Nét tinh tế trong miêu tả tâm lí, hành động nhân vật

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật truyện đường rừng của lan khai (Trang 66 - 73)

Chương 2. ĐẶC ĐIỂM HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG “TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG” CỦA LAN KHAI

2.1. CÁC LOẠI HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG “TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG” CỦA LAN KHAI

2.2.3. Nét tinh tế trong miêu tả tâm lí, hành động nhân vật

Trong thế giới nhân vật của Lan Khai các nhân phản diện ít được nhà văn miêu tả thế giới nội tâm, thay vào đó là những nhân chính diện, họ được ông đặt trong những cảnh huống trớ trêu từ đó bộc lộ những diễn biến tâm lí phức tạp. Chẳng hạn Peng Lang trong Tiếng gọi của rừng thẳm, Tum Điàng trong Dấu ngựa trên sương, Ẻn trong Suối Đàn

Cô gái trẻ Peng Lang vốn có mối tình đẹp đẽ với Cang Ngrào nhưng vì bị mẹ ngăn cản và đặc biệt là sự xuất hiện của những “xa hoa” vật chất thị thành cùng những tình cảm dịu dàng êm ái của chàng trai khiến cô gái nhẹ dạ thay lòng với Cang Ngrào. Qúa trình thay đổi tình cảm, cảm xúc của cô gái đã được Lan Khai ghi lại bằng ngòi bút rất tinh tế, bắt đầu bằng việc ngẫu nhiên so sánh rồi thích thú: “Những lời nói của chàng trẻ tuổi chốc chốc lại văng vẳng bên tai Peng Lang.

Cô thú thật với lòng rằng những lời ấy đã cảm động cô một cách dịu dàng thấm thía, đã mở cho cô một thế giới lạ, có những hương sắc tân kì”[23, tr.579]. Ngày qua tháng lại, cô gái trẻ bắt đầu đấu tranh nội tâm, cô trách anh chàng người Kinh đã chê Cang Ngrào, chê những người đồng bào của cô, cô nguyện sẽ yêu Cang Ngrào. Nhưng rồi bước vào ngôi nhà của Hoài Anh, lòng cô gái bỗng dao động, sự so sánh bắt đầu diễn ra một cách quyết liệt hơn, cô liên tưởng cái cảnh sống cực khổ của những người đồng bào cô:

“Tại sao ở đây, bọn ta sống vất vả thế mà nơi khác, họ lại sung sướng dường kia ?”[23, tr.589]. Và cô phải dùng sự tưởng tượng kết quả lao động mà Cang Ngrào có được để chống cự lại ý nghĩ đó. Ý nghĩ phản bội của Peng Lang giống như một sợi cỏ xấu len trong đám lúa nếu không để ý và diệt triệt để nó

sẽ lan ra toàn đám ruộng. Điều gì đến phải đến, ngày xuân, trong không khí êm dịu và ngọt ngào của hơi men của tình người, Peng Lang đã đánh mất mình, cô để Hoài Anh có hôn mình. Ngay sau hôm đó, đối với Cang Ngrào cô đã khinh khi: “Không bao giờ Peng Lang thấy Cang Ngrào tầm thường quá như hôm ấy ! Ngô, đậu, lúa nếp, lúa tẻ, kéo phân, tháo nước ! Suốt đời có lẽ Cang Ngrào chỉ loanh quanh có từng ấy ý nghĩ”[23, tr.603]. Từ đây, tình cảm của Peng Lang dành cho người yêu của cô đã không thắm thiết như xưa.

Không thể nói cô hết yêu Cang Ngrào nhưng nguyên nhân tan vỡ phần nhiều là sự thay lòng ở cô. Cang Ngrào chết, cô gái có chút ngượng ngập nhưng đã dũng cảm và mạnh mẽ đi theo tình yêu mới mà cô dành cho Hoài Anh, đáng tiếc đó là sự nhầm lẫn của cô. Tình yêu thật sự có thể xóa nhòa mọi ranh giới, biến những điều không thể thành có thể, tuy nhiên tình yêu của Peng Lang dành cho Hoài Anh không qua tình yêu đối với xứ sở thế nên tình cảm kia là một thứ cảm xúc bồng bột của cô gái trẻ mà thôi.

