Văn hóa, phong tục mang bản sắc “xứ lạ”

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật truyện đường rừng của lan khai (Trang 91 - 97)

Chương 3. THẾ GIỚI “ĐỒNG RỪNG” TRONG TRUYỆN LAN KHAI

3.2.2. Văn hóa, phong tục mang bản sắc “xứ lạ”

Lan Khai là nhà văn của núi rừng. Ông sinh ra và lớn lên với rừng, sống gắn bó với rừng nhiều năm hơn là sống với phố thị. Và đối với rừng Lan Khai có một tình yêu sâu sắc mà bản thân ông cũng không thể lí giải được nó.

Có lẽ rừng thân thuộc với ông quá vậy nên những gì liên quan đến rừng, ông hầu như có thể viết ra một cách chu đáo, cặn kẽ, tỉ mỉ và đầy đủ. Phong tục tập quán của con người miền núi là cũng là một trong số đó. Qua các truyện đường rừng người đọc không những thấy được những nét riêng trong phong tục tập quán của từng tộc người song cũng nhận ra được những nét chung trong cách sinh hoạt văn hóa, các quan niệm của người miền núi.

Có thể thấy hầu hết các tộc người trong các truyện đường rừng của Lan Khai đều có thói quen làm nương, phát rẫy, săn bắn…Thói quen bỏ làng bản cũ di cư đến những nơi mới tốt hơn. Đây là lối sống du canh du cư có từ xa xưa, được truyền từ đời này sang đời khác, điều này cho thấy sự thích nghi cao độ với môi trường của các tộc người miền núi. Các tộc người rừng còn có thói quen ngồi quanh bếp lửa kể về những chuyện diễn ra trong ngày, đàn ông

làm nỏ, vót chông, phụ nữ thêu thùa. Cô gái đến tuổi cập kê thường được ưu tiên dùng một phòng riêng vừa dùng để sinh hoạt, quay sợi vừa để tiếp chuyện các chàng trai. Đây là những nếp sinh hoạt phổ biến ở các gia đình vùng núi, thể hiện lối sống tự do, phóng khoáng của họ.

Mỗi độ xuân về trên các rẻo cao người ta vẫn thường thấy diễn ra lễ hội ném “còn” rất sôi nổi. Đây là hoạt động văn hóa tinh thần đặc sắc đến nay vẫn còn lưu giữ . Buổi sáng đầu năm mới, các hoạt động sản xuất đều dừng, trai gái, già trẻ diện những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của tộc mình đến một bãi đất rộng: “giữa bãi trồng một cái cột tre, trên cắm một cái vòng tròn phất giấy đỏ làm đích”[23, tr.519]. Mỗi người dự cuộc cầm một quả còn “thân bằng vải hoa trong đựng cát, xung quanh đính tua xanh đỏ và một sợi dây dài để cầm ném” [23, tr. 518-519]. Hai bên nam nữ cứ từng đôi ném “nếu số người ném trúng đích nhiều thì năm ấy mùa màng phong lẫm. Không ai trúng tức là điềm xấu đáng lo”[23, tr.519]. Đây là cuộc sinh hoạt văn hóa dân gian của nhiều tộc người miền rừng như Mèo, Mán, H’mông… để giải trí song cũng mang ước vọng của dân bản về một vụ mùa tươi tốt, một cuộc sống ấm no, thanh bình.

Các tộc người Mán trong Tiếng gọi của rừng thẳm, tộc người Mán trong Hồng thầu, người Mèo trong Dấu ngựa trên sương, người Thổ trong Rừng khuya… tin rằng chim báng kêu giữa rừng khuya chính là điểm gỡ, có người chết “ai chửa con so lấy cái chõ úp lên đầu mà nghe thì biết nó gọi tên người nào”. Đây là tập tục mê tín dị đoan tiêu cực có từ xa xưa.

Bên cạnh những nét sinh hoạt đời thường, sinh hoạt văn hóa chung ấy, mỗi tộc người trong truyện đường rừng lại có những tập tục, tín ngưỡng riêng thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của tộc mình. Đó là thói quen dựng nhà.

Người H’mông thích dựng những ngôi nhà mái thấp trên đỉnh núi mờ sương, tộc Dao làm nhà sàn trên những mô cao cạnh nguồn nước, người Tày lại thích

sống trong những ngôi nhà dưới thung lũng. Mỗi tộc người có một đời sống sinh hoạt tinh thần gắn liền với nền văn hóa dân gian của mỗi dân tộc. Đó là buổi hát cọi của dân tộc Dao trong Hồng Thầu, với những câu hát tình tứ, dí dỏm của đôi trai gái dưới sự chứng kiến của của mọi người từ già đến trẻ. Họ hát say sưa những câu hát ngô nghê nhưng đầy yêu thương dành cho người mình thương. Đó là cuộc hát Poóc ỏi sôi nổi với những câu hát giao duyên diễn ra thâu đêm suốt sáng của những chàng trai, cô gái Tày trong Suối Đàn.

