Chương 1. LAN KHAI – NHÀ VĂN CỦA “XỨ ĐỒNG RỪNG”
1.1. LAN KHAI – CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
1.3.2. Vị trí của Lan Khai trong mảng sáng tác về đề tài “miền núi” giai đoạn 1930 – 1945
Lan Khai là nhà văn sinh trưởng ở miền núi nhưng ông viết về nó sau Thế Lữ, Nhất Linh, Đới Đức Tuấn… Ông viết truyện kinh dị đường rừng cũng có phần “giản lược” hơn so với các tác giả nói trên. Trong mỗi câu chuyện chỉ xuất hiện một vài tình tiết lạ lùng, bí ẩn hoặc rùng rợn khiến người đọc thích thú tò mò. Ông không dùng khoa học để chứng minh cho những điều bí ẩn như Thế Lữ, cũng không vạch ra nguồn gốc của những sự kì dị như Đới Đức Tuấn…Tuy nhiên, như Vũ Ngọc Phan đã từng nhận định ông viết những truyện ngắn đường rừng đặc sắc nhưng không hiểu vì sao ông không theo đuổi thể loại này. Lan Khai sáng tạo cốt truyện đơn giản nhưng chọn lọc chi tiết sắc sảo, mạnh mẽ, gây ấn tượng sâu cho người đọc. Chẳng hạn, trong Đôi vịt con, với chi tiết nhân vật Biên, sau một tháng ăn hai quả trứng mà vợ đưa thì “...tự nhiên nổi cơn đau bụng dữ dội. Cả nhà hốt hoảng vội đón thầy chạy chữa tíu tít. Vô công hiệu ! Biên chỉ giãy giụa chừng mười lăm phút đồng hồ, bỗng thổ huyết rất nhiều rồi chết. Biên vừa tắt nghỉ, một đôi vịt con tự trong bụng chàng vụt chui qua cuống họng ra ngoài rồi biến mất”. Chi tiết này khắc sâu trong trí người đọc sự ghê rợn với những bùa ngãi chốn non xanh. Lan Khai giỏi miêu tả và tạo không khí truyện khiến người đọc chìm trong không khí huyền ảo, ma mị. Các câu chuyện điều được kể, xảy ra ở
những khoảnh khắc “ban trưa”; “xế chiều”; “đêm khuya” vốn là những thời điểm con người dễ liên tưởng đến những chuyện ma quái. Điều này khiến người đọc dễ sa vào cảm giác rợn ngợp, sợ hãi. Đặc biệt, qua những truyện kinh dị của mình, Lan Khai hướng đến những vấn đề nhân sinh cao cả. Đó là vấn đề con người với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên và sự đe dọa của những thế lực vô hình và hữu hình đối với con người. Đó là những nét riêng biệt đáng ghi nhận trong mảng sáng tác truyện kinh dị của Lan Khai so với Thế Lữ, Đái Đức Tuấn, Nhất Linh và những tác giả khác như Thanh Tịnh (Ngậm ngải tìm trầm; Tình trong câu hát), Nguyễn Tuân (Đỉnh Non Tản), Hồ Zếnh (Trong bóng rừng)…
Về tiểu thuyết hiện thực đường rừng Lan Khai chưa vượt xa Thế Lữ, Đái Đức Tuấn ở nghệ thuật mô tả thiên nhiên, nhưng thế giới thiên nhiên được mô tả trong các truyện của ông lại có những điểm đáng chú ý, vượt hai nhà văn cùng thời này. Đọc các sáng tác của Thế Lữ ta thấy một thế giới thiên nhiên hoang dã, đầy bí ẩn. Ở thế giới đó có sự đấu tranh quyết liệt giữa con người với con người để tồn tại, ở nơi đó đầy chết chóc, bi kịch và hiểm nguy.
Với các truyện của Đái Đức Tuấn, thiên nhiên được miêu tả là một thế giới xa xôi, hiểm trở, tăm tối. Nơi có những loài mãnh thú hoành hành và con người hoàn toàn bị chìm khuất giữa hoang vu. Còn thiên nhiên trong các sáng tác của Lan Khai không phải không có sự chết chóc, hiểm nguy, hoang sơ, tĩnh mịch nhưng khác ở chỗ là nó chân thực và phong phú hơn nhiều. Đó là một thế giới thiên nhiên thơ mộng, trữ tình. Nơi con người sinh sống, sinh hoạt, sản xuất. Nơi con người yêu thương và bày tỏ yêu thương với nhau. Đọc những tiểu thuyết đường rừng của Lan Khai ta thấy rõ sự thấu hiểu quy luật sinh tồn của thế giới cây cỏ, rừng núi của ông. Ở phương diện này người đọc hình dung ra ở Lan Khai một nhà sinh vật học. Hơn tất cả là nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, Lan Khai đã tạo được những hình tượng nhân vật
mang nét đặc trưng của con người miền núi. Con người trong các truyện miền núi của Thế Lữ và Đới Đức Tuấn có tâm tính kì dị, mang nét đẹp khác thường, lạnh lùng và bí ẩn. Còn con người trong các truyện của Lan Khai xinh đẹp, khỏe mạnh, mang tâm tính hiền lành, hồn nhiên, chân thật, yêu và sống mạnh mẽ như cây cỏ. Đó là Ẻn (Suối Đàn), Cang Ngrào, Peng Lang (Tiếng gọi của rừng thẳm), Dua Phăn, Mai Khâm (Rừng khuya)…Như vậy, Lan Khai đã xây dựng được một thế giới thiên nhiên chân thực, tràn đầy màu sắc. Trong đó thiên nhiên không xa lạ với con người mà có mối quan hệ gắn bó mật thiết, gắn bó với con người. Lan Khai cũng đã tạc được những hình tượng nhân vật mang những nét đặc trưng tiêu biểu cho con người miền núi. Ở đây, có thể khẳng định Lan Khai không phải là người đầu tiên đến với rừng nhưng ông là người tiên phong trong việc dẫn dắt độc giả đến gần với rừng. Ông đã vén được bức màn bí mật về nơi mà người ta thường cho là “rừng thiêng nước độc”, nơi có những con người kì lạ, khác thường.
Ngoài ra, ở các tiểu thuyết đường rừng, người đọc được tận mắt chứng kiến những thói quen, lối sống, phong tục tập quán đặc sắc của người miền rừng. Qua vài dòng ngắn gọn đến những trang mô tả chi tiết các tập quán, phong tục văn hóa của người bản địa. Thấy được Lan Khai là nhà văn đầu tiên có ý thức nghiêm túc, sâu sắc trong việc phát hiện và giới thiệu với công chúng độc giả những nét đẹp văn hóa tập quán, thói quen sinh hoạt của những con người vùng cao. Điều mà Thế Lữ, Đái Đức Tuấn và nhiều tác giả khác chưa vươn đến.
Thế Lữ và Đái Đức Tuấn là những nhà văn có nhiều tác phẩm về rừng núi ở giai đoạn 1930 – 1945 hơn Thanh Tịnh, Nhất Linh, Khái Hưng…và cũng là những tác giả khai phong cho mảng sáng tác này. Tuy nhiên họ chỉ dẫn người đọc đến “bìa rừng” để người ta thấy những hoang sơ, ghê rợn và kì bí của cảnh và người rừng. Với Lan Khai, ông dắt người đọc vô tận rừng xanh
để thấy bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc của rừng thẳm. Để “tiếp xúc” với những con người hiền hòa, xinh đẹp, giản dị và gần gũi không khác gì những người miền xuôi. Cho nên có thể khẳng định Lan Khai là nhà văn đầu tiên và có công trong việc tái hiện bức tranh hiện thực miền núi những năm 1930 - 1945, tạo tiền đề cho những nhà văn đi sau như Nguyên Ngọc, Mạc Phi, Tô Hoài…Ngoài ra, ông còn là nhà văn đầu tiên đặt ra vấn đề bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc miền núi. Lan Khai đến với rừng bằng tất cả tấm lòng của một con người sinh từ rừng và một cái tôi nghệ sĩ thích khám phá tận cùng mảnh đất này. Đây có lẽ cũng là một trong những lí do góp phần tạo nên vị thế vững chắc của ông ở mảng truyện đường rừng.
Tiểu kết: Lan Khai sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống, cha là một nhà nho, mẹ là một người phụ nữ thông minh, thuộc nhiều ca dao tục ngữ. Bản thân ông là một người tham minh, hiếu học, nhiều đam mê nhưng cuối cùng chọn con đường văn chương để đeo đuổi, cống hiến. Lan Khai có vẻ ngoài thanh thoát, nho nhã, ông được nhiều bạn văn yêu mến, thời trẻ có nhiều phụ nữ say mê, thầm nhớ trộm thương. Tuy nhiên cuộc sống của Lan Khai khá bấp bênh, trúc trắc và lận đận. Yếu tố thời đại u ám, rối ren của những năm 1900 – 1945 cũng có những tác động không nhỏ đến cuộc sống của ông, khiến nó vốn cực lại thêm khổ hơn. Lan Khai mất khi tuổi đời chưa đến 40, để lại sự tiếc nuối khôn cùng cho người thân, bạn bè và độc giả yêu mến tài năng văn chương của ông.
Cũng có thể nói đói kém, trách nhiệm với hai người vợ và 5 đứa con cũng là nguyên nhân của những sản phẩm nghệ thuật nối tiếp nhau ra đời.
Song niềm đam mê văn chương vẫn là chất men quan trọng nhất khiến Lan Khai liên tục cho ra đời những đứa con tinh thần của mình. Gần 20 năm sáng tạo, Lan Khai đã để lại cho văn học nước nhà gần 100 tác phẩm đủ các thể tài,
từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, bút kí, dịch thuật, sưu tầm, phê bình… Và nhiều nhất là tiểu thuyết, thành công nhất của nhà văn cũng ở thể loại này. Ở thể loại tiểu thuyết tâm lý xã hội, Lan Khai tạo được dấu ấn với Lầm Than và Cô Dung. Đáng chú ý hơn là bộ phận truyện đường rừng gồm những truyện ngắn và tiểu thuyết đường rừng. So với các tác giả cùng thời tìm đến với
“miền núi” như Thế Lữ, Đái Đức Tuấn, Nhất Linh, Thanh Tịnh…Lan Khai viết nhiều, viết “sâu” hơn, để lại dấu ấn đậm nét hơn trong lòng độc giả. Và tạo nên vị thế vững chãi của mình trong dòng văn học miền núi những năm 1930 – 1945 nói riêng, lịch sử văn học nước nhà nói chung.