Tâm lí của Peng Lang diễn biến hoàn toàn tự nhiên nhưng sâu kín, khó nhận ra, những diễn biến trong tâm hồn Peng Lang được khắc họa qua những ngòi bút trần thuật nửa gián tiếp và lời nửa trực tiếp và những đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật. Miêu tả tâm lý của Peng Lang, Lan Khai đã chứng tỏ ông là nhà văn tinh tế, sâu sắc trong việc phát hiện và lí giải tâm lí nhân vật.

Tum Điàng trong Dấu ngựa trên sương trước cuộc loạn luân với em gái là một chàng trai lầm lì, ít nói, ngay thẳng và cả tin. Cuộc ân ái xác thịt với Tsi Na chính là “biến cố quan trọng” đã ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình diễn biến tâm lí sau này của nhân vật. Cuộc loạn luân đó cũng là nguyên nhân sâu xa khiến nhân vật rơi vào tội ác man rợ. Khi Tô Chố mưu mô muốn cướp Tsi Na, cướp người mà giờ đây là “báu vật” của mình, Tum Điàng thụ động bỗng vụt trở nên mạnh mẽ, đấu tranh quyết liệt để giữa lại Tsi Na: “Anh run người;

mắt hoa lên, trông đỏ như máu. Anh gào to, bắn cả nước rãi vào mặt Tô

Chố…”[23, tr.556] thậm chí liều lĩnh đánh và đòi chém Tô Chố mà không nghĩ đến hậu quả. Nhưng khi có nguy cơ đối diện với cái chết khi phải ở tù thì run sợ: “Tum Điàng hoảng vía. Anh liếc trộm Lô Hnồ: Qúai ! thằng cha này sao nó biết việc kín của anh ?...Tum Điàng ngơ ngác nhìn quanh, như một con nai ngơ ngẩn, sợ hãi thấy lưới bổ vây kín cả quanh mình, không có lối nào chạy thoát được”.

Anh đâm liều:

- Không cần !”

Nhưng khi bị Lô HNồ kích động bởi những cảnh tù đày, chết chóc thì

“Tum Điàng rùng mình.” nên đành gả em gái cho kẻ thù. Song em gái lấy chồng rồi thì Tum Điàng rơi vào trạng thái cô độc, nhớ nhung, tiếc nuối:

“Anh quay vào trong nhà ngồi bên bếp lửa có lẽ ấm cúng hơn. Nhưng mà bên trong lúc này là tất cả một sự rỗng không mịt mù và bát ngát, trong đó anh tự cảm thấy mình như một hòn sỏi bị bỏ rơi xuống một cái vực không đáy.

À từ nay, anh sẽ lẻ loi cô độc như thế này mãi mãi.

Anh không có ai thề cùng anh trong nếp nhà rộng. Dù không có ai nói với ai câu nào, sự có mặt một người thứ hai bao giờ cũng đông đúc dễ chịu hơn.

Nhưng anh sẽ chẳng có ai hết Bố anh chết rồi.

Em gái anh đã về nhà chồng.

Bây giờ, anh muốn làm việc gì cũng bị ngăn trở.

……..

Mà sự chia lìa ấy từ đâu ra ? Từ Tô Chố.

Phải, chỉ tại Tô Chố mà ra hết, không có hắn thì đâu ra chuyện ! Tum Điàng mắm môi tức giận.

Anh lẩm bẩm:

Cái thằng beo bắt !” [23, tr.562-563]

Và chưa kịp xem xét tình hình, chưa kịp nghĩ cách để giải quyết vấn đề, Tum Đìang điên cuồng liền vội vã lao tới nhà Tô Chố để trả thù. Nghe lén đoạn đối thoại và những âm thanh tế nhị phát ra từ nhà Tô Chố, Tum Đìang đâm chết cả em gái lẫn kẻ thù rồi vì sợ hãi nên đốt nhà và bỏ trốn.

Diễn biến tâm lý của Tum Điàng phức tạp, đầy tính bất ngờ và đột biến song logic và đúng quy luật. Đó là quy luật tâm lí hành xử theo bản năng, tự do ít có sự can thiệp của lí trí. Tum Đìang về cơ bản là sự đại diện cho một hạng người còn mông muội, tối tăm, hành động theo cảm tính, hành động theo cảm xúc nhất thời. Đây là hành động của một con vật, khi bị “cướp mồi”

và bị dồn vào đường cùng (cô đơn, bế tắc) sẽ nổi giận đùng đùng, xông lên đánh trả cướp lại và với con vật thì trong cuộc tàn sát sẽ không kịp nghĩ đến ruột thịt của mình.

