CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG
2.3. Phân tích đánh giá thực trạng công tác quản lý đầu tư và xây dựng của Tổng cục DTNN thời gian qua
2.3.5. Quản lý công tác đấu thầu
Công tác đấu thầu thực hiện theo quy định Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29/11/2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội và Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và Lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng, từ thực tiễn của công tác đấu thầu đối với các dự án đầu tư rút ra một số nhận xét sau:
- Hệ thống pháp lý về đấu thầu đã được hình thành và luôn luôn được hoàn chỉnh cho phù hợp, là một công cụ để toàn xã hội giám sát các hoạt động của các Ban quản lý, Chủ đầu tư; làm cho việc sử dụng vốn của Nhà nước có hiệu quả.
- Hiệu quả qua đấu thầu trước tiên là ở chỗ thông qua đấu thầu chúng ta lựa chọn được nhà thầu đủ kinh nghiệm và năng lực để thực hiện công việc theo yêu cầu.
Nhà thầu phải có giải pháp khả thi để thực hiện công việc được giao và đảm bảo trúng thầu không được vượt giá gói thầu và giá dự toán được duyệt.
- Hiệu quả của đấu thầu chính là tạo ra sự cạnh tranh để làm động lực cho sự phát triển, trên cơ sở bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế; kết quả là đã lựa chọn được các nhà thầu có đủ năng lực thiết bị, con người và tiền vốn đảm đương được công trình của ngành, đáp ứng được tiến độ và chất lượng khi thực hiện các gói thầu xây lắp chính của công trình (công trình kho dự trữ: Hòa Khương – Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Bình Nghi; Nhà Văn phòng Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên ...).
- Tiết kiệm được nguồn vốn đầu tư
- Thông qua đấu thầu công tác giải ngân, thanh quyết toán nhanh gọn hơn. Các công trình đưa vào sử dụng đúng tiến độ sớm phát huy được hiệu quả.
- Công tác đấu thầu đã được toàn xã hội quan tâm.
Kết quả thực hiện công tác đấu thầu giai đoạn 2007 – 2011 theo bảng 2.5 và
bảng 2.6 sau:
Bảng 2.5: Tổng hợp kết quả thực hiện công tác đấu thầu giai đoạn 2007 – 2011
Đơn vị: triệu đồng
TT Nội dung Năm
2007 Năm
2008 Năm
2009 Năm
2010 Năm 2011
1 Tổng số gói thầu 27 35 41 48 39
2 Tổng giá gói thầu 85.459,00 99.221,00 118.487,00 132.111,00 107.340,00 3 Tổng giá trúng thầu 85.322,27 99.012,64 118.167,09 131.648,61 106.889,17 4 Tiết kiệm trong đấu
thầu 136,73 208,36 319,91 462,39 450,83
5 Tỷ lệ giảm giá 0,16% 0,21% 0,27% 0,35% 0,42%
Nguồn: Vụ Tài vụ - Quản trị - Tổng cục DTNN
Bảng 2.6: Tổng hợp tỷ lệ áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu giai đoạn 2007 – 2011
Năm Số gói thầu đấu thầu rộng rãi
Số gói thầu đấu thầu hạn chế
Số gói thầu chỉ định thầu và các hình
thức khác
Tổng số gói thầu
2007 8 10 9 27
Tỷ lệ (%) 29,63 37,04 33,33 100
2008 9 8 18 35
Tỷ lệ (%) 25,71 22,86 51,43 100
2009 15 5 21 41
Tỷ lệ (%) 36,59 12,20 51,22 100
2010 11 0 37 48
Tỷ lệ (%) 22,92 0,00 77,08 100
2011 12 0 27 39
Tỷ lệ (%) 30,77 0,00 69,23 100
Nguồn: Vụ Tài vụ - Quản trị - Tổng cục DTNN
Tuy nhiên, trong những năm qua, quản lý công tác đấu thầu còn bộc lộ những hạn chế:
- Về thời gian thực hiện:
Việc triển khai các gói thầu thuộc một dự án chưa có sự phối hợp thực hiện các gói thầu, thời gian thực hiện và tiến độ thực hiện giữa các nhà thầu chưa đồng bộ, dẫn đến có trường hợp khi đã có đầy đủ vật tư, thiết bị thì gói thầu xây lắp lại chưa triển khai hoặc khi đã ký hợp đồng xây lắp nhưng chưa triển khai được do phải chờ vật tư. Bên cạnh đó, nhiều dự án sau khi đã được phê duyệt dự án đầu tư nhưng không tổ chức đấu thầu ngay, dẫn đến việc phải điều chỉnh bổ sung khi có thay đổi của Nhà nước và ngành về định mức và đơn giá vật tư, vật liệu. Điển hình như trong giai đoạn 2007 – 2011, các dự án của Tổng cục DTNN bị kéo dài, do trong thời gian này Nhà nước có nhiều thay đổi về quy định trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản và đấu thầu (điều chỉnh đơn giá nhân công, các chi phí dự toán, quản lý dự án, …) nên các dự án chưa triển khai bắt buộc phải điều chỉnh, bổ sung theo đúng quy định.