Đời sống tâm linh của các tộc người miền núi cũng rất phong phú, đa dạng, có nhưng tập tục đẹp đẽ nhưng cũng có những hủ tục lâu đời, đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. Người Tày trong Suối đàn có lễ cúng “cầu cho mùa sau được tốt” thể hiện niềm tin vào quyền năng của đất trời, tạo hóa, nghi lễ cúng thật long trọng: “…Khắp mặt bàn là những cái bài vị bằng giấy ngũ sắc không đề chữ, cài vào những cái nan nứa cắm sẵn trên từng đoạn thân cây chuối đại.

Trước mỗi bài vị để một bát gạo cắm hương. Và ở những khoảng trống, người ta bày la liệt các thứ hoa quả hái tận rừng về, cái mâm xôi đã hết hơi nóng và các con gà luộc, da vàng loáng như mỡ.

Bảy bát thóc giống, kèm bảy ngọn nến, chừng là biểu hiệu thất tinh, bày thành một hàng dài trên cái giường trải chiếu hoa kê dưới ban thờ.

Cứ sau mỗi câu hát, cô then lại nhặt ở mỗi bát một ít hạt giống đoạn quãi lên bàn thờ. Tiếng chuỗi nhạc đồng rung rung, tiếng kèn lau rền rĩ, tiếng đàn thánh thót cứ nhịp theo hàng giờ những cái uốn éo và những câu hát chìm chìm một điệu” [23, tr.643]. Tập tục tín ngưỡng này thể hiện nét đẹp trong suy nghĩ của người đồng bào miền núi, mong muốn một cuộc sống no đủ.

Nghi lễ long trọng và thành kính không kém là lễ cúng người chết của người Brahna trong Chiếc nỏ cánh dâu. Họ cử người canh giữ người thân của người xấu số vì sợ quá thương tiếc mà làm liều, làm quan tài, “giết trâu, dê, gà, lợn mỗi thứ lấy một miếng đem hơ lửa để cúng vong hồn người chết, cùng với

một quả trứng luộc, một ghè rượu và một nồi cơm”[23, tr.772]. Các lễ vật sửa soạn xong, họ cử một ông già làm lễ cúng, khấn vái linh hồn người chết, tất cả mọi người dù thân hay đều khóc thương cho người chết, họ mở đầu cuộc di quan là những câu hát, tiếng đàn rền rĩ. Ngôi mộ của người chết đắp cao,

“giữa mộ cắm một cái ống lồ ô để ngày ngày tang gia đổ cơm, thịt và rượu cho người chết”[23, tr.773]. Phong tục này thể hiện tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng và cách nghĩ hồn nhiên nhưng thắm đượm tình người của họ.

Ngoài những phong tục, tín ngưỡng mang vẻ đẹp văn hóa lành mạnh trên ở nhiều tộc người còn tồn tại những tập tục khá nặng nề, còn dấu ấn của “mọi rợ”, dấu ấn của một xã hội còn cổ sơ. Chẳng hạn như tục bỏ tiền ra làm ma chay cho người chết là có thể lấy con gái của người đó làm vợ, không cần biết họ có tình cảm hay không trong Tiền mất lực, tục lệ này đã li gián và giết chết tình cảm của bao đôi trai gái mà Lô Hli và Tsi Tô Đay là một minh chứng.

Trong Chiếc nỏ cánh dâu tộc người Djarai có tục lệ ăn mừng chiến thắng (cuộc vui joar toh kơi mơ nă) (*nguyên văn tác phẩm – tác giả luận văn nhấn mạnh), họ đem cái thủ cấp của người chết làm trò chơi, xoay nó, đập nó cho đến khi nó nhát nhừ và bê bết máu, không lấy làm niềm vui được nữa thì họ quay ra đánh trận giả với nhau, đàn bà con gái reo hò cổ vũ. Qủa thật là những hành động quá dã man và mọi rợ. Trong Dấu ngựa trên sương, người Mèo còn có tục kêu gọi linh hồn người chết bằng “những cử chỉ và những câu hát bí mật” để linh hồn họ được trở về với thế giới ma thiêng. Đây là tập tục thể hiện suy nghĩ ấu trĩ, đơn giản của tộc người này.

