suối róc rách trên lòng sỏi trắng. Dưới gốc cỏ rậm, tiếng trùng ri rỉ kêu như chúng vẫn kêu từ thiên vạn cổ. Và thỉnh thoảng, một con gà rừng gáy lanh lảnh đâu đó làm cho một con gà lôi, lông trắng như bông, cất cánh bay ràn rạt, lòe ra giữa cõi mơ hồ một tia sáng trắng” [23, tr.657] có đến 12 động từ chỉ âm thanh, tính từ miêu tả âm thanh. Tạo ra những không gian nghệ thuật lung linh màu sắc, thơ mộng, trong sáng, sống động.
Cùng viết về “miền núi” ở những năm 1930 -1945 với Lan Khai, các tác giả Thế Lữ, Nhất Linh, Đái Đức Tuấn khắc họa những hình tượng không – thời gian khác biệt. Ở các truyện của Thế Lữ không gian ngày được nhà văn miêu tả là những khung cảnh hoang sơ, vắng lặng, bí ẩn, rợn ngợp. Đứng trước khung cảnh đó con người cảm thấy bé nhỏ, sợ hãi: “Sừng sững giữa trời, bao quát, đồi cây gò đất, núi ấy trông đường bệ hách dịch nhưu đứng làm
chúa tể cho cả một vùng phong cảnh hoang vu. Dân thổ ở các làng gần đó, ngày nào cũng trông thấy ngọn núi mù mù màu lam tím, nhô lên trên những hang rừng xanh chi chít um tùm” (Vàng và máu). Bức tranh khung cảnh thiên nhiên rừng núi ở các truyện của Thế Lữ ít có bóng dáng của con người, nó là những khung cảnh vắng vẻ, hoang tịch: “Một cái trại rộng ngót hai mẫu và rậm như một khu rừng. Cây toàn là cây cỗi. Gần hết là nhãn, mười gốc mít và mấy thứ cây ăn quả mà người ta không nghĩ đến sự lấy hoa lợi; lại thêm hai gốc đa cổ kính, buông từng súc rễ chằn chịt xuống lối đi. Trên là bóng lá rờm rà. Dưới là cỏ và hoa. Những thứ cây bụi không biết tên là gì và thường thường chỉ mọc ở những cánh đồng hoang, cũng tìm đến sống ở đây, chen lẫn với những khóm hoa không được chăm bón” (Trại Bồ Tùng Linh). Không – thời gian ngày ở truyện Lan rừng của Nhất Linh cũng mang vẻ hoang sơ, bí ẩn không kém: “Xung quanh chỉ toàn rừng già; những cây cao vót, ngọn nghiêng ngả, rào rào trước ngọn gió chiều vừa bắt đầu nổi lên”. Còn không gian ngày trong các truyện của Đới Đức Tuấn là những khung cảnh hiểm trở, xa xôi, hoang vắng, ở đó luôn diễn ra những cuộc sinh hoạt, giết chóc của thú rừng và con người.
Như vậy, thiên nhiên ngày dưới góc nhìn của Thế Lữ, Đái Đức Tuấn là những bức tranh thiên nhiên hoang vu, tịch lặng, bí ẩn, hòa cùng những âm tiếng rùn rợn, kinh quái của những loài thú rừng. Đó là nơi “rừng thiêng nước độc”, nơi con người hoàn toàn bị chìm khuất và “sợ hãi” trước khung cảnh thiên nhiên. Còn dưới ngòi bút của Lan Khai, không gian đất trời, núi rừng Tây Bắc của ngày hiện ra đủ chiều kích, đa sắc màu, đủ cung bậc âm thanh, cảnh vật tươi sáng, thơ mộng và biến đổi qua từng khoảnh khắc. Con người vốn sống gần gũi, chan hòa với không gian ấy vì vậy mà họ cũng chứa trong mình tâm hồn phóng khoáng, tự nhiên, tràn đầy sức sống, sáng tươi song cũng nhạy cảm, dễ đổi thay.