- Về hồ sơ mời thầu: Hồ sơ mời thầu (HSMT) phải tuân thủ theo bộ mẫu hồ sơ mời thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở bộ mẫu hồ sơ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn những tồn tại sau đây:
Khi đấu thầu các Chủ đầu tư đã thành lập ra nhiều tổ chuyên gia giúp việc hoặc thuê các đơn vị tư vấn đấu thầu để đấu thầu mua sắm vật tư, xây lắp. Mỗi tổ chuyên gia giúp việc hoặc đơn vị tư vấn đấu thầu đưa ra một bộ HSMT khác nhau cho gói thầu mà mình chịu trách nhiệm, do đó các gói thầu có nội dung giống nhau (gói thầu san nền, xây nhà làm việc có quy mô tương tự) vẫn có sự khác nhau về nội dung và hình thức, các tiêu chí lựa chọn nhà thầu. Một số mẫu hồ sơ vẫn nêu yêu cầu cụ thể về chủng loại Model, xuất xứ của hàng hóa, chủng loại vật liệu yêu cầu cung cấp (chưa phù hợp với khoản 5 điều 12 của Luật đấu thầu). Theo khoản 2 điều 23 của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ Hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng: trường hợp đặc biệt cần thiết phải nêu nhãn hiệu, catalô của một nhà sản xuất nào đó, hoặc hàng hoá từ một nước nào đó để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về mặt kỹ thuật của hàng hóa thì phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu,
catalô hoặc xuất xứ nêu ra và quy định rõ khái niệm tương đương nghĩa là có đặc tính kỹ thuật tương tự, có tính năng sử dụng là tương đương với các hàng hóa đã nêu.
Quy định thời gian tối thiểu chuẩn bị hồ sơ mời thầu chưa chính xác, chuẩn bị số lượng hồ sơ mời thầu để bán cho các nhà thầu chưa đầy đủ, có gói thầu thời gian ngắn hơn so với quy định tại Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009.
Hồ sơ mời thầu của một số gói thầu còn sơ sài, không đầy đủ, không theo đúng trình tự của HSMT mẫu. Có trường hợp HSMT đưa ra các điều kiện tiên quyết để loại bỏ hồ sơ dự thầu còn chưa đúng với quy định. Có tình trạng do chủ quan, không cẩn thận của Tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu đã đưa ra nội dung thiếu thống nhất giữa tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu.
Có hồ sơ mời thầu xây lắp tiên lượng bóc tách từ thiết kế chưa đầy đủ, chính xác để làm cơ sở pháp lý cho nhà thầu lập giá dự thầu do đó giá bỏ thầu của nhà thầu là không chính xác phải điều chỉnh, ảnh hưởng đến việc đánh giá hồ sơ dự thầu.
* Về đánh giá hồ sơ dự thầu:
Việc đánh giá hồ sơ dự thầu trong một số trường hợp chưa bám sát các yêu cầu cũng như tiêu chuẩn đánh giá nêu trong HSMT, từ đó đưa ra kết luận thiếu căn cứ và kết quả đánh giá đôi khi chưa chính xác.
Trong quá trình đánh giá đã bỏ sót, hoặc thay đổi nội dung của tiêu chuẩn đánh giá đã quy định trong HSMT, cá biệt có những trường hợp không có bảng phân tích đánh giá cụ thể của từng tiêu chí gây khó khăn cho bộ phận thẩm định kết quả đấu thầu.
Đối với một số gói thầu việc đánh giá hồ sơ dự thầu thể hiện trong biên bản đánh giá còn sơ sài, có nhiều sai sót, thiếu chính xác (loại nhà thầu từ bước đánh giá sơ bộ với các lý do không được quy định trong điều kiện tiên quyết nêu tại HSMT, dùng giá dự thầu là giá đánh giá để so sánh, không hiệu chỉnh sai lệch mặc dù HSDT có sai lệch hoặc hiệu chỉnh sai lệch không chính xác dẫn đến giá đánh giá không chính xác).
* Về trình độ cán bộ thực hiện công tác đấu thầu:
Việc phân cấp mạnh của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 đem lại sự chủ động, linh hoạt cần thiết cho các Chủ đầu tư thực hiện trong việc quyết định các nội dung của quá trình đấu thầu. Tuy nhiên, do đội ngũ làm công tác đấu thầu của các đơn vị còn non về nghiệp vụ, nhiều cán bộ không được đào tạo chuyên sâu về công tác đầu tư, đấu thầu phải vừa làm vừa phải học hỏi kinh nghiệm. Đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu của các đơn vị chưa chuyên nghiệp do năng lực còn hạn chế (do phải sử dụng những cán bộ hiện có của cơ quan, việc tuyển dụng những cán bộ công chức có năng lực rất khó khăn, có đơn vị vài năm không tuyển được cán bộ chuyên môn về xây dựng và kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu thầu), còn có những cán bộ chưa nắm vững các quy định về luật và các văn bản dưới luật về đấu thầu hoặc không cập nhật đầy đủ các thay đổi về quy định trong đấu thầu dẫn đến đôi khi còn làm việc theo cảm tính và suy nghĩ chủ quan của mình hơn là các cơ sở pháp lý, khi có những tình huống xảy ra trong đấu thầu đã xử lý chưa tốt làm ảnh hưởng đến kết quả thầu, có trường hợp phải hủy thầu và thực hiện đấu thầu lại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và thiệt hại về mặt kinh tế.
Một số gói thầu mua sắm thiết bị, xây lắp theo công nghệ mới, có các yêu cầu cao về kỹ thuật, một số thành viên tham gia tổ chuyên gia đấu thầu chưa thực sự có đủ trình độ chuyên môn để hiểu rõ về các thiết bị mang tính đặc thù riêng của ngành, nhiều khi còn ỷ lại vào ý kiến của đơn vị tư vấn mà thiếu xem xét kiểm tra, gây ra các sai sót không đáng có và đùn đẩy trách nhiệm lên các đơn vị thẩm định.