Không – thời gian đêm trầm mặc, huyền bí

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật truyện đường rừng của lan khai (Trang 80 - 84)

Chương 3. THẾ GIỚI “ĐỒNG RỪNG” TRONG TRUYỆN LAN KHAI

3.1. ĐẶC ĐIỂM KHÔNG – THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG “TRUYỆN ĐƯỜNG RỪNG” CỦA LAN KHAI

3.1.2. Không – thời gian đêm trầm mặc, huyền bí

Khác với không gian rực rỡ sắc màu, rộn rã âm thanh của ngày, đêm ở vùng cao tĩnh mịch, im ắng, hoang vu và ẩn giấu trong nó vô vàn những bí mật.

Không gian đêm mờ ảo, trầm mặc là không gian thường xuất hiện trong các truyện đường rừng của Lan Khai. Đó là đêm Dua Phăn nghe tiếng hát của Mai Kham vẳng lại, nàng “khẽ rón rén lại gần phên cửa, nhìn ra ngoài. Một cảnh thần tiên của ánh trăng và bóng tối ! Rừng cây, bọc trong sương lạnh, kéo ngang phía trước như một bức thành ma…”[23, tr.494]. Là không gian đêm thâm u, mù mịt khi Sẩu và anh bạn người Kinh đến nhà Ẻn xem làm then: “..từng giải mù trắng giăng nối nhau trên nền trời lam biếc. Mặt trăng rụt rè hiện bên kia một chòm cây crỏong và ở tít chân mây xa, dịu lên một thứ ánh bạc lờ mờ làm cho cái khối rừng âm u càng thêm bí hiểm”[23, tr.642].

Không gian đêm vốn hoang lạnh lại có thêm sự xuất hiện của những âm thanh vọng lại khiến cho không gian thêm tĩnh mịch, hoang liêu, hãi hùng: “Mặt trăng mọc đã khá cao, ẩn hiện sau lớp mây đen loang loáng. Cảnh vật khi mờ khi tỏ, bí mật hãi hùng. Từ xa xa đưa lại tiếng suối đổ sườn non, tiếng thông reo kẽ đá, tiếng gió thở dài trên ngọn cây, tiếng hoẵng âm thầm trong quãng tối, trăm nghìn âm thanh gở lạ cùng xôn xao và cùng hòa hợp thành cái lặng lẽ ghê ghớm của đêm rừng” [23, tr.574].

Đêm ở miền núi luôn bị bao phủ bởi sương và những cơn gió rét:

“Những giọt sương trên cành cây có thể rỏ trúng đầu ta như những giọt băng”

(Suối Đàn), khiến khung cảnh núi rừng vốn tĩnh mịch lại càng lạnh lẽo, đáng sợ. Và trong không gian lạnh lẽo, im ắng đó đã xảy ra không biết bao âm mưu, toan tính, giết chóc nhau “lạnh lùng”, tàn ác, man rợ của con người. Ở

“Rừng khuya”, đêm là lúc tên Tisinèng lén bỏ thuốc mê vào trong rượu của Mai Kham để ngăn cản cuộc tình duyên của chàng với Dua Phăn, đêm là lúc

Noọng Eng cự tuyệt Nùng Phúc, lấy Bạch Xẩu nên bị giáo nhọn phóng qua sàn đâm chết cả hai trong đêm tân hôn. Sao Ly rút dao đâm chết thằng anh khốn nạn giết em trai – chồng của nàng để chiếm đoạt thể xác nàng, cũng trong đêm khuya đôi tình nhân Mai Kham và Dua Phăn lựa chọn cái chết để được bên nhau mãi mãi. Trong “Khảm Khắc” phần lớn diễn biến của truyện đều diễn ra trong màn đêm, người kể chuyện kể trong “một đêm thu tàn lạnh