Trong các phong tục của người miền núi thì phong tục kén chồng của người Dao (Hồng Thầu) để lại một dư vị lạ lùng, thú vị nhất. Họ chọn chồng một cách lạ kì, sáu cô gái với những cơ thể không mảnh vải che, hồn nhiên vào tắm chung với hai chàng trai. Tắm xong họ xách ghế lại gần và mời những chàng trai ngồi để lau người. Chàng trai chọn ghế của cô gái nào tức là

bằng lòng làm chồng của cô gái ấy. Và rồi lễ cưới tưng bừng diễn ra ngay sau đó với sự tham gia đông đúc của dân bản. Họ đến chúc mừng đôi tân lang, tân nương hồn nhiên, vui vẻ. Phong tục kén chồng này thể hiện cách cảm, cách nghĩ còn “thô sơ” hồn nhiên về tình yêu, hạnh phúc của một đời người.

Ngoài những trang miêu tả chi tiết, cẩn thận các phong tục, tín ngưỡng của người miền núi Lan Khai còn chú ý miêu tả tỉ mỉ những vật dụng trong nhà, công cụ sản xuất của người đồng bào, qua đó phản ánh được trình độ lao động, sản xuất của họ. Ông cũng tranh thủ giới thiệu trang phục truyền thống của từng tộc người đến với bạn đọc, các cô gái người H’mông thì mặc váy xòe trắng, chân quấn đôi “kha cặt” mặc “áo thêu bó chẽn”; Những chàng trai mặc quần áo tà pủ màu xanh đen; Người Mán ở Hồng Thầu có tục bịt khăn trên đầu; Người Tày mặc quần áo màu chàm; các cô gái, chàng trai người Dao vận những trang phục rực rỡ sắc màu trong khi người Brahna đàn ông chỉ độc đóng một cái khố quanh năm. Chính sự miêu tả về phong cách ăn vận của từng dân tộc như vậy đủ khiến người đọc có thể dễ dàng phân biệt họ thuộc tộc người nào mà chưa cần tìm hiểu phong tục, tập quán.

Những trang miêu tả phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người miền rừng của Lan Khai cho thấy một cách rõ nét đời sống, văn hóa tinh thần của những con người miền núi. Thấy được sự am hiểu về phong tục tập quán của Lan Khai, với những hiểu biết này cùng những công trình sưu tầm văn học dân gian của các dân tộc miền núi, Lan Khai xứng đáng là một nhà dân tộc học của nước ta.

Tiểu kết: Không – thời gian nghệ thuật trong các sáng tác miền núi của Lan Khai mở ra trước mắt người đọc những khung trời chân thực, thơ mộng, sống động đầy chất thơ, khung cảnh mà ở miền xuôi con người chưa được một lần sở hữu. Không gian thiên nhiên rộng lớn của bầu trời, thoáng đoãng của rừng cây, muôn ngàn hương sắc hoa lá và đầy âm thanh cũng là không

gian của nhịp sống diễn ra. Đây là không gian bên ngoài là không gian của sự thích nghi và dễ đổi thay. Lan Khai miêu tả không gian ngày biến đổi qua từng khoảnh khắc, từng mùa để thấy không gian cũng như tâm tính của con người miền núi hồn nhiên, trong sáng, đầy sức sống nhưng cũng rất dễ đổi thay bất thường. Không gian đêm cũng là không gian bên ngoài dễ thay đổi, tuy nhiên nó là một bức tranh có “gam màu tối”, một không gian tĩnh mịch, vắng lặng, huyền bí, ma quái, linh thiêng và đầy bất trắc, hiểm nguy. Trong màn đêm chứa đựng biết bao thảm kịch, bao âm mưu toan tính giết chóc nhau của con người, đó là một không gian lạnh lẽo của cảnh vật, lạnh lùng của lòng người, màn đêm luôn là lúc con người dễ tàn ác với nhau nhất. Và không – thời gian ở miền núi cũng gắn bó mật thiết với con người, tác động không nhỏ đến tâm tính, tâm trạng, lối sống, cách sống và cả sự trải nghiệm của cá nhân.

Hình tượng không – thời gian mà Lan Khai xây dựng trong các truyện đường rừng của mình có mối quan hệ khăng khít và tác động qua lại với con người.

Cá tính, lối sống, ứng xử của con người bị chi phối bởi không gian sống, ngược lại con người cũng tác động không nhỏ đến không gian đó, khiến nó méo mó, hư hại. Ở sự tác động của con người đối với thiên nhiên Lan Khai đặt ra vấn đề bảo vệ môi trường sống, tránh tàn phá thiên nhiên, người tàn phá thiên nhiên sẽ nhận hậu quả đích đáng. Đặt vấn đề này ngay từ những năm 1930 -1945 cho thấy được một tầm nhìn rộng, một tâm hồn rất mực yêu thiên nhiên của Lan Khai. Đặc biệt, ông còn là một cây bút viết truyện truyền kì miền núi xuất sắc và với vốn am hiểu về phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc Việt Bắc ta thấy nhà văn trong hình ảnh một nhà dân tộc học của Việt Nam.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật truyện đường rừng của lan khai (Trang 91 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)