CHƯƠNG 3 ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG CỦA TỔNG CỤC DTNN
3.1. Cơ sở pháp lý và định hướng phát triển của Tổng cục DTNN giai đoạn 2011 – 2020
3.1.3. Quy hoạch phát triển ngành Dự trữ quốc gia
Quyết định số 94/QĐ-TTg ngày 17/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTNN đến năm 2020 đã nêu rõ mục tiêu, quan điểm và định hướng phát triển quy hoạch đầu tư xây dựng hệ thống kho DTNN, cụ thể như sau:
3.1.3.1. Mục tiêu
Quy hoạch đầu tư xây dựng hệ thống kho DTNN đảm bảo tốt nhất việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của DTNN: sẵn sàng, chủ động đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc
phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác của Nhà nước.
Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kho dự trữ đồng bộ, hiện đại được bố trí theo vùng, tuyến chiến lược phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của vùng, lãnh thổ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa công tác bảo quản và quản lý hàng DTNN.
3.1.3.2. Quan điểm
1. Về bố trí mạng lưới kho DTNN.
- Quy hoạch bố trí các điểm kho đảm bảo tính phối hợp liên hoàn của toàn bộ hệ thống theo tuyến, vùng lãnh thổ về kinh tế, an ninh, quốc phòng nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu nhiệm vụ chính trị của DTNN trong giai đoạn mới.
- Quy mô về công suất, cơ cấu của hệ thống kho dự trữ phải đáp ứng nhu cầu dự trữ vật tư, hàng hóa trên từng vùng lãnh thổ về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành, địa phương và vùng lãnh thổ.
- Quy hoạch các địa điểm kho DTNN phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chung của địa phương, của quy hoạch vùng chiến lược kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo tính lâu dài và ổn định của hệ thống kho DTNN.
- Rà soát đánh giá mạng lưới kho hiện có, xác định những điểm kho đủ điều kiện tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cấp để đưa vào quy hoạch, hạn chế dùng đất nông nghiệp xây dựng kho mới, đồng thời bổ sung điểm kho mới đảm bảo quy mô của toàn hệ thống và yêu cầu nhiệm vụ trên từng vùng lãnh thổ về kinh tế, an ninh, quốc phòng.
2. Quan điểm về đầu tư xây dựng các điểm kho DTNN.
Xây dựng các điểm kho tập trung đồng bộ với quy mô đủ lớn, công nghệ và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế vùng lãnh thổ và nền kinh tế chung của cả nước.
Bố trí điểm kho phải phù hợp với nhu cầu bảo quản theo chủng loại, mức dự trữ để thực hiện nhiệm vụ chính trị của DTNN trên địa bàn, đồng thời đảm bảo quy mô công suất kho để thực hiện đầu tư kho chuyên dùng cho từng mặt hàng hay
nhóm hàng nhằm khai thác tối đa trang thiết bị kỹ thuật của điểm kho. Nghiên cứu lựa chọn áp dụng công nghệ bảo quản tiên tiến, hiện đại; xây dựng tiêu chuẩn kho và “điển hình hoá” mô hình điểm kho DTNN.
Kho được đặt tại các nơi không bị ngập úng, thuận lợi về giao thông, gần trung tâm công nghiệp, khu kinh tế tập trung, các khu đô thị, các khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh và gần các đầu mối giao thông, cảng biển. Diện tích đất của điểm kho phải đủ lớn, đủ điều kiện áp dụng đồng bộ công nghệ bảo quản, cơ giới hoá công tác xuất nhập hàng hoá và tự động hoá quá trình bảo quản.
3.1.3.3. Định hướng phát triển
Từng bước xác định, cân đối lại hệ thống kho cho phù hợp với nhiệm vụ được giao trong từng giai đoạn. Rà soát đánh giá các điểm kho, những điểm kho hiện có vẫn nằm trong quy hoạch và những kho tiếp tục chứa hàng dự trữ khi chưa xây dựng được kho mới theo quy hoạch thì sửa chữa, cải tạo, tiếp tục chứa hàng dự trữ, bảo đảm đủ kho bảo quản hàng DTNN trong từng giai đoạn; những điểm kho không phù hợp yêu cầu của quy hoạch, tiến hành thanh lý thu gọn số điểm kho của toàn hệ thống.
Bổ sung xây dựng những điểm kho mới tập trung, quy mô đủ lớn và đầu tư đồng bộ công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật; áp dụng công nghệ tin học tiên tiến trong quản lý hoạt động DTNN.
