Chương 3. THẾ GIỚI “ĐỒNG RỪNG” TRONG TRUYỆN LAN KHAI
3.2.1. Cảnh vật, sự vật “ly kì”
Đọc các truyện đường rừng của Lan Khai, ngoài sự cuốn hút từ những cốt truyện mang đậm tính hiện thực, những nàng tiên xinh xắn hồn nhiên, các cuộc tình thơ mộng, oan trái đẫm lệ, để lại đầy ắp cảm xúc, thương xót với những người bất hạnh, căm phẫn những kẻ ác, say mê với sắc trời mây nước của núi rừng người đọc còn đặc biệt bị lôi cuốn, thích thú với những sự vật, cảnh vật li kì.
Đó là cảnh đôi trai gái Dua Phăn và Mai Kham khi bỗng chết biến thành chim khảm, tối chúng lìa nhau gọi tìm nhau đến sáng bạch mới thấy nhau, rồi tối đến chúng lại lìa xa trong tiểu thuyết Rừng khuya. Là hình ảnh một cô gái kì lạ (Người lạ), không biết là người hay ma, xuất hiện đột ngột giữa chòi ông Hội Cảnh với dáng hình: “y phục không ra Kinh không ra Mán,
chẳng phải Khách, chẳng phải Nùng, toàn thân có một mùi thơm như hoắc hương” và khuôn mặt “dài thon thon, da trắng mòng mọng lại có những vân đỏ và phủ một lượt tơ như vỏ đào non, lông mày rậm, vàng như râu ngô lượn tròn trên cặp mắt sáng quắc. Lạ một điều là lòng đen mắt cô ta đỏ và trong suốt như mắt thỏ trắng…miệng cười như đốt lòng người…răng nhọn hoắt như răng mèo”[24, tr.541]. Cô gái này đi mất bằng cách bay lơ lửng giữa không trung. Một người đàn bà nghèo khổ (Con Thuồng luồng nhà họ Ma) vớt được
“một quả trứng to hơn trứng ngỗng, sắc vỏ vân vân” rất đẹp, bỏ vào giỏ thì bắt được nhiều tôm cá hơn hẳn. Con thuồng luồng biết báo hiếu cho người, nó nói năng được như người, nửa đêm hiện về với dáng nửa người nửa rắn nhận người làm mẹ. Một con bò to, béo lắm, nó hay xuất hiện ngoài bãi hồ, người bắn hụt nó, nó liền biến mất (Con bò dưới Thủy Tề). Kinh hoàng hơn là khi con bò nổi lên giữa dòng nước bị bắn chết, xẻo thịt và sau đó cả làng ấy bị nhấn chìm trong bể nước“…bỗng nghe một tiếng nổ cực to. Cái gò đất, như một con cá kình vừa thức giấc, lặn băng xuống đáy hồ, để lại một đám bọt nổi là cái khu nhà của mẹ Thái Ảnh” [24, tr.552]. Một chàng trai người Kinh, phải xa vợ, được vợ cho ăn hai quả trứng, một tháng sau thì “Biên chỉ giãy giụa chừng mười lăm phút đồng hồ, bỗng thổ huyết rất nhiều rồi chết. Biên vừa tắt nghỉ, một đôi vịt con tự trong bụng chàng vụt chui qua cuống họng ra ngoài rồi biến mất…”[24, tr.557]. Một cảnh tượng xưa nay hiếm thấy là cuộc đấu tay không giữa một cô gái với một con hổ rừng trong Tiền mất lực và cuối cùng nhờ sự hỗ trợ của chàng trai Tsi Tô Đay, cô gái Lô Hli đã thắng con hổ hung ác, dư tợn đó.
Mỗi sự vật, sự việc này để lại những dấu ấn kì lạ khác nhau, với Người lạ để lại một cảm giác lạ lùng, kì ảo. Con Thuồng luồng nhà họ Ma ta tò mò, hồi hộp cho số phận của người đàn bà nghèo khổ được con vật quái dị ấy báo hiếu và cũng xót xa thay cho một kiếp người bất hạnh. Con bò dưới Thủy Tề
là sự kinh hãi với sự trả thù của tự nhiên qua đó người đọc rút ra được cái giá phải trả cho sự xâm hại tự nhiên của con người. Với Đôi vịt con là cảm giác ghê sợ với công hiệu của những bùa ngãi của những con người vùng núi đồng thời đau xót cho sự mất mát không đáng có của một chuyện tình…Mỗi truyện mang mỗi sắc thái, ý nghĩa khác nhau nhưng tựu chung lại nó đều là những vấn đề nhân văn mà Lan Khai đặt ra. Đó là sự hủy hoại thiên nhiên của con người thì con người sẽ chuốc lấy những hậu quả khó lường như ngôi làng bị chìm trong Con bò dưới Thủy Tề, những vết sẹo kinh dị để lại cho nhân vật tôi trong Dưới miệng hùm. Đó là nỗi đau sự bất hạnh ập xuống cuộc sống của con người trong Tiền mất lực, Con thuồng luồng họ Ma…Các truyện này kết thúc hầu hết là bi kịch, nó hoặc là cái chết hoặc là nỗi đau khổ, nặng nhọc triền miên cho con người miền núi khiến cho ý nghĩa nhân sinh trong các truyện đường rừng của Lan Khai rõ ràng hơn.
Rõ ràng ở các truyện ngắn truyền kì của Lan Khai có cấu tạo cốt truyện đơn giản so với các tác giả viết truyện kì miền núi nổi tiếng như Thế Lữ, Lý Văn Sâm, Khái Hưng, Nhất Linh…Và việc sử dụng các yếu tố kì bí cũng ít
“đậm đặc” so với các tác giả ấy. Ông cũng giống họ ở chỗ phỏng lại cốt truyện truyền kì. Tuy nhiên không phải vì vậy mà các truyện ngắn truyền kì của ông không tạo được dấu ấn riêng. Lan Khai là nhà văn biết lựa chọn những chi tiết thần kì độc đáo, tạo cảm giác mạnh như Bò trả thù một cách lạnh lùng, bất ngờ (Con bò dưới Thủy Tề), Con Thuồng luồng biết nói như người, biết báo ơn (Con Thuồng luồng nhà họ Ma), cái chết ghê rợn của nhân vật Biên (Đôi vịt con)… Lan Khai cũng đã khéo léo tạo một bầu không khí câu chuyện hấp dẫn, li kì. Trước những sự kiện đó nhà văn tạo giọng kể một cách đều đều chậm rãi, ở những mốc thời gian dễ khiến người ta liên tưởng đến những điều kì ảo như trưa, xế, khuya…rồi đến cảnh li kì hoặc nhà văn dùng có động từ chỉ sự bất ngờ, ám ảnh như thốt nhiên, vụt chốc, tự nhiên, lạ
quá…ông miêu tả cảnh vật, sự vật trong những đoạn văn ngắn tạo nên sự dồn dập, hồi hộp của người đọc. Đặc biệt là đọc các truyện kì ảo của các tác giả khác người đọc thỏa mãn được nhu cầu giải trí, tò mò, kích thích được trí tưởng tượng. Nhưng gấp sách lại, truyện của Lan Khai tạo được dư ba sâu hơn vì ngoài sự lạ lùng, li kì ông mang lại cho độc giả ông còn hướng giá trị nhân văn sau mỗi câu chuyện.
Các sự vật, cảnh vật li kì trong truyện đã kích thích trí tò mò, hấp dẫn người đọc. Qua nghệ thuật xây dựng những yếu tố li kì trong tác phẩm đã chứng tỏ tài năng của nhà văn trong việc chiếm lĩnh mảng đề tài truyện truyền kì, tạo nên một dấu ấn và vị trí riêng biệt của ông đối với thể loại truyện truyền kì trong dòng văn học dân tộc.