và đôi tình nhân trong truyện cũng bị hành xác một các tàn nhẫn dưới trăng khuya, gió lạnh, trong sự câm lặng của cỏ cây, tình người và đêm cũng chứng kiến cái chết thương tâm của họ, lúc mà “trăng khuyết vừa vượt khỏi đầu non rẽ đám lá sung…”. Đêm lạnh giá, đầy sương cũng là lúc Cang Ngrào (Tiếng gọi nơi rừng thẳm) bị cơn ghen hành hạ nên rắp tâm thêu rụi căn nhà của tình nhân và cũng là trong đêm mù mịt anh bị thằng Châu bắn nhầm và phải chết oan uổng. Đêm im ắng cũng là lúc Mat Nar (Chiếc nỏ cánh dâu) chặt đầu của Mai Pha, Tum Điàng (Dấu ngựa trên sương) ngông cuồng giết chết cả kẻ thù lẫn em gái, đốt nhà và chạy trốn…Ở đây, không gian đêm mang đầy tội ác man rợ, màn đêm đồng lõa với tội ác, che dấu cho cái ác và cũng vạch trần, tố cáo phần ác trong mỗi con người.

Không gian ma quái, linh thiêng thường xuất hiện trong các truyện kinh dị đường rừng. Đó là không gian một đêm đông ông Hội Cảnh (Người lạ) kể lại câu chuyện gặp cô gái kì dị trên chòi canh của mình trong khung cảnh ánh lửa vàng úa và lung lay, ông hút thuốc, khói mù mịt bao quanh mình, cảnh bên ngoài hoang lạnh, vắng ngắt. Hay khung cảnh phụ “nàng Cuôi” (Đôi vịt con) vào một đêm rằm tháng tám hư thực: “Qua những đám mây xốp trắng, mặt trăng tròn vành vạnh như một cái đĩa dạ quang treo lơ lửng giữa vòm trời xám nhạt. Ánh sáng trong và mát dịu soi xuống mặt sông chảy như một dòng thiếc lỏng, in trên mặt đường trắng lốp và những mái nhà tranh âm thầm.

Chân trời sáng trưng lên, những chòm cây lẻ loi đằng xa thu bóng đứng cù rù.

Phố xá vắng tanh.

(…..)

Xúm xung quanh cái hình nhân rỗng ruột ấy, các cô sơn nữ đua nhau đốt hương, dâng hoa xì sụt khóc, hai mùi thơm nhè nhẹ tản theo làn thanh khí đêm thu…” [24, tr.553].

Hay không gian mênh mang, ma quái trong đêm người đàn bà họ Ma gặp con Thuồng Luồng trong mộng, con thuồng luồng xuất hiện dưới bộ dạng nửa người nửa vật, cất tiếng nói khẩn thiết với bà. Tan mộng người đàn bà nhìn ra bên ngoài: “Ngoài trời đêm tối, tiếng hoẵng đâu kêu dáo dác. Chị chàng lắng nghe mơ hồ như nghe thấy chính tiếng lo sợ của lòng mình vọng vào rừng thẳm sâu…” càng làm cho không gian đêm thêm hư thực, huyền ảo.

Giống không gian ngày, miêu tả không gian đêm Lan Khai cũng sử dụng những câu văn dài, uyển chuyển, giọng văn chậm rãi, tinh tế song trái với không gian ngày ở những đoạn miêu tả không gian đêm Lan Khai sử dụng một lớp từ ngữ chỉ sắc thái như: “úa thẫm”; “mơ hồ”; “lờ mờ”; “âm u”;

“mờ tỏ”; “đìu hiu man mác”; “tê tái” “lặng lẽ” tạo một không khí mơ hồ, huyền bí, tĩnh lặng. Ngoài ra, ông còn sử dụng bút pháp liên tưởng và so sánh, chẳng hạn như đoạn: “Mặt trăng, như cặp sừng trâu, nằm vắt vẻo trên ngọn núi đằng xa. Sương mù bao phủ sự vật một tấm màn sa trắng. Cảnh núi rừng thành ra một cái gì nó không thể có ở trong cuộc đời” [23, tr.535]. Hay chỉ trong một câu miêu tả con suối Lan Khai đã có hai sự liên tưởng về màu sắc và độ chảy của dòng suối: “…một con suối không tên, nước như mực loãng chảy âm thầm qua hai bờ cỏ rậm như linh hồn giữa nơi hoang tịch đang cố gắng tìm một vật nào ao ước xa thăm thẳm”…cho thấy trí tưởng tượng phong phú của nhà văn, đồng thời tạo sự không khí cô tịch cho không gian miền núi.