Miêu tả tâm lí của Tum Điàng Lan Khai sử dụng nghệ thuật trần thuật độc đáo kết hợp lời gián tiếp của tác giả và độc thoại của nhân vật, chính vì vậy ta thấy được ngôn ngữ của tác giả được lồng ghép vào ngôn ngữ của nhân vật khiến tâm trạng nhân vật sinh động và có thể thay đổi điểm nhìn một cách linh hoạt. Đồng thời Lan Khai sử dụng một loạt các tính từ, động từ mạnh chỉ cử chỉ, nét mặt, hành động của nhân vật như: nhổ toẹt, mắm môi, nghiến răng, đứng phắt dậy, chồm lên, nắm chặt, mắt liếc sáng quắc, óc anh quay lộn, mắt lại đỏ ngầu cái màng máu…thể hiện cảm xúc mạnh mẽ và cá tính nóng nảy, bộc trực, nông cạn của nhân vật. Những câu văn trần thuật ngắn gọn khiến người đọc căng thẳng, hồi hộp.

Ẻn trong Suối Đàn là cô gái tài hoa, xinh đẹp nhưng “hồng nhan bạc phận”, sự xuất hiện của chàng trai người Kinh cùng tấm chân tình tha thiết của anh ta đã vô tình đẩy Ẻn vào trạng thái “lơ lửng”, giằng xé giữa tình cảm

cũ và mới. Diễn biến tâm lí của Ẻn được khắc họa thông qua sự mâu thuẫn giữa hành động và lời nói, cử chỉ, thái độ. Ẻn chủ động hiến thân cho anh chàng người Kinh “Thầy có yêu tôi thì yêu” nhưng khi anh chàng người Kinh đến thăm thì cô “có một cử chỉ ngạc nhiên và kinh hãi”. Nàng tỏ ra lạnh lùng khi trò chuyện cùng anh chàng người Kinh nhưng khi chàng trai toan về thì nàng lại vội níu lại bằng hành động mời rượu chàng. Yêu nhưng khi được cầu hôn thì “sắc mặt thiếu nữ tái nhợt như sắc mặt người chết” . Và vội vã chối từ. Hẹn hò với người yêu mới rồi tự tử bằng lá ngón ngay nơi hò hẹn đó.

Ẻn có một tâm hồn bí ẩn với những cảm xúc không thể định vị, chúng giao động, đi lại giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa mừng vui và buồn bã, giữa mạnh mẽ và yếu đuối. Những trạng thái tâm lí này tưởng mâu thuẫn và không thể xảy ra nhưng nó lại rất hợp lí. Một người con gái tốt như Ẻn, một biểu tượng tinh thần danh giá như Ẻn không thể phụ bạc một người yêu đã tật nguyền chỉ vì anh chàng mới tốt hơn, đẹp hơn, giỏi hơn và yêu tha thiết. Nếu Phù không tật nguyền, nếu Phù từ bỏ Ẻn thì lại khác nhưng đáng tiếc không phải vậy. Ẻn phải loanh quanh trong cái vòng lẩn quẩn, bể tắc không lối thoát, mũi tên mà anh chàng người Kinh đã nhận khi vừa cầu hôn Ẻn đã đẩy sự mâu thuẫn lên đỉnh điểm. Đó sẽ là một cuộc chiến không khoan nhượng, sẽ đổ máu giữa Phù và anh ta. Ẻn chọn cái chết để giải thoát cho mình, cho những người còn lại.

Đó là sự lựa chọn mang tính bất ngờ nhưng chứa đựng sự hợp lí đến đau lòng.

Miêu tả tâm trạng Ẻn Lan Khai sử dụng nhiều bút pháp trần thuật với nhiều điểm nhìn khác nhau, những diễn biến tâm lí của cô được tái hiện qua những độc thoại của anh chàng người Kinh, qua cuộc đối thoại của Sẩu và nhân vật người Kinh, anh chàng người Kinh với Ẻn. Tuyệt nhiên ở Ẻn không có những cuộc độc thoại nội tâm như những nhân vật được miêu tả khác, điều này gây nên sự hấp dẫn, tò mò, kích thích trí tưởng của người đọc.

Ngôn ngữ đối thoại của Ẻn rất ngắn gọn, câu ngắn với những lớp từ ngữ tối giản, ít thông tin, sau câu đối thoại thường dùng dấu “”.Chẳng hạn đoạn Ẻn đến thăm nhân vật người Kinh:

- Cô Ẻn đi đâu thế ? - Lại thăm thầy.

- Ồ, quý hóa quá…cô cũng nhớ tôi như tôi nhớ cô phải không ? - Không, tôi không nhớ…

Câu nói làm tôi rơi từ mây xanh xuống đất. Tôi hỏi vặn nàng bằng một giọng bực tức:

- Cô không nhớ tôi thì cô đến đây làm gì ? - Đến chơi thôi…

- Chẳng thà cô đừng đến tôi lại khỏi mất giấc ngủ ! Nàng cầm tấm phên cửa:

- Thế tôi đi về vậy...[23, tr.687]

Dấu “” là dấu câu mà sau nó là sự miên man vô chừng, khiến người đối thoại và người đọc khó nắm bắt được tâm tư của nhân vật đồng thời tạo nên sự cuốn hút, bí ẩn, sau những dấu câu ấy còn có rất nhiều được giấu kín, không thể nói ra.

Với bút pháp nghệ thuật đa dạng Lan Khai đã miêu tả thành công những diễn biến tâm lí của nhân vật, những biến thái tinh vi trong nội tâm nhân vật, khiến nhân vật hiện lên sinh động, gần gũi, in dấu trong lòng bạn đọc. Và hầu là con người xuôi hay miền núi vẫn có đời sống tinh thần thật phong phú, phức tạp, cần được thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia.

Tiểu kết: Qua những trang truyện đường rừng của Lan Khai hiện lên một thế giới con người thật phong phú, sinh động. Có những cô gái xinh xắn hồn nhiên, cá tính, mạnh mẽ, đa tài, yêu thương chân thành, mãnh liệt. Tình yêu của những cô gái miền sơn cước thường hướng đến cái đích cao nhất: bên

nhau mãi mãi. Khi bị ngăn trở, họ dùng cái chết để đạt được ước nguyện. Đặc biệt có những mối tình vượt ranh giới không gian – thời gian, sắc tộc, tuy không thành nhưng tình cảm đó đã xóa nhòa ranh giới giữa các dân tộc, thể hiện sự đoàn kết giữa các dân tộc sống trong cùng bầu trời Việt Nam. Cùng tiểu thuyết “Cô Dung”, viết về người phụ nữ miền núi Lan Khai đặt ra vấn đề phụ nữ 1930 – 1945 là nạn nhân của vô số những thế lực, tiền tài, thần quyền, tham vọng cá nhân và cả phong tục, lễ giáo, họ cần được bảo vệ, cần được đối xử công bằng hơn. Bên cạnh hình tượng các cô gái là những mảnh đời éo le, bất hạnh, đáng thương. Họ là nạn nhân của số phận, nghèo đói, thần quyền, cường quyền. Viết về họ, thấy rõ được sự đồng cảm và giàu lòng thương xót của Lan Khai đồng thời thấy được hiện thực cuộc sống miền núi những năm đó còn đói rách, nghèo nàn, thiếu ánh sáng văn minh, còn lắm hủ tục. Ngoài ra, trong thế giới nhân vật được xây dựng trong truyện đường rừng có những nhân vật mất tính người, tham lam, gian trá, xảo quyệt dùng tiền tài, thần, quyền đe dọa, chà đạp, áp bức cuộc sống vốn cực khổ của những con người miền rừng. Lan Khai đã miêu tả thế giới nhân vật ấy qua những bút pháp nghệ thuật đa dạng như miêu tả ngoại hình, hành động bằng bút pháp so sánh, phóng đại, liên tưởng, miêu tả tâm lý nhân vật sắc sảo, tinh tế khiến thế giới nhân vật của ông đa dạng sinh động, ngoài sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa, nơi sống thì họ là cũng là hình ảnh của những người miền xuôi.

Chương 3

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật truyện đường rừng của lan khai (Trang 66 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)