3.1.4. Sự cần thiết phải hoàn thiện công tác quản lý đầu tư xây dựng của Tổng cục DTNN
- Thứ nhất, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý đầu tư xây dựng nhìn chung chưa thật rõ ràng, đầy đủ, vẫn còn chồng chéo, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ, tính pháp lý chưa cao, thiếu chế tài cần thiết ... và việc thay đổi còn chưa có lộ trình rõ ràng, khó dự đoán. Các Luật liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng chỉ mang tính khái quát, chưa thật chi tiết, do đó khi Quốc hội ban hành Luật, một thời gian sau Chính phủ mới ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, tiếp đến các cơ quan quản lý mới ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành (Thông tư, Quyết định ...), trong thời gian chờ đợi hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước thì các cơ quan quản lý và thực hiện công tác đầu tư xây dựng
gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng.
Ngoài ra, hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật rất yếu; vẫn có nhiều cá nhân coi thường và vi phạm pháp luật không được xử lý nghiêm và kịp thời.
Hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng nói riêng còn chưa đồng bộ, nhiều bất cập. Hoạt động đầu tư và xây dựng là lĩnh vực rất phức tạp, có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp trong khi việc xây dựng quy chế quản lý thường được tiến hành trong một thời gian ngắn, mang tính chắp vá, thiếu đồng bộ, mới đáp ứng được yêu cầu trước mắt mà chưa có tính dài hạn. Một số vấn đề mới nảy sinh cũng chưa được đề cập đến.
+ Đối với công tác đấu thầu: Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/ 2005, sau đó Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng và số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008; số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009, trên cơ sở đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới ban hành hướng dẫn, biểu mẫu về kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu (xây lắp, mua sắm hàng hóa, tư vấn ...).
+ Đối với công tác quản lý đầu tư và xây dựng: Luật Xây dựng được ban hành ngày 26/11/2003, đến năm 2005 Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và hiện nay là Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 và số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, trên cơ sở đó Bộ Xây dựng mới ban hành hướng dẫn để thực hiện.
Nhìn chung các Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn thi hành còn thiếu các quy định chi tiết, thiếu các chế tài cần thiết để kiểm tra, kiểm soát, cơ chế kiểm soát hiện có vừa cồng kềnh, vừa chồng chéo. Bên cạnh đó, còn có những tồn tại ngay trong nội dung của quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành: chưa đủ rõ ràng và chưa được hiểu một cách thống nhất; vận dụng trong thực tế cuộc sống
rất khó khăn; chưa phù hợp với thực tế khách quan. Ngoài ra, khả năng xử lý hành chính của nước ta tương đối chậm và chưa tốt, ảnh hưởng đến công tác đầu tư và xây dựng.
- Thứ hai, quản lý đầu tư tốt sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, tiết kiệm, đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công, nhất là trong những năm tới quy mô, số lượng dự án tăng, thiết bị công nghệ ngày càng hiện đại. Chất lượng của các dự án đầu tư ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dự trữ hàng hóa và ảnh hưởng tới nhiệm vụ của Tổng cục DTNN.
- Thứ ba, công tác đầu tư và xây dựng cơ sở vật chất của Tổng cục DTNN được Nhà nước quan tâm đầu tư trong thời gian qua, tuy nhiên nguồn nhân lực thực hiện công tác đầu tư xây dựng vừa yếu, vừa thiếu, không đáp ứng được chất lượng và tiến độ thực hiện các dự án. Mặt khác, tổ chức bộ máy làm công tác đầu tư xây dựng cơ bản của Tổng cục DTNN chưa được tổ chức tốt cũng là một yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến công tác quản lý đầu tư xây dựng ...
- Thứ tư, công tác chuẩn bị các nguồn lực để đáp ứng thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của ngành DTNN theo yêu cầu của Chính phủ trong Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia và Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTNN đến năm 2020 chưa được đầy đủ về con người quản lý, nguồn vốn và kế hoạch vốn đáp ứng theo từng giai đoạn theo Quy hoạch.
Vì vậy, việc hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư đạt được mục tiêu đề ra là hiện đại hóa ngành dự trữ là rất cần thiết và cấp bách. Trước mắt, Tổng cục DTNN phải có những định hướng và các giải pháp cụ thể, trong đó tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý đầu tư xây dựng, đồng thời với hoàn thiện công tác quản lý, điều hành và các giải pháp bổ sung nguồn vốn hàng năm theo Quy hoạch đã được duyệt.