Không gian đêm huyền bí, trầm mặc đầy bất trắc hiểm nguy trong các truyện của Lan Khai cũng là không gian thường thấy ở các truyện đường rừng

của các tác giả cùng thời, đặc biệt là Thế Lữ. Ở các truyện của mình, Thế Lữ đã tạo một không gian hoang vắng, tịch mịch, lạnh lẽo, bí ẩn, rùng rợn. Đây là cảnh đêm rừng hoang vắng, lạnh lẽo, khi nhân vật “tôi” đi theo cô gái Thổ vào rừng: “Đám rừng âm u với dãy núi chập trùng tắm trong một bầu ánh sáng rõ ràng và lạnh lẽo. Tiếng ve sang sảng kêu rang như đã kêu từ mấy thế kỉ; bóng trăng theo đó mà rung lên ở ngọn cỏ, bụi cây”. Hay khung cảnh hãi hùng, hiểm trở nơi rừng xa: “Tiếng thác nước nghe thấy từ lâu, bấy giờ đang rồn rã, cuồn cuộn ở phía dưới chân…rải rác có những tảng đá lớn: nước thác chảy như xiết, ầm ầm từ một nẻo khuất giữa hai chân núi, vòng khúc rắn xông ra…” (Một đêm trăng). Thế Lữ cũng chú ý mô tả những âm thanh phát ra từ đêm khuya tạo không khí ghê sợ. Chẳng hạn như những tiếng cười, tiếng khóc phát ra từ hang Văn Dú trong truyện Vàng và máu: Mỗi khi sụt sùi mưa gió lại văng vẳng như có tiếng khóc thảm thiết lẫn với tiếng cười gằn;

chốc chốc lại một cơn gió là là mặt đất chạy qua, cửa hang bỗng gầm rít lên một cách giận dữ”. Đái Đức Tuấn cũng đã tạo ra một không gian đêm huyền bí, hoang liêu, xa vắng: “Ngoài thềm, tiếng trùng than dế khóc ầm ỹ tỉ tê như một khúc nhạc rầu rĩ êm đềm. Vài chiếc lá khô, thỉnh thoảng bị gió bạt khỏi cành, xào xạc rơi xuống mặt sân gạch. Gió từng luồng nhẹ, chốc chốc rúc vào khe cửa, rên lên một tiếng não nùng như tiếng thở dài” (Ai hát giữa rừng khuya). Còn đây là không gian mờ mờ, ảo ảo, huyền bí nhưng cũng đầy chất thơ trong Lan rừng của Nhất Linh: “…trăng đã lên cao, sương đã tan hết. Trời trong lắm, nên những ngọn núi trông như ở sát ngay cạnh nhà, mấy giải rừng đen trên ngọn núi in rõ nền trời đầy sao”…

Có thể thấy, cũng là những không gian đêm ở núi rừng hoang vu, lạnh lẽo, bất trắc, hiểm nguy với những âm thanh đêm tạo nên cái huyền bí, rùng rợn. Nhưng không gian đêm ở các truyện của Thế Lữ, Đái Đức Tuấn lại khiến con người liên tưởng đến thế giới ma quái, yêu tinh và tạo cảm giác tò mò lẫn

sợ hãi cho người đọc. Còn truyện của Lan Khai khiến người đọc vừa sợ hãi, vừa đau xót trước những thảm kịch con người gieo rắc cho nhau. Không gian đêm ở vùng cao trong truyện đường rừng của Lan Khai vừa mơ hồ, xa vắng, vừa lặng lẽ, hoang lạnh, vừa bí ẩn, huyền hoặc vừa có vẻ linh thiêng ma quái.

Nơi đó như lời của nhân vật người kinh trong Suối Đàn (và là hiện thân của tác giả): “đêm trong sáng nhưng lạnh buốt và bất trắc lắm”. Hình tượng không – thời gian này là bức tranh hiện thực tối tăm của đời sống con người nơi đây, là hiện thân cho cách sống, cách ứng xử còn “rừng rú”, hoang dã, tự nhiên của một bộ phận con người miền núi những năm 1930 -1945.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật truyện đường rừng của lan khai (Trang